Tùy bút của Phù Ninh
Ngõ 109 Cầu Giấy
Địa chỉ này tôi được anh Nguyễn Hữu Đức tin cho. Anh cũng là học sinh cùng trường Cấp II Tam Đa - Hồng Lạc, nay nghỉ hưu ở Hà Nội. Vào ngõ sợ không có chỗ quay xe, biết là thất lễ nhưng đành gọi điện. Sau khi xưng là học sinh Hồng Lạc thì nghe tiếng thầy.
- Xe vào được đấy.
Thoát khỏi đường lớn, đang định hỏi thăm đã thấy thầy khoan thai bước tới. Càng áy náy phải để thầy thân ra đón. Hai mắt cay cay, chậm bước để nhìn. Khổ người hình như cao hơn, cốt cách người thấy thì định hình đậm nét hơn.
- Con chào thầy. (Thuở ấy học trò đều xưng con với thầy, cô). Nghĩ rằng, học thầy có lẽ đến mấy ngàn trò, sao thể nhớ hết, tôi vội thưa:
- Con là Mạch.
- Chưa dứt câu, thầy nói:
- Ông Mạch, ông Phù Ninh. Biết trò áy náy, thầy nói:
- Giờ thầy trò tóc bạc cả rồi, gọi ông là phải.
Đã mấy chục năm qua đi thầy vẫn nhớ tên, lại còn biết cả bút danh nữa. Tuy thế vẫn muốn kể về mình:
- Con học thầy từ hồi trường còn ở Tam Đa.
Thầy đứng lên mở tủ, không phải tìm lâu đã đưa cho xem một tấm ảnh đen trắng khổ bằng bàn tay. Ảnh các thầy chụp với trò lớp 7 kỳ thi hết cấp II năm 1957. Tên hiệu ảnh Đan Lai in nổi một góc. Thầy Dong tóc húi “cua”, thầy Lung dạy Toán trường Hồng Lạc, còn bây giờ là Hiệu trường trường cấp II Tân Trào và là Chủ tịch hội đồng thi, thầy Dong là Phó Chủ tịch hội đồng. Chỉ chừng hơn mười trò, trong đó có đúng một trò gái, là chị Hữu mặc áo cánh màu nâu non. Bé người nhất ngồi giữa hàng trước là tôi và Hoàng Văn Căn. Hàng đứng là các anh Niêm, Kiệm, Thuận, Diệp, Thơm...
Thầy trò hàn huyên, lâu sau thầy nói:
- Sang năm (tức năm 2003) là tròn 50 năm Trường cấp II Tam Đa - Hồng Lạc, ông về bàn với địa phương xem có thể tổ chức lễ kỷ niệm hoặc một cuộc thầy trò gặp mặt nhân sự kiện này.
Một phần tuổi thơ
Tôi cùng các anh Đào Huy Sửu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Sơn Dương, Phạm Lợi, Trần Ngọc Duyến, cả hai đều nguyên Hiệu trưởng trường cấp III Kim Xuyên, Nguyễn Tiến Kiệm nguyên Giám đốc Lâm trường Sơn Dương, đều là cựu học trò trường cấp II Hồng Lạc, nay nghỉ hưu, nhà quanh phố Kim Xuyên, đến Ủy ban xã Hồng Lạc làm “ thuyết khách”, nhưng không kết quả. Đường về, để an ủi các anh, tôi đọc câu vè của nhạc sĩ Trần Công Khanh “Thế rồi năm tháng qua đi. Thế rồi họ chẳng nhớ gì nữa đâu”.
Mọi người xoay ra bàn, nên mời thầy lên thăm người cũ cảnh xưa và giao tôi đi đón.
Xe chạy đường Vĩnh Yên - Sơn Nam, rẽ lên Tam Đa. Có lẽ do linh cảm sao đó, chợt thầy hỏi:
- Đường này có qua trường cũ không?
- Dạ thưa thầy, đây đã là đất Hào Phú. Con qua lại đây nhiều lần, nhưng đi xe không hình dung trường ở chỗ nào.
- Ta vào trụ sở chào Ủy ban, nhân thể hỏi thăm.
Thật may, anh Trần Thế Cường, trực Ủy ban, cũng là học sinh của trường còn nhớ địa điểm. Nơi ấy cách trụ sở chừng hơn một cây số. Mấy quả đồi không cao lắm, bạch đàn mọc kín.
Thầy trò bồi hồi, lặng ngắm, hoài niệm về một thời xa ngái mà đâu tưởng như mới hôm qua. Trong trí nhớ tuổi thơ tôi, lớp học trên đỉnh núi cao lắm. Đường lên có đánh bậc, nhưng trời mưa thì rất trơn, rất dễ trượt ngã, lên hay xuống phải bám vào cây mà đi. Hôm nào đi học muộn, chạy ngược dốc mệt đến đứt hơi. Ba căn nhà lá, phên nứa cùng trên dông núi. Nhà của lớp Năm ở thấp nhất. Bàn học làm bằng tấm ván đặt trên bốn chiếc cọc đóng xuống đất. Ghế ngồi là ba đoạn mai ghép lại, cũng đặt trên cọc như bàn, khác ở chỗ cọc ghế thấp hơn.
Quanh lớp có loài hoa chân kiềng, mùi thơm rất đặc biệt quyến rũ, khác hẳn các loài hoa thường thấy. Hoa có cánh dày, hơi cúp như hoa ngọc lan, khi chín hoa có màu tím thẫm. Hoa chân kiềng chỉ có ở rừng già. Rừng già không còn, loài hoa ấy gần như tuyệt chủng. Hương của loài hoa ấy còn mãi trong kí ức.
Tôi nói với anh Cường, muốn đến chỗ Cầu Gãy.
Cây cầu khá đặc biệt. Nguyên một khối đá hình chữ nhật dài chừng bốn mét, dày nửa mét, từ bao giờ, từ đâu và bằng cách nào người xưa bắc qua con suối để làm cầu. Vì thế thành tên. Tại sao khối đá gãy làm hai nửa khá đều nhau, nhưng không cùng mặt bằng, nửa phía Tây cao hơn nửa phía Đông.
... Ngày ấy tôi, một thằng nhỏ gầy nhom, ngày hai lần in bàn chân lên mặt cầu. Hôm nào tạnh ráo mới dám một mình đi tắt qua Bảy Phần - một khu đất trũng lầy thụt, dễ gặp nguy hiểm vì lợn rừng ra đằm tắm. Ngày mưa hoặc sương mù nhiều thì phải nhập với bọn học trò lớn tuổi hơn, qua Dộc Ổi ra Bến Măng ven theo bờ sông Lô mà về. Dù đi đường nào cũng vẫn qua Cầu Gãy.
Tôi nghe kể, mỗi lần nhìn tốp học trò Trường Sinh thấy vắng tôi, thầy Dong, gọi hỏi, thằng Mạch đâu? Hay bị beo bắt rồi ?. Vùng tôi, gọi hổ là beo.
Có chi tiết, chưa ai nhắc đến là hồi kháng chiến chín năm, thời gian năm học trùng với năm lịch âm. Sau hòa bình mới chuyển học từ đầu thu năm trước đến giữa hè năm sau. Thế là có ba học kỳ, với lứa chúng tôi đó là năm lớp 6.
Biết một trong hai trò nhỏ nhất lớp là tôi còn do dự đi học chuyên nghiệp hay học lên cấp III, thầy Dong tự tay vào điểm, và ký cho tôi hai sổ học bạ để có hồ sơ nộp hai nơi.
Còn nhớ, cuốn học bạ khổ hơi vuông, bìa tím nhạt, trong lời phê, có ba từ “lĩnh hội nhanh”. Lần đầu tôi gặp ba từ này. Trang cuối là dòng chữ: “Hiệu trưởng kiêm giáo viên chủ nhiệm Quách Hy Dong”.
Kết thúc niên khóa 1956 - 1957, đầy kỷ niệm, khóa đầu tiên của trường cấp II Tam Đa - Hồng Lạc tốt nghiệp. Thầy. Trò, số thi vào trường Hùng Vương ( Phú Thọ), trường cấp III Trần Phú (Vĩnh Phúc), số khác đi học các trường chuyên nghiệp. Thầy, ở tuổi 35 thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, được giữ lại trường, làm Phó Chủ nhiệm khoa Văn, sau chuyển công tác, là Đảng ủy viên, Trưởng phòng Đại học Bộ Giáo dục. Từ năm 1979 đến khi nghỉ công tác, năm 1988, thầy là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa, tiền thân trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật.
Vô cầu phẩm tự cao
Mấy chục năm trời mới được vài giờ cùng Thầy trò chuyện. Trên đường về thầy cô ghé thăm chị con gái nuôi dạy học ở Lập Thạch. Thầy kể:
- Các cô con dâu khi sinh con rồi thì đều gọi chúng tôi bằng ông bà, thấy tình giữa cha, mẹ với con như có phần xa đi. Chỉ có cô con gái nuôi đến giờ cháu đã lớn vẫn gọi chúng tôi bằng bố, mẹ, nghe thật ấm lòng, gần gũi.
Như chia sẻ cho trò sự chiêm nghiệm nhân thế khi ở tuổi ngoài tám mươi, Thầy bảo:
- Sẽ là thanh thản khi mình không nhờ vả cầu cạnh ai điều gì.
Rồi Thầy đọc câu cách ngôn chữ Hán:
- Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao.
Trầm ngâm hồi lâu, Thầy giảng thêm:
- Không phải tự cao tự đại mà là phẩm giá cao, không bị hoen ố.
Thầy còn cho biết, hàng ngày dành ra một, hai giờ học chữ Hán. Một phần khỏi quên tri thức, phần nữa để bộ não thường xuyên vận động.
Thầy gợi ý ra một tập sách, ghi dấu ấn trường cấp II Tam Đa - Hồng Lạc, giao tôi làm đầu mối. Thầy nói, nhất định sẽ có bài, vì thế lâu bao nhiêu tôi cũng đợi. Năm 2009, Thầy lên Sơn Dương lại nhắc việc làm sách và hẹn sẽ đưa bài trước tháng 10. Quá hẹn, bài chưa nhận được, đâu ngờ chính là những ngày Thầy mệt nặng. Song có lẽ đoán định mệnh mình, thầy vẫn hoàn thành bài viết trước lúc đi xa. Tôi đã in bài “Từ Tam Đa đến Hồng Lạc” cùng một bút tích của Thầy trong cuốn “Trường cấp II Tam Đa - Hồng Lạc. Những ngày đầu”.
Thầy rời cõi tạm đã 15 năm, lời dạy, hình ảnh Thầy vẫn nguyên vẹn trong chúng tôi, lứa học trò nay cũng đã xấp xỉ tuổi thọ của thầy.
Nhân ngày 20/11/2024
P.N
Minh họa của Quảng Tâm