Những nuộc lạt

Thứ hai, ngày 20-11-2023, 09:09| 474 lượt xem

Truyện ngắn của Bùi Thị Mai Anh

 

Minh họa của Tân Hà

 

Khi My mang cái quyết định phân công công tác đến phòng Trưởng khoa, cô nhìn thấy một cái đầu đàn ông, tóc để dài lấp ló sau cái bàn làm việc có đống tài liệu cao ngất ngưởng, nhưng khá gọn gàng, My chủ động cất tiếng chào:

- Em chào Trưởng khoa ạ!

Vị Trưởng khoa chả đoán được tuổi, ngước cặp kính cận lên, nhìn My bằng cái ánh nhìn dò xét:

- Gì đấy? Sinh viên lớp nào xin nghỉ học à?

- Dạ không! Em… là giáo viên mới… được phân công… về khoa này ạ.

- Mang quyết định vào đây xem nào!

My luống cuống mang tờ quyết định còn tươi dấu son đỏ chót bằng hai tay ngay ngắn đưa cho vị Trưởng khoa. Lúc này, My mới nhìn kỹ khuôn mặt vị Trưởng khoa của mình. Người thấp bé, mặt ngăm đen, nhưng tóc lại để dài ngang vai, chân đi chữ bát, trông khá nghệ sĩ. Ờ, mà hình như My đã gặp người này ở đâu rồi thì phải. Trong khi vị Trưởng khoa mải dí cặp kính cận hơn ba đi - ốp để đọc, để xem xét quyết định, để ghi tên My vào danh sách cán bộ giáo viên của khoa thì My đã kịp nhớ ra người này.

Số là, hồi My học cấp ba, con đường đến trường của bọn My phải đi sát khu vườn của một ngôi nhà rất rộng, có mấy cây mít sai quả lắm, thân cây đổ ngang ra ngoài bức tường xây. Đang mùa dái mít, bọn My bảo nhau, mang muối ớt đi rồi ăn trộm dái mít vào trường ăn. Mấy hôm đầu trót lọt, nào ngờ, đầu giờ chiều hôm thứ ba, đang hì hục “thu hoạch” nốt mấy cái dái mít bự trên cao thì nghe thấy tiếng quát:

- Đứa nào ăn trộm dái mít đấy?

Ối giời ơi, ba hồn chín vía bay hết, mấy con bé ăn trộm dái mít nhảy bình bịch xuống, chạy té khói. My cùng mấy đứa nhanh chân chạy trước, cái Yến chạy sau, dép xúc vào bãi phân trâu to đùng trên đường. Cái mũi dép của nó đã đứt sẵn đến hai phần ba, nằm lại luôn trong đống phân trâu. Ngoảnh lại, thấy một ông, chả biết trẻ hay già, mặc bộ quân phục bạc màu, chạy ra đuổi. Chân thì vòng kiềng, người thì bé tí, đuổi thế quái nào được bọn My cơ chứ. Túi dái mít rơi rông rổng đầy đường. Vào đến trường, vẫn còn được một ít dái mít hái từ đầu, cả bọn bỏ ra chấm muối ớt. Cái Yến cầm chiếc dép đứt mũi, nhăn nhó:

- Giờ tao làm thế nào? Dép đứt mũi thế này, tao chả dám đi về đâu, chúng mày đền tao đi!!!

Cả lũ lăn ra cười khi nhìn chiếc dép bên phải của cái Yến đứt hẳn một đoạn, thò hết cả năm ngón chân ra ngoài. Thì bỏ đi chứ còn làm gì. Bắt đền á, mày vào mà bắt đền cái ông đuổi mày ý, đã đi ăn trộm lại còn đòi bắt đền... Cả lũ vừa cười trên nỗi đau của cái Yến vừa xuýt xoa cái vị chát lè của dái mít hòa với vị cay nồng của ớt chỉ thiên, vừa cười cái ông đuổi mình...

Đang mải nhớ lại chuyện cũ, My bật cười thành tiếng. Vị Trưởng khoa ngẩng lên, hỏi:

- Cười cái gì?

My luống cuống:

- Dạ, không có gì ạ!

My liếc sang vị Trưởng khoa, cố lập nghiêm mà vẫn không giấu được cái miệng đang cố bụm lại.

Vị Trưởng khoa bỏ kính, nghiêm mặt phân công:

- Vì cô có trình độ Thạc sĩ nên tôi bố trí cô dạy môn Phương pháp dạy học tiếng Việt và môn Làm văn nhé! Về chuẩn bị tài liệu, tuần sau lên lớp.

My há hốc mồm khi nghe Trưởng khoa phân công. Trong tay cô chỉ có mấy cuốn Văn học Việt Nam, Lý luận văn học cũ nát, đen sì từ hồi học đại học, chả có mấy cuốn mà Trưởng khoa vừa phân công. Hồi đi học, các thầy toàn tự dịch tài liệu nước ngoài để dạy, làm gì có giáo trình. Làm thế nào bây giờ?

My mạnh dạn lên tiếng:

- Báo cáo anh, em… không có mấy cuốn giáo trình mà anh vừa giao đâu ạ. Giờ làm thế nào ạ?

- Không sao! Cô cứ lên thư viện mượn chương trình đi, tôi sẽ tìm giúp cho! Tôi tên là Quang. Nhớ, đi làm phải nghiêm chỉnh, không phải như hồi sinh viên đâu mà lúc nào cũng toe toe toét toét!

Nghe mấy lời giáo đầu của Trưởng khoa, My hãi quá, đứng đơ ra, không dám cả gật đầu. Thế nhưng, ngay buổi chiều hôm đó, anh Quang mang ngay ra nhà cho My một chồng hai mươi tư cuốn sách giáo khoa và sách giáo viên Ngữ văn Trung học cơ sở, hướng dẫn My cách dùng các loại tài liệu này để làm tư liệu giảng dạy. (Thì nhà anh ấy cách nhà My có chưa đầy cây số mà). Ơ, ông này thạo chuyên môn ngành Văn ghê nhỉ? Anh còn bảo My mang vở ghi chép hồi học Đại học ra cho anh ấy xem. Thấy My ghi chép đầy đủ, sạch sẽ, được cái chữ My cũng đẹp, anh bảo:

- Thế là tốt rồi. Nghiên cứu chương trình đi. Em có thể tham khảo bài giảng của các thầy ở đại học đây này. Ghi chép được đấy. Tuần sau lên lớp nhé!

Tuần đầu lên lớp, Trưởng khoa đi dự cả tuần. My cũng sợ. Nhưng sau khi dự giờ, Trưởng bộ môn chưa thấy nói gì thì Trưởng khoa mặt lạnh toẹt, bảo:

- Tốt! Cứ thế mà phát huy!

Mãi sau này, My mới biết, đúng lúc vị giáo viên vốn dạy hai môn này ở khoa giở chứng, không chịu dạy với lý do đi chữa bệnh, gây khó khăn cho anh Quang, vị Trưởng khoa có trình độ Cử nhân môn Lịch sử lại vừa được bầu làm Trưởng khoa Văn Sử thì My xuất hiện. Thế là My ghi điểm trong mắt Trưởng khoa, gỡ khó cho anh ấy. Cũng may là My có được sự hậu thuẫn tốt của anh Quang, chứ mới chân ướt chân ráo về, đã biết tìm tài liệu ở đâu mà dạy.

Đã vậy, với năng khiếu văn nghệ tốt, các chương trình văn nghệ của Khoa, My đều tham gia rất tích cực, luôn để lại ấn tượng tốt trong lòng vị Trưởng khoa khó tính ấy. Ấn tượng thú vị nhất của My là lần Khoa tổ chức ngoại khóa Văn học dân gian, mãi mới mời được một diễn viên đoàn Chèo của tỉnh lên đóng trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”, cả khoa vui lắm. Anh Quang càng vui, vì hội giáo viên già cứ để ý xem anh ấy sẽ tổ chức buổi ngoại khóa như thế nào. Khổ, chị diễn viên ấy làm cao lắm, bọn My phải cậy cục mượn được một con Ba bét nhè của anh rể một đồng nghiệp để đón rước chị. Chục cam cuối mùa chồng My mang về cho vợ cũng bị My mang đi hối lộ chị diễn viên chèo. Ai ngờ, đi có mấy cây số, thế mà lên đến nơi, chị ấy kêu bị mất tiếng, chỉ diễn được mà không hát được. Thấy thế, anh Quang hoảng quá. Diễn mà không hát thì còn gọi gì là trích đoạn chèo? Anh vội vàng hỏi có ai hát được chèo không, mà phải là hát được trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” cơ, vì cô giáo viên trẻ trong Khoa đã tập vai Thị Kính trong trích đoạn rồi. My chả ngần ngại gì, xung phong hát luôn cả trích đoạn cho chị ấy diễn, nhịp nội, nhịp ngoại, phách nội phách ngoại có vẻ không được tốt lắm, nhưng quan trọng gì đâu, My đã khiến cả khoa tròn mắt, đến cả cái nhà chị diễn viên ấy cũng tròn mắt luôn. Ai cũng hỏi My tập hát chèo từ bao giờ mà cũng dám hát thế? À thì cũng vì thích chèo nên My cũng tập vài đoạn cho vui hồi đi học sau đại học, ai ngờ lại có lúc dùng được, thế thôi!

Mặc dù là giáo viên Lịch sử nhưng quả thật, “ông” Trưởng khoa này hiểu biết các môn học ngành Văn khá tốt. Anh ấy biết năng lực của từng giáo viên trong khoa dạy môn nào thì phù hợp, phân công vô cùng chính xác. Cái Hương dạy Lý luận văn học sẽ rất tốt. Cái Hà dạy Ngữ âm, cái Ngọc dạy Văn học nước ngoài… Đấy là điều bọn giáo viên trẻ như My phục sát đất. Chỉ ngạc nhiên là sao hội giáo viên già lại không phục anh ấy nhỉ?

Sau này, khi đã thân với anh Quang, My hỏi:

- Sao em vừa về, anh còn chưa biết em dạy dỗ thế nào, mà anh đã dám phân công em dạy hai môn khó thế?

- Là mẹ em bảo đấy. Mẹ em bảo: Con bé My nhà cô nó rất trách nhiệm, có việc gì cứ giao cho nó, nó làm tốt lắm!

À, thì ra trước đây, mẹ My công tác cùng trường với anh Quang nhưng đã nghỉ hưu, nên đã bắt anh giao việc khó cho con gái. Thế cơ chứ lỵ.

***

Còn nhớ lần My được cử đi học lớp Quản lý giáo dục tổ chức ngay tại trường. My đã rất cố gắng theo học dù con nhỏ, chồng đi học xa. Đánh đùng một cái, đúng lúc phải về Hà Nội gặp thầy cô hướng dẫn viết khóa luận tốt nghiệp thì mẹ chồng My mất. Sau khi về quê chịu tang mẹ chồng xong thì mọi người trong lớp cũng đã gặp xong thầy, đang viết khóa luận rồi. Chồng My cũng xuống trường học tiếp. Con nhỏ, chả bỏ cho ai để My đi xuống Hà Nội gặp thầy một mình được. Đã vậy, ngày ấy, đời sống giáo viên khó khăn lắm, My vắt cả chân lên cổ để làm thêm làm nếm, đỡ chồng tiền học. Thấy thế, My nản quá, định bỏ cuộc, thôi không viết khóa luận nữa. Biết chuyện, anh Quang gọi lên Khoa, mắng cho My một trận, học xong rồi, có mỗi cái khóa luận nữa là xong, thế mà còn đòi bỏ, anh nhất định khuyên My phải cố gắng. Anh gọi điện cho thầy của anh dưới Hà Nội, nhờ thầy hướng dẫn cho My luôn, giúp My tìm tài liệu, cùng My xây dựng đề cương, cuối cùng, cái khóa luận tốt nghiệp của My cũng hình thành.

Về khoản lý luận thì anh Quang rất giỏi, các luận điểm, luận cứ của anh rất chắc chắn, rõ ràng, lớp lang, thứ tự đâu ra đấy. Duy chỉ có thói quen viết văn kiểu “tây”, nhiều trạng ngữ đứng đầu câu khiến câu văn nhiều khi thiếu chủ ngữ, chữ “m” của anh lúc nào cũng bốn chân thì khó sửa vô cùng. Thế là hai anh em giúp nhau, người thì chỉnh sửa phần lý luận, kẻ thì sửa câu cú, lỗi chính tả, cuối cùng, My cũng nộp khóa luận kịp với các anh chị học viên khác trong lớp.

Lại thêm một chuyện buồn cười, đó là năm ấy, các thầy của Học viện Quản lý giáo dục trao giải cho các khóa luận chất lượng, My được nhận giải Nhì, được tặng một chiếc cặp da rất đẹp, còn anh Quang chỉ được nhận giải Ba với một chiếc phích nước Rạng Đông. Anh cười trêu My:

- Đấy, suýt nữa thì không được nhận cái cặp đẹp như thế rồi không. Lười quá đi mất. Em rất có năng lực, chỉ không thật tự tin và chưa chăm thôi. Em đã học được Thạc sĩ thì cái khóa luận này có là gì với em đâu. Em mà cố gắng thì anh thua em đấy. Chỉ vì mải giúp em mà anh không tập trung cho cái khóa luận của anh đây này.

- Thôi thì thế này vậy. Em rất cám ơn anh nhưng vì không thể xé cái cặp làm đôi nên em sẽ xách cặp nửa tháng, nửa tháng đưa anh xách nhé. Xong, anh dùng cái phích nửa tháng thì đưa em dùng nửa tháng, có được không ạ? - My trêu lại anh. - À! Mà em vẫn thù anh một vụ đấy!

- Vụ gì?

My kể lại cho anh nghe vụ cô và lũ bạn ăn trộm dái mít hồi học cấp ba, bị anh đuổi, anh cũng cười ngất ngú, kêu My nhớ dai. Mà thực ra, anh cũng cứ dọa thế thôi, đuổi làm gì. Anh cũng không thể biết được có My trong đám ăn trộm ấy. Thế này, em mà thù ai thì phải biết nhỉ???

Anh Quang như một con dao pha. Không biết làm chương trình đào tạo, hỏi anh. Không biết làm kế hoạch abc, hỏi anh. Mua giáo trình, tài liệu dạy học ở đâu, hỏi anh… Dường như, trong tay anh có đủ mọi thứ, cần gì, hỏi anh đều được đáp ứng. Không phải chỉ riêng My đâu, ai hỏi, anh ấy cũng đều chỉ bảo đến nơi đến chốn như thế.

Cứ thế, hai anh em thân nhau từ lúc nào chẳng hay. Anh luôn khích lệ khi My gặp những vấn đề khó. Khi cần, anh xắn tay lên, cùng My giải quyết những khó khăn vướng mắc. My đi thi giáo viên dạy giỏi, anh tìm tài liệu cho My. My đi tập huấn thay sách, anh gọi điện nhờ bạn bè giúp đỡ khi My không có chỗ ở. Biết chồng My đi học xa, anh bố trí cho My có một hai ngày nghỉ trong tuần để lo việc nhà. Dần dà, cái dáng đi “vơ rơm” trên đường của anh đã thành thân quen. Thì ra, cái nước da mai mái, sạm đen của anh là di chứng của những cơn sốt rét rừng Trường Sơn ngày anh đi bộ đội lái xe thời chống Mỹ (Thảo nào, “ngài” lại có bộ quân phục cũ mặc hôm đuổi bọn My ăn trộm dái mít!). Trông anh có vẻ già hơn tuổi chứ thực ra anh cũng chỉ hơn My có hơn chục tuổi thôi. Mới gặp thì lạnh lùng, khó đăm đăm như thế, nhưng khi đã thân thiết, anh là người rất thân thiện, cởi mở và tốt bụng.

***

Năm ấy, nhà trường khuyến khích giáo viên biên soạn tài liệu địa phương cho các cấp học. Anh biên soạn tài liệu môn Lịch sử. Và anh động viên My biên soạn tài liệu môn Ngữ văn. Tuy nhiên, khi thấy một đồng nghiệp nói đã có đề cương môn Ngữ văn địa phương rồi, My ngần ngại, không muốn viết nữa. Nhưng rồi anh Quang biết chuyện, bảo:

- Em nên nhớ, khoa học không có chữ “nhường”. Em cứ hoàn thiện đề cương và nộp lên Hội đồng khoa học nhà trường. Khi có nhiều đề cương về một tài liệu, Hội đồng sẽ xem xét, đề cương nào chất lượng, phù hợp, đề cương đó sẽ được duyệt. Anh tin em sẽ làm được. Em làm đề cương đi!

My bán tín bán nghi, cũng hì hục hoàn thành đề cương và mang nộp. Khi thấy đề cương của My, chị Hiệu Phó phụ trách chuyên môn còn bảo:

- Thôi, em đừng nộp nữa. Cái này đã có đề cương của bạn Phương đang nhận dạy môn đó rồi, em đừng làm khó Hội đồng!

My đang định mang đề cương về không nộp nữa thì chú Hiệu trưởng nghe được chuyện liền gọi My đến, nói y như anh Quang và cầm luôn hồ sơ của My. Nào ngờ, đến hôm xét duyệt, đề cương của My được khen là đúng yêu cầu, đủ nội dung, đáp ứng yêu cầu của một tài liệu địa phương và được duyệt. Thành công bước đầu ấy của My có công lớn của anh Quang đã đánh trúng vào tâm lý thiếu tự tin của My, khích lệ My, khiến My có thể vượt qua được nỗi e ngại mà dấn bước. Ngày bộ tài liệu địa phương được đưa vào sử dụng, hai anh em quyết định khao nhau một bữa ra trò. Nâng ly lên, anh bảo:

- Em rất có năng lực, mỗi tội thiếu tự tin thôi!

- Nếu cứ làm việc cùng anh, em sẽ cố gắng khắc phục điều đó. - My vui vẻ cụng ly, hứa với anh Quang.

Quả thật, được làm việc với một người đồng nghiệp giỏi giang, bản lĩnh như thế, năng lực của My dần được hình thành và khẳng định trong khoa, trong trường. My dần tự tin hơn, chủ động hơn với những công việc của bản thân.

***

Ấy đấy, giỏi giang, sắc sảo là thế, thế mà cũng có những chuyện anh Quang mắc lỗi rất… lãng xẹt, buồn cười. Nhớ hồi anh đi công tác ở Sa Pa, My bảo anh tìm mua hộ cho cô củ giống hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý (mà cô đọc được trên sách báo) chỉ có ở trên đó, anh hào hứng nhận lời. Kết thúc chuyến công tác, anh mang về cho cô một túi củ, bảo, người dân họ cho. My hí hửng mang đi trồng hẳn một luống. Khi thấy cây ra lá, cô đã ngờ ngợ khi thấy lá của cây hoa này giống hoa loa kèn chứ không phải hoa lay ơn. Nhưng vì nghĩ hoa của nó màu đen quý hiếm thế thì chắc lá của nó cũng đặc biệt, nên My cố chờ. Nào ngờ, càng chờ càng chẳng thấy ra hoa như những cây lay ơn khác, chỉ thấy lá tốt sum suê. Hai năm sau, nó mới chịu ra hoa, thì, ôi trời, nó đúng là giống cây loa kèn màu hơi hồng hồng mà người dân nhổ bỏ đi. Biết chuyện, anh Quang xấu hổ mãi, đỏ hết cả mặt, cứ lầm bầm chửi cái thằng dân ở Sa Pa nó lừa anh. Anh giục My nhổ bỏ đám hoa loa kèn đó đi. My không bỏ mà đánh ra trồng xen với hoa loa kèn đỏ dưới nhà ông ngoại, thành hàng bên đường vào nhà, đến mùa, nở hoa cũng vui mắt mà.

Lại một hôm đến chơi, thấy mặt vợ anh có vẻ buồn, My hỏi, chị chưa kịp trả lời thì anh đã nói, giọng cố nén bực tức:

- Đấy, cô xem! Anh dặn là mua măng lưỡi lợn để đi biếu tận Hà Nội, chị cô lại đi mua măng nứa thế này. Ai lại biếu măng nứa, người ta cười cho…

Vợ anh định nói, My nhìn chị, ý bảo chị đừng nói gì. My cầm gói măng nứa lên:

- Chị mua măng nứa ở đâu mà ngon thế? Mẻ măng này phơi được nắng thơm quá, lại vàng đậm, không phải là măng sấy lưu huỳnh trông thì vàng tươi nhưng mà ăn thì độc lắm. Thực ra, nếu ăn thì ăn cái măng nứa này mới ngon anh ạ. Nó quyện mỡ, lại giòn, chứ cái măng lưỡi lợn chỉ đẹp thôi ạ. Người không biết nấu thì vẫn còn đầy mùi ngái và dai ngoanh ngoách. Ở Hà Nội làm gì có bếp củi như trên mình mà ninh măng lưỡi lợn, anh! Nếu anh muốn mua măng lưỡi lợn thì để em về hỏi cửa hàng uy tín gần nhà em là có ngay mà. Chỗ măng này, chị để em lấy hộ cho!

Anh bỗng dãn cơ mặt, bảo:

- Thôi, nếu em đã nói măng này ngon thì… anh để biếu cũng được. Em xếp lại bó măng cho đẹp hộ anh rồi cho vào túi nhé! Anh đi có việc tí! - Rồi anh quày quả dắt xe đi.

Chị lườm anh một cái, nói nhỏ vào tai My:

- Tôi vừa nói y như cô, mà anh ấy có nghe tôi đâu!

Rồi cái lần My lên nhà anh Quang chơi đúng hôm mùng hai Tết, thấy anh Quang đưa con dao khoét một vòng quanh bát thịt đông to tướng rồi úp cái đĩa lên thành bát, lắc mạnh, rồi mới bỏ cái bát ra, làm cho thịt đông toe toét, không định hình, My liền hướng dẫn anh lấy một chiếc đũa đẩy nhẹ vào khối thịt đông trong bát còn lại, cả khối thịt đông úp xuống đĩa tròn xoe. My bảo:

- Anh chị không nên múc cả bát thịt đông to thế này, ngày Tết không ăn hết đâu. Mà để dở bát thịt đông, bữa sau nhìn không muốn ăn luôn. Nên múc vào bát ăn cơm, vừa đĩa mà ăn hết một bữa thôi ạ. Thích ăn nữa thì bỏ ra thêm bát nữa là được mà. Nhà em toàn làm thế!

Còn bát thịt đông bị toe toét, vỡ lung tung, My nhanh tay đổ vào nồi, đun lại, múc ra hai bát nhỏ, để nguội, cất vào tủ lạnh.

Anh Quang nhìn My vừa thán phục vừa hơi xấu hổ. Nhưng từ đó, anh bảo vợ làm đúng như cô My chỉ. My còn bày cho vợ anh xếp hoa cà rốt, lá tỏi tỉa đã chần qua xuống đáy bát, bốn miếng thịt chân giò trắng áp vào bốn góc bát thật vuông, khi úp ra đĩa, trông đĩa thịt đông sinh động, rực rỡ hẳn lên. Đó là kinh nghiệm khi My đi thi nấu ăn và được giải Nhất cấp huyện đấy.

***

Lại có lần, chẳng biết nói với ai, anh Quang lại tìm My để xin ý kiến. Đó là cái lần anh ấy băn khoăn không biết có nên xây nhà hay không, vì ngôi nhà gỗ anh dựng từ hồi ra ở riêng tuy vẫn còn chắc chắn nhưng cũng cũ rồi. Ngày ấy, đất rộng, anh chị dựng ngôi nhà gỗ mỡ ba gian hai chái vào chính giữa đất, xung quanh còn đất nhưng không vuông vắn. Anh cũng muốn nhân dịp xây nhà, sẽ thu gọn cái nhà về một phía để chỗ đất còn lại vuông vức cho các con sau này. Mà… hình như ông bà nội có ý muốn cho anh ngôi nhà xây hai tầng ông bà đang ở, nhưng cũng chỉ là... hình như thôi (là anh nghe thấy ông nội nói thế). Lúc ấy, anh phân vân lắm, không biết có nên xây nhà hay không, nhỡ đang xây, các cụ lại gọi về cho nhà thì dở dang hết. Anh đem chuyện ấy hỏi My. My cứ nghĩ sao nói vậy. My bảo:

- Theo em, nếu anh có đủ điều kiện xây nhà thì anh cứ xây ngay đi. Nhiều tiền thì xây hai ba tầng, ít tiền thì xây một tầng. Bây giờ, các cháu còn nhỏ, xây còn kịp. Mai ngày, chúng nó lớn, chỉ nguyên nuôi hai thằng ăn học đại học, lo nghề nghiệp cho chúng nó cũng vất lắm rồi anh ạ. Anh đừng trông vào việc các cụ chia tài sản, vì các cụ còn khỏe. “Hỏng đời bà thì cũng già đời tôi”. Các con lớn, chúng nó cũng muốn đưa bạn bè về nhà chơi. Úi xùi quá cũng không ổn. Mà sau này, nếu các cụ có chia nhà cho anh thật thì anh có những hai thằng con trai cơ mà. Một đứa ở với anh, một đứa ở nhà của ông bà trên ấy, quá ổn còn gì!

Anh nghe ra, quyết định xây nhà từ những năm một chín chín lăm. Sau này, ngôi nhà của bố mẹ không được chia cho riêng anh (như lời ông cụ nói với anh) mà chia đều cho sáu anh em, lúc ấy, anh mới thấy việc My xui anh xây nhà là có lý. Mỗi lần nói đến chuyện này, anh vẫn cảm ơn My vì đã khuyên anh thật chí lí.

Lại nhớ vụ cậu con trai lớn của anh không nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ, bỏ giữa chừng trường đại học danh giá vào Nam làm kinh tế. Anh đau lòng lắm. Chả gì thì cũng một đời là nhà giáo có uy tín, giỏi giang, bảo con không được, lại còn không chịu học hành, anh không dám kể về con với ai cả.

Đem chuyện đó nói với My, My khuyên anh:

- Anh đừng quá buồn! Bọn trẻ bây giờ nó không răm rắp nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ như thời anh em mình đâu. Tất nhiên, nó phụ công anh chị như vậy thật đáng trách. Lẽ ra, anh nên cố gắng làm bạn với con, lắng nghe ý nguyện của con để định hướng, không nên ép nó. Nhưng thôi, anh cứ cho nó được thử sức. Đừng nói với con những lời cuối cùng kẻo nó bị tổn thương, càng ngày càng xa anh chị. Nó đứng chữ Quý, không hỏng đâu mà anh lo!

Quả đúng như lời My nói, con anh có chí làm ăn. Sau mấy năm “Nam tiến”, cu cậu có của ăn của để, mua nhà, mua xe, lấy vợ. Rồi, anh cu ấy mời bố mẹ, họ hàng nội ngoại đi du lịch khắp trong và ngoài nước, rất trách nhiệm với bố mẹ, các em. Anh bảo:

- Tâm sự với em cho bớt đau đầu thôi, anh không nghĩ nó lại thay đổi được như thế đâu!

Giờ thì con trai anh đang làm cho bố mẹ được tự hào rồi.

Cứ thế, những câu chuyện có đầu đuôi lẫn chuyện “không gia phả” như lời anh nói, đã gắn kết anh em My lại với nhau. My vẫn hay đùa anh:

- Anh em mình vừa là đồng nghiệp, vừa là thầy trò của nhau, là anh em, là bạn bè. Làm bạn của anh, em không bao giờ lo bị thiệt. Mỗi một mối quan hệ lại như một cái nuộc lạt gắn kết. Nếu cái nuộc lạt này sắp đứt thì vẫn còn có những nuộc lạt khác ràng giữ, nên anh em mình mới chơi được với nhau những mấy chục năm như thế.

Anh có vẻ thích cái khái niệm “nuộc lạt” của My. Mỗi lần có chuyện gì bất đồng ý kiến, anh lại trêu My:

- Em xem, có cái nuộc lạt nào đứt chưa ý nhỉ? Để anh còn kiếm lạt mà nuộc lại. - Rồi hai anh em cùng cười, xí xóa mọi chuyện.

Minh họa của Tân Hà

 

Hôm nay, tiễn anh về với ông bà, tổ tiên, My đưa anh ra tận nơi anh yên nghỉ. Thắp nén hương lên ngôi mộ mới, ngai ngái mùi đất, My lầm rầm khấn:

- Yên nghỉ anh nhé! Dù anh không còn trên đời này, em vẫn luôn gìn giữ cho những nuộc lạt không bao giờ đứt!

Tuyên Quang, ngày 3/5/2023

B.T.M.A

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 91 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 40 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 41 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 36 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 9 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 36 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 47 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 49 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 93 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 38 lượt xem