Dấu tích thành nhà Bầu ở Tuyên Quang

Thứ ba, ngày 12-10-2021, 15:16| 1.069 lượt xem

Vào thế kỷ XVI, các cuộc tranh giành quyền lực và xung đột giữa các phe phái phong kiến Việt Nam diễn ra gay gắt. Trong nội bộ vương triều Lê dần hình thành những phe phái đối lập. Năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, phế truất nhà Lê, lập ra triều Mạc. Họ Mạc vừa lên nắm chính quyền thì các phe phái phong kiến đối lập dưới chiêu bài khôi phục triều đại chính thống nổi lên ở nhiều nơi, trong đó có cuộc nổi dậy của hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang.

Con rùa đá, một trong những hiện vật được phát hiện tại thành nhà Bầu.

 Hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật là người làng Ba Đông, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) bắt đầu dấy quân ở suối Khổng, thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, sau đem quân lên đóng ở động Ngọc Uyên, châu Thủy Vĩ, thu thập binh sĩ kéo xuống Lục Yên và Thu Vật, Tuyên Quang. Khi tới Khau Bầu, xã Đại Đồng, trấn Tuyên Quang thì có một nhà giầu đã gả con gái cho Vũ Văn Mật. Lúc bấy giờ Tù trưởng Đại Đồng bị nhân dân oán ghét. Vũ Văn Uyên chiêu mộ lực lượng, giết Tù trưởng, chiếm đất, xưng làm Đô tướng. Vua Lê Chiêu Thống (1516 - 1522) phong cho làm Đô Thống xứ trấn Tuyên Quang, tước Khánh Dương Hầu (sách Lịch triều hiến chương loại chí chép là Khánh Bá Hầu). Vũ Văn Uyên đóng quân ở thành Nghị Lang, xã Lương Sơn, huyện Lục Yên, tỉnh Lào Cai, binh sĩ có tới mấy vạn.

Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua. Vũ Văn Uyên giữ vững cả miền Tuyên Quang, Hưng Hóa, cát cứ một phương, hướng về nhà Lê, không chịu theo nhà Mạc. Lúc bắt đầu dấy quân, anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật phát triển lực lượng ở đất Khau Bầu, nên được gọi là chúa Bầu. Những thành quách do Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật đắp đều dùng chữ "Bầu" để gọi tên. Trong số các thành do hai anh em tổ chức xây đắp có thành ở Bình Ca, xã Thúc Thủy, nay là xã An Khang, thành phố Tuyên Quang. Khi Lê Trung Tông lên ngôi (1549 - 1556), Vũ Văn Uyên vâng chiếu đem quân xuống phía Tây lấy các phủ Tam Đới, Bắc Hà, rồi sai người đi phủ dụ dân Thái Nguyên, Lạng Sơn. Lê Anh Tông lên ngôi, Thái sư Lương quốc công Trịnh Kiểm cất quân đánh dẹp miền Đông, từ Tây Quan ra đến Hưng Hóa, lên Tuyên Quang. Vũ Văn Uyên ra đón, Trịnh Kiểm rất mừng cùng bàn tiến quân vượt sông, cho Uyên trấn giữ Đại Đồng. Vì có công giúp vua Lê, Vũ Văn Uyên được ban quyền thế tập trấn giữ Tuyên Quang.

Vũ Văn Uyên chết, em là Vũ Văn Mật nối quyền, xưng là Gia quốc công. Mật lấy Đại Đồng làm trung tâm xây thành đắp lũy, ra sức chống cự với nhà Mạc vẫn theo chính sách Nguyên Hòa chia làm 14 doanh. Sau này Vũ Văn Mật chết, con là Nhân quốc công Vũ Công Kỷ kế tiếp trấn thủ Đại Đồng. Năm 1573, Trịnh Tùng lấy Thái phó Nhân quốc công Vũ Công Kỷ làm hữu tướng. Cùng năm đó, Vũ Công Kỷ được sai đem quân bản bộ về giữ Đại Đồng để yên dân địa phương. Vũ Công Kỷ đã từng nhiều lần cầm quân đánh Mạc và lập công to. Năm 1378, Mạc Ngọc Liễm xâm lấn các vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa, Công Kỷ tung quân đánh, quân Mạc thua to phải rút về. Khi Vũ Công Kỷ mất, con là Vũ Đức Cung, tước Hòa thắng hầu tiếp tục trấn giữ Đại Đồng. Năm 1593, đem 2.000 quân tới kinh đô quy phục, mang vàng bạc châu báu mỗi loại 10 mâm, người bằng vàng 1 người, bạc trắng 2 vò, lư hương bạc 1 chiếc, hạc 2 con, ngựa tốt 30 con đến phủ Tiết chế bái yết, được Trịnh Tùng thăng làm Bắc quân đô đốc, Thái bảo Hòa quận công (Phương Đình địa chí ghi là Hòa quốc công), được mang quân hiệu An Bắc doanh. Cùng năm đó, Cung lại xin về trấn Đại Đồng.

Dọc tuyến sông Lô, từ trung tâm thành phố Tuyên Quang xuống địa phận xã An Khang, cách bến đò Bình Ca khoảng 400 m theo hướng Tây có một khu đất rộng 40 ha tại xóm Tân Thành. Đây là nơi có thành nhà Bầu được xây dựng vào những năm 30 đến 60 của thế kỷ XVI. Ở khu vực đất Bình Ca, dựa vào vị thế thuận lợi của sông núi, với ý định lập đại bản doanh ở nơi đây, họ Vũ cho xây dựng thành với quy mô khá bề thế trong diện tích 9 ha trên hai quả đồi Bông Thượng và Bông Hạ. Ngoài ra, trong khu vực xã An Khang còn nhiều địa danh liên quan đến hoạt động của anh em họ Vũ như xóm Thúc Thủy là nơi luyện quân thủy, xóm Tràng Thi là nơi dành cho việc thi cử tuyển chọn nhân tài, đồi Phủ Chúa Bà (hay còn gọi là đồi Bông Hạ) là nơi vợ Chúa Bầu ở, Bãi Phủ (hay còn gọi là trại Ruộc) là nơi thuyền bè neo đậu buôn bán.

Hiện nay, xung quanh xóm Tân Thành đều có vết tích cổ xưa, cư dân hiện đại đang sống trong lòng thành nhà Bầu. Tại đây, có thể dễ dàng nhận thấy từng đoạn thành vẫn còn ăn sâu trong vách sườn đồi. Không còn đoạn thành nào nguyên vẹn, do vậy không biết được chiều cao của tường thành. Phần chân tường được xây dựng khác nhau tùy theo địa hình của nơi xây thành. Có chỗ phần chân tường là hai hàng gạch chạy song song, cách nhau 6 m, mỗi hàng gạch có chiều dày 0,4 m. Có thể ở đoạn thành này, gạch được xây ốp hai mặt tường thành, đất được đổ bên trong. Ở khu vực chân đồi Bông Hạ chỉ thấy còn một hàng gạch dày 0,4 m.

Việc sử dụng gạch để ốp tường này cho phép tạo nên được độ thẳng đứng bên ngoài, gây trở ngại lớn cho kẻ địch muốn vượt tường tấn công. Không tìm thấy vết tích của hào ở cả mặt trong lẫn mặt ngoài tường thành. Gạch xây thành là loại gạch vồ có hình khối chữ nhật, kích thước 40 cm x 20 cm. Gạch được làm bằng khuôn sau đó nung như các loại gạch thủ công hiện vẫn đang làm. Chất liệu gạch là loại đất đồi có sẵn tại địa phương. Hiện nay, còn khoảng hơn 200 m chân tường thành nằm rải rác quanh khu vực xóm Tân Thành. Kết cấu mặt bằng của thành không theo một hình dáng nhất định, chủ yếu dựa vào vị thế tự nhiên. Tại đây, thành được xây men theo chân đồi. Đặc biệt ở hướng đông của thành, nơi tiếp giáp với bến đò Bình Ca, có dấu tích của hai vòng thành, vòng trong cách vòng ngoài khoảng 50 m. Có thể đây là hướng xung yếu của thành. Cho đến nay, vẫn chưa tìm được vị trí các cửa thành. Ở khoảng giữa hai vòng thành nói trên còn có dấu tích của một ngôi miếu nhỏ. Tại sườn phía Bắc của quả đồi Bông Hạ còn tìm thấy nhiều viên đá lát đường có kích thước 0,8 m x 0,5 m x 0,3 m. Đây là loại đá hoa cương màu xám trắng, tinh thể hạt thô, được đẽo khá vuông vắn. Có hai dải đường đá nối liền đồi Bông Thượng và Bông Hạ, được lát theo dạng bậc thang từ chân đồi lên đến đỉnh đồi Bông Thượng. Hiện nay nhiều tảng đá vẫn còn nằm sâu dưới đất.

Do địa hình khu vực này, dòng sông Lô chảy qua Bình Ca có khúc uốn cong hình chữ U, hiện còn một dải đất trũng nối hai đầu chữ U. Tương truyền vệt đất ấy do chúa Bầu sai quân đào, định làm một đoạn sông lấy nước từ sông Lô vào. Nếu đoạn sông đó đào xong thì toàn bộ khu vực của thành được sông nước bao bọc. Hiện nay giữa những quả đồi giáp ranh xóm Phúc Lộc và xóm Tân Thành có dải đất trũng với chiều rộng trên 20 m, rất khác lạ so với địa hình tự nhiên trong khu vực, điều đó có thể khẳng định đó là dấu vết của con sông đào. Con sông này được đào dựa theo địa hình tự nhiên của các khe giữa hai quả đồi. Do đào sông dựa theo hình thể tự nhiên như vậy, con sông đào ngoằn ngoèo uốn khúc. Chỉ còn khoảng 500 m nữa là hai đầu Nam Bắc con sông đào sẽ hợp nguồn, tạo thành một con hào che chở cho thành Bầu bốn bề sông nước thì công việc đào sông phải bỏ dở.

Tại đồi Bông Thượng và Bông Hạ còn tìm thấy rất nhiều  đồ sành, sứ, gốm thời Lê dùng trong sinh hoạt thường ngày. Cách đồi Bông Thượng khoảng 500 m, có khu đất khá rộng, bằng phẳng, hiện có cây thàn mát rất to. Xưa kia, tại đây có hai con rùa bằng đá đội bia chầu ở hai bên lối đi. Hiện nay chỉ còn dấu tích một con rùa đã bị gãy cổ. Theo cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng, dựa vào địa thế khu đất, có thể đây là khu đình miếu để tế lễ xuất quân hay báo tiệp của hai vị chúa Bầu. Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy vị trí chân tường thành, chưa xác định được dấu vết cổng thành cũng như chiều cao, độ dày của thành. Tại khu vực thành còn rất nhiều gạch xây thành, ngói, súng thần công cùng nhiều đạn đá và các đồ dân dụng thời Lê còn sót lại. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam thì thành nhà Bầu có vị trí địa lý về mặt quân sự rất đắc lợi, hiểm trở, tạo thế vững chắc cho thành. Chính vì vậy, trong suốt mấy chục năm tồn tại trên đất Đại Đồng cổ xưa, nhà Mạc đã nhiều lần tấn công dòng họ Vũ ở thành nhà Bầu nhưng đều thất bại. Điều đó cho thấy, với quy mô và kiến trúc kiên cố của các vòng thành, đặc biệt là hệ thống súng thần công và lính canh trên mặt thành đã giúp công trình quân sự này tồn tại qua suốt một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Trải qua 5 thế kỷ, di tích thành nhà Bầu vẫn là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương... Để khẳng định vai trò và ý nghĩa lịch sử của di tích,

Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ để tìm hiểu về quy mô, kích thước thành, trồng lại các loại cây bản địa để trả lại mầu xanh cho di tích. Xây dựng bia ghi lại sự kiện lịch sử đã diễn ra tại di tích; dựng biển chỉ đường vào di tích; làm đường vào di tích và biên tập nội dung giới thiệu di tích. Bằng nỗ lực của những người làm công tác văn hóa, đến nay di tích thành nhà Bầu tại xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Việc xếp hạng này đã đưa di tích vào tuyến tham quan cùng quần thể Khu di tích ATK - Tân Trào, nhằm khai thác, phát huy giá trị của di tích, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân các dân tộc Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.

 

Thu Hiền

Tin tức khác