Ông hàng xóm

Chủ nhật, ngày 07-05-2023, 09:39| 1.134 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

 

 

Lão họ Cao. Tôi nghĩ, lão là nhà thơ có đẳng cấp. Ngoài làm thơ, lão có nhiều tài lẻ. Lão ở một phố. Tôi ở một phố. Chỗ gặp nhau của hai con phố là quán “Bánh đa cá rô đồng” cả ngày đông khách. Nhà chúng tôi chỉ cách nhau vài trăm mét, thành thử chúng tôi đến thăm nhau luôn luôn. Đến chơi nhà họ Cao, tôi có cảm giác, vợ chồng lão có nếp sống rất quý tộc. Bộ ấm chén lúc nào cũng sạch bong. Trà ngon loại thượng hạng. Mở vung ấm chế nước sôi, mùi thơm chè búp Hoàng Su Phì thật hấp dẫn, chỉ muốn húp ngay lập tức. Gói thuốc lá thơm (Lão giống tôi, chỉ quen dùng Thăng Long, chứ không thích dùng loại gì khác). Cạnh đấy cái bật lửa màu xanh, đẹp. Cái gạt tàn bằng kim loại sáng quắc. Mỗi thứ đều được để trên một cái đĩa, dưới lót một mảnh len màu đỏ hình tròn do vợ lão thêu rất kiểu cách. Phải nói, nàng là một phụ nữ khéo tay.

*

Đây kia vài chậu cảnh. Chậu loại sang, cây nào cũng xanh tươi mơn mởn.

Lão để tóc dài trùm vai, râu ba chòm, da ngăm đen. Ngắm  lão, tôi thấy toát lên một trang nam nhi từng trải. Lão ngồi cạnh vợ - Một thiếu phụ đầy đặn. Người tầm thước da trắng, đầu đội mũ Beret màu lòng tôm, cung cách rất quý tộc vẻ con nhà giàu.

Cũng phải thôi, vợ chồng lão có những hai tòa nhà lầu. Một ngôi ở trung tâm thành phố và một ngôi biệt thự cách thành phố ba mươi mốt cây số trên quốc lộ Tuyên Quang - Hà Giang. Lão bảo với tôi: để thỉnh thoảng lên đấy câu cá thì có chỗ mà nghỉ ngơi.

Qua các bài viết in trên các tạp chí, sách vở mà chúng tôi đến với nhau. Ấy thế mà, khi ngồi với nhau, không hiểu sao, chúng tôi rất ít nói đến chuyện văn chương. Mà chỉ khoái chia sẻ chuyện đào giun, chuyện câu cá. Chuyện về những mối tình nhăng nhít trên vùng cao từ mãi ngày xửa, ngày xưa. Ngày hai đứa còn là thanh niên. Rồi nhâm nhi với nhau chén rượu, tách trà, điếu thuốc, ngắm cây, thưởng hoa... Những lúc như thế, hồn thi sĩ trong hai cái đầu bạc nổi hứng phét lác một tấc đến giời.

Nhà thơ họ Cao thua tôi bốn tuổi. Nhưng hắn đào hoa hơn tôi, lại hơn tôi nhiều thứ. Hắn đào giun giỏi hơn tôi nhiều. Hắn đào nhoay nhoáy, chỉ một tẹo được mấy con liền, mà con nào cũng còn nguyên, không đứt. Tôi lóng nga lóng ngóng mãi chưa được một con. May mắn lắm được một con thì vội vàng lại làm đứt đôi con giun.

Hai thằng đi câu, hắn giật ba bốn con liền. Lão giật liên tục. Tôi ngồi mãi mới giật được một con bé tẹo.

Ngắm lão, tôi nghĩ:

Tay này sát cá, sát cả gái, tài thế chứ lị. Tôi thì vụng. Đúng như vợ tôi vẫn nói: Nhìn ông Cao đấy, cái gì ông ấy cũng biết. Anh chỉ được cái ăn hại. Càng già càng ăn hại. Chả được cái nước mẹ gì, chán vãi.

Nhà thơ họ Cao rất khoái câu cá.

Nhưng câu xong, lão lại thả tất xuống hồ, miệng lẩm bẩm: “Để mai còn có cá mà câu”. Ngắm lão ngồi trên mỏm đá buông cần. Hữu cảnh sinh tình, tôi nổi hứng, ứng khẩu chế một áng cổ thi, đọc cho lão nghe. Thơ rằng:

 Kìa ai chiều vắng mải ngồi câu

 Lất phất sương rơi trắng mái đầu

 Ôm gối tưởng rằng pho tượng tọa

 Chông chênh mỏm đá thả hồn đâu

 Chiếc phao nhấp nháy làn sóng gợn

 Nước nước mây mây khéo một màu

 Sinh kế, tiêu nhàn gì đấy nhỉ?

 Mênh mang độc ẩm rượu lưng bầu.

Lão vừa hí húi mắc mồi giun vừa gật gù:

- Được đấy... được đấy. Đường thi. Thất ngôn bát cú khá chuẩn. Cũng đề. Cũng thực. Cũng luận. Cũng kết. Cũng liêm luật. Cũng nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh. Được.

Một chiều, tôi đang ngồi ở nhà một mình ngẫm sự đời thì lão lững thững tới. Lão để cả giày bước vào nhà vô tư (Lão Cao rất khoái đi giày. Có lẽ hắn đi giày 24/24). Lão tháo khẩu trang, nhếch mép dưới hàng ria rậm:

- Chào.

- Chào.

Tay lão xách cái túi có đến năm bảy con dao. Tôi hỏi:

- Dao ở đâu nhiều thế?

- Đi nhận về mài.

- Mài thuê?

- Ừ.

- Bao nhiêu một con?

- Toàn khách quen, lấy năm nghìn.

Tôi đếm, tất cả có bảy con dao cùn. Đủ thứ: Dao ba, dao bốn, dao quắm, dao phay... Tôi bảo:

- Ba mươi nhăm nghìn rồi.

- Ừ. Tôi kể ông nghe.

Đặng, lão hạch:

- Rượu đâu, thuốc đâu, pha ấm trà ngon, kể chuyện suông à?

Khi đã có đủ thứ, lão khề khà kể. Đại ý thế này:

Hôm ấy lão đi câu ở hồ Vincom được gần hai ki-lô-gam cá rô phi. Lão nghĩ: Mang về vợ lại làu nhàu. Tay thị có tật hễ dính nước là ngứa. Thị không thích mổ cá. Vả lại, có làm cũng chả ai ăn. Hai vợ chồng mỗi bữa chỉ cần một cái tỏi gà hoặc lạng thịt thăn lợn, bông cải ngọt trong siêu thị là đủ. Trên đường về, lão thấy một cô gái đang hí hoáy mổ gà trên vỉa hè, dưới cái biển đề: “Ở đây mổ gà thuê”. Lão hỏi:

- Cháu có ăn được cá rô phi không?

Cô gái thỏ thẻ:

- Cháu ăn được ông ạ.

Lão đưa túi cá cho cô gái:

- Ông cho cháu.

Cô gái nhận túi cá:

- Cháu cảm ơn ông. Ông đã mài dao hộ cháu, hôm nay lại cho cháu cá! Ông mài dao sắc lâu lắm ông ạ, cháu chặt mãi không cùn.

Hôm sau, tôi sang chơi. Tôi với lão đang ngồi thưởng trà, vợ lão ca cẩm: Cái thằng ấy biếu mình con gà còn đang sống, bây giờ làm thế nào? Đặng, nàng sai chồng: Anh cầm ra hiệu thuê mổ đi. Nhớ là bỏ đầu, bỏ chân, bỏ cánh, bỏ lòng. Chỉ lấy cái gan, cái mề và hai cái lườn thôi nhé. Lão xách con gà ra đúng cái quán của cô đã nhờ lão mài dao hộ và nhận cá rô phi của lão hôm qua, thuê mổ. Mổ xong, lão chỉ lấy vài thứ đúng như vợ dặn. Lão hỏi cô kia:

- Mấy tiền?

Cô kia nhỏ nhẹ:

- Mười nghìn một con mà ông.

Lão trả tiền công, nghĩ bụng: “Đẹp gái thế mà không biết điều”.

Vài hôm sau, lão đi qua, cô chủ quán mổ gà đưa lão mấy con dao, bảo: Ông mài giúp. Lần ấy mang trả dao, lão lấy tiền công năm nghìn một con. Kể đến đây, lão bảo tôi:

- Nó không hộ mình mổ gà, thì mình cũng không hộ nó mài dao nữa. Thế là công bằng chứ gì?

- Ừ, công bằng.

- Biết mình mài dao sắc, bây giờ cả phố thuê. Làm không hết việc. Kiếm tiền khá phết. Nhưng mình cũng cho mài dao là nghề phụ, làm thêm. Thu nhập chính vẫn là bán thơ.

- Ừ thì làm thơ chuyên nghiệp như ông, cả đất nước này được mấy người? Còn mài dao thì ai mà chả mài được, chỉ sắc nhiều hay sắc ít thôi.

*

Phải nói, lão Cao làm thơ hay thì cả nước biết rồi. Nhưng mài dao thuê, uốn cần câu thì chỉ người trong phố lão biết. Ngồi chuyện, vợ lão bảo: Anh ấy nhà em trông lởm khởm thế thôi mà nhiều tài vặt đáo để. Mà lạ lắm anh ạ, anh ấy nhà em làm gì cũng thích làm vụng, giấu vợ. Ví như mài dao, anh ấy mang vào toa lét khóa cửa, mài. Em muốn vào xem, anh ấy không cho xem. Mài xong, hòn đá rửa sạch, chả biết cất đâu, em tìm kỹ, không thấy.

Uốn cần câu cũng thế, nhà em uốn cần câu rất khéo. Dù cần tươi hay cần khô. Cong queo mấy thì cong queo, anh ấy chỉ hí hoáy một lúc là thẳng tưng. Nhưng mỗi khi định làm gì, thế nào anh ấy cũng gợi ý em đi chơi để một mình ở nhà làm vụng. Chỉ mỗi làm thơ là anh ấy không giấu vợ, thích vợ ngồi cạnh xem anh ấy làm. Khi ấy em thấy mặt anh ấy thuỗn ra, như mặt chúa Tàu nghe kèn, mắt lơ đãng như đang thả hồn nơi rừng xanh núi đỏ tận đẩu, tận đâu. Một tay hí hoáy viết. Một tay khẽ xoa đi, xoa lại cái ấm trà nóng hôi hổi, rồi lại đưa lên vuốt vuốt chòm râu loăn xoăn, lờ phờ sợi đen, sợi trắng một vẻ rất nồng nàn. Xem chừng, lão đang khoái chí sâu sắc. Em ngồi im, khẽ thở phập phồng. Mặc kệ. Có nhó nhoáy thì cũng chỉ nhó nhoáy khẽ thôi, sợ làm đứt mạch thơ của lão. Thế mà, cái gì cũng giấu vợ. Sao đời lại có người kỳ cục thế chứ lỵ?

N.Đ.L

 

Tin tức khác