Đi để trở về

Thứ ba, ngày 18-10-2022, 09:11| 1.222 lượt xem

* Bút ký của Hoàng Kim Yến

Minh họa của An Bình

Đó là một sớm mai thức dậy, nghe tiếng chim chích chòe hót vang trên bụi cây duối lúc lỉu chùm quả chín vàng thơm bên chái nhà, và mặt trời buông nhẹ những ánh nắng như giọt mật. Hơi gió thoảng đưa mùi lúa non phảng phất đâu đây. Tôi biết mùa Thu đang về trên từng ngọn cây góc phố.

Đi qua hơn năm thập kỷ được sinh ra và lớn lên giữa trung tâm phố thị. Những tên gọi như khu Tam Cờ, Xã Tắc, Quang Trung, Đức Nghĩa, Phố Mới, Xuân Hòa, Cầu Lườn, Cầu Chả, mả Quan Sáu… Mỗi khi vào tiết Trung thu tiếng trống, điệu múa lân rộn rã vang khắp đường làng ngõ xóm. Lũ trẻ chúng tôi áo quần nhiều miếng vá ngồi ngỏng cổ mắt tròn mắt dẹt ngóng ra cổng cửa chờ đợi các bà, các mẹ Hội Phụ nữ trong khu phố, khiêng những thúng đầy bánh kẹo, hồng, chuối, bưởi… đến chia cho từng nhà. Ngày đó được ăn một miếng bánh hay cái kẹo không phải dễ, và có được rồi nhiều khi cũng để dành chả dám ăn ngay, nó quý giá lắm.

- Bà! Tối nay có đi xem rước mô hình không, nhiều con vật to đẹp khủng khiếp, đông vui thích lắm bà ạ, nếu đi đợi con ra nhé.

Đứa cháu hàng xóm nhà tít cuối ngõ háo hức. Chưa đến Trung thu mà đã đông vui náo nức thế ư? Cần gì phải đến tối nhỉ, cũng lâu rồi không dạo quanh phố phường xem không khí vào thu thế nào.

Thị xã nhỏ bé ngày xưa như cô gái bước qua tuổi dậy thì bừng lớn dậy mang trong mình sức sống mãnh liệt. Cái phố thị nhỏ bé lọt thỏm trong lòng bàn tay giờ đi mãi chưa hết, nhà nhà người người muôn sắc màu. Mới chỉ phóng xe lướt chầm chậm qua mười bảy tổ dân phố với hơn bảy nghìn hộ dân cư trong khu vực phường Tân Quang, để ngắm mười bảy mô hình đang hoàn thiện phục vụ cho lễ hội Trung thu đường phố thôi với tôi cũng mất hai ngày.

Có người nói rằng: Trung thu bây giờ không phải dành cho con trẻ. Cũng đúng, bởi để tổ chức và làm ra các mô hình đặc sắc thì trẻ con sao làm được. Một mô hình con voi chiến to, riêng sắt đã mất hai tạ rưỡi, đề can chín mươi mét, bảng điện tuýp dẫn là ba mươi bảng, bóng điện dây nét đã mười lăm, năm mươi mét, dây điện các loại chín mươi mét, chưa tính que hàn, phích điện ổ điện. Riêng mua xe và chế lắp khung để chạy kéo mô hình đã mất gần năm mươi triệu, đấy là còn chưa tính tiền xăng…

Ông Hoàng Việt Phong, một người lính từ chiến trường Cam-Pu-Chia phục viên trở về năm một chín chín ba, hiện làm Bí thư, Tổ trưởng dân phố tổ 3, phường Tân Quang, vừa cắm cúi dán mô hình vua Quang Trung Nguyễn Huệ vừa chia sẻ nhỏ nhẹ với tôi:

- Làm mô hình cho các cháu vui chơi là chính cô ạ, chứ tính đếm cân đo thì chịu, bởi huy động nhân công đã mất mười hai người làm suốt từ hôm mùng hai tháng bảy âm, đến hôm nay hai hai mới gọi là cơ bản hoàn thiện được.

- Đẹp bác nhỉ. Hoành tráng thế này, số tiền bỏ ra mua nguyên vật liệu cũng không phải ít, dân trong tổ đóng góp nhiều không ạ? - Tôi tò mò.

Địa bàn tổ dân phố tổ 3 nằm vòng quanh khu vực chợ Tam Cờ, có một trăm mười bốn hộ, bốn trăm hai mươi chín nhân khẩu, số hộ làm kinh doanh dịch vụ là một trăm linh chín. Đảng viên có hai mươi hai người, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng hơn sáu triệu đồng, tính đến thời điểm hiện tại, trong tổ có một hộ nghèo nhà bà Trúc Gạo, do tuổi cao mất sức lao động. Tổ cũng đã vận động kêu gọi đóng góp tiền, công để sửa chữa nhà cửa gần mười triệu đồng cho bà ấy, ngoài ra đảng viên và quần chúng nhân dân trong tổ ủng hộ thiên tai lũ lụt phòng chống dịch bệnh ba mươi ba triệu chín trăm bốn mươi bốn ngàn đồng. Làm mô hình lễ hội Trung thu đường phố năm nay, tổ được các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tập thể đóng trên địa bàn ủng hộ chín triệu đồng, xã hội hóa đóng góp tham gia lễ hội được hai mươi ba triệu, nhân dân trong tổ ủng hộ mười lăm triệu.

- Mô hình của tổ mình đặt tên là gì hả bác?

- Phải họp tổ rồi đưa ra ý tưởng, sau đó tạo hình nhân vật, năm nay tổ chúng tôi làm mô hình Quang Trung đại phá quân Thanh, phải làm ngày làm đêm đấy cô ạ.

Mấy năm trước tổ cũng làm hàng loạt các mô hình như:  Đám cưới chuột, Sơn Tinh Thủy Tinh, voi chín ngà gà chín cựa, Dê xuống phố, Bảo vệ động vật hoang dã tê giác…

Tổ cũng đạt được một giải Đặc biệt, một giải Nhất chưa kể đến các giải Nhì, Ba… Nói chung cả đảng viên và quần chúng nhân dân trong tổ đều hợp sức đồng lòng, dù đặc thù là khu xóm chợ tiểu thương buôn bán, tính toán lợi ích kinh tế phải đặt lên hàng đầu. Nhưng  mỗi người dân, mỗi nhà dân trong khu phố lại rất sẵn tâm sẵn lòng tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội.

- Ngoài các mô hình lễ hội thì mình có tổ chức ăn uống gì cho các cháu không bác, vì trẻ con là không thể thiếu món bánh kẹo.

Tôi hỏi vậy là đơn giản tôi cứ nghĩ về ký ức những ngày rằm Trung thu thời thơ ấu của mình.

Ông Phong cười khà khà:

- Có, có chứ, thậm chí cháu nào được là học sinh giỏi cấp thành phố trở lên còn được thưởng tiền nữa đấy.

- Tiền đấy lấy từ giải thưởng chấm thi các mô hình của tỉnh hay từ quỹ nào ạ?

- Dân trong tổ thống nhất rồi, dù ít hay nhiều khi đạt giải thì số tiền đó sẽ đem về khu phố liên hoan, còn tổ chúng tôi nhân dân bảo nhau tự đóng góp để động viên khích lệ các cháu phấn đấu học tập, chứ cứ nói mồm suông là không ổn cô ạ.

Trời oi nóng trước khi báo hiệu cho đợt mưa dông dài ngày, tôi nhìn thấy các cụ ông, cụ bà và các chị tay xách tay bê hoa quả chè nước tíu tít ra phục vụ đội làm mô hình, họ cứ hớn hở hân hoan như con trẻ, bỏ quên hết những nét khắc khổ bươn chải lo toan cơm áo gạo tiền đời thường. Một năm mới có một mùa lễ hội Trung thu, ngoài việc tham gia tổ chức vui chơi cho con, cháu và nhân dân trong khu phố, họ còn mong muốn anh chị em

bạn bè mọi miền đất nước biết đến một xứ sở vùng núi miền Đông Bắc có tên gọi Thành Tuyên bên dòng Lô xanh biếc đang từng giờ từng ngày phát triển mạnh mẽ.

- Hôm này mặc áo dài đẹp sang đây đi diễu hành đường phố cùng bọn chị cho vui đi. Chị Chén, một hộ kinh doanh ngay cổng chợ Tam Cờ, gia đình cũng rất nhiệt tình tham gia đóng góp vào làm mô hình lễ hội rủ tôi.

- Bên tổ em, phường em cũng có mà, chẳng qua chưa được hoành tráng bằng các bác thôi, hì hì...

Thật ra giàu nghèo to nhỏ không quan trọng, cứ hòa bình an lành hàng ngày được gặp nhau nhìn thấy nhau khỏe khoắn là vui rồi.

Ông hàng xóm ngay sát nhà tôi, con cái hiện đang sinh sống và làm việc dưới Hà Nội, vợ chồng ông bán hết cả ruộng vườn đi theo chúng, mấy hôm rồi tôi đi vắng về nghe mọi người nói, ông ý ngược về vào xóm hỏi mua đất để làm nhà, ở quê sống quen rồi, đi nơi khác nhớ đến từng tiếng gà gáy trưa oi nắng hạ. Có chết cũng lần về quê chết chứ không thể ở nơi nào khác.

Ai cũng phải một lần có thể nhiều lần đi khắp bốn phương tám hướng mưu cầu cuộc sống, nhưng cũng chỉ có một nơi để quay trở về, đó chính là quê hương, là nguồn cội. Ai cũng thế không riêng gì ai.

H.K.Y

Tin tức khác