Bên kia cây cầu

Thứ hai, ngày 08-05-2023, 09:46| 1.142 lượt xem

Truyện ngắn của Hồng Giang

Minh họa của An Bình

 

Mấy hôm trước người ta còn gặp lão Huề, lão còn có biệt danh là ông “Huề cả làng”. Sở dĩ có cái biệt danh dài lòng thòng ấy là do tính cách của lão luôn lấy “dĩ hòa vi quý” làm đầu, ăn ở khéo léo chẳng mất lòng ai. Ngay cả thời làm kế toán lâm trường, sau về hưu làm Bí thư Chi bộ thôn Chợ lão chưa hề mâu thuẫn hay mất lòng ai. Những vị trí cơ sở thấp nhất cơ quan, vốn là nơi hay xảy ra mắc mớ, va chạm quyền lợi sát sườn của nhiều người. Ở nơi phần đông vốn ít hiểu biết, dân trí còn sơ sài. Nhưng cũng chỉ số ít khó chịu về lão. “Cứ lấy công chính, tử tế làm đầu, có ai điên đâu mà thành kiến hay mâu thuẫn với mình?”. Lão nói và làm đúng như thế. Mười người thì có đến tám chín người có thiện cảm với mình, lão đã làm được vào thời buổi kinh tế thị trường lắm bon chen, đố kỵ thường xảy ra xung đột với nhiều người. Thời kỳ người ta hay mượn cái “duy ý”, che dấu cho cái “duy lợi” giành thắng thế trong đời sống hàng ngày. Nông thôn miền núi mức độ xảy ra không nhiều so với nơi phố thị, nhưng không phải không có.

Nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi, ít khi người ta thấy lão Huề bực dọc hoặc cau có với ai. Có người nói: Về già lão Huề có lộc đường hậu vận. Con cái lão phương trưởng, có danh, có giá cả. Không là đại gia, hoàn cảnh gia đình lão so với nhiều người cũng là bậc khá giả. Lão vui vẻ thân thiện với xung quanh là lẽ đương nhiên. Thời nào mà người ta không nể, không trọng người có tiền, lại khéo ăn ở? Thiên hạ có thiện cảm với người như thế chẳng có gì khó hiểu. Cách đây ít ngày, người ta còn thấy lão ra bờ sông Gâm ngồi ở đấy cả tiếng đồng hồ. Không biết trong lòng lão nghĩ gì khi ra đấy? Lão đăm chiêu nhìn sang phía bên tả ngạn sông. Nét mặt đăm chiêu, không ai biết lão đang suy tính điều gì? Dự tính làm một việc gì đấy vào tuổi lão bây giờ hẳn không phải. Hay như nhiều người khi về già thường nhớ về quá vãng đời mình, những kỉ niệm khó phai trong ký ức về một thời trai trẻ nhiều mộng mơ và cũng không ít điều cay đắng? Bên ấy là quê bên vợ lão. Cô Sen đẹp có tiếng vùng này. Nếu anh Huề bấy giờ không phải cán bộ nhà nước, cao ráo, đẹp trai chưa chắc cô ấy đã “duyệt”, để vào cặp mắt đen láy của mình. Chỉ mỗi tội cách sông cách đò, đi lại vất vả quá. Đò giang thì thất thường, lúc có lúc không. Lúc rảnh rỗi muốn sang sông lại không có đò. Mà công việc nhà nước có phải muốn nghỉ lúc nào, muốn đi đâu cũng được? Hết giờ làm việc anh Huề ra bến thì ông lái đò đã về nghỉ. Gọi thế nào cũng không thấy thưa. Vì giờ ấy, gà sắp sửa lên chuồng. Ông lái nghỉ cũng phải. Công xá được bao nhiêu mà cố công chèo lái lúc tối trời, đêm hôm khuya khoắt?

Chả riêng gì anh Huề khi ấy cảm thấy bứt rứt, khổ sở vì sự ngăn cách con sông. Người ta nói: “Ngày đàng gang nước” quả không sai. Người có công việc qua sông hàng ngày, kể cả từ thường dân đến anh cán bộ đều gặp trở ngại như nhau mỗi lúc có công có việc qua sông qua đò. Khổ nhất là đám học trò bên kia sông sang học phổ thông ở bên này. Nhỡ học, muộn giờ với chúng xảy ra thường xuyên. Nhiều em phải trọ học bên này, chỉ thứ bảy chủ nhật mới về nhà. Khổ hơn nữa là khi trong nhà có người đau ốm, bệnh xá lại ở bên này sông không thuận đường. Khiêng cáng người bệnh lên thuyền qua sông thật quá chừng vất vả. Mà thuyền không phải lúc nào cũng sẵn. Cũng may anh Huề gốc gác người Nam Định, sống gần biển, biết bơi từ thời còn là thiếu niên. Sông nước với anh chỉ là chuyện nhỏ.

Anh cởi hết quần áo dài, tụt đôi dép nhựa Tiền Phong, chiếc đồng hồ Poljot... tất cả được bọc vào tấm ni-lon màu lá mạ làm thành cái phao... thế là có thể vượt sông. Kể ra nếu không có phao ấy, anh vẫn thừa sức vượt qua khúc sông này. So với con sông ở quê, con sông này rộng chưa bằng nửa, chẳng thấm vào đâu so với sức bơi lội của anh. Nhưng không thể đến nhà người yêu bằng quần đùi áo lót. Vẫn phải quần áo chỉnh tề, có bao thuốc thơm trong túi và gói kẹo bon bon cho các em Sen. Không có tấm ni-lon không được.

Đấy là những ngày không có lũ. Nước lặng, dòng sông trong vắt, nhìn rõ từng viên cuội dưới đáy. Còn những ngày mưa lũ, nước đục ngầu, réo cuồn cuộn, từng đám bọt rều rác xen lẫn cây đổ trôi băng băng lại khác. Ngay cả tài bơi lội của Huề cũng không là gì. Chưa ai dám liều mạng qua sông những lúc dòng nước dữ dằn như thế. Kể cả khi ấy có mảng nứa nhỏ đi chăng nữa cũng khó lòng. Huống chi sức vóc con người có hạn.

Những lúc như thế anh nghĩ đến ước gì có cây cầu qua sông? Chỉ vài ba trăm mét mà chưa biết bao giờ nơi đây mới có cây cầu?

Không chỉ mình anh mong ước. Đấy còn là ước vọng nhiều đời của người dân vùng này. Từng có thông báo từ nhiều năm trước về dự án bắc cầu qua sông ở quãng này. Nhưng có lẽ chỉ là dự án trên giấy tờ, cốt động viên lòng người để yên tâm, phấn đấu cho mai ngày.

Từ ước mơ đến hiện thực khoảng cách là không nhỏ. Ngay cả những dự án này nọ, ở những nơi đầu mối trung tâm tháng năm dài còn là những giấc mơ. Nói gì đến vùng sâu heo hút này.

Vậy mà khi nó đến, người ta lại có phần bất ngờ, không kém sửng sốt, bàng hoàng. Tâm trạng mỗi người mỗi khác nhau. Người thì vui mừng ra mặt. Có cầu qua sông rồi cuộc sống nơi này sẽ khác. Cả một vùng cây ăn quả đặc hiệu sẽ khởi sắc. Đang trù phú rồi, sắp lên thị tứ đến nơi, lại thêm cây cầu, con đường mới, cuộc sống chẳng thua kém bao nhiêu nơi phố thị. Nông sản sẽ có giá vì bớt đi chi phí vận chuyển qua sông qua đò. Các cháu đi học không còn phải lo ở trọ, tốt mấy cũng không bằng được ở nhà mình. Có người ốm đau, a lô một cái là taxi đến đón tận nhà đi viện. Không lo khiêng cáng rầy rà vất vả. Cả trăm cái lợi chưa thể ngồi tính ra một lúc. Ai không phấn khởi, ai không mừng?

Nhưng ở đời không có gì là hoàn hảo, không có tính hai mặt. Như trong dương có âm, trong vui có buồn và ngược lại. Chân lý ấy như là nền tảng, cốt lõi xây dựng lên thế giới, lên vũ trụ này.

Lợi ích của người dân cả toàn vùng ai cũng thấy. Nhưng không phải không có người buồn.

Thật không may ông “Huề cả làng” lại rơi trong số ấy. Đấy là lý do những ngày qua ông có biểu hiện khác thường.

Người ta không thấy hai ông cháu ông sáng sáng ra quán phở nhà Thành Phẩm. Ông bát to, cháu bát nhỏ. Ăn xong hai ông cháu lòng vòng qua chợ, chỗ bà bán vàng mã, hoa tươi cho khách viếng chùa Đại Bi phía trên nhà ông một quãng. Cháu thích thì ông cho bim bim. Nó hứng lên đòi ô tô, máy kéo bằng nhựa ông cũng ô kê luôn. Nhà có điều kiện, mấy thứ đó đâu có nhằm nhò gì?

Bố mẹ nó ở dưới thành phố. Ông đã bảo không cần gửi tiền về, nó vẫn gửi. Con trai ông là Giám đốc Công ty TNHH chuyên sản xuất chế biến gỗ, có đến mấy điểm cơ sở ở khắp huyện này. Tiền bạc đối với nó không đến nỗi khó kiếm vào thời mà ván bóc xuất khẩu đang dễ bán và đang có giá.

Mấy hôm nay không thấy ông cháu ông đi ăn sáng như mọi khi.

Có người nói ông bị ốm, không ăn uống gì. Đấy là sự lạ. Bao nhiêu năm nay ít khi thấy ông đi viện hay cần đến viên thuốc bao giờ. Da mặt hồng hào, tóc trắng như cước ánh lên như pha bạc. Ai cũng bảo ông đẹp lão, nom như tiên ông, lại còn đi lại nhanh nhẹn như thanh niên. Chả có biểu hiện chậm chạp, lờ khờ như nhiều ông cao tuổi cùng chà. Vậy mà đột nhiên dở chứng chả rõ ra làm sao?  Đi khám hết Bệnh viện đa khoa tỉnh, lại đi các viện mãi dưới Hà Nội, không nơi nào chẩn đoán ra bệnh gì. Uống đủ loại thuốc vẫn không khỏe lại. Nét mặt ông bây giờ nom xanh xao, võ vàng như người suy dinh dưỡng, mắc trọng bệnh. Đôi mắt ông nhắm nghiền, cặp môi khô, chân tay lạnh như chườm đá. Ai hỏi gì cũng lặng thinh, như thể không thèm trả lời. May mà nhà có xe con của anh con trai, nếu thuê ngoài không biết bao nhiêu tiền tắc-xi?

Kể từ khi đoàn cán bộ giải phóng mặt bằng để thi công cây cầu mơ ước bao đời. Ông biết chuyện gì sắp xảy ra. Phía tả ngạn bên này, đầu cầu qua phần đất nhà ông. Ngôi nhà mới xây hết gần tỉ bạc, ông dành dụm cả đời mới có, phút chốc phải phá đi để xây cầu. Lúc làm nhà ông có ý lưỡng lự. Nghĩ có mỗi thằng con trai, nó có nhà lầu dưới tỉnh, nhà ở đây chưa chắc nó đã ở. Định cứ ở căn nhà gỗ xưa mua thanh lý của lâm trường xem ra vẫn còn tốt chán. Nhưng bà Sen bảo: Cả xã người ta xây nhà tầng lâu rồi. Nhà mình đến nỗi nào mà cứ ở mãi nhà cũ bẹp như này? Ngày xưa như thế thì không đến nỗi nào, chứ bây giờ

 vẫn ở vậy trông lem nhem quá. Làm cái nhà cho nó hẳn hoi. Tết nhất, giỗ chạp con cháu về sum họp cho nó rộng rãi, mát mẻ, đỡ bệ rạc. Chúng nó có ở lại chơi với ông bà có chỗ hẳn hoi, tối đến khỏi phải đi ngủ nhờ. Mình đến nỗi nào mà phải chịu cảnh như vậy?”. Ông nói nghe trên phổ biến, nay mai xã quy hoạch lại khu mình, chả biết cầu đường ra sao. Xây xong sợ vướng mắc. Bà gạt đi: “Ồi dào, bao nhiêu năm nay dự án nọ kia, vẫn ở trên trời, biết đến khi nào mới thực hiện? Mình cứ xây, ở một ngày cũng sướng ông ạ!”. Thế là rút tiết kiệm. Xây. Ai ngờ nông nỗi bây giờ?

Thực ra khi giải phóng mặt bằng không chỉ mỗi gia đình ông vướng phải. Cả mấy chục hộ phải di dời đâu có ít? Nhưng người ta nhà cũ giá trị không bao nhiêu. Đất ở lại có sổ đỏ nên đền bù giá khác. Có nhà đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, trồng cây không nên giống gì mà được bù tiền tỉ. Tính theo giá thị trường không thiệt mà còn có lãi. Họ thừa sức mua chỗ đẹp hơn, cất nhà đẹp hơn ngôi nhà đang ở. Họ vui mừng ra mặt. Đi đâu cũng nói chuyện xây cầu.

Ông không ngờ ngôi nhà của mình lại nằm trong trường hợp éo le. Mọi chuyện bắt đầu từ việc hồi mua nhà thanh lý của lâm trường bộ ngày nào. Lúc ấy nghĩ chả chi. Nghĩ mình mua của lâm trường có hóa đơn chứng từ là chắc chắn, không phải lo chuyện gì. Nhà nào chả làm trên đất? Có nhà nào cất lưng chừng giời đâu?

Cái chính là ông chủ quan, xuê xoa không tính đến. Lại vướng việc nhà gần khu vườn lát giống của tỉnh, thuộc diện “cây số đỏ” quốc gia bảo tồn nguồn gen quý hiếm, không ai dám cấp bìa đỏ những nơi như thế.

Và cho dù người ta ăn ở khôn khéo hết lòng đến đâu cũng không sao tránh được kẻ yêu người ghét.

Không may cho ông, kẻ bao năm nay chành chọe với ông, luôn xăm soi chỗ ông sơ hở lại là người cùng xã. Ông ta lại là cán bộ địa chính. Chính người ấy từ bao năm trước theo đuổi bà Sen không đạt kết quả, đâm thù ghét ông Huề. Chứ ông không hề làm bất cứ việc gì tổn hại đến ông ta.

Thế mới biết ăn ở cho hết lòng người là chuyện cực khó.

Năm kê khai đăng ký làm bìa đỏ, các nhà xung quanh đều có cả. Thậm chí có nhà chả một thứ giấy tờ gì, chỉ đóng mấy chục đồng bạc tiền bấy giờ ông ta vẫn làm cho. Ông Huề trình đủ hóa đơn chứng từ khi mua nhà của đội lâm trường, ông ta lại bác bỏ. Ông ấy bảo chưa đủ điều kiện. “Lâm trường chỉ bán căn nhà cho ông sử dụng chứ có bán đất vườn lát giống cho ông đâu?”. Ông ta nói thế. Ông dẫn chứng “các trường hợp khác điều kiện còn chưa có đủ như nhà tôi, sao lại làm được bìa đỏ?” Ông ấy bảo: “Tôi chỉ kê khai thực địa, việc cấp hay không là quyền ở trên. Ông có thắc mắc cứ lên huyện lên tỉnh mà hỏi”.

Ông Huề xuống huyện, lên tỉnh mấy lần, họ đều hứa để xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ cấp. Rồi họ hứa sẽ cho người lên đo đạc thẩm tra lại. Họ còn động viên nhà ông mua của lâm trường tất nhiên là phải có nền, có đất sinh hoạt, chả nhẽ cất trên không à? Ông nghe và tin lắm, nhưng mãi chả thấy ai lên. Một phần hồi ấy chưa có đường nhựa như bây giờ. Đường rừng quanh co đèo dốc, cán bộ huyện, tỉnh muốn về cơ sở có khi phải đạp xe, hay đi bộ bần cùng lắm mới đi. Ông đi mấy lần, vất quá cũng đành bỏ cuộc. Vẫn cứ chờ từ bấy đến giờ. Bà Sen lại bảo: “Nhà mình mình ở, chả ai đuổi được, có định bán đất đâu mà cần giấy tờ nọ kia? Đầy người họ cũng chưa có bìa đỏ như mình thì đã làm sao? Khối người mua đất của họ xây nhà, giấy tờ cũng chỉ viết tay. Cán bộ có hỏi, phạt xây nhà trái phép vài triệu rồi vẫn cho

“tồn tại”! Ông nghe bà nói có phần xuôi chiều, tự đấy cũng thôi không kiện cáo, kêu ca gì nữa.

Cái vườn lát như có ma từ từ biến mất lúc nào không ai để ý nữa. Bằng cách nào đó cây khô và chết dần dần. Bây giờ khu vườn lát ven đường ngày nào chẳng còn dấu vết. Từng dãy nhà, hàng quán mọc lên. Vật đổi sao dời... vốn chẳng chừa một nơi nào riêng biệt. Thị tứ này cũng thế.

Cái lão Thuần cán bộ địa chính xã cũng chết nghẻo lâu rồi. Lão bị sơ gan cổ chướng, bụng như bụng bò, nằm liệt giường cả năm mới chết. Người ta bảo lão rượu nhiều hại gan. Cũng có người nói lão tham lam, ăn tạp quá, nên quả báo. Lương cán bộ xã được bao nhiêu mà lão xây được nhà to vật như biệt thự ngoài thành phố? Không từ ăn hối lộ khi làm thủ tục giấy tờ đất cát thì lấy đâu ra? Cũng là giời có mắt, ăn không ăn hỏng, lợi dụng bóp nặn người ta thì tất tổn thọ.

Ông Huề không nghĩ hẹp hòi như thế. Không vì người ta có lúc chưa phải với mình mà oán hận. Hôm lão Thuần mất ông vẫn đến thăm viếng, rồi ở lại giúp việc nhà đám đến xong xuôi mới về. Dù giữa ông với lão ấy chả phải họ hàng hay gần gũi xưa nay. Nhân cái việc đền bù giải phóng mặt bằng lần này ông mới chợt nhớ đến lão chứ từ lâu chuyện cũ ông đã quên rồi.

Gần như đất ở của ông chẳng được tính đến. Người ta nói chỉ hỗ trợ bồi thường cho ngôi nhà ở. Nhưng xây hết ngót nghét bạc tỉ, giờ đền bù sáu trăm, chỉ già nửa giá nhà, đất đâu có xu nào? Giờ xã có cắm cho chỗ khác, từng đấy tiền làm sao xây được ngôi nhà như nhà của ông? Ông thắc mắc trình bày bao lần người ta vẫn giải quyết như cũ. Nghĩa là ông mất đất ở, thiệt cả tiền giá trị nhà. Họ bảo có barem quy định chung, không thể làm khác được. Ông mất ăn mất ngủ nhiều ngày rồi sinh bệnh. Đúng là bệnh từ tâm mà ra chứ cơ địa ông từ trước đến giờ ít khi phải dùng đến thuốc. Nếu có khi nào chỉ là nhức đầu sổ mũi qua loa, uống vài viên hạt cải là khỏi.

Mất mấy tháng trời như thế, người ta ít khi gặp ông. Có ai thân thiết đến nhà, thấy ông ngồi tựa chiếc ghế sa-lông như người mất hồn. Râu ông để dài đến ngực rối bù như đám râu ngô phải gió. Đôi mắt ông thất thần trên gương mặt hốc hác nhăn nhúm. Nước da xanh xao, trông rõ cả gân chân, gân tay.

Thấm thoắt, ngày tháng thoi đưa, đã qua một năm. Cây cầu qua sông đã xây xong các trụ và đang lao dầm. Trên nói cố gắng xây công trình hoàn thành trước ngày Quốc khánh năm nay. Lạ một cái là hai bên đầu cầu vẫn chưa thấy rục rịch di dời. Những nhà được đền bù đã nhận tiền rồi nhưng chưa chuyển đi. Nhà ông Huề vẫn nhất quyết không nhận. Không phải ông chê tiền, mà cho rằng chưa thỏa đáng. Con trai ông về bảo: “Chủ trương nhà nước không ai cưỡng được đâu. Trước sau cũng phải chấp nhận thôi bố ạ”. Ông chỉ gườm gườm nhìn nó không nói gì.

Bệnh của ông cũng thuyên giảm dần như người ta nói thời gian là phương thuốc chữa lành bệnh tật. Nhưng thần thái ông không được như trước. Ông ít khi đi khỏi nhà. Có đi đâu cũng kèm theo cây gậy. Ông không hay cười nói sởi lởi như mọi khi. Có lúc như người điếc khi bất chợt gặp ai hỏi hay nói câu gì.

Bỗng chiều nay thằng út đột ngột đánh xe về báo một tin vui. Nó bảo nó lên tỉnh trình bày thế nào đó, các anh ấy đã xem xét lại trường hợp nhà mình. Xã lại cho nó xem bản đồ chỗ quy hoạch tái định cư cho các hộ phải di dời. Chỗ ấy, đúng như nó nói thì có khi còn đẹp hơn chỗ ở bây giờ. Cũng là đất mặt đường lại gần chợ nữa! Cái thằng tưởng đắm đuối bên đằng vợ mà vẫn biết lo việc nhà. Tự nhiên ông thấy trong người khác lạ. Đầu nhẹ hẳn đi, chân tay rạo rực như người nhớ việc. Ông bảo nó đưa ông ra chỗ cầu đang xây. Nơi cả năm nay ông không để mắt tới. Nhìn sang bên kia cây cầu, những nhịp đầu tiên đã vươn ra lòng sông. Cứ đà này chả mấy chốc mà cầu xây xong. Thằng con bảo quê mình có cầu qua sông khác nào hổ chắp thêm cánh, chả mấy mà giàu lên bố ạ.

Ông mắng nó:

- Ví với chả von. Hổ chứ có phải chim đâu mà cần gì có cánh? Cốt sao quê mình mỗi ngày một khá. Không đói, không nghèo là được!

H.G

 

 

 

Tin tức khác