Ký ức không quên

Chủ nhật, ngày 30-04-2023, 10:17| 1.114 lượt xem

Ghi chép của Nguyễn Quốc Tấn

Minh họa của Tân Hà

 

Năm 1972 lệnh động viên được "triển khai" xuống tận các trường đại học. Những sinh viên năm thứ tư được ưu tiên để chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, chúng tôi là năm thứ hai, chắc xuất là được nằm trong danh sách tuyển dụng rồi. Khi nhận được tin tuyển vào bộ đội, các khóa, các khoa chẳng một ai nghĩ gì, vẫn học, nếu được gọi đi thì đi. Khác gì chúng tôi khi ở nhà, nếu có giấy gọi đi đại học thì cắt khẩu, nhập trường. Nếu đi bộ đội thì tranh thủ rẫy thêm cho mẹ mấy luống cỏ còn dang dở hoặc rào lại cho mẹ cái hàng rào sắp hỏng để còn lên đường. Cái tuổi mười tám đôi mươi ngày đó ngờ nghệch như chim rừng sà xuống đậu trên lưng trâu.

Thế mà trước khi lên đường cũng buồn chút xíu, cái buồn như gió thoảng ào qua. Tranh thủ viết thư về báo cho gia đình là con được nhập ngũ, khi nào con có địa chỉ mới thì con sẽ viết thư về cho bố mẹ.

Lúc đầu, những đứa sống với nhau chẳng nhiều cũng hơn 1 năm biết nhau, hôm tập trung còn cụm lại trò chuyện, hôm sau theo  sự phân công về đơn vị mới, mỗi đứa mỗi nơi, cũng là nơi để gặp các đồng nghiệp, các bạn sinh viên ở các trường khác cũng được gọi cùng đợt. Đây cũng là cơ duyên các đơn vị đều có những lực lượng đa ngành phục vụ tiền tuyến và cũng là nơi hội tụ tân binh của các tỉnh như Hà Nội, Nam Hà, Nghệ An, Cao Bằng...

Đang ngồi trên ghế giảng đường, khi lên đường lòng cũng nao nao nhớ, cái nhớ của tuổi mới lớn cũng qua đi như lá rơi trên đường phố. Những ngày nắng lửa thao trường gắn liền với những cuộc hành quân dã ngoại đều đặn, lưng mang ba lô với 34kg gạch được xếp ngay ngắn bên trong, mồ hôi lã chã rơi thấm vai áo quần. Thời sinh viên chuyển sang lính trận thực sự là thử thách, chúng tôi cũng hiểu, có như thế mới "tiệm cận" được với chiến trường khốc liệt trong khói lửa, chúng tôi mệt rã rời chân tay, vai như cứng lại sau quãng đường không tính bằng cây số, buổi đầu ngồi nghỉ mà không tháo nổi ba lô, ngả lưng luôn trên những viên gạch đã được xếp gọn gàng trong đó. Lúc này cán bộ phụ trách dã ngoại nói "Thao trường đổ nhiều mồ hôi thì chiến trường đỡ đổ máu", thế rồi cũng quen dần, sau này tự nâng ba-lô lên vai, xốc 2 xốc là ba-lô đã nằm gọn trên lưng, cứ nhìn tay Tĩnh ở Nam Hà, hồi đầu đã có người hỗ trợ đeo ba-lô mà hai chân chệnh choạng muốn ngã, bây giờ cũng thoăn thoắt chẳng kém ai.

Qua những đợt huấn luyện dặc dài, đứa nào đứa ấy cũng đen nhẻm, xuống cân, ăn thì có suất, mồ hôi cứ đẫm áo, mệt thở ra tai. Tối về đang ngon giấc thì lệnh báo động "chuyển vùng" toàn bộ đơn vị phải chuyển đi nơi khác trong đêm, đúng thời gian do cán bộ cấp trên quy định, lúc này chỉ có ao ước duy nhất là được ngủ một giấc no nê cho đã mắt.

Tuy thời gian huấn luyện chỉ vài tháng nhưng chúng tôi đều được "đa khoa" tất cả các loại vũ khí hiện có trên chiến trường. Nào AK, B40, Cối 82, các loại lựu đạn của ta và loại thu được của địch... Học xong cơ bản "đa khoa" thuộc cơ bản "24 chữ cái" chiến trường, chúng tôi được phân công sang "chuyên khoa" trong "khoa" trinh sát tôi nhớ Ngô Thịnh, Đại học Cơ điện khóa 6. Thịnh hiền lành, học giỏi, một cán bộ gương mẫu trong trường đại học, khi vào chiến trận Thịnh cũng là tay dũng cảm, thông minh, táo bạo, xông xáo. Đi đôi với điều đó, Thịnh cũng là tay làm động trời ở đơn vị chủ công Sư 320.

Một ngày tay Hào, lính D76 phụ trách vũ khí đại đội bộ binh mang lên tiểu đoàn mấy quả lựu đạn của Việt Nam chế tạo để xin đổi. Lý do là bộ đội không tin vào vũ khí của mình. Lựu đạn gì mà kíp lỏng lẻo không chặt như US của Mỹ. Hôm ấy nhiều lính tò mò xúm vào xem tại sao phải đổi. Ngô Thịnh nói ra vẻ rất kỳ cựu:

- Đưa đây tao xem!

Thịnh cầm quả lựu đạn, dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt mỏ vịt, rút chốt an toàn, lẳng cái chốt cho thằng anh nuôi:

- Cho mày cái vòng đeo bát.

Không ngờ lựu đạn được rút chốt nỏ đánh "bép", sáu thằng vùng chạy lao vào hầm. Ngô Thịnh vẫn bình tĩnh, nó gạt mạnh quả lựu đạn còn đang nằm trên mặt bàn làm bằng nứa văng ra xa rồi cũng lăn nhào xuống đất. Lựu đạn nổ, kể cả Thịnh là bảy thằng đều được nếm lựu đạn nhưng may không ai "hi sinh", chỉ là toàn tiểu đội "mất sức chiến đấu" khi vào chiến dịch. Từ đó Ngô Thịnh không được ở trinh sát nữa, chuyển sang làm loong toong ở D bộ. Lực lượng trinh sát bị dàn mỏng bởi sự khốc liệt của chiến trường. Sau một thời gian ngắn Thịnh lại được trở về đơn vị cũ, Thịnh về, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, Thịnh trầm ngâm ít nói nhưng rắn rỏi sau những biến cố.

Tham chiến với nhau nhiều trận, trận cuối ba thằng tôi đi với nhau ngày 29/4/1975. Đêm, tôi, Ngô Thịnh và Minh Hòn Gài đi trinh sát lần cuối, để bộ đội nằm chờ ngoài đồng. Chúng tôi bò sát vào đồn Tân Phú Trung, ngửi thấy mùi thuốc lá thơm lừng: “Có địch phục rồi, quay sang hướng khác thôi”. Thịnh bảo: Mày ơi nó không dám bắn đâu, đi vào vườn dưa làm mấy quả đi, đói bỏ mẹ. Tôi không đồng ý, Thịnh hậm hực nhưng đành phải nghe theo.

Gần sáng ta nổ súng, địch bắn ra chống cự như vãi đạn. Súng đang nổ ác liệt, Thịnh dẫn 2 trinh sát áp sát đường đánh hỗ trợ bộ binh. Sau này mới biết hôm ấy nếu không có Ngô Thịnh và 2 trinh sát hỗ trợ thì bộ binh hướng C7 cũng vấp nhiều khó khăn, người đi cùng Ngô Thịnh hôm đó nói lại, chính Thịnh đã bắn tung mấy mũ sắt lăn lông lốc của bọn lính Sư 25 Ngụy trên chợ Tân Phú Trung.

Từ trưa 30/4 trên tất cả các con phố lớn Sài Gòn, hai bên đường đông nghịt người tay cầm cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, các dãy phố hàng người và dòng cờ giơ cao vẫy chào, bộ đội đầu đội mũ tai bèo mặt sạm màu khói súng, nhiều đơn vị bỏ ăn khẩn trương về nơi tập kết theo lệnh cấp trên, tất cả các loại vũ khí bộ binh lúc đó được khóa chốt an toàn.

Đồng bào ai cũng cười rạng rỡ, bộ đội giơ tay vẫy đáp lại những nụ cười hân hoan ngày chiến thắng. Trên nóc những tòa nhà cao ốc, cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ, dưới lòng đường người ngồi trên xe máy, phụ nữ mặc áo dài, đầu xe cắm cờ, những khuôn mặt xinh đẹp, những mái tóc ngang vai của sinh viên, mái tóc uốn xoăn của người có tuổi, tất cả tạo thành một khối chuyển động theo bộ đội. Nhiều thiếu nữ hồn nhiên chạy ra vỗ vào vai các anh bộ đội như kiểm tra đây là thật hay mơ, các bà, các cụ tay cầm cờ vẫy nhưng nước mắt tràn đầy xuống mặt.

- Má ơi, mẹ ơi!

Tiếng bộ đội gọi vang, tình cá nước dâng trào thác lũ. Bốn giờ chiều 30/4 tiểu đội trinh sát chúng tôi truy tìm cố vấn Mỹ đang trốn trong tòa Đại sứ Nhật. Hai thằng trèo vào căn nhà

5 tầng của một luật sư đã di tản. Căn nhà còn nguyên vẹn như chưa hề vắng chủ. Cây đàn Piano trong phòng vẫn mở nắp còn quyện thơm mùi con gái. Thịnh quẹt tay lên bàn phím đánh "roẹt" một dãy âm thanh vang lên nghe vừa lạ vui tai, lần đầu tiên được sờ vào cây đàn bóng loáng, hai đứa mở cánh tủ đứng, chao ôi, toàn đồ con gái, váy áo các màu, mùi thơm êm dịu tỏa ra, Thịnh lôi chiếc coóc-xê màu hồng đưa lên mũi hít thật sâu, một luồng khí lan tỏa chạy rần rật khắp sống lưng, cái bản năng của đàn ông đã khơi dậy trong chúng tôi từ lúc nào không biết nữa.

Đêm đầu tiên ngày giải phóng, ánh điện khắp nơi trong thành phố lung linh, Sài Gòn về đêm đẹp thơ mộng như không có chiến tranh, tiếng còi tàu tu tu từ phía Cảng nhà Rồng. Đêm nằm trên sân thượng, vẫn nhiệm vụ quan sát truy tìm tên cố vấn lúc này người mệt rũ ra nhưng mắt vẫn không sao chợp được, phía trên dây phơi mấy bộ quần áo bằng sa tanh trắng muốt thoang thoảng mùi thơm.

Ngày chiến thắng rồi, chúng tôi ngồi nhìn thành phố, nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ giảng đường còn ấm chỗ ngồi, nhớ miên man, nỗi nhớ cứ dâng trào lên mãi, chỉ mong được về quê, được dúi đầu vào lòng mẹ, được ngửi mùi áo giặt thiếu xà phòng trong vòng tay yêu thương của mẹ, ước được ăn canh cua đồng mẹ nấu...

Điều mong ước gần gũi, đơn giản đến thế thôi. Chiến tranh cũng biến mất trong chúng tôi từ lúc nào mà trên vai mình vẫn chưa rời khẩu AK còn đầy ắp đạn.

Ghi theo lời kể CCB Nguyễn Trọng Luân

Trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, F320A

N.Q.T

 

 

 

Tin tức khác