Ngày trở về

Thứ sáu, ngày 14-10-2022, 15:40| 874 lượt xem

Minh họa của Lê Cù Thuần

“Nó đâu rồi? Nó đâu rồi...”.

Giọng bố lè nhè, vừa xuống cửa nhà đã gào lên ông ổng. Chẳng biết tại sao, từ ngày nghỉ hưu ông bắt đầu đổi tính, đổi nết. Sớm tinh mơ đã ra khỏi nhà ăn sáng. Đến lưng lửng buổi sáng mới về thì lại say, chân nam đá chân xiêu. Giày chưa kịp cởi, người đã ngồi phịch lên cái ghế ngoài cửa.

Mẹ tôi đem khăn mặt ra rửa ráy, lau người mà ông cứ nằm dặt dẹo, chỉ trực trượt xuống nền nhà. Miệng cứ lầm bầm những câu hỏi vô định như cũ. Tôi phụ mẹ đỡ bố, hơi tò mò hỏi ông:

- Bố tìm ai?

- Thằng đấy! Cái thằng tình nhân của mẹ

mày ấy.

Ông vươn người, hét toáng lên. Thân hình mềm oặt xuýt thì đổ vật về trước. Dù biết đó là lời say, nhưng tôi vẫn thấy thương mẹ. Tôi len lén nhìn bà thấy vẻ mặt mẹ vẫn như thường mới an tâm, nhỏ giọng an ủi “bố say thôi, mẹ đừng để bụng”. Nhưng, mẹ không đáp, cũng chẳng nhíu mi lấy một cái. Tay cầm khăn liên tục xoa trên mặt và xung quanh người bố. Hình như, mẹ đã quen rồi...

* * *

Trong trí nhớ của tôi ngày nhỏ, mẹ là một người đàn bà đẹp. Có lẽ, vẻ đẹp ấy là do cái miền quê ngoại chưa một lần tôi đặt chân đến, đã ban tặng. Chẳng phải ngẫu nhiên, quê mẹ lại nổi tiếng cả nước, đi đâu người ta cũng ngợi ca “Chè Thái      gái Tuyên”. Dẫu mẹ chẳng phải người Tuyên Quang mà là dân Bắc Thái cũ. Thế mà, chắc nhờ được chất nước, không khí vùng này uẩn dưỡng nên mẹ vẫn đẹp. Cái đẹp thời nay có thể khiến người ta nổi tiếng thì ngày đó chỉ gây phiền toái.

Nghe mẹ kể, năm giặc Mỹ ném bom càn qua làng, mẹ theo dân chạy loạn về dưới xuôi, rồi sau dạt vào phố cổ. Không nhà cửa, cứ lang thang ở ven chợ chờ người ta thuê gì làm nấy. Có kẻ xấu thấy mẹ đẹp, bảo thuê mẹ về dọn nhà, đến chỗ vắng lại muốn đè mẹ ra. May bà nội đi mua hàng tem phiếu qua hẻm, mới hô hào, kịp thời cứu được. Vậy là mẹ về ở hẳn nhà nội.

Nhà bà trước mở một cửa hàng vải ở phố Hàng Đào. Sau này, kinh tế kế hoạch hóa thì không làm nữa. Bà đổi được cái máy khâu cũ, thỉnh thoảng nhận sửa quần áo cho người ta. Những năm bố và ông đi chi viện chiến trường miền Nam, mình bà ở nhà tham gia các công tác của hậu phương. Đến khi mẹ về ở cùng, gọi là thuê dọn dẹp nhà cửa nhưng chỉ cần cho ăn, cho ngủ là đủ. Mẹ ở với bà mấy năm thì độc lập. Bố trở về mang theo vài vết sẹo, còn ông về trong tờ tin báo tử. Bà khóc cạn nước mắt. Bố lại là thương binh nên hay đau yếu, bao nhiêu công việc mình vai mẹ gánh. Dần dà, người ta quen mặt, nhớ tên mẹ nhiều hơn. Bởi thế, cái bậc cửa cũng bị đạp mòn vì những người đến hỏi cưới mẹ. Nhưng, mẹ chẳng đồng ý một ai, cuối cùng lại chọn lấy bố, dù bố luôn phản đối chuyện này.

Mười sáu tuổi, bố xung phong đi chiến trường B. Khi trở về đã ngót nghét ba mươi, hơn mẹ cả chục tuổi. Vậy nên, ngày xưa khi hai người lấy nhau cả khu phố bỗng chốc xôn xao. Ai cũng bảo bố ăn may. Cưới được vợ trẻ, lại xinh. So với mấy anh bạn đồng ngũ vừa trở về từ chiến trường ở trong phố thì vợ bố đẹp nhất.

Người ta khen nhiều nhưng cũng lắm kẻ gièm pha. Tử tế thì tụ tập nhau buôn chuyện ở sau lưng, còn người ác miệng chỉ cần vừa đi qua đã xì xào, bàn tán. Thậm chí, thuở nhỏ khi ra chơi ngoài ngõ, hàng xóm còn kéo hẳn tôi lại hỏi: “Bà mày cho mẹ cái gì mà nó chịu ở lại?” Đứa trẻ mấy tuổi nào đâu có biết. Khóc lóc chạy thẳng về hỏi nội thì bà thở dài bảo:

- Người ta nói linh tinh đấy, đừng tin con à.

- Thế sao… bố mẹ lại cưới nhau?

Tôi lau nước mắt, hơi ngập ngừng. Lúc ấy, bà lại tránh ánh nhìn của tôi mà trông về phía khác, im lặng một lúc rồi đáp.

- Sau này cháu sẽ hiểu.

Bà đi vào sau nhà, mẹ đứng tựa cầu thang, ngay hướng đối diện bà vừa trông sang. Tôi chẳng rõ cái mình cần hiểu, nhưng thấy bà buồn buồn, mắt mẹ rưng rưng thì không bao giờ dám hỏi lần nữa.

* * *

Bố theo chế độ quân nhân giải ngũ vào làm ở một xí nghiệp nhà nước. Còn mẹ vẫn tiếp tục gắn bó với cái máy khâu của bà. Đất nước bước ra từ chiến tranh, nơi nơi bắt đầu công cuộc cải cách, đổi mới. Xí nghiệp của bố cũng nhanh chóng bắt kịp thời đại, tăng ca triền miên và bố cũng hay vắng nhà. Song, mỗi lần về mặt bố hay nhăn lại, lâu lâu còn nổi cáu vô cớ với mẹ.

Mẹ hay ngồi đạp máy khâu ở buồng trong. Lúc nào không đi chơi tôi vẫn thường loanh quanh ở bên. Vốn khéo tay nên mẹ thừa hưởng hết kỹ thuật của bà nội, quần áo gì cũng nhận sửa. Khách hàng toàn người trong khu phố, hễ ai cần là mang sang nhờ sửa hộ. Thời đó, không trả tiền giống bây giờ mà dùng vật đổi vật. Những thứ lĩnh về bằng tem phiếu, không dùng đến thì đem đổi cho nhau hoặc lén giao dịch ở mỗi buổi chợ đen. Thế nên, nhiều khi tôi vẫn thắc mắc, tại sao mẹ có túi cái túi vải đã sờn chỉ nhưng chưa bao giờ thấy máy lại. Mẹ đem cất cẩn thận tận đáy chiếc hòm tôn. Có lần tò mò tôi lén lút mở hòm, định lấy ra xem mà bà nội cản lại.

- Đừng mở cháu à! Cái túi này theo mẹ mày từ lúc chưa đến nhà mình. Nó quý lắm, năm bà cứu nó thằng kia đè rất chặt. Ấy vậy mà, tay vẫn không chịu thả ra.

- Có gì ở trong thế ạ? - Tôi hỏi bà, mắt lăm lăm nhìn nắp hòm.

- Bà không biết, nhưng mỗi người đều có những bí mật cần phải được tôn trọng.

Bà nói thế, tôi cũng chẳng mở nữa. Bẵng qua vài tháng, tưởng đã quên hẳn thì lúc đi chơi về tôi lại thấy bố say khướt đi ra từ hàng nước đầu ngõ. Quán này hay nấu rượu chui, mấy ông bợm nhậu trong phố chiều nào chả tụ tập. Tôi không hiểu sao bố lại say, nhưng bố đi đằng trước các lão í ới đằng sau. Cái gì mà “chú về hỏi mà xem, vợ chú đẹp thế kiểu gì cũng ối người yêu trước chú”. Tôi lẽo đẽo theo sau, giấu mình nhìn từ bên ngoài khe cửa, trong nhà vang vọng tiếng bố:

- Của thằng nào đây? Thằng nào đây...

 Bố cầm cái túi rũ xuống bàn, bức ảnh đen trắng cùng những tờ giấy chi chít chữ rơi lả tả, nhặt lấy một tờ bố gằn giọng.

 - Thư tình à. Giỏi, giỏi lắm! Người ta nói không sai. - Tay bố kéo lê mẹ ra gần cửa rồi dừng lại, nhỏ giọng làu bàu - Thích thằng khác thì xéo ra ngoài mà đi theo nó. Cút ngay đi!

Hình như, cái men say bây giờ mới ngấm hẳn. Bố chửi chán xong vào buồng nằm vật lên giường. Còn mẹ vẫn ngồi lượm lặt mọi thứ trên nền nhà. Lặng im không một lời nói, hai gò má lóng lánh ánh nước. Thấy mẹ khóc, tôi chạy ùa vào ôm thật chặt. Chẳng hiểu sao mà nước mắt cũng chảy lem nhem hết mặt. Mẹ xoa xoa lưng vỗ về:

- Đừng khóc! Nín đi con. Mẹ vẫn ở đây, bố chỉ không vui nên mắng vậy thôi.

Bà nội thở dài ở nhà dưới lên nhặt đồ giúp mẹ, nhìn thật lâu cái thứ bố gọi là “thư tình” rồi mới cất vào trong. Từ dạo ấy, tôi đâm ghét cái túi. Hoặc chính xác mà nói là ghét những buổi bố say xiêu vẹo về nhà đem mẹ ra tra khảo. Đứa trẻ bảy tuổi suy nghĩ rất đơn giản. Mặc định mọi căn nguyên cho những cơn nóng giận thất thường ấy hoàn toàn do mấy thứ trong túi. Chỉ cần đem chúng đốt bỏ hoặc vứt đi thì gia đình lại yên ấm như xưa.

Tuổi ấy, tôi không hiểu cái gì gọi là thư tình. Nhưng mỗi lần bố say, ông lại réo lên cái điệp khúc “người khác” để đay trì mẹ. Đến độ nghe mãi thành quen, tưởng thật nên có lúc tôi cũng giận mẹ. Làm mình, làm mẩy bỏ ăn mấy bữa, bà nội phải kéo tôi lại khuyên bảo, khi đó mới nức nở hỏi bà:

- Mẹ con có người khác hả bà? Có phải cái chú viết thư tình cho mẹ không ạ.

- Bậy nào! Bố mày nghe người ta đồn thổi linh tinh, ghen thì nói vậy. Chứ mẹ mày làm gì có ai. Nó cũng khổ lắm.

Mãi cho đến sau này, tôi mới ngờ ngợ hiểu được lời nội. Khi bà nằm đếm ngày, tính tháng trên giường bệnh. Lúc nào bà cũng tâm sự với tôi “mẹ mày cũng giống bà, phận đàn bà trong chiến tranh có bao giờ sướng đâu, quanh năm làm bạn với chữ Chờ mà thôi”.

Mẹ chờ ai tôi không rõ, vì mẹ cũng không kể bao giờ. Hằng năm cứ vào tháng Bảy, tôi thấy mẹ buồn hơn, bà thường ngồi ngẩn ngơ một mình ngoài hiên. Mắt nhìn thật xa như chứa đựng nỗi buồn cô độc, tay nâng niu những lá thư, tấm ảnh đã thấm đầy nước mắt. Bố nhìn thấy và không nói gì, nhưng những cơn say lại kéo dài triền miên.

* * *

Năm nay, mẹ vẫn ôm nỗi buồn cũ kỹ, chỉ khác không phải là một mình. Tôi ngồi bên mẹ, tay lật mở những trang giấy ố vàng. Mấy hàng chữ nhòe mực hiện lên trong tâm trí như tái hiện ký ức.

- Thư người ta gửi mẹ? - Tôi ngập ngừng hỏi mẹ.

- Ừ! Hơn ba mươi năm rồi. Muốn nghe không con?

Tôi khẽ gật đầu. Giọng mẹ đều đều, cuốn tôi theo dòng suy tưởng mà trở về vùng Bắc Thái cũ. Nhà mẹ nằm chênh vênh lưng đồi. Mỗi lần bom Mỹ dội qua là phải chạy xuống nửa con dốc mới đến được hầm trú ẩn. Làng ngày đó, trai tráng đi chi viện chiến trường miền Nam hết cả. Những đôi trai gái yêu nhau, chưa kịp bày tỏ đã vội vã chia tay.

Người yêu mẹ cũng vậy, chú ấy theo tiếng gọi Tổ quốc trong con tim mười bảy. Đêm cuối cùng đứng trong hầm trú ẩn, hai người hẹn thề sau này hòa bình lập lại nhất định sẽ quay về tìm nhau. Năm đầu tiên, cả hai vẫn thư từ qua lại đều đặn. Càng về sau, càng thưa dần rồi bặt vô âm tín. Nghe đến đó, tự nhiên tôi muốn biết kết cục cho cái buổi thề nguyền đêm ấy.

- Sau này chú ấy có về không ạ?

- Về thì sao có mày được… - Mẹ lắc đầu, đáp.

- Mẹ theo dân chạy loạn về phố Cổ, cốt là để hỏi thăm tin tức về tiểu đoàn ông ấy. Thì hay tin tất cả đã hy sinh, vài năm trước gặp người quen cũ mới biết hài cốt chuyển về một nghĩa trang của tỉnh Thái Nguyên.

- Mẹ còn yêu chú ấy không?

Tôi hơi bặm môi hỏi mẹ cái điều mình vẫn băn khoăn theo những cơn say của bố. Ấy vậy mà, mẹ vẫn rất bình thản, tay cất những lá thư và tấm ảnh mờ không rõ mặt vào túi. Nhìn chằm chằm một lúc mới trả lời:

- Ngày xưa lấy bố mày phần nhiều do chịu ơn bà nội, đồng thời cũng là nghe tin ông ấy hy sinh nên quyết định còn phần bồng bột. Nhưng, ở bao nhiêu năm làm sao lại không có tình cảm. Với ông ấy giờ chỉ muốn gặp gỡ, coi như là hàn huyên lại lời hẹn năm xưa.

- Thế trước giờ mẹ chưa có ý định quay về tìm chú ấy sao?

- Có chứ! Thế nhưng, bố mày cứ như vậy làm sao về được. Mẹ cũng định năm nay nói rõ với ông ấy, nếu bố mày không đồng ý đi cùng thì mình mẹ đi.

Bất chợt, cánh cửa ban công kêu ken két. Bố đứng bất động tại cửa ban công, hai mắt đỏ hoe. Thì ra, nãy giờ bố vẫn lắng nghe câu chuyện của mẹ. Chắc hẳn, bố cũng hiểu những đau đớn mà chiến tranh đem lại. Ôm mẹ vào lòng, bố nghẹn ngào từng tiếng.

- Tôi… xin… lỗi! Bao nhiêu năm nay tôi đã hiểu lầm khiến mình chịu khổ. Năm nay, mình đừng đi một mình. Cả nhà ta cùng về thăm anh ấy.

Mẹ ngả đầu vào vai bố, những vạt nắng tháng bảy nhuộm vàng vai áo trông thật yên bình. Nước mắt hai người hòa chung một chỗ như rửa trôi những nỗi buồn bao năm níu giữ. Tôi nghe tiếng mẹ thì thầm “cảm ơn mình đã hiểu cho em”.

* * *

Gia đình tôi theo chỉ dẫn của người quen mà tìm về nghĩa trang đúng dịp Lễ kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ. Ngay cổng vào đã nghi ngút khói hương. Đâu đâu cũng thấy người, có người khóc gục bên mộ, có người đứng sụt sùi khăn mùi xoa. Mẹ dẫn tôi đến một ngôi mộ trong góc, khá sạch sẽ nên tôi đoán chắc được dọn dẹp thường xuyên.

Tấm bia đá đen nổi lên những hàng chữ vàng ghi ngày tháng nhập ngũ. Tôi khẽ nhẩm tính rồi giật mình khi biết chú hy sinh mà tuổi đời còn quá trẻ. Mới mười chín chứ mấy. Bằng tuổi chú, chúng tôi vẫn ngồi mòn ghế trên giảng đường đại học. Còn các chú đã mãi mãi ra đi…

Mẹ đem cái túi đặt cùng vàng mã, bố nhóm mấy que hương. Cả nhà ba người đứng lặng yên trước mộ, đối diện là khuôn mặt cười rạng rỡ trong khung hình đen trắng. Bỗng, ai đó nghi hoặc hỏi sau lưng.

- Xin lỗi! Mọi người là ai?

Tôi quay người nhìn lại. Bác gái đỡ bà cụ cũng gần chín mươi chậm chạp đi đến. Chưa tới gần đã thấy mẹ tôi run giọng hỏi.

- Chị Liễu phải không?

- Vâng, cô là… - Bác gái nhíu mày hỏi lại.

- Em Lan, bạn cùng chơi với anh Thanh đây

chị.  - Mẹ tôi xúc động nắm lấy tay bác Liễu, mắt bà ươn ướt.

- Lan… thật hả con. - Giọng bà cụ thều thào.

- Là cháu đây bác. Cháu cùng chồng và con về thăm anh Thanh.

- Cảm ơn cô chú! Cậu Thanh mất cũng mấy chục năm rồi. Ngày ấy, cứ sểnh ra là lại sang nhà cô Lan. - Bác Liễu nhìn bia mộ, mắt rưng rưng.

- Ngày xưa, trước lúc anh ấy nhập ngũ, chúng em có hẹn thề sau này gặp lại mà ai có ngờ…

Mẹ bật khóc nghẹn lời, bố cầm cái túi đặt vào tay mẹ, bà lấy vạt áo lau khô nước mắt mới tiếp lời.

- Chúng em vẫn thư từ qua lại mãi cho đến khi anh ấy hy sinh. Lần này về đây, thứ nhất là thăm anh Thanh, thứ hai là muốn trao trả những kỷ vật mà anh ấy gửi cho cháu về với gia đình.

- Thật... thật... không Lan?

Bác Liễu ôm chầm lấy mẹ, nấc lên từng tiếng.

- Từ ngày nhận tin báo tử cậu Thanh, mẹ chị khóc lòa hai mắt. Cảm ơn em! Thật sự, cảm ơn em.

Mẹ tôi trao cái túi vào tay bà cụ. Người đàn bà gần chín mươi, run rẩy nhận lấy. Bác Liễu đứng một bên đỡ, mẹ tôi đứng một bên. Ba người dàn thành hàng ngang dưới cái nắng chiều hắt bóng như tượng đài bất tử. Những giọt nước mắt tưởng đã cạn lại lần nữa rơi trên gương mặt nhuộm màu thời gian của người mẹ già trông con mòn mỏi. Nhưng, không có buồn đau, mất mát. Giờ phút này, mắt bà sáng hấp háy, miệng thì thầm khe khẽ “về nhà rồi con ơi!”.

Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc

Tin tức khác