Bạn thơ

Thứ năm, ngày 17-08-2023, 10:14| 572 lượt xem

Truyện ngắn của Doãn Hồng Giang

Minh họa của An Bình

 

Em nhắn tin cho tôi, rủ tôi đi chơi một chuyến. Em bảo em vừa phát hiện ra một giọng điệu thơ rất lạ. “Phải là người có phông văn hóa rộng, nền tảng kiến thức uyên thâm và vốn sống dày dặn mới viết được những dòng thơ như thế”. Thỉnh thoảng em còn đưa lên trang cá nhân của mình những bài thơ khá hay của một người có bút danh là Quốc Trung. Chỉ mỗi tội là không có ảnh đại diện, nên tôi chịu, không biết người này là ai? Sống ở đâu và đang làm gì? Gặng mãi em mới he hé: “Ở gần nhà anh thôi, bán kính tự chỗ anh ở độ hai chục cây đổ lại...”. Ôi giời, hai chục cây mà em nói là gần? Đúng là đường rừng có khác. Gặng thêm em mới mở hé một tí, trả lời câu hỏi của tôi bằng câu hỏi lại của em: - Anh có lên Toóc Nặm bao giờ chưa? Tôi bảo chỗ ấy tôi không lạ. Thủa “hàn vi” của mình không biết bao nhiêu lần tôi đi ngang qua đó. Chỗ có cái hang đá sâu hun hút, chạy quanh co vòng vèo xuyên ngang quả núi đá. Hang này có lần tôi từng qua hồi đi tìm đá thạch anh. Đó là một hang sâu, trần hang lơ lửng vô vàn nhũ đá óng ánh buông thõng  xuống, tựa hồ bức rèm tự nhiên, kéo xuống từ trên trần hang... Tiếng nước loong boong, tạo thành âm thanh nhiều sắc điệu, gần xa vọng vào vách đá, tạo thành âm thanh khó tả. Người trong vùng theo đặc điểm ấy mà có tên gọi cho hang theo tiếng Tày là Tóoc Nặm (nước rơi). Lâu ngày gọi chệch sang tiếng Kinh thành Tốc Nấm.

Em là kỹ sư lâm nghiệp ở một huyện mãi cuối tỉnh, xa cả trăm cây số, đi đâu lên đây mà gặp người, mà quen biết Quốc Trung? Ngay như tôi ở đây, chả xa gì nói ở gần đấy mà có biết anh là ai đâu? Tôi hỏi việc này, em bảo: - Cuối năm ngoái có cuộc giao lưu, trao đổi  về nghề rừng giữa hai huyện, em có lưu lại Tốc Nấm ít ngày. Mẹ em cần có chút mật ong rừng, thứ mật ong chính cống chứ không phải mật lấy từ ong nuôi, nhân chuyến công tác bảo em cố tìm về cho mẹ một ít. Có người mách em đến lán Quốc Trung đang làm nương ở đấy có thể có. “Đấy là lần đầu bọn em gặp nhau như một tình cờ”.

Lần sau nữa lại gặp Trung dưới huyện nhà. Anh ấy có người bà con ở khu mỏ thiếc cũ gọi là xã Kháng Nhật. Chưa biết đường vào mỏ, Trung hỏi thăm, tình cờ hai người gặp nhau. Em mời Trung vào nhà uống nước. Đúng là duyên kỳ ngộ. Không biết trời xui đất khiến thế nào, hôm ấy em lại để tập thơ của mình vừa được in trên mặt bàn. Anh ta cầm lên xem, đọc chăm chú và có vẻ thích thú lắm. Không hẹn mà có cuộc hội ngộ về thơ ca mấy tiếng đồng hồ.  Chồng em hiền lành lại hơi ngô ngố. Nói anh thông cảm không phải em chê hay khinh thường anh ấy. Đàn ông mà lành hiền quá cũng không nên. Cũng có khi vì sự hụt hẫng này mà ngoài chuyên môn ra em đốc chứng sính thơ phú. Cũng là thứ để bù đắp cho sự thiếu hụt tinh tế từ ông xã nhà em. Được cái chàng vui và an phận, chưa phản ứng lần nào. Tôi ngẫm ra rằng: “Ở đời nếu có duyên với nhau, người ta thế nào cũng gặp. Chỉ có điều là chóng hay trầy mà thôi”. Chuyện của họ là thế. Câu chuyện tưởng đâu chẳng liên can gì đến mình. Vậy mà nể em, tôi vẫn nhận lời, đi tìm Quốc Trung dù chưa biết anh ấy là ai? Chúng tôi chạy xe máy lên Ba Chạc, đến nhà bà Sáu Xay gửi xe. Từ đấy tính đi bộ vào Tốc Nấm vì nghĩ đường chưa trải bê tông đến tận nơi còn đường đất như mọi khi. Có nhẽ gần chục năm tôi không qua đây vì chả có công việc gì nên hầu như không biết, ngày nay đường đã khác xưa. Khi buồn hay cả nghĩ. Có lẽ tôi không thể quên ký ức của thời tưởng chừng xa xôi ấy. Hôm nào nhà bà Sáu ngựa rảnh không bận chở hàng, anh con trai bà trạc tuổi tôi còn cho tôi mượn ngựa đi vào lán của mình. Anh đỡ phải chăn hôm ấy, mà tôi không phải lội bộ. Vào lán tôi ở, chuối rừng rất sẵn. Tôi chỉ chặt cho con ngựa đốm của anh một hai cây cho nó ăn là khỏi phải lo gì. Lại nhàn đỡ lội bộ mưa gió đường rừng. Lần này tôi dự là thuê hẳn bà Sáu một buổi ngựa. Như kiểu ngoài thành phố người ta cho thuê xe máy. Sau rồi tôi sẽ đưa em lên Tốc Nấm, rồi nữa là lên suối Hoa Đào. Nơi mà mùa xuân này hoa đào rực nở, ong mật bay bướm lượn từng đàn, không khí thơm ngát, pha lẫn mùi hương của muôn sắc hoa rừng. Tôi cầm cương và em bám sau lưng, ấm áp dịu dàng như người ta thường miêu tả trong những bài thơ.

Lên đến nơi, mới biết mình chỉ giàu óc tưởng bở, thiếu đi sự thiết thực. Từ ngày vùng này làm theo dự án “Nông thôn mới”, ngay cả đường lên nương cũng bê tông hóa cả rồi. Nhà bà Sáu Xay cũng không còn nuôi ngựa. Anh con bà đã thay nó bằng chiếc ô tô tải làm công việc vận chuyển thường ngày. Chiếc xe không biết vừa đi chở gì về còn đang đậu ngoài sân. Tôi nói với em ghé bà chơi một lúc. Có chút quà nhỏ cho người từng nhờ vả, giúp đỡ khi xưa. Làm người không có sau trước thì còn nói năng gì? Huống hồ còn là kẻ học đòi cầm bút. Người ta bảo “Văn học là Nhân học”. Không biết điều tối thiểu ấy đừng nên viết lách làm gì. Bởi vì có viết chỉ là những câu chuyện, những bài thơ nhạt nhẽo, vô hồn. Thứ nhăng nhít ấy ai cần? Tôi nghĩ thầm như thế nhưng không nói gì với em về chuyện này. Nói ra sợ em cho là mình tỏ vẻ, thích thể hiện ta đây. Thứ mà tôi chúa ghét. Chỗ đặt cái máy xay xát gạo nhà bà Sáu năm trước bây giờ xây khu nhà cấp bốn. Ban ngày mà vẫn thấy thắp điện làm tôi hơi tò mò. Thì ra anh con trai bà đã dẹp cái nghề xay xát bụi bặm nay xưa để chuyển nghề. Chỗ đó đang là xưởng chế biến các loại thuốc Nam dược. Mùi hồi, mùi quế từ xa đã thấy thơm ngào ngạt. Bà Sáu mời chúng tôi lên nhà vì trong xưởng không kê bàn uống nước. Bà có nghề thuốc nam gia truyền từ đời ông cố để lại. Ngày đi lại khó khăn bà chỉ bán cho người bệnh trong vùng chữa các bệnh xương khớp, gan thận trong vùng. Bây giờ cởi mở các con bà bắt được mối mới biến nó thành dịch vụ kinh doanh. Thuốc của bà đã có thương hiệu trên thị trường trong Nam ngoài Bắc. Vì thế thành một dây chuyền. Người đi thu mua nấm linh chi, chằm gửi cây si, củ khúc khắc, tam hoàng...  khắp nơi trong vùng mang về sao tẩm, đóng gói. Mối hàng từ Hà Nội, Sài Gòn tháng tháng ra lấy hàng cho các đại lý. Người Việt Nam mình không hiểu sao sang đến thời kinh tế phồn vinh, ăn ngon mặc đẹp hơn ngày trước, lại nhiều người mang bệnh hơn xưa, cái thời ăn đói mặc rách? “Liệu có phải tại môi trường ngày nay có vấn đề, thực phẩm không còn thanh sạch, an toàn như thời trước?” Tôi nghĩ bụng thế, nhưng chưa kịp hỏi thì bà Sáu nói:

- Nhà này may có anh Trung là người tháo vát. Một tay anh ấy cầm quân, có mấy người mà cung cấp dược liệu đủ làm. Cứ trông vào anh nhà này thì có mà lỡ hết không đủ nguyên liệu làm hàng cho khách. Tôi đưa mắt có ý hỏi Quỳnh, bạn đồng hành của tôi, có ý hỏi liệu có phải cái anh Trung mà cả hai đang đi tìm hay không? Em chưa trả lời, bà Sáu Xay đã nói:

- Khộ. Cái nhà anh Trung tài hoa tháo vát như thế mà xem ra con người vất vả. Lúc nào cũng như con lật đật. Người rõ cao ráo đẹp giai mà lấy phải người vợ xấu quá. Đã vừa mặt gãy, trán dô lại mặt rỗ răng cải mả nữa chứ. Nghĩ thương hại, có lúc tôi hỏi ướm thì anh ấy bảo: “Đó là lựa chọn của con. Các cụ xưa chẳng nói “vợ đẹp là vợ người ta”. Con từng khốn khổ vì có vợ đẹp đấy bà ạ.

Tôi giật mình. Liệu có phải câu chuyện mà tôi đang nghe lại là chuyện về một anh Trung mà tôi từng gặp mấy chục năm trước? Khi tôi còn đóng quân trên biên giới phía Bắc tỉnh Lạng Sơn?

* * *

Nơi ấy là thị trấn Na Sầm. Một thị trấn nhỏ của huyện Văn Lãng. Dân thị trấn độ vài ngàn người ở xung quanh khu chợ ven đường số bốn. Con đường từ thị xã Lạng Sơn, qua Thất Khê, Đông Khê lên mãi tới thủ phủ của tỉnh Cao Bằng. Tôi chưa thấy ở đâu, nơi nào cảnh sắc thiên nhiên những hôm đẹp trời lộng lẫy, huy hoàng như thế. Con đường quãng này ven theo vách đá, qua mấy cửa hang của mấy gia đình vợ chồng  mấy anh chị khiếm thị lấy làm nhà ở. Họ bày bán hoa quả, nước giải khát trên những cái chõng làm bằng tre trúc. Những cái chõng tự làm ngay đến người sáng mắt chưa chắc đã làm được. Ngoài mấy thứ đấy ra, còn mấy thứ hàng tạp hóa của Trung Quốc họ tự mua về. Tôi chịu không hiểu mắt mũi như thế, bằng cách nào họ băng rừng để cất hàng được? Nào là đèn pin, bật lửa, cắt móng tay... cả len, vải nữa. Khách muốn, cần chăn con công cũng có. Toàn thứ hàng mà ngày đó giữa Hà Nội thủ đô muốn mua cũng còn khó. Từ các quán ấy, những hôm được nghỉ chúng tôi thường hay ra đây ngắm cảnh sông Kỳ Cùng. Một con sông cũng rất lạ lùng. Nó bắt nguồn từ nước bạn chạy vòng sang Việt Nam, qua thị xã Lạng Sơn rồi lại chảy vòng sang Trung Quốc. Chỗ chúng tôi ngồi bờ sông dốc rất cao. Có hai cây gạo to phải có tuổi đời hàng trăm năm, đối diện với ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo cheo leo trên vách núi phía bên kia đường. Nhìn xuống lòng sông, cách đập thủy điện nhỏ một quãng  từng khối đá như đàn voi nằm, nước tràn qua tung bọt trắng xóa. Cảnh sắc đơn sơ mà lại bí hiểm. Nhưng chưa bí hiểm bằng khu đồi hoang phía bên kia sông. Khu ấy không có người ở. Hay đúng hơn là chỉ có duy nhất một ngôi nhà trình tường bằng đất, mái lợp phên nứa. Nhà này lại rất vắng người, cả ngày thấy đóng cửa im ỉm. Xung quanh nhà trồng đám bạch đàn, chắc mới trồng còn lơ thơ lắm. Hình ảnh ấy đập vào mắt khiến người ta không khỏi tò mò. Vì theo tập quán trong vùng, người Tày hay người Kinh không ai ở lẻ loi một mình một chỗ như vậy? Họ là ai? Dân trong vùng hay từ đâu đến? Đang lúc băn khoăn tự hỏi như thế thì Hùng, thằng bạn cùng tiểu đội với tôi rủ sang ngôi nhà đó. Tôi hỏi thì hắn bảo:

- Sang đấy mua ít thuốc lá sợi, với lại nếu có thịt trâu khô mua một ít. Tớ chuẩn bị về cưới vợ, nếu mua được thì hay quá. Ở dưới xuôi những món này muốn có tiền cũng không mua được. Nó vừa hiếm lại còn là hàng cấm không có ngoài chợ đâu! Nhớ rằng thịt trâu những năm bảy mươi thế kỷ trước vùng người dân tộc “kiêng” không có người ăn. Trâu què, trâu chết người ta cho không, không lấy tiền. Một số người Kinh đi khai hoang các nơi ấy thường xin về mổ lấy thịt đem sấy khô, bán về xuôi. Hùng bạn tôi nói là nói về món thịt trâu này. Thịt trâu bấy giờ chưa là đặc sản như ngày nay. Lựa được hôm chủ nhật, hai thằng tôi lọ mọ đi. Thật may hôm đó anh chủ có nhà. Vợ anh đang sấy măng hay thứ gì đó khói mù mịt trong cái lán nhỏ dựng gần nhà. Chỉ thấy cái lưng to bè của chị xoay sang chỗ chúng tôi nhìn thấy. Người như thế có vẻ thô và chắc chắn không phải người xinh đẹp duyên dáng.

Kể từ hôm ấy chúng tôi là khách quen của gia đình. Thời bao cấp thiếu thốn, quân dân ở đâu cũng đói. Sang nhà anh chị Trung hôm thì nồi sắn bở, bữa bó mía, củ khoai. Anh Trung là người cởi mở, đẹp trai thích nói chuyện Sơn Tây, Hà Nội. Chuyện xe điện, bia hơi thủ đô. Những thứ mà theo tôi lúc bấy giờ có thể ám ảnh trong những ký ức của anh. Chỉ có điều tôi hơi thắc mắc: Sự chênh lệch về hình thức của cặp đôi này. Chỉ tặc lưỡi, “nhân sinh bách ngộ”, biết đâu mà lần, là ý trời cả nên không dám hỏi. Chả nhẽ cái nhà anh Trung ấy, mãi tít trên Lạng Sơn nay lại về đây? Có hỏi chắc bà Sáu chưa chắc đã biết chuyện, tôi và Quỳnh vội vã xin phép bà ấy đi ngay. Bà bảo đường tốt, xe vào tận nhà, không phải gửi lại xe như hồi nào. Linh cảm thực kỳ diệu. Lời phỏng đoán của tôi rất may lại trúng. Từ đường bê tông rẽ một quãng ngắn chúng tôi bắt gặp ngôi nhà gỗ có sân xi măng rất rộng. Tôi bắt gặp cái lưng bè bè của người đàn bà quay ra phía chúng tôi. Tôi lên tiếng hỏi người ấy. Chị quay lại nhưng lại thấy như mình không quen. Nghe tôi hỏi xong, chị thong thả nói: - Chú hỏi anh Trung là anh Trung nào? Ở đây có mấy người tên Trung kia? Nhớ lời bà Sáu tôi nói: “Anh Trung Dướng chị ạ”.

- Vậy nhà tôi đây. Cô chú hỏi nhà tôi có việc gì? Hãy dắt xe vào nhà uống nước đã, nhà tôi cũng sắp về rồi. Vào đến nhà, nhìn bức ảnh trên tường, tôi nhận ra đích thị là anh rồi. Năm tháng phôi phai, có thể anh đã già đi rất nhiều nhưng bức ảnh trên tường thì vẫn là hình bóng cũ không khác được. Ngày ấy tên anh là Trung. Sau năm 1979 từ Lạng Sơn chạy về đây một thời gian mới có tên gọi mới là Trung Dướng như bây giờ. Tình cờ như thế nào đó anh có mối làm ăn với làng Đông Hồ chuyên làm giấy dó. Thứ giấy để in tranh, có sự dẻo dai, độ bền đặc biệt mà lại nhẹ. Vỏ dó không đủ người ta thêm  nguyên liệu là vỏ dướng. Cây dướng vùng này rất sẵn, chỉ tội phải vận chuyển hơi xa. Anh đặt cho người trong vùng lấy về rồi cạo vỏ ngoài, phơi khô. Mùa mưa vỏ dướng được sấy như kiểu sấy măng. Công việc ấy anh làm hàng chục năm trời, gần đây chuyển sang làm thuốc nam cùng bà Sáu Xay mới bỏ. Nhưng cái tên Trung Dướng vẫn còn từ đấy. Chị nói một lát anh về, nhưng chúng tôi phải chờ khá lâu. Con người chị bề ngoài thô thô thế nhưng lại là người cởi mở, quý người. Biết anh hàng chục năm trước, nhưng hoàn cảnh khác nhau, lại ở xa, con người thật của anh tôi chỉ biết sơ sài. Người ta khi có tuổi theo thời gian ký ức cũng rơi rụng một phần. Cố nhớ lại cũng chỉ được như phần trên tôi đã viết. May mà chị kể lại mới có câu chuyện này. Cuộc đời anh một truyện ngắn này với dung lượng của nó quả là không chứa hết. Một số phận cực kỳ lạ lùng, có thể có người chưa tin là thật. Chị vợ anh Trung rót nước mời chúng tôi, hỏi lại có việc gì? Quỳnh nói:

- Anh Trung có mời và hẹn bọn em lên chơi nhà. Thu xếp mãi mới đi được. Cũng không có chuyện gì. Chỉ là chuyện viết lách anh em muốn trao đổi. Chị Trung cười: - Thế mà tôi cứ tưởng cô chú là người của ông Ly Kơn cử người lên làm hợp đồng. Tôi thấy lạ bèn hỏi:

- Ly Kơn là ai, hợp đồng gì ạ?

- Ông ấy là người Hàn Quốc. Nghe bẩu có công ty chuyên sản xuất giấy từ vỏ dướng mang về bên ấy để in tư liệu bảo tồn gì đấy mãi dưới Hà Nội. Ông Trung chưa nhận lời mới chỉ trao đổi dập dạp. Dạo này đốc chứng lại nổi máu thi phú, không ham làm ăn quăng quật như trước.

- Nó là cái nghiệp mà chị. Một lần dính vào rồi là khó bỏ. Nhưng nó là chuyện rất nên chị không muốn anh ấy tham gia à?

- Không phải là tôi không muốn. Làm gì là do anh ấy tôi ngăn sao được. Nhưng nghĩ đến nguồn cơn anh ấy chịu bao nhiêu năm trời, tôi lại đâm lo. Rồi chị kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đối với tôi tuy biết anh đã lâu mà chưa biết. Kể cả hồi còn trên xứ Lạng.

Anh từng làm cán bộ văn hóa của một huyện, tỉnh Bắc Ninh, nhà đâu gần núi Thiên Thai bên bờ sông Lục. Vợ anh là người có nhan sắc, giáo viên trường làng, con một gia đình khá giả. Nhà anh thì lại nghèo, lương cán bộ văn hóa thời đó chẳng được bao nhiêu. Nghe người ta nói chị phải lòng một anh thuế vụ, gia đình khá giả. Hồi xe máy còn hiếm trong cả nước hắn ta đã có cái Bốt xoa láng cóng chạy rồi. Anh khuyên bảo thế nào chị ta cũng không nghe. Hồi đó có đơn vị tên lửa đóng quân gần làng. Đường dây điện thoại kéo qua vườn nhà anh. Một đêm mưa gió, không biết kẻ nào cắt mất một đoạn dài cả trăm mét. Công an về điều tra. Người ta thấy có dấu giày cỡ của anh Trung. Mặc dù thời gian ấy anh không có nhà. Chính chị vợ anh ta tố cáo chồng đêm đó có ra chỗ đường dây chạy qua. Thế rồi anh bị bắt. Người ta khai thác thế nào anh cũng không nhận, vì mình đâu có làm? Thời buổi chiến tranh, nhiều phức tạp. Nhưng bị tạm giam cả năm, sau chuyển sang tập trung cải tạo, một hình thức thi hành án thời chiến. Chị cũng cùng hoàn cảnh khi ấy gặp nhau. Ở được thời gian trên xét thế nào đấy cả hai cùng được về, anh Trung rủ chị lên Lạng Sơn rồi gặp chú hồi ấy. Câu chuyện buồn quá. Nó buồn đến nỗi cả hai chúng tôi không nỡ hỏi thêm điều gì nữa. Ngay cả chuyện thơ ca cũng nghĩ không nên gợi ra vào lúc này. Trong lúc đợi anh về, chúng tôi bảo chị cho thăm vườn nhà. Trước mặt nhà là cả cái hồ rộng có xây cái lầu bát giác làm nơi thưởng lãm và chăn cá. Còn cây ăn trái thì thôi rồi, đủ loại. Tôi xin phép bạn không kể thêm nữa vì câu chuyện đã dài. Chừng ấy công việc, chừng ấy quan hệ làm ăn, anh lấy đâu ra thời gian để làm thơ viết văn? Chị ấy còn nói anh đang viết tiểu thuyết. Tôi nghe mà sợ. Sức người có hạn lấy đâu ra sức lực, thời gian để làm bấy nhiêu thứ? Đành là để chờ lát nữa anh ấy về hỏi xem anh có bí quyết gì không? Hay là khi “giời đày”, giời cũng cho người ta sức lực, khí phách và can đảm để làm? Tôi nói nhỏ với em như vậy. Quỳnh chớp chớp mắt gật đầu!

D.H.G

 

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 29 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 29 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 20 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem