Truyện ngắn của Trần Huy Vân
Nhớ lại thời ấy, mới bước vào mở cửa được một dạo, dân mình còn nghèo lắm. Đám hiếu đầu tiên của làng tôi được dự là đám cụ Xuân, thọ chín mươi nhăm tuổi. Cụ tắt thở từ lúc ba giờ sáng, khi tôi sang đã ba giờ chiều, nhà đám còn vắng lắm. Thi hài cụ được đưa ra gian cạnh nhà ngoài, nằm trên chiếc chõng tre, phủ manh chiếu, mặt che một tờ giấy, chiếc màn mầu nâu xỉn buông phủ quanh chõng. Dưới đất, bà Nụ, con dâu cụ, đã ngoài bẩy mươi, đang ngồi khóc. Ngoài sân dăm người đang khuân bàn ghế, cây cọc, phông màn, dựng rạp. Đầu nhà mấy thanh niên khiêng con lợn trên bẩy mươi cân về. Tiếng lợn kêu eng éc đinh tai. Đám con gái đang gọt bí đao, cạo khoai, nhặt rau. Trong bếp, nồi nước mổ lợn đang sôi ùng ục.
Họ đang tíu tít chuẩn bị bữa cơm tạm chiều nay. Không thấy ông Bảng, con trai cụ Vong đâu, hỏi, mới biết, ông đang chạy tiền, gạo, lợn, rượu, nhờ người đón thợ kèn, và nhiều thứ khác nữa. Chưa đủ các thứ ấy chưa thể đánh trống báo tang được. Vừa nhìn thấy ông Bảng, chưa kịp hỏi, ông bảo tôi:
- Anh giáo mới về, bác nhờ một việc, xuống cửa hàng mua hộ bác ít vải liệm và khăn trở. Chưa kịp hỏi lại, ông Bảng đã tất tả chạy đi. Khi tôi đi mua về, làng đã đến đông. Một con lợn tạ rưỡi được khiêng về, để chuẩn bị cho bữa chính thức ngày hôm sau. Tiếng cười, nói, tiếng khóc, tiếng lợn kêu ầm ĩ cả lên. Thi hài cụ Vong chưa được liệm, còn phải chờ thợ kèn, con, cháu về đông đủ. Mãi gần tối, khâm liệm được tiến hành. Tiếng gào khóc, tiếng búa nện vào quan tài thùm thùm rợn người. Quan tài được kê ngay ngắn ở gian giữa, bài vị được viết, ảnh cụ Vong được đưa vào khung viền đen, hương khói nghi ngút.
“Sống dầu đèn, chết kèn trống” phải chờ thợ kèn ăn no, uống say, tang lễ mới chính thức vào cuộc được. Kèn dạo lên một hồi, tiếng trống nện liên hồi. Ông chủ tang lễ đứng vái, rồi xé khăn cho con, cháu, nội, ngoại. Người nào khăn nấy, chịt ngang đầu, lần lượt vào cúng vái, rồi thứ tự ngồi hai đầu linh cữu.
Trời sập tối, đèn nến được thắp lên. Cỗ tạm được bưng ra, bầy trên các dãy bàn được kê ngoài sân. Dứt lời mời của tang chủ, người đến nhà đám, tự xếp sắp với nhau, vào ăn cỗ. Cỗ tạm khác cỗ chính thức là không có rượu, các món ăn chưa đầy đủ. Một loạt bưng ra hai lăm mâm, xem chừng số người trong nhà đám chưa vơi là mấy. Tôi hỏi ông Kha, làng có đám thường được chọn làm trưởng bếp: Phải mấy loạt thế này mới xong cỗ tạm?
- Bốn loạt, cơm phải nấu thêm ba nồi một trăm, cho đám đô tùy nữa.
- Đô tùy là những ai vậy?
- Từ ngày hội bảo thọ ra đời, họ thành lập ban nhạc hiếu, và đội đô tùy, để khai huyệt, khiêng linh cữu, nhà chủ phải trả công. Cũng mất tiền triệu đấy, xong cỗ tạm đã gần nửa đêm. Từ đây mới chính thức vào hội, hội thổi kèn đêm. Ông đội trưởng đội nhạc hiếu, vốn là nhạc công của Đoàn Chèo tỉnh, nghỉ hưu. Xem ra ông có tài moi tiền tang chủ, với giọng mượt mà, nỉ non, ông gọi: Các cháu của cụ đâu, những ngày cụ đau yếu, cháu công tác xa, không về chăm sóc cụ được, nay cụ về cõi cực lạc, chầu tổ đường, âm dương cách biệt, vào tế cụ một tuần nào.
Cứ thế ông gọi hết con này, đến cháu khác, hết nội, đến ngoại, khi cá nhân khi tập thể. Mỗi người được gọi đều rút trong hầu bao, ít năm ngàn, vừa phải mười ngàn, xôm một chút hai mươi, năm mươi ngàn, để ngay ngắn vào cái đĩa to, giữa đám thợ kèn. Tiền nhiều xem chừng lời ca, điệu nhạc cũng mượt mà hơn. Đây là tiền kiếm thêm của thợ kèn ngoài tiền thuê đã định. Trong lúc tế lễ đang tiếp tục, thì ngoài đầu nhà con lợn tạ rưỡi đã được phanh ra. Cánh nhà bếp đang tíu tít pha thịt, băm xương, nướng chả, chế biến các món ăn cho bữa cỗ chính thức ngày mai.
Tôi thật sự thấy ngợp, trong đám tang ở làng quê. Được ông Bảng nhờ tiếp thuốc lá, không dám chễ nải, sợ có sơ xuất gì, ông Bảng lại chịu tiếng: Đám nhà ấy thuốc, nước chẳng ra gì, thì thật tội. Cỗ bàn chuẩn bị bao nhiêu chưa hẳn đã êm ả, chỉ một sơ xuất nhỏ là tiếng để đời.
Đám tang cụ Toan gần đây thôi. Bữa cơm tạm chiều hôm trước, kèn, trống, thổi kèn đêm, tế lễ buổi tối coi như xong. Hôm sau, đúng ra đưa ma tám giờ sáng. Gia đình xin khất đến hai giờ chiều, để cháu con ở xa về cho đầy đủ, làng chuẩn y. Nhưng bầy ra bữa cơm trưa, ngoài dự tính, tiếp không chu đáo, vì cỗ chính thức phải để đến chiều. Làng bỏ về hết. Buổi chiều đánh trống như vỡ đê, làng không ai đến nữa. Giờ vẫn chịu tiếng, cái nhà ấy anh, em, con, cháu đưa bà đi chôn.
Lại có đám cơ cực thế này, đám thằng Thiết, con ông Tuất, bị bệnh thần kinh chết. Thằng em lén nhờ người mang đi chôn, không dám đánh trống nhờ làng. Sợ dân làng đến không có cỗ để tiếp. Nhà nghèo đến cỗ áo quan cũng phải nhặt nhạnh, chắp vá lấy đâu ra cỗ. Những người được nhờ, lẳng lặng khiêng tay, ngay trong đêm mang đi chôn. Việc nghĩa tử là nghĩa tận mà phải làm vụng trộm, có đau không! Cứ như đám cụ Xuân đây, ngoài cỗ bàn cho làng, đêm nay đám thợ kèn moi tiền, ngày mai, đến lượt các vãi, từ nhà đến bãi tha ma không biết bao nhiêu bận “thuyền cạn”. Đô tùy dừng chân nghỉ. Các vãi hò khoan, kêu gọi con cháu cho hồn ít tiền đò, để các vãi mua dây kéo thuyền vượt cạn. Con cháu xếp hàng tuần tự, bỏ tiền vào tay nải của các vãi, ít năm ngàn, nhiều cả chục, hai chục… kính dâng cho các vãi. Lệ làng là thế không tuân thủ không được.
Đến lúc mồ yên mả đẹp. Con cháu về nhà tíu tít bưng mâm, dọn cỗ mời làng. Cỗ chia thành nhiều loại. Các vị trong chính quyền, các bô lão, đám đô tùy, thợ kèn, các vãi, ăn cỗ nhất. Nấc dưới là cỗ đại trà của dân làng. Con cháu ăn cỗ lại, tức là còn gì ăn nấy. Rốt cuộc cái gì xảy ra?
Khi cụ Xuân còn đang hấp hối, ông Bảng đã gọi người đến bán mảnh đất đang ở, lấy tiền chi cho đám tang. Cháu ông Chủ tịch xã đã ngã giá xong. Vì vậy ông Bảng mới có tiền vào đám, nếu không chưa biết sự thể sẽ ra sao.
Khi biết chuyện, tôi có hỏi người bạn:
- Ông Bảng bán nhà thật sao? Lo ma chay bán cả cơ nghiệp, tôi nghe cứ như chuyện cổ xưa ấy.
- Bán thật, ông không nghe đám thợ kèn, chơi cả nhạc cổ với tân nhạc là gì, cái trò tân cổ giao duyên mà lại. Cái xấu của thời xưa cộng với cái lố của thời nay, pha trộn vào nhau còn nhiều bi kịch nữa.
***
Bốn tháng sau, tôi về làng, vừa về đến nhà, mẹ báo tin:
- Vợ chồng ông Bảng bán nhà sang bên Thái Nguyên rồi. Mặc dù biết trước tôi vẫn thấy bùi ngùi: Đi hồi nào mẹ?
- Tháng trước, thật tội nghiệp, ông bà ấy khổ từ bé. Cả hai đều đi ở cho nhà giàu rồi lấy nhau, đùm dúm được ngôi nhà. Vợ chồng tu chí làm ăn, nào đã giàu có gì, chỉ lo một đám tang cho mẹ đến nỗi bán cả cơ nghiệp, bỏ làng đi. Cả hai đều ở tuổi gần đất xa trời. Con cái đều cảnh chân nâng, có đồng nào ki cóp được, đều mang về thuốc thang cho bà, những hai năm trời. Bây giờ có giúp phỏng được bao nhiêu, với một đám tang như thế. Đã là lệ làng, không theo không được, mà theo thì… Khi đi, ông Bảng nói với mẹ:
- Còn cháu út cũng định cho lấy vợ làng, vợ chồng tôi nhờ cháu, nhờ làng khi xuôi tay, tính ra không được, các cháu có công ăn việc làm đấy, nhưng vẫn nghèo lắm, vợ chồng tôi có mệnh hệ nào khổ cho cháu. Chúng lấy đâu mà theo lệ làng được. Đành bỏ làng, nhờ vả đất khách quê người vậy.
Hôm đi, ông Bảng gửi lời thăm con. Còn anh, cũng phải ki cóp dần cho mẹ. Người già chẳng thể nói trước được, nhỡ nó xịch đến, lo liệu chẳng ra gì, tiếng để đời, cầm vàng còn để vàng rơi là vậy.
Nghe mẹ nói tôi thấy chờn chợn thế nào ấy. Cái làng quê tôi vẫn hằng yêu mến, với bao kỉ niệm từ thuở ấu thơ, sao nó lại ra thế này!
T.H.V
Minh họa của An Bình