Nhớ về Na Hang

Thứ ba, ngày 25-10-2022, 10:24| 1.176 lượt xem

* Phù Ninh

Minh họa của Tân Hà

Một thời “Na Hang quốc”

Thời ấy, theo độ giao thông khó khăn, Na Hang được chia thành Khu A, Khu B, Khu C. Mỗi khu chọn một xã làm trung tâm để tiện liên lạc. Đường ô tô Chiêm Hóa -  Na Hang mới mở, chính xác là đường từ Đầm Hồng đi Na Hang. Trên tuyến có đèo Cổ Yểng cao nhất. Tỉnh ủy thêu lá Cờ thi đua: “Chiêu mộ anh hùng phá đèo Cổ Yểng” để tặng cho đơn vị xuất sắc nhất toàn công trường. Hơn 4.500 dân công biên chế thành 5 tiểu đoàn, sinh hoạt, lao động theo kỷ luật bộ đội, dải quân, đồng loạt khởi công ngày 19/3/1961. Sau hai tháng thi đua lao động cật lực, con đường dài 40 cây số căn bản hoàn thành.  Lễ thông xe vào ngày 19/5/1961, chào mừng sinh nhật Bác Hồ lần thứ 71. 

Đường đã có, tuy là đường nền đất, nhưng xe thì hiếm. Người dân làm quen với tài xế xe khách hơn làm quen với ông Chủ tịch huyện. Xe khách Thị xã Tuyên Quang - Na Hang một tuần một chuyến. Phải qua phà Bợ-  sông Lô,  phà Chiêm Hóa - sông Gâm. Chờ phà cả tiếng đồng hồ, thậm chí cả buổi. Khách đi xe gọi phà Bợ là “phà nợ”.

Mỗi khi tỉnh có cuộc họp, đại biểu huyện Na Hang phải đi từ chiều hôm trước. Cuộc họp chỉ bắt đầu khi đại biểu Na Hang có mặt. Lãnh đạo huyện cưỡi ngựa đi cơ sở. Lãnh đạo các xã Khu C xa nhất đi họp huyện cũng đều “lên yên”. Mãi đến năm 1995, Bí thư xã  Xuân Lập  xuống huyện, nửa đường cưỡi ngựa, nửa đường cưỡi xe máy. Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban huyện có bộ phận chăn ngựa, kiểu như là “tổ xe” bây giờ. Còn lại tất thảy di chuyển bằng đôi chân - cuốc bộ.

Một trong nhiều nguyên cớ hình thành tên “Na Hang quốc” - cuốc C thành quốc Q là từ chuyện này. Vả nữa là sự cách biệt giữa Na Hang với tỉnh lỵ và các huyện phía Nam.

Hai “thằng điên”

Áp Tết Nguyên đán năm Nhâm Tý -1972, trong khi mọi người lo sắm sửa về quê thì có hai cán bộ Ty Văn hóa  xếp hàng mua vé xe đi Na Nang. Người trong cơ quan nói với nhau: “Đúng là hai thằng điên”. Tôi và họa sĩ Lê Sơn Hải là “hai thằng điên” đó.  Một người là họa sĩ thiết kế bìa, trình bày, minh họa; một người biên tập, viết bài tập san Văn nghệ Tuyên Quang - tiền thân của Tạp chí Tân Trào. Tập san, 38 trang, ba tháng một số.

Cuốc bộ từ thị trấn, gần trưa qua cầu treo gặp con phố nhỏ, vẻ đẹp thuần phác yên bình. Nhà nhà cột gỗ, mái ngói âm dương rêu xanh cổ kính. Lan can gác hai trước nhà thấp thoáng bóng áo chàm thôn nữ. Đó là Xá Thị. Tiếc thay, phố cổ đã biến mất, chẳng còn lấy một ngôi nhà gỗ nào gọi là có.  

Điểm đến là nhà ông Hoàng Quang Trọng, xóm Phai Khằn, xã Đà Vị. Ông là nhà thơ, Phó ty Văn hóa. Bài Cần tả Lô (Người sông Lô) của ông được in trong tuyển tập Văn nghệ các dân tộc thiểu số. Phía trước bản Phai Khằn là núi Ái Kao. Núi đứng biệt lập, hình dáng núi cân đối như một cổ tháp. Đôi khi làn mây như chiếc khăn voan choàng lên đỉnh núi. Nắng hửng làm chiếc khăn tuột đi lúc nào không hay. Có câu chuyện cổ bi thương xảy ra ở đây. Tên núi chính là tên Nàng.

Tết đến. Ăn cỗ đón giao thừa. Quan sát người say rượu: Chốc chốc nói lại chỉ một câu “Tôi là chuẩn úy Chu Vi Công, Huân chương đầy ngực”.  Và luôn gắp trượt thức ăn vì hoa mắt.

Mùng bốn Tết. Người em ông  Quang Trọng là Hoàng Vi Kim dẫn đi chơi hồ Ba Bể. Gia đình ông có họ hàng bên Bắc Kạn. Thoáng chốc đã đến thác Đầu Đẳng. Chân thác, đất Tuyên Quang; đỉnh thác đã thuộc địa phận Bắc Kạn. Thác cao chừng hai mét, đêm ngày ào ào dội nước hồ xuống sông Năng.  

Nếu thiết kế âu thuyền du khách có thể dùng  phương tiện giao thông thủy ngược sông sang hồ chẳng phải đi bộ một bước chân.

Con thuyền độc mộc nhẹ lướt. Mặt hồ lặng sóng. Nước hồ biếc xanh. Cổ thụ xoãi cành lá lòa xòa. Vắng vẻ, yên tĩnh gần như tuyệt đối. Ven hồ phía Bắc Kạn, có chiếc thuyền chìm,  phần mũi nhô lên. Được biết đấy là du thuyền của Bảo Đại. Ông vua này tuy nói được câu “muốn làm công dân nước độc lập”, cuối cùng trở thành con bài trong tay thực dân Pháp.

Chia tay gia đình, leo dốc, gần trưa đến bản Khau Tràng, xã Hồng Thái. Nhìn trang phục phụ nữ  biết là người Dao Tiền: Váy áo chàm, trên ngực áo gắn bẩy nửa hình tròn bằng bạc trắng sáng. Nhà nền đất, mái lợp ngói âm dương. Buổi sáng, dạo quanh ngắm cảnh “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Mới đầu tháng Giêng. Lác đác hoa nở mờ ảo trong sương sớm. “Lê Hồng Thái - Gái Thượng Lâm”, nhưng mùa  thu mới lê mới chín “đủ năm mùi”.

Ngạc nhiên và thú vị nhất là khi đang đi, xung quanh quang đãng, bỗng từ đâu mây sà xuống vây quanh, mù mịt, người đứng bên cũng nhìn không rõ cả. Cảm giác lâng lâng, ngỡ mình bay cùng mây. Phút chốc làn mây tản nhanh đi. Ngẩn ngơ tiếc nuối.  Thấm ý tứ của thi hào Đỗ Phủ:

     Bảo cho phong cảnh mau thay đổi

    Nên thưởng thức ngay kẻo tiếc hoài.

                                   (Khúc giang)

Dã sử về Nguyễn Quảng Khởi

Họa sĩ được người mẫu tặng quà

Xuôi dốc Hồng Thái, qua Hoa Thành, Yên Viễn (sau sáp nhập thành Yên Hoa) sang Côn Lôn. Ngắm nhìn phong cảnh hồi lâu. Thung lũng hẹp bốn bề núi núi. Giữa là cánh đồng lúa nước. Đường vào chỉ một, từ Hoa Thành qua Đèo Pụt; đường ra, lên Bảo Lạc chỉ một qua Pù Đồn. Xưa xã Côn Lôn nằm trong  tổng Côn Lôn, gồm cả các xã Sinh Long, Yên Viễn, Hoa Thành. Thuở trước vùng này có bốn mường, mỗi mường do một họ thổ ty cai quản: Mường Bang, họ Ma; mường Đin, họ Dương; mường Mường, họ Nguyễn; mường Giàng, họ Ngô.  Mường Mường chính là Trung Mường, xã  Côn Lôn. Người Tày ở đây hầu hết là họ Nguyễn. Dòng họ Nguyễn Quảng bắt nguồn từ một viên quan quê ở Quảng Ngãi. Viên quan này lấy vợ người địa phương nhớ về quê lấy chữ Quảng là tên đệm. Dòng họ Nguyễn Quảng đến đời Nguyễn  Quảng Khởi (hay Khải) là hưng thịnh nhất.  Quảng Khởi kết tồng với Nông Văn Vân, thủ lĩnh châu Bảo Lạc. Vua thấy Quảng Khởi vóc dáng cao lớn, phong thái đàng hoàng, nói năng lưu loát, lại là thổ ti nên muốn gả con gái cho đặng có người trấn giữ nơi biên ải xa xôi. Vân nói với Khởi: Triều đình hiện nay vua tôi quan tham, chịu để cho giặc Tây dương lấn át, rồi sẽ đến cơ mất nước. Trước sau tôi cũng khởi binh chống lại triều đình.  Bạn tồng xin suy nghĩ kỹ. Nghe lời can, Khởi bèn tìm cách thoái thác hôn nhân. Sau, Nguyễn Quảng Khởi sắm sửa vũ khí, luyện quân, chiếm giữ vùng Côn Lôn, hưởng ứng cuộc dấy binh của Nông Văn Vân. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Khởi chôn giấu vũ khí, cho nghĩa binh ai về nhà nấy, bố trí để người em trai trốn đi, đề phòng nếu bị triều đình tru di thì còn người nối dõi. Khởi không có vợ con, ở lại Trung Mường, bí mật đào trong khuôn viên một cái hầm. Những kẻ tìm của sau này đào xuống chỉ gặp nhiều lớp than dày. Người ta đồ rằng cái hầm ấy chính là mộ của Khởi, tránh cho hài cốt bị hủy hoại. Người em của Khởi, khi thấy việc truy nã Nông Văn Vân đã yên, lần lần trở về. Người này là tổ gần họ Nguyễn Quảng ở Côn Lôn.

Suối Côn Lôn uốn lượn hiền hòa. Ven suối đây đó có những guồng cán bông dùng sức nước. Họa sĩ ngỏ ý muốn có một cô gái làm công việc đó ngồi mẫu. Buổi tối, tôi nghe lõm bõm hiểu được người già trao đổi với nhau phải chọn cô gái đẹp người đẹp nết.

Miền núi, mặt trời lên như dềnh dàng hơn. Họa sĩ ra bờ suối đã thấy cô gái váy áo nguyên nếp gấp, thắt lưng gọn gàng, cổ đeo vòng bạc đứng đợi. Cô gái ngồi vào làm công việc quen tay. Tiếng suối réo rắt, tiếng guồng quay nhè nhẹ. Cảnh đẹp, người đẹp, thạo việc. Cảm xúc dâng trào, họa sĩ tập trung thể hiện nét ký họa lên giấy.

Gần trưa, tôi ra đón. Cô gái đã về. Đang thu xếp giá, bút, chợt họa sĩ nói, vẻ hoảng hốt:

- Có gói gì trong túi mình cậu ạ. Sợ cô gái bỏ bùa chăng?

- Làm gì có chuyện ấy. Để tôi mở.

“Bùa” mà họa sĩ lo là nửa con gà luộc béo ngậy với nắm xôi to hơn quả bưởi, dậy mùi thơm.

-  Không mất tiền thuê mẫu, còn được người mẫu tặng quà. Anh là người quá may mắn.

Họa sĩ cười, hơi đỏ mặt.

Chuyện gió hang và hành động dũng cảm của cô giáo trẻ.

Phải trở lại Hoa Thành mới có đường lên Sinh Long. Trong túi họa sĩ có một gói kẹo Hải Hà - là tiêu chuẩn Tết - nhìn đồng hồ đeo tay, cứ đi được một giờ, bất kể nhanh hay chậm, thì mỗi người được ăn một cái kẹo. “Nguyên tắc” duy trì trong những ngày “hành quân”. 

Đi giữa đại ngàn nguyên sinh, thỉnh thoảng nghe tiếng chim vỗ cánh, tiếng cành khô rơi, bóng người thì vắng ngắt. Đường vào xã qua cây cầu treo chênh vênh. Không dám nhìn xuống. Suối sâu thăm thẳm, nước xanh đến rợn người. Hạ giá, dở đồ, họa sĩ bảo:

- Cảnh đẹp quá. Cậu qua cầu rồi quay lại, đi chầm chậm một chút.

Thì ra họa sĩ muốn có người mẫu bất đắc dĩ.  

Cư dân Sinh Long phần đông là người Dao, ngành Dao Đại Bản. Địa hình thì khá đặc biệt, như một tiểu cao nguyên, độ cao tám trăm mét. Có câu “Chè Sinh Long, mật ong Sơn Phú”. Những cây chè Shan cổ, tán rộng hàng chục mét vuông,  phải bắc giàn để hái. Lá to, mặt dưới phủ lớp lông trắng mịn, khi xao, lớp lông để lại màu trắng. Chè Shan xao chế đúng cách, màu nước xanh nhẹ, nhuốm chút vàng mơ, hương thơm, vị đậm.

Trụ sở Ủy ban xã không có người trực. Trên bảng thông báo ghi họ tên từng thành viên phụ trách khối. “Phụ trách khối Văn Xã: Chúc Mùi Chiều”.

Trường học gần trụ sở, nhờ thầy giáo người xuôi chỉ đường. Thầy nói:

- Nhà cô ấy ngay đây, nhưng để hỏi xem có vào được không.

Lát sau, trở lại thầy bảo:

- Vào được hai anh ạ.

Dạo bước chừng hai “quăng dao”. Trước mắt một khung cảnh có phần hoang sơ mà thơ mộng: Bãi cỏ xanh xanh, lô nhô vài tảng đá trắng, một cô gái xinh tươi, rực rỡ trong bộ áo quần Dao Đỏ, gương mặt ửng hồng, trước mặt xoỏng vải nhiều màu. Cô đang thêu áo. Thật là “ Nhân diện, phục trang tương ánh hồng”. 

Giấy giới thiệu xem xong, đặt vào xoỏng may. Họa sĩ ý tứ nhón tay cầm lại - Vì còn cần để đi những xã khác -  Và bắt đầu chăm chú ký họa chân dung.

Để có sức đi tiếp, sang trường ăn với các thầy giáo mới được một bữa no. Có một cô giáo đến pha nước mời xong đi ngay. Thầy hiệu trưởng kể: Trường toàn giáo viên nam người miền xuôi, chỉ mỗi cô Mùi Bên người dân tộc nhà gần, không ăn ở tập thể. Vừa qua cô đã xử lý một việc khó, khiến cả trường thở phào.

Chuyện thế này: Vào khoảng giao mùa là gió hang thổi về, vài ba ngày không dứt, làm gãy đổ hoa màu, gây ra mất mùa, thiếu đói. Chắc vì thế nên có tục kiêng gió, cả bản yên ắng, không một tiếng động. Người bản không ra ngoài, người ngoài không vào bản. Ai đã trót vào rồi, phải chờ hết tuần kiêng mới được ra. Tục kiêng này liên quan đến nhà trường. Đã thành lệ, chỉ khi nghe tiếng kẻng học sinh mới tới lớp, còn không, các trò sẽ ở nhà. Tuần kiêng gió vừa qua, các giáo viên nhìn nhau, không ai dám đánh kẻng thì Mùi Bên cầm lấy thanh sắt thẳng đến chỗ treo kẻng. Mọi người nín thở nhìn theo, chờ đợi. Bất ngờ cô dang tay, đập mạnh thanh sắt vào thân kẻng một hồi dài. Tiếng kẻng vang lên dõng dạc. Các thầy đều lên lớp nhưng vẫn lo. Các trò nghe tiếng kẻng đến học đủ sĩ số. Sau sự việc ấy Mùi Bên phải nhận những lời oán trách, cả lời đe sẽ bị thần Gió của phạt. Nhưng rồi mọi sự cũng qua đi. Hành động quyết đoán, dũng cảm của Mùi Bên đã xóa đi tục kiêng kỵ vô lý.  

Ăn cơm bằng máng, uống nước bằng bẫu

Muốn sang Khu B, phải quay lại khá xa mới có đường. Quyết định mạo hiểm, nhằm hướng Tây Nam, xuyên rừng, tuột dốc dựng đứng. Và đã gặp lại sông Gâm. Vào nhà Giàng A Làng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phặc Mạ, xã Thúy Loa.  Hợp tác xã Phạc Mạ được thành lập gồm một số hộ người Mông du cư từ các bản Ngài Xá, Song Long chuyển về. Công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng, biến đất đồi thành ruộng bậc thang cấy lúa nước. Cuộc sống ổn định, chấm dứt cảnh du canh, du cư, không còn  phải ăn mèn mén. Tuy thế vẫn còn nhiều thiếu thốn, nhất là vật dụng gia đình. Nước uống rót vào “bẫu” làm bằng một phần ba đốt nứa già. Đến bữa, chủ, khách, mỗi người một “máng” đựng cơm lẫn thức ăn và một thìa gỗ. “Máng” làm bằng một đốt mai to. Thiếu thốn là vậy nhưng người Mông Phạc Mạ ý chí tự cường mạnh mẽ, đã tự đóng được con thuyền gỗ. Một tháng hai lần chèo thuyền về thị trấn, chở dầu thắp, muối, nông cụ… lên bán cho bà con.

Trên con thuyền đó, Giàng A Làng và Giàng A Phàng đưa chúng tôi về thị trấn Na Hang.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, biết bao đổi thay tích cực, ký ức vẹn nguyên về miền cổ tích, về người dân đôn hậu, chất phác và lãng mạn.

P.N

Tin tức khác