Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 / 7-1-2024) - trang sử vẻ vang của hai dân tộc - Bài 1: "Cánh đồng chết đen tối"

Thứ tư, ngày 10-01-2024, 09:03| 982 lượt xem

Người xưa có câu: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Ngày 7-1 hằng năm chính là dịp để cùng ôn lại truyền thống đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau của quân và dân hai nước Việt Nam-Campuchia trong những thời đoạn gian khó của lịch sử hai dân tộc. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 / 7-1-2024), Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu vệt bài nhìn lại trang sử vẻ vang của hai nước, hai dân tộc.

Sau những năm tháng cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ bên nhau tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân, đế quốc, nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia lẽ ra cùng được hưởng hòa bình để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đáng tiếc thay, tập đoàn phản động Pol Pot đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.

Cơn hủy diệt thế kỷ      

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Hai dân tộc đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Ngày 14-9-1952, tại Hội nghị cán bộ liên minh nhân dân Việt-Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Việt Nam đoàn kết chặt chẽ. Lào đoàn kết chặt chẽ, Miên (Campuchia) đoàn kết chặt chẽ... Đoàn kết ở đây là đoàn kết trong tinh thần, đoàn kết trong hành động, đoàn kết trong đấu tranh, chứ không phải đoàn kết ngoài miệng”(*). Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để quân giải phóng Campuchia tiến lên, giải phóng thủ đô Phnom Penh vào ngày 17-4-1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân đất nước chùa tháp.

Người dân Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pot. Ảnh tư liệu 

Sau chiến thắng lịch sử vào mùa xuân năm 1975, bóng đen lại bất ngờ ập xuống với cơn hủy diệt thế kỷ bạo tàn khắc vào lịch sử Biển Hồ một trang thấm đẫm đau thương. Theo tờ Khmer Times, tập đoàn phản động Pol Pot sau khi lên nắm quyền vào tháng 4-1975 đã khiến nhân dân Campuchia "một lần nữa rơi vào bi kịch lớn của dân tộc", đất nước chùa tháp "đứng trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người". Làng xóm Campuchia điêu đứng, số phận non sông chìm trong lưỡi hái Angkar tử thần.

Nhân loại sẽ không bao giờ quên, chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, tập đoàn Pol Pot-với giấc mộng tạo ra “một xã hội nông nghiệp không tưởng phi giai cấp, tự cung tự cấp”-đã phạm tội ác "trời không dung, đất không tha", sát hại hơn 3 triệu người Campuchia vô tội, xóa bỏ đến tận gốc mọi cơ sở xã hội. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Giáo sư Pankaj Jha của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal (Ấn Độ) đánh giá, giai đoạn dưới ách cai trị của tập đoàn Pol Pot là "một trong những thời kỳ lịch sử đen tối nhất của Campuchia". Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, được tờ Khmer Times dẫn lời đã mô tả Campuchia lúc bấy giờ không khác gì "cánh đồng chết đen tối". "Chế độ tàn bạo này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân vô tội, hủy hoại toàn bộ đất nước. Người dân Campuchia bị cưỡng bức lao động khổ sai, không có thức ăn, không có bệnh viện, không có trường học, không có tự do. Chế độ tàn bạo đã khiến người dân chỉ còn da bọc xương chờ chết", Samdech Techo Hun Sen nhớ lại.

Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu. Ảnh tư liệu 

Niềm tin vào Việt Nam

Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn Pol Pot còn thực thi chính sách thù hận chống Việt Nam, coi Việt Nam là kẻ thù của Campuchia, hòng chà đạp "mối quan hệ song phương quý giá" như khẳng định của tờ Khmer Times. Bất chấp những lời kêu gọi, thiện chí và nỗ lực của Việt Nam về giữ gìn hòa bình, hữu nghị, đối thoại, chúng ra sức tuyên truyền, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động tâm lý chống Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam. "Tập đoàn Pol Pot không thỏa mãn với việc giết hại dân tộc mình mà còn muốn giết hại cả người dân nước láng giềng", Samdech Techo Hun Sen kể lại trong bộ phim tài liệu lịch sử “Marching towards national salvation” (Hành trình cứu nước) sản xuất năm 2017.

Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, những người con ưu tú của nhân dân Campuchia đã đứng lên, tập hợp lực lượng để tìm con đường cứu nước. Nhiều cuộc nổi dậy của lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đã nổ ra. Thế nhưng, vì chênh lệch về tương quan so sánh lực lượng và vũ khí trang bị nên cuộc đấu tranh chịu nhiều tổn thất và đứng trước tình thế hiểm nguy. Giữa thời điểm gian nan tột độ của cách mạng Campuchia, Samdech Techo Hun Sen, khi ấy là Trung đoàn trưởng, cùng một số người Campuchia yêu nước đã quyết định sang Việt Nam đề nghị giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước. Trong bộ phim “Marching towards national salvation”, Samdech Techo Hun Sen chia sẻ rằng, lúc bấy giờ ông vẫn luôn tin tưởng "Việt Nam sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi Campuchia gặp nạn". "Tại sao ông ấy lại tin tưởng Việt Nam và chạy sang Việt Nam? Điều đó là bởi vì Việt Nam là quốc gia láng giềng từng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung để giành độc lập", bộ phim khẳng định. 

(*) Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, tập II, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, năm 2010.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tin tức khác