Tuyên Quang từ phà đến cầu

Thứ ba, ngày 12-10-2021, 15:08| 1.130 lượt xem

Minh họa của Tân Hà

… Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt

Bến nước Bình Ca…  

Trong mỗi chúng ta ai đã từng đi học đều thuộc lòng những câu thơ trên trong bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Không biết bến phà Bình Ca có từ khi nào, chỉ biết rằng khi tôi lớn lên đã có bến phà này rồi. “Đi ngày đàng không bằng gang nước”. Mọi phương tiện giao thông khi gặp sông nước đều bị ách tắc. Vì thế mà từ xa xưa con người đã nghĩ ra nhiều cách vượt sông bằng những phương tiện như bè, mảng, thuyền và sau này là phà. Bến phà Bình Ca cũng không ngoài quy luật ấy. Bởi nơi đây là điểm giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của Tuyên Quang trong những năm kháng chiến chống Pháp và những năm hòa bình sau này. Năm 1947 Tiểu đoàn 12 bộ đội Việt Minh và du kích địa phương đã lập nên chiến công to lớn đánh chìm tàu giặc đưa quân chi viện lên biên giới phía Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh. Trận thắng Bình Ca mở màn cho những chiến thắng trên toàn tuyến sông Lô góp phần làm nên chiến thắng Thu đông năm 1947. Đây là bến phà đầu tiên và duy nhất ở Tuyên Quang thời đó.

Giữa trung tâm thị xã Tuyên Quang là bến đò Nông Tiến, khởi điểm của con đường liên xã đi

vùng ATK Yên Sơn. Ban đầu chỉ là bến đất, bến đá và những con đò ngang bé nhỏ đưa khách sang sông, sau này do nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh nên Ty Giao thông đã quyết định nâng cấp bến đò thành bến phà. Gọi là phà nhưng chỉ là con thuyền sắt có sức chứa khoảng 4 đến 5 tấn do sức người chèo lái. Sau này lại nâng cấp lên thành phà sắt chở được vài ô tô và hàng trăm người có ca nô kéo đẩy. Ông Phạm Quốc Đạt, tổ 2, phường Nông Tiến nhớ lại:

- Khi phà đưa vào vận hành mọi việc được cải tiến hơn trước nhưng phức tạp hơn nhiều. Tổ lái ca nô phải phối hợp chặt chẽ với tổ điều phối trên phà, khi khách lên phà xong thì một người gõ hồi chuông để phà bắt đầu chạy, gõ bốn tiếng tăng tốc, ba tiếng thì lùi, một tiếng thì phà dừng hẳn. Tất cả đều phải tuân thủ theo khẩu hiệu: “Xuống phà xe trước người sau/Lên phà người trước xe sau an toàn”. Cứ lập trình như vậy suốt một thời gian dài. Sau lại cải tiến phương pháp mới, người ta xây trụ kiên cố, vững chắc hai bên bờ sông rồi căng dây cáp qua sông cố định vào trụ, dùng dây cáp nối với hai đầu của phà có ròng rọc ở đầu nơi tiếp giáp với dây cáp trụ để lợi dụng sức nước chảy tự nhiên đẩy phà đi mà không cần phải ca nô đẩy nữa. Dùng cách này về mùa khô nước chảy êm đềm thì không sao, mọi sự vận hành diễn ra đều như ý muốn. Nhưng về mùa lũ nước lên cao thì xảy ra muôn vàn tình huống phức tạp, nước chảy cuồn cuộn cuốn cả những cây gỗ to, những bè tre, bè nứa lao vào thân phà uỳnh uỳnh tưởng như vỡ cả phà. Đã mấy lần nước lũ hung dữ làm đứt dây cáp đẩy phà trôi xuống tận soi Lâm, tức là soi Tình Húc, phải huy động ca nô kéo ngược dòng cả ngày mới lên được bến. Rất may những lần đứt cáp ấy chỉ diễn ra vào ban đêm chứ vào ban ngày có nhiều khách trên phà thì hậu quả không biết đâu mà lường.

Do lưu lượng người và xe đi lại ngày càng đông, gây ùn tắc hai bên bến phà, những xe có trọng tải lớn có khi phải chờ đợi hàng buổi mới đến lượt qua sông. Thế là người ta lại nghĩ ra cách khác, vừa chạy phà chở ô tô vừa bắc cầu phao cho người đi để giảm tải. Cầu phao làm bằng những thùng phuy to được nối với nhau bởi những dây cáp mềm và những thanh gỗ to vững chắc, trên những thanh gỗ rải những đoạn tre đặt ngang được đóng đinh vào những thanh gỗ, trên cùng đặt những tấm tôn dày 3 ly để người và xe đạp, xe máy qua lại. Dùng cầu phao vừa tiện vừa bất tiện. Tiện là người qua cầu không phải đợi chờ, bất tiện là vào mùa nước lũ phải tháo cầu, nếu không kịp

tháo thì nước lũ cuốn trôi cầu đi mất. Bất tiện thứ hai là khi làm cầu phải chia làm ba đoạn, một tuần có hai ngày theo giờ nhất định phải tháo đoạn giữa để thuyền bè xuôi ngược gây nên sự ách tắc giao thông đường thủy. Phương pháp cầu phao cũng chỉ được một thời gian rồi bỏ quay về phương pháp dùng phà, lần này dùng hai phà lớn có hai ca nô loại tương ứng kéo đẩy. Khi vận hành thì theo phương án đổi chiều, phà này xuất phát từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia thì phà bên kia xuất phát theo chiều ngược lại. Hiệu lệnh là tiếng còi ca nô để phối hợp cho nhịp nhàng, nhanh chóng. Ngoài hai bến phà chính là Bình Ca và Nông Tiến, ở Tuyên Quang còn có bến phà Bợ thuộc địa phận huyện Hàm Yên và bến phà qua sông Gâm thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, bến phà Hiên qua sông Chẩy thuộc địa phận xã Mỹ Bằng trên đường 37 sang Yên Bái. Sau này xây dựng cầu Nông Tiến thì các phương tiện của bến phà Nông Tiến được chia làm hai đưa lên thế chân bến đò Tân Hà và bến đò Tứ Quận. Như vậy ở Tuyên Quang có tổng số sáu bến phà lớn nhỏ đóng góp vào mạch máu giao thông của tỉnh và cả nước.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, năm 1995 tỉnh quyết định khởi công xây dựng cầu Nông Tiến to đẹp, đàng hoàng mang tính hiện đại, xứng danh với một tỉnh giàu truyền thống cách mạng có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Sau nhiều ngày các nhà khoa học, nhà thiết kế cầu đường đi khảo sát nhiều nơi, đưa ra nhiều phương án vị trí đặt cầu. Cuối cùng chốt phương án đặt cầu ở phía Nam chân núi Thổ Sơn, đầu cầu bên kia sát cổng nhà nghỉ Công đoàn tỉnh thuộc xã Nông Tiến nối đường Quốc lộ 2 với đường 37 đi Sơn Dương và đường đi khu ATK Yên Sơn. Cầu dài 450 m, rộng gần 11 m có hai làn xe chạy và hai làn dành cho người đi bộ và xe thô sơ hai bên. Thật đáng khen những nhà khoa học, những nhà thiết kế cầu đường đã chọn vị trí xây cầu rất chính xác, vừa có địa thế cao vừa tựa vào chân núi nên tránh được hiện tượng sụt lún hoặc nước lũ tràn lên phá hủy cầu, lại tiết kiệm được khá nhiều kinh phí để dồn công sức, vật lực vào việc gia cố phía đầu cầu bên kia sông cho thật vững chắc.

Từ Km 31 trên Quốc lộ 2 rẽ phải đi Chiêm Hóa ta bắt gặp cầu Bợ. Cây cầu thứ hai được xây dựng năm 1997 thay thế bến phà Bợ, nằm trên tuyến Quốc lộ 3B thuộc địa phận huyện Hàm Yên. Cầu dài 335 m, rộng 10 m kết nối giữa trung tâm tỉnh với các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Lưu lượng các phương tiện giao thông qua cây cầu này cũng khá sầm uất.

Ngay đầu thị trấn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa có cây cầu bắc qua sông Gâm. Đây là cây cầu dân sinh có kích thước ngắn hơn, nhỏ hơn những cây cầu khác nhưng nó không kém phần quan trọng trong hệ thống giao thông của tỉnh. Nó là điểm nối giữa trung tâm huyện Chiêm Hóa với Khu di tích cách mạng Kim Bình và các xã phía đông Bắc, huyện Chiêm Hóa cùng các huyện Na Hang, Lâm Bình nơi có hồ thủy điện Tuyên Quang là điểm du lịch tiềm năng thu hút khách du lịch cả nước.

Từ thị trấn Tân Yên theo đường tỉnh lộ 189 đi các xã vùng sâu, vùng xa phía đông bắc của huyện Hàm Yên. Đây là vùng kinh tế đặc biệt quan trọng của Hàm Yên với hai cây chủ lực là cây cam và cây chè. Hàng năm khu vực này cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn cam, hàng trăm tấn chè và biết bao sản vật nông nghiệp khác. Ngoài ra còn các loại sản phẩm lâm nghiệp như gỗ, các sản phẩm từ gỗ. Cầu Tân Yên dài 283 m, rộng 8 m được đưa vào sử dụng năm 2001 đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao lưu tình cảm và phát triển kinh tế của nhân dân địa phương.

Cầu An Hòa qua sông Lô gần Khu Công nghiệp Long Bình An thuộc địa phận 2 xã Đội Cấn, Thái Long bên hữu ngạn, bên tả ngạn thuộc xã Vĩnh Lợi, Sơn Dương. Cầu được đưa vào sử dụng năm 2006 có chiều dài 533 m, rộng 11 m nối đường Quốc lộ 2 với tuyến đường 37 đi Sơn Dương, Thái Nguyên. Từ ngày có cây cầu An Hòa hàng chục bến đò từ bến chợ Giuộc An Khang dọc bờ sông Lô đến bến Đông Thọ  đều dẹp bỏ. Tôi còn nhớ hồi chưa có cầu An Hòa những người phụ nữ sống bằng nghề buôn bán vặt ở quanh khu vực thị xã Tuyên Quang thường hay đi chợ Đĩa bên kia sông mua hàng về bán. Phải đi qua bến đò Giuộc. Một lần đò chở đông quá, hàng hóa lại nhiều, đò ra đến giữa sông thì lật, chết đến mười một người gây ra thảm họa vô cùng đau xót.

Cầu Tân Hà bắc qua sông Lô nối hai bờ sông thuộc địa phận phường Tân Hà và xã Tràng đà đi theo đường liên xã qua hai Nhà máy Xi măng Tuyên Quang và Tân Quang cùng các xã vùng thượng huyện Yên Sơn rồi vượt đèo sang Khu di tích Kim Bình. Hàng ngày cây cầu cõng hàng trăm tấn xi măng đi xây dựng các công trình trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hàng chục tấn hàng hóa nông sản lương thực, thực phẩm của bà con nông dân các xã vùng sâu, vùng xa thượng huyện Yên Sơn chở về cung cấp cho nhân dân thành phố. Cầu được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Cầu Tứ Quận nối Quốc lộ 2 với đường liên xã đến các xã trên ốc đảo của huyện Yên Sơn. Gọi là ốc đảo vì vùng đất hình tam giác này có hai sông bao vây hai mặt là sông Gâm và sông Lô, còn một mặt giáp đất Chiêm Hóa. Đó là các xã Phúc Ninh, Quý Quân, Lực Hành, Chiêu Yên và một nửa xã Xuân Vân. Hàng hóa của khu vực này chủ yếu là từ cây mía, cây dong riềng và nhiều sản vật từ rừng.

Cầu Bình Ca gần bến Bình Ca thuộc xã An Khang thành phố Tuyên Quang và xã Thái Bình huyện Yên Sơn. Cầu được xây dựng trong dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn đường mới mở nối Quốc lộ 2 từ Km 10 TQ - HN qua các xã Thái Long, An Khang, Thái Bình, Phú Thịnh nối vào con đường đi khu ATK Yên Sơn sang Định Hóa Thái Nguyên trên cơ sở đường mòn trước kia Bác Hồ đi từ Pác Bó Cao Bằng qua Bắc Kạn về Tân Trào, qua bến Bình Ca sang Đền Hùng Phú Thọ rồi về Hà Nội.

Hàng ngàn đời nay nhân dân vùng hạ huyện Sơn Dương khát khao có một cây cầu bắc qua sông Lô để đi lại cho thuận tiện vì đây là vùng kinh tế nông nghiệp vô cùng quan trọng không những của huyện Sơn Dương mà là của cả tỉnh. Vùng này nổi tiếng là vùng đất trù phú, có những cánh đồng phì nhiêu hàng năm được sông Lô, sông Phó đáy bồi đắp phù sa nên rất hợp với sản xuất nông nghiệp trồng cây lúa nước và các loại cây hoa màu khác. Không có núi cao, chỉ có những quả đồi thoai thoải rất phù hợp với trồng cây hoa màu và cây công nghiệp. Đây cũng là vùng giao thoa văn hóa, kinh tế giữa đồng bằng, trung du và miền núi của các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang. Vậy mà đến tận năm 2014 cây cầu mới được xây dựng bắc qua sông Lô nối vào Quốc

lộ 2 với huyện Đoan Hùng Phú Thọ. Cầu có tên gọi là cầu Kim Xuyên, thế là từ đấy bà con nơi đây đi đâu ra khỏi vùng không phải “Qua sông thì phải lụy đò” như trước nữa.

Mới nhất, to nhất, dài nhất, đẹp nhất, cao nhất, hiện đại nhất là cầu Tình Húc. Cây cầu vừa mới được khánh thành vào đầu tháng 10/2020 trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII. Đây là một thành tích, một món quà to lớn của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang dâng lên đại hội. Trong những ngày này cả tỉnh bừng lên sức sống mới, tinh thần mới. Đặc biệt là thành phố, khắp nơi cờ hoa lộng lẫy, đèn điện sáng trưng đủ các màu sắc xanh đỏ tím vàng. Nổi nhất là khu vực Trung tâm Hội nghị tỉnh và khu vực cầu Tình Húc. Cầu được thiết kế theo phương pháp dây văng, dài 907,6 m, rộng 16,5 m gồm 4 làn xe cơ giới, vỉa hè rộng 1,5 m hai bên dành cho người đi bộ có lát gạch đất nung đỏ au. Giữa cầu có dải ngăn cách cho hai bên đường một chiều, giữa cầu

có hàng trụ cột dây văng tỏa ra hai phía đầu cầu. Trên đỉnh các trụ cột thiết kế như những ngọn đuốc đêm đêm tỏa sáng trượng trưng ngọn lửa cách mạng Tân Trào. Tại một số điểm vỉa hè mở rộng 3,5 m để người đi bộ nghỉ chân ngắm cảnh. Nhánh lên xuống soi Tình Húc nơi giữa cầu cả hai bên rộng 7,5 m còn bỏ ngỏ tạm thời bịt lan can Inox để sau hoàn thiện tiếp. Rất nhiều người thắc mắc về cái tên Tình Húc của cầu. Sở dĩ có tên ấy là do xuất phát từ soi bãi ở giữa sông. Cũng như nhiều soi bãi khác, dòng sông Lô chảy đến đây thì tẽ ra làm đôi, được phù sa bồi đắp hàng triệu năm thành một cái soi đủ rộng để bà con hai bờ sông ra trồng cấy rồi lập xóm, lập làng sinh sống. Lúc đầu gọi là soi Lâm, sau thành làng gọi là làng Tình Húc. Theo sách cổ chữ Hán Tình Húc có nghĩa là nơi đón ánh sáng mặt trời trong trẻo chiếu xuống, nơi sơn thủy hữu tình đẹp nhất. Đúng vậy, vào những ngày mùa thu đẹp trời, khi bình minh ló rạng, mặt trời nhô lên khói đỉnh núi Dùm phía thượng nguồn sông Lô, những buổi hoàng hôn mặt trời sắp lặn sau dãy núi Nghiêm, núi Là hay những đêm trăng vằng vặc tỏa xuống mặt sông phản chiếu lên những tia sáng lấp lánh tựa như chốn bồng lai tiên cảnh mê hoặc lòng người. Tính đến thời điểm hiện tại Tuyên Quang đã có 9 cây cầu bắc qua hai sông Lô, Gâm và còn biết bao những cây cầu dân sinh to nhỏ khác trên khắp địa bàn làng quê trong tỉnh làm nên diện mạo mới của nông thôn, phố phường, thành thị Tuyên Quang.

Sau ngày khánh thành, vào một buổi tối mùa thu tôi thung thăng đi dạo trên cầu Tình Húc ngắm trăng và dòng sông Lô đầy thơ mộng. Văng vẳng đâu đây đó có tiếng hát văn vọng lại:

Người về thăm lại bến sông

Bao nhiêu ký ức vẫn không phai mờ

Ngày xưa dào dạt chuyến phà

Ngày nay cầu nối đôi bờ phố vui

Tuyên Quang đẹp lắm mình ơi

Dòng Lô uốn lượn sáng ngời như gương.

Xuân Đặng

Tin tức khác