Chuyện tình trên núi thủng

Thứ năm, ngày 17-08-2023, 10:10| 615 lượt xem

Truyện ngắn của Đinh Minh Sơn

Minh họa của Tân Hà

 

 

Cái oi nồng, nóng bức của cái nắng mùa hè nhiều hôm thật là khủng khiếp. Ở mọi nơi những người có điều kiện thì thi nhau lên rừng, xuống biển để tránh nóng, còn chí ít cũng ngồi trong những ngôi nhà hình hộp mà bật điều hòa. Nhưng đối với cái làng Vòng này, kể cả thời tiết có lên đến bốn mươi độ vẫn là cứ mát. Tối đến chỉ cần một cái quạt nhỏ, một chăn mỏng đắp ngang bụng là ngủ tới sáng. Cái làng Vòng ấy chỉ cách đô thị chừng hai mươi ki-lô-mét, đường đi quanh co khúc khuỷu, nghe đâu ngày xưa thuộc vùng một ba lăm thì phải. Làng Vòng nằm dưới chân những cánh rừng xanh ngắt, có những vách núi đá cao, ngày đêm thở ra hơi của lòng núi, mùa hè thì mát rượi, mùa đông lại bồng bềnh trôi như những dải lụa bay quanh núi. Có những mạch nguồn chăm chỉ tí tách ngày đêm. Từ đời này sang kiếp khác, cứ tích tụ lại với nhau thành thác, rồi thành những con suối nhỏ, chảy xuống vùng thấp. Trẻ con, người lớn trong làng, khi trời nóng chỉ cần ra ngâm mình một lát đã cảm thấy lạnh. Hơn nữa ngoài những cánh rừng nguyên sinh, những đồi cây công nghiệp thì vô vàn tre nứa, sau này khi người dân đưa cây măng tre Bát Độ vào trồng để khai thác măng thì từ ngoài đường vào, từ khe suối, những nơi đất cằn, xung quanh nhà, đâu đâu cũng thấy măng Bát Độ. Nếu ai đã từng đi giữa những ngày hè đổ lửa, dừng chân nghỉ ở những búi tre ấy, mới được thưởng thức cái mát từ tre, mai tỏa ra, lại nghe tiếng kẽo kẹt của những cây tre, cây mai cọ vào nhau, như những lời ru mê hoặc, thì chỉ muốn ngả lưng ngủ một giấc.

Làng Vòng có chừng năm sáu mươi hộ dân, nhà nọ cách nhà kia khá xa, ở cuối làng là gia đình ông Tư. Ông Tư người cao to khỏe mạnh, vợ ông một phụ nữ vùng chiêm trũng chịu khó, chăm chỉ cả ngày hết lên rừng phát cỏ dại, thu hoạch măng, lại chăm đàn cá, đàn gà, con lợn, con trâu cũng hết ngày, hết buổi. Cậu con nhỏ đang học lớp mẫu giáo ở làng.

Cái ngày đó, khi từ chiến trường trở về, anh Tư ngắm làng mình nơi sinh ra và lớn lên, không khỏi bùi ngùi xót xa khi vẫn là những ngôi nhà tiêu điều, cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu vẫn còn hiện hữu, vẫn chỉ là lúa ngô, khoai sắn. Những lò sấy sắn ngô đỏ lửa khi vào vụ. Học hành với lũ nhỏ chỉ là thứ yếu, vẫn cái vòng luẩn quẩn sinh ra, lớn lên, dựng vợ, gả chồng, đẻ con, phát nương, trồng ngô, trồng sắn mà chỉ chục năm sau gả chồng, cưới vợ cũng đã kịp sản sinh ra bốn, năm đứa con. Cứ cảnh này biết bao giờ mới ngóc đầu lên được.

Tư ở với vợ chồng em chú một thời gian, ngôi nhà gỗ rộng rãi do bố mẹ để lại cho hai anh em. Nhưng cứ ở chung như vậy cũng nhiều cái bất tiện. Một hôm Tư bàn với vợ chồng em chú:

- Có lẽ anh sẽ ra ở riêng chú thím ạ.

- Anh cứ ở đây, nhà rộng, đất rộng việc gì phải đi đâu nữa.

- Không, anh muốn ở một khoảng riêng, quê mình ở đây đất rừng còn nhiều, anh sẽ lên xã xin cấp đất, giao rừng.

Biết tính anh trai mình, hai vợ chồng người em chú không cản nữa, Tư nói là làm, mất gần một tuần đi ngắm nghía từ núi này sang núi kia, đồi này sang đồi nọ. Với kinh nghiệm của một lính trinh sát, cuối cùng Tư cũng đã tìm cho mình một quả đồi nằm ngay dưới chân núi Thủng, xung quanh cũng còn nhiều quả đồi đã bị chặt hạ hết cây rừng, chỉ còn những bụi cây lúp xúp, cách làng chừng nửa tiếng đi bộ. Gọi là núi Thủng vì đây là một ngọn núi đá cao, lưng chừng núi có một cái hang động, xiên từ bên này sang bên kia núi, trên đỉnh có nhiều mạch nước ngầm, cả ngày lẫn đêm cứ tí tách âm thầm đọng lại, tạo thành những rãnh nước nhỏ, đọng lại trước cửa hang, thành một cái hồ nhỏ hướng về phía làng. Từ cái hồ này chảy tràn xuống, càng xuống thấp càng to dần, trở thành một con suối trong vắt chảy qua làng. Người dân trong làng từ xưa đến nay đều dùng nước của con suối này.

Khi lên xã làm thủ tục xin đất, giao rừng. Biết Tư là bộ đội xuất ngũ, ông Chủ tịch xã mừng lắm, cho người xuống tận nơi xem xét, ngoài quả đồi để ở, ông còn giao cho những quả đồi xung quanh, cho anh quản lý trồng cấy.

Vợ chồng em chú cùng bà con trong làng dựng cho anh một ngôi nhà tạm bằng tre nứa, xã cũng cho người tới giúp, rồi người giúp cái nồi, cái kiềng, cái chảo, mâm bát mang tới giúp cho anh.

Là người từ nhỏ đã thích chăn nuôi, nhất là cá, anh cũng nhờ mọi người đào ao, cứ dần dần, cuối cùng cái ao vuông vắn rộng tới hàng sào cũng được hình thành. Anh bắt nước mạch từ núi Thủng về ngay cạnh nhà để dùng, nước chảy ngày đêm xuống ao, rồi lưu thông ra mấy thửa ruộng gần đấy.

Sau Tết năm ấy khi ao đã thả cá, sắn ngô được trồng, đã hòm hòm mọi việc, trong lúc nông nhàn, nghe nói bên Yên Bái nhiều người đi đào đá đỏ trúng lắm. Anh cùng với mấy thanh niên trong làng cũng sắm sửa xà beng, cuốc xẻng, bắt xe sang khu vực tìm kiếm đá đỏ. Được gần một tuần, đá đỏ đâu chẳng thấy, chỉ thấy đánh nhau, trấn lột, nghiện hút, mọi người bỏ về hết, chỉ còn Tư và thằng Huy cố trụ lại, rồi cũng gạo hết, tiền hết đành lếch thếch ra về. Vượt được gần chục ki-lô-mét đường rừng thì trời đã tối, cái tối ở vùng rừng đến nhanh ầm ập, chỉ cần mặt trời khuất núi là rừng núi đã sẫm lại. Thằng Huy sợ lắm vì chưa lần nào nó xa nhà và đi xuyên rừng thế này, nó run run nói:

- Anh Tư ơi, tìm chỗ nào nghỉ tạm đi,  em đói và sợ lắm.

- Cố đi một lát nữa xem có nhà dân nào xin vào nghỉ tạm, sáng mai đi tiếp, có gì đâu mà sợ. Đúng là thanh niên hoi, Tư vừa động viên vừa đùa.

Đi mò mẫm khoảng nửa tiếng sau, Tư phát hiện phía xa trên một quả đồi có ánh đèn le lói, liền nói với Huy:

- Kia rồi, cố lên.

Đến gần quả đồi, hai người ngồi nghỉ vừa quan sát, rồi Tư bàn với Huy:

- Cứ bình tĩnh nhé, ở đây trộm cắp nhiều người dân họ rất cảnh giác, mà nhà nào cũng có súng kíp. Khi họ nói gì phải nghe, không được bỏ chạy, chạy là chết đấy.

Hai người tiến về phía ngôi nhà, ánh sáng trong nhà hắt ra, Tư thấy đây là căn nhà gỗ lợp ngói, cửa ra vào đóng kín, trong nhà đang nấu ăn buổi tối, mùi thức ăn bay ra thơm lừng, cả hai đã đói lại càng thêm cồn cào ruột gan.

Tư mạnh dạn vừa gõ cửa vừa gọi:

- Có ai ở nhà không ạ?.

Trong nhà không có tiếng ai trả lời, bỗng phía sau có ánh sáng quắc của đèn pin chiếu thẳng vào hai người, kèm theo một tiếng quát đanh gọn:

- Đứng im, giơ tay lên!.

Tư rất bình thản giơ hai tay lên, còn Huy run bần bật làm theo.

Tiếng người phía sau:

- Lần lượt từng người một, trong người có bất cứ thứ gì bỏ ra hết.

Cả hai đều làm theo lệnh của người đàn ông. Người đó ra lệnh tiếp:

- Đồng chí Hà lên thu đồ và khám người, còn các đồng chí khác giữ nguyên vị trí sẵn sàng hỗ trợ. (Đòn gió, rung cây…)

Một lát sau có người tiến đến thu hết toàn bộ dao, xà beng, ba lô của hai người bỏ ra xa, bắt hai người giơ cao tay rồi tiến hành khám một cách rất chuyên nghiệp.

Thằng Huy bị khám trước, nó run đến nỗi hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, hai đầu gối nó lắc đi lắc lại như rang lạc. Người khám nó phì cười:

- Cứ bình tĩnh mà run, khéo lại đái ra quần bây giờ.

Đến lượt Tư bị khám, người khám vuốt từ trên xuống dưới, từ trước ra sau rồi nói:

- Tốt, phải bình tĩnh thế chứ.

Người khám bước ra xa lên giọng:

- Báo cáo đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ.

Gần một phút sau mới có tiếng đáp lại:

- Tốt, đồng chí về vị trí.

Tư nghe những câu đối đáp đó cười thầm:

- Chỉ có một người thôi, bài này quen lắm, chắc hẳn tay này cũng là lính như mình đây. Một lúc sau cánh cửa được mở ra, ánh sáng ùa ra ngoài, có một người phụ nữ và đứa trẻ chừng bảy, tám tuổi, đứng nép sau cánh cửa, điều này đúng là kinh nghiệm của đồng bào ở đây, khi mở cửa không bao giờ đứng giữa mà đứng tránh vào một bên, đề phòng bất trắc. Người đàn ông phía sau nói cụt ngủn:

- Vào nhà đi.

Khi bước vào nhà, Tư và Huy được chỉ xuống ngồi chiếc ghế tràng kỷ sát tường, cũng với một câu cộc lốc:

- Ngồi xuống. Còn người đàn ông ngồi ngay chiếc ghế ở đầu bàn.

Tư thầm nghĩ: - Lại đúng bài, vì ở vị trí ngồi này rất thuận lợi khi đối phương có bất kỳ phản ứng nào thì khống chế được ngay.

Trong khi người đàn ông mải pha nước, Tư ngắm nghĩa ngôi nhà, đó là nhà gỗ ba gian rộng rãi, thoáng mát, nền được đổ bê-tông đánh bóng xi-măng đen sì mát rượi. Tiện nghi trong nhà khá đầy đủ, chiếc Tivi Sony được đặt trong tủ, đầu máy Video, xe máy Min-khơ là những vật dụng chỉ có nhà nào giàu mới sắm được như vậy. Lúc bấy giờ, người đàn ông chủ nhà mới bớt nặng nề hơn, rót nước ra chén mời:

- Nào, uống nước đi rồi nói chuyện.

Tư ngắm nhìn người đàn ông:

- Ơ sao nhiều nét quen thế nhỉ, cả vết sẹo dài trên má nữa, cứ ngẩn người ra tìm lục trí nhớ. Thôi đúng rồi, Tư buột miệng hỏi: - Hải có phải không?

Người đàn ông chủ nhà dừng tay, ngước lên cùng đôi mắt tròn xoe, vết sẹo trên má giật giật:

- Ờ tôi Hải đây, có phải... có phải... Tư voi đấy không?

- Đúng rồi, tao đây. Thế rồi cả hai đứng dậy chạy về phía nhau. Cứ thế mà ôm, mà lắc, mà cười, mà khóc trước con mắt ngạc nhiên của thằng Huy và vợ Hải.

Sau một hồi hàn huyên sơ bộ, Hải giục Huy và Tư đi tắm, thay quần áo, còn Hải thì thầm với vợ điều gì đó.

Tắm giặt xong lên nhà, đã thấy mâm cơm được dọn ra, đĩa thịt gà luộc gồm chân đùi, cổ cánh bốc hơi nghi ngút, được rắc lá chanh thái nhỏ xíu, đĩa muối rang trộn ớt, còn kèm theo bát canh chua, bìa đậu phụ, đĩa lạc rang. Nhưng cũng chỉ cần ngần ấy thứ cũng là tuyệt vời lắm rồi.

Hải lấy can rượu nhỏ ra đon đả:

- Nào ngồi xuống, ngồi xuống, tối nay uống thoải mái nhé.

Tư hỏi nhỏ:

- Ông thịt gà lúc nào mà nhanh thế?.

- Tôi thịt theo kiểu giữ khách đấy. Này nhé, gà vặt lông xong chưa mổ vội mà chặt ngay hai đùi, cổ cánh cho vào luộc trước trong thời gian luộc mới mổ gà, làm lòng rồi chế biến. Mổ xong gà thì cổ cánh, chân đùi cũng vừa chín, mời khách uống rượu trước:

- Khà khà, quê tôi thế đấy.

- Thế vợ ông và cháu đâu, gọi lên ăn luôn đi.

- Lát nữa lên sau, mẹ con cô ấy còn xào nấu một lát nữa.

Thằng Huy lúc này mới lên tiếng:

- Ơ còn bao nhiêu người ở ngoài kia nữa.

Tư cười khùng khục: - Chú không đi bộ đội thì không hiểu được đâu, xanh và non lắm, bài cả đấy, làm gì có ai ngoài ông này.

Hải cười theo: - Chuẩn, xin lỗi nhé, vùng này từ  khi làm đá đỏ tới nay, xảy ra nhiều vụ trộm cắp, cho nên mọi người đều phải cảnh giác thế thôi. Rồi thở dài: - Cứ đồn thổi rồi đi kiếm vận may, được thì ít mà đỏ mắt thì nhiều. Đói kém rồi sinh ra làm liều, họ vừa ăn vừa uống, ôn lại những ngày cùng trong quân ngũ, Hải và Tư đều cùng trong tiểu đội trinh sát, khi đánh vào cửa ngõ Buôn Mê Thuột, Hải bị thương nặng chuyển về tuyến sau, còn Tư tiếp tục hành quân theo đơn vị. Sau đó Hải được ra quân và họ bặt tin nhau từ đó.

Tư hỏi thăm về chuyện làm ăn phát triển kinh tế, Hải bộc bạch tâm sự kinh nghiệm về làm ăn và nói: - Thôi chuyện còn dài lắm. Nói có sách, mách có chứng, ông ở một mình khỏi lo cái gì, cứ ở đây với tôi ít ngày, vừa đi thăm vườn rừng của tôi, vừa học tập kinh nghiệm.

Tôi thấy vùng đất bên tôi và bên ông cùng thổ nhưỡng, cùng khí hậu phát triển cây công nghiệp này đều được, ông nghe theo tôi đi. Tôi tin rằng chưa tới chục năm, kinh tế ông sẽ phát triển cho mà xem, cần gì phải đào đá đỏ, đãi vàng xổi lắm, bạc lắm.

Sáng hôm sau Huy xin phép về trước, Hải chở Huy ra bắt xe về, còn Tư ở lại, gần chục ngày đôi bạn chiến đấu thuở nào đi ngắm hết đồi keo này đến rừng đồi tre Bát Độ khác, Tư mê lắm nói với Hải: - Sau đợt này ông giúp tôi đi.

Hải cười khà khà: Ngấm chưa, tương lai đến rất gần rồi đấy. Vàng đấy, đá đỏ đấy chứ ở đâu nữa, ông thấy không những quả đồi kia cây của tôi sang năm đã được khai thác và lần lượt năm nào cũng có nhiều đồi cây lần lượt đến tuổi. Rồi lại trồng lượt khác, còn măng Bát Độ năm ngoái tôi thu cũng được ngót nghét bảy tám tấn rồi đấy, nó cũng là cây chủ lực, cây xóa nghèo. Các loại cây công nghiệp măng Bát Độ đều không kén đất, năng suất cao, giảm chi phí, giảm nhân công. Rồi tôi sẽ đầu tư thêm xe ô tô tải, giờ mới chỉ có hai cái chưa đủ để vận chuyển và sẽ đầu tư một số máy móc, trang thiết bị sơ chế gỗ nữa ông à. Cứ mạnh bạo mà làm, đi trước đón đầu chứ ngành gỗ này không bao giờ có thể đi xuống như các ngành khác, nghề khác mà thời buổi này càng ngày càng phát triển. Ông cứ về chuẩn bị, ít bữa nữa tôi sang xem và đầu tư bước đầu cho, cần thì bao tiêu luôn cả đầu ra nữa, cứ yên tâm.

Trong bữa cơm rượu hôm ấy, ngoài bàn bạc dự kiến trồng rừng, trồng măng ra, đột nhiên Hải nói: - Ờ cũng còn vấn đề này cũng là tối quan trọng đấy, cũng là một yếu tố then chốt đấy, cái yếu tố này ông không có không được đâu.

Tư ngỡ ngàng hỏi:

- Thì yếu tố nào? Ông cứ nói toẹt ra xem nào, chẳng hiểu ông học cách nói úp úp mở mở từ bao giờ vậy?.

Hải lại cười khà khà:

- Cái yếu tố là ông phải lấy vợ hiểu chửa?. An cư mới lạc nghiệp, các cụ dạy rồi, ông ở một mình sao được, có người bên cạnh giúp đỡ nhau, còn cả khi ốm đau nữa chứ.

- Ồ tưởng gì, khó đấy ông ạ. Ở bên quê tôi con gái mười chín đôi mươi là đã lấy chồng hết rồi. Tôi bây giờ ngoài ba mươi thì ế rồi, mà là ế một cách bền vững nhé. Rồi cười.

Cả hai đều im lặng, bỗng Hải vỗ đùi đét một cái:

- Thế mà nghĩ không ra, tôi có cô em họ ở quê lên hiện đang làm trong lâm trường bộ, chuyên ươm cây giống, còn trẻ mới ngoài hai mươi một tí, hiền lành chịu khó lắm, ông không chê chiều mai tôi nhắn em nó ra nhà, ăn cơm để gặp mặt nhé. Nếu được thì thuận lợi cho ông nhiều đấy, vừa có vợ lại vừa có được người đầy đủ kinh nghiệm trong việc trồng rừng. Chính những đồi cây của tôi, cô ấy cũng góp công nhiều đấy. Chiều hôm đó em họ của Hải sang ăn cơm, đó là Liên người đậm chắc, da ngăm đen, nhĩn kỹ có nhiều nét thanh tú, nụ cười đôn hậu, đôi bàn tay chai sạn, ít nói hay cười. Trong bữa cơm vợ chồng Hải có ý bố trí cho hai người ngồi gần nhau, Liên cũng uống một ly rượu, đôi má ửng hồng, thẹn thùng nói với Tư:

- Anh phải ăn nhiều vào đấy, mà lấy sức trồng rừng.

Hải xen ngang:

- Cả cô nữa đấy, đợt này nhiệm vụ của cô là phải giúp đỡ anh Tư trồng rừng nhé.

- Chắc gì anh ấy đã nhờ, Liên cười nói.

- Ấy ấy, anh muốn nhờ em cả đời cơ. Tư buông lời, làm cả nhà cùng cười.

Thế rồi, được sự giúp đỡ của Hải và Liên, cùng nhiều người khác ở lâm trường, chỉ vài tháng sau những đồi trọc của Tư đã được phủ kín cây keo ra hàng ra lối. Còn những đồi măng Bát Độ cũng đã hồi sinh. Từ những khe đá trên núi Thủng, quanh nhà ở chỗ nào cũng có và cũng cuối năm đó Tư và Liên cưới nhau, một đám cưới giản dị nhưng hứa hẹn một tương lai phía trước.

Chỉ hơn chục năm sau, nhà anh Tư đã hoàn toàn đổi mới, ngôi nhà xây khang trang, những rừng cây bạt ngàn, cá dưới ao, lợn gà đầy chuồng không thiếu thứ gì. Đặc biệt là măng Bát Độ mỗi năm cũng thu được hàng chục tấn. Mọi người trong vùng trước đây còn chê bai dị nghị cho rằng hâm, chở củi về rừng thì nay cũng làm theo, lại nhờ sự giúp đỡ cây giống, kỹ thuật của kiểm lâm, phòng nông nghiệp huyện, bộ mặt của làng Vòng đã được hoàn toàn đổi mới.

Nhưng trời không cho ai tất cả, phát triển kinh tế là vậy nhưng vợ chồng anh Tư cũng có nỗi buồn. Liên là người phụ nữ chắc khỏe ít nói, hay cười, lấy công việc là chính, không chịu ngồi yên một chỗ, đã hai lần có bầu, nhưng cả hai lần đều bị hỏng, họ đưa nhau về tận thủ đô để khám mới biết cái lỗi chính là anh Tư, nào là lượng tinh trùng yếu, tỷ lệ sống thấp và đặc biệt một điều không ai mong muốn là anh Tư bị nhiễm chất dộc da cam từ khi còn trong chiến trường. Bác sỹ khuyên không nên có con, mà chọn những giải pháp tối ưu nhất họ cũng làm, nhưng cũng không đạt kết quả. Cả hai vợ chồng buồn lắm, nhất là Liên khi làm thì còn đỡ buồn, nhưng mỗi khi đêm về nghe tiếng trẻ con khóc, cười thì sâu thẳm nỗi khát khao được làm mẹ trong người phụ nữ lại trỗi dậy, nhiều đêm Liên ôm ghì chiếc gối vào ngực mình, tưởng tượng đang cho con bú, rồi khe khẽ hát ru:

Cái cò, cái vạc, cái nông

Ba con cùng béo vặt lông con nào…

                 Hoặc:

Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…

Anh Tư thương vợ bao nhiêu, thì lại dằn vặt mình bấy nhiêu. Nhiều đêm không ngủ anh ra sân hút thuốc lào và nhâm nhi chén rượu và ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu anh.

Hoàng là một cán bộ phòng lâm nghiệp huyện, cũng là lính nhưng thuộc thế hệ bảo vệ biên giới phía Bắc, là người gắn bó với vùng đất này đã lâu, có vợ con ở ngoài huyện. Người dáng thư sinh, hiền lành, thật thà. Từ khi ra quân Hoàng đã theo học tại một trường lâm nghiệp, chuyên trồng cây và bảo vệ rừng, ra trường được cử về huyện công tác, rồi được phân công về một số làng xã, trong đó có làng Vòng để hướng dẫn bà con trồng rừng. Mọi người đều quý mến Hoàng, ai cũng coi Hoàng như người nhà. Đối với làng Vòng, Hoàng hay qua lại nhà anh Tư, có lẽ một phần do đồng cảm giữa hai người lính, lắm khi do mưa gió nhiều, nước suối dâng cao không về được, Hoàng ở lại luôn nhà anh Tư cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thế rồi vào cuối tháng sáu mùa măng Bát Độ năm ấy, bước ngoặt cuộc đời đã tới. Cái bước ngoặt ấy mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhà anh Tư, đặc biệt là Liên bao nhiêu thì cũng chính cái bước ngoặt đó cũng mang lại cho Hoàng những dằn vặt, cắn dứt lương tâm bấy nhiêu.

Sáng hôm đó Hoàng vừa phóng xe vào nhà anh Tư, anh Tư đã chạy ra đon đả:

- A, chú Hoàng, hôm nay ở đây nhé, uống rượu với vợ chồng anh.

- Có mồi gì đấy ạ?.

- À anh vừa mua một cái đùi dê ở làng bên, đang tính gọi chú thì may quá chú lại vào.

Hoàng săng sái:

- Vâng, anh để em giúp một tay.

- Chú cứ để anh về khoản chế biến món dê này, anh thạo lắm. À mà có lẽ chú hộ anh, lên rừng lấy ít măng nữa nhé, chiều nay có xe vào lấy, lo chưa đủ số lượng.

Hoàng và Liên leo lên núi Thủng sau nhà, trên đường chị em trò chuyện vui vẻ, mặc dù Hoàng gọi Liên là chị, nhưng thực tế Liên còn kém Hoàng tới ba tuổi. Lên tới rừng măng, Liên nhanh chóng chọn những cây măng đến tuổi thu hoạch.

Liên, tay cầm con dao nhọn lá lúa, đâm mạnh vào dưới gốc măng và chỉ xoay đi, xoay lại một cái, một tay cầm ngọn măng, một tay xoáy mũi dao rất thành thạo và bẻ, chỉ nghe tiếng ót một cái, thì ngọn măng đã rời khỏi gốc. Hoàng nhặt từng cây măng xếp vào chiếc gùi to, chẳng mấy chốc hai gùi đã lặc lè, Liên nói với Hoàng:

- Anh vào trong hang nghỉ một lát đi, em ra đây một tí

rồi về.

Hoàng bước vào trong hang, cũng không nhớ đã vào hang này bao nhiêu lần rồi mà Hoàng vẫn mê những nhũ đá, tiếng tí tách rơi của từng giọt nước trước cửa hang, bên kia là một táng đá rộng, phẳng như một cái phản. Nhưng cũng ít người biết bên cạnh hang lại có một lối thông nhỏ vừa một người đi lọt, được ngụy trang bằng mấy nhũ đá rủ xuống. Ngồi trên tảng đá Hoàng phóng tầm mắt nhìn đồi núi mênh mông, hít thở không khí trong lành, đón nhận luồng gió mát và hơi nước bốc lên từ cái hồ nhỏ trước hang. Hoàng chợt nhận ra dưới hồ có một người phụ nữ đang bơi, dáng bơi rất thuần thục nhanh nhẹn, Hoàng căng mắt nhìn, người hay nàng tiên cá nhỉ và chợt cười. Với suy nghĩ ngộ nghĩnh của mình, Hoàng nằm xuống tảng đá mát rượi giấc ngủ ùa đến thật êm dịu.

Liên đã tắm xong, mặc lại quần áo, leo lên lách mình qua cửa hang nhỏ bên cạnh. Đến bên Hoàng ngồi xuống mà tim đập thình thịch, lòng dạ rối bời như một kẻ ăn vụng, ngồi ngắm Hoàng ngủ một lát, Liên từ từ nằm xuống bên cạnh, một tay vòng qua người Hoàng, khẽ gọi:

- Anh Hoàng ơi, anh Hoàng.

Hoàng giật mình tỉnh giấc, thấy Liên nằm bên cạnh, hoảng hốt vùng ngồi dậy, nhưng bị Liên ghì chặt:

- Anh bình tĩnh nghe em nói đã:

- Không được thế này đâu chị Liên ơi.

Liên thủ thỉ:

- Em coi anh như người nhà, em biết anh cũng thương vợ chồng em nhiều lắm, nhưng anh ơi, chồng em không thể có con được mà em rất cần có một đứa con, anh thương em, anh cho em xin một đứa, việc này chỉ có anh và em biết thôi.

Hoàng xoay người lại nói nhỏ: - Không, không được đâu, còn anh Tư, còn mọi người. Chị Liên ơi, nhưng như đã quyết từ trước, Liên đã hoàn toàn làm chủ thế trận. Với dáng vóc thư sinh, Hoàng không thể chống đỡ nổi sức vóc của cô thôn nữ đang độ hồi xuân. Bản năng người đàn ông cũng trỗi dậy, Hoàng như bước vào một mê cung sâu thẳm.

Trên đường về, không ai nói với ai một lời nào, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ, Liên thì hi vọng còn Hoàng thì day dứt, dằn vặt.

Trong bữa cơm vẫn như mọi khi, anh Tư vẫn vui vẻ như mọi bữa, còn Hoàng thì ít nói hơn mà lại uống nhiều hơn. Cứ thấy mình như một kẻ phản bội. Chẳng hiểu sao anh Tư ngà ngà say, lại còn đọc thơ nữa chứ, công nhận bài thơ cũng có tứ hay:

Về bản em đi tìm mùa xuân

Về bản em đi tìm tình yêu

Khi con chim rừng líu lo ca hát

Suối reo vui róc rách trong ngần.

..............................................

Bữa cơm ngon trong bản chiều nay

Nâng bát rượu ta trao nhau nỗi nhớ.

Và rồi Liên có thai thật, cái thai ngày một lớn, mọi người đều mừng cho vợ chồng Liên.

Thỉnh thoảng Hoàng cũng vào. Liên cứ vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tới ngày khai hoa kết trái, Liên sinh được một thằng cu, thằng bé kháu khỉnh giống mẹ nhiều hơn. Từ nước da ngăm ngăm khỏe mạnh, thằng bé được đặt tên là Độ, Nguyễn Hữu Độ là tên giấy khai sinh, còn mọi người đặt cho  nó cái tên nghe lạ hoắc để gọi ở nhà “Cu Măng”, Hoàng lờ mờ nhận ra điều đó, chắc đó là Liên cảm ơn mùa măng Bát Độ, đã cho thằng bé có mặt trên đời này.

Cu Măng đã hơn bảy tuổi, ngoài những giờ đến lớp, cũng đã biết lên đồi phát cây, trồng rừng cùng bố mẹ nó và cái lúc hạnh phúc nhất là lúc ông Tư bị đổ bệnh. Mọi người giục ông đi bệnh viện nhưng ông đều từ chối nói:

- Tôi biết bệnh của tôi, cái anh K đã giai đoạn 4 rồi, thì không khỏi được đâu. Ai cũng sợ chết, nhưng cái chết rồi cũng sẽ đến với mỗi người, tôi sẵn sàng chịu đựng, mọi người cứ yên tâm.

Khi ông Tư chết, mãi một tuần sau Hoàng mới đi công tác về, vội vã vào thăm hỏi thắp hương cho ông Tư. Căn nhà trở nên vắng lặng, cu Măng đã đi học, chỉ còn Liên ở nhà. Sau khi thắp hương xong, Liên đứng dậy vào trong buồng mang ra một phong thư được dán chặt, đưa cho Hoàng nói:

- Trước khi mất, nhà em dặn phải đưa tận tay cho anh phong thư này.

 

 

Hoàng run rẩy mở phong thư ra xem. Thư viết ngắn, với những dòng chữ nguệch ngoạc của một người sức tàn lực kiệt:

“Chú Hoàng ơi! khi chú đọc thư này thì anh em mình đã âm dương cách biệt. Trước hết, cho anh ngàn lần xin lỗi, chú đã vì anh và vì gia đình anh mà bao nhiêu năm nay chú phải sống trong dằn vặt, lương tâm của một kẻ phản bội, toàn bộ cái đó là lỗi do anh. Chắc chú Hoàng biết anh là kẻ vô dụng, anh là người có hoa mà không thể kết trái. Anh mang lại cho Liên vợ anh cái quyền làm vợ, nhưng không có quyền được làm mẹ. Cái quyền làm mẹ của người phụ nữ, vô cùng cao quý và thiêng liêng, đó là nỗi buồn lớn nhất cuộc đời anh, nhưng tất cả do chiến tranh chú ạ và anh không thể để cho vợ anh  phải nuôi những đứa con tật nguyền và không để vợ anh phải sống trong cô đơn khi về già, vợ chồng anh đã bàn bạc rất kỹ, phải có một đứa con, nhưng cha của đứa bé phải là người tốt, có lai lịch rõ ràng, người vợ chồng anh chọn chính là chú. Toàn bộ sự việc do chính anh sắp đặt, là người đàn ông chuyện đó có buồn không?. Buồn lắm chứ. Có đau không?. Đau lắm chứ. Anh định trao đổi với chú, nhưng không đủ can đảm và biết chú cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Nhưng người lính ở chiến trường còn chẳng tiếc máu xương của mình, huống hồ hi sinh tất cả vì tương lai chú ạ. Chú là người đã mang lại hạnh phúc cho gia đình anh, anh và gia đình cảm ơn chú nhiều lắm, mong chú cảm thông cho anh.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, anh muốn chú vẫn giữ mối quan hệ tốt như trước đến nay, giành thời gian bảo ban cu Măng giúp cho anh, nó là đứa trẻ ngoan, hiền và thông minh”.

Khi xem xong lá thư này, chú nhớ hóa ngay trước bàn thờ cho anh nhé.

Vĩnh biệt chú!

Bức thư vẻn vẹn chỉ có vậy. Nước mắt lưng tròng, Hoàng thốt lên gọi:

- Trời ơi, anh Tư ơi!. Rồi run run châm lửa hóa bức thư.

Ngoài trời cơn mưa mùa hè chợt ập đến, tiếng sấm rền vang vọng vào vách núi, rồi dội ngược ra, nghe như tiếng người xưa vọng lại.

Đ.M.S

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 164 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 461 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 87 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 27 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 26 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 19 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 108 lượt xem