Nơi tiếng gà gáy bốn tỉnh cùng nghe thấy

Thứ tư, ngày 21-07-2021, 15:24| 1.039 lượt xem

Thượng Giáp là xã xa xôi nhất của huyện Na Hang, cách thành phố Tuyên Quang gần 200km. Nơi đây tiếp giáp với 3 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang. Rẻo đất xa xôi, nhọc nhằn, nơi có “tiếng gà gáy 4 tỉnh cùng nghe thấy”. Trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thượng Giáp đang có sự trở mình đi lên. Tuy sự bứt phá chưa cao so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, song đó là cả một câu chuyện có được từ sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi non cao này.

Vùng đất nhọc nhằn

Bám theo những cung đường cua tay áo, những đèo dốc ngược, chúng tôi về Thượng Giáp. Nơi đây là vùng đất có tới 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày và dân tộc Dao. Dọc lối vào xã, những bản làng nằm khuất dưới màu xanh đại ngàn, dưới thung lũng mù sương. Mùa này, những chân ruộng bậc thang, lúa đương thì con gái. Rừng cũng ngằn ngặt một màu xanh, trải dài từ thung khe đến các ngọn núi mờ xa. Đường vào xã vắt từ lưng chừng núi này sang lưng chừng núi kia, như đi trên mây. Điểm tô trong cái nền rừng xanh xám lạnh là màu đỏ rực rỡ của cờ hoa, được cắm dọc hai bên đường Nà Thài. Đây là bản nằm ở trung tâm xã, với những nếp nhà chênh vênh bên sườn dốc. Cũng như các khu dân cư khác, Nà Thài những ngày này đang ra sức thi đua lao động sản xuất, trang trí nhà cửa cho một sự kiện lớn của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Hằng, Phó chủ tịch UBND xã hồ hởi khoe:

- Thượng Giáp vừa thực hiện thành công công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước anh ạ. 

Khi được hỏi về mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, những lĩnh vực thế mạnh của địa phương thì Phó Chủ tịch xã trầm ngâm:

- Ở Thượng Giáp nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Trước tiên là điều kiện tự nhiên, với địa hình khá hiểm trở, bị chia cắt bởi các dãy núi cao. Tiếp đến là trình độ dân trí và khả năng bố trí cơ cấu ngành nghề. Anh biết không, cả xã đến giờ chưa có một cơ sở sản xuất, chế biến, các hộ gia đình mới chỉ dừng lại ở qui mô sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi đó, nông nghiệp vẫn là nghề chính đối với tất cả các hộ gia đình trên địa bàn xã.

Dẫu sinh sống trong sự bao bọc của rừng, song những mùa màng ở Thượng Giáp vẫn gầy guộc trong muôn nỗi lo toan. Được biết, xã hiện nằm trong chương trình 135 của Chính phủ. Diện tích tự nhiên của xã trên 2.500 ha, trong khi đó đất sản xuất hai vụ lúa chỉ có 42 ha. Nếu mang chia cho hơn 20.000 nhân khẩu thì lương thực chưa chắc đủ để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Nhìn con số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới chiếm 43% tổng số hộ trên địa bàn xã mới thấy hết được những khó khăn mà Thượng Giáp gặp phải. Diện tích tự nhiên lớn, song toàn đất rừng. Nhiều bản nằm cách xa trung tâm xã, lại khuất nẻo, nên việc giao thương hàng hóa và đi lại của đồng bào cũng gặp những trở ngại lớn. Các bản Nà Ngoa, Nặm Cằm, Bản Muồng, Bản Vịt… cách trung tâm xã trên, dưới mười km. Tuy đã được Nhà nước hỗ trợ bê tông để đầu tư cứng hóa tuyến đường dẫn vào bản, nhờ nguồn vốn của chương trình 135 của Chính phủ, nhưng sự hiểm trở do địa hình núi non nên đồng bào trong các bản này cũng ít có điều kiện để phát triển kinh tế theo quy mô lớn, tập trung.

Trăn trở về điều này, đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hằng, bảo:

- Để cất dựng được căn nhà, đồng bào ở đây đành đẽo núi tạo mặt bằng. Nhọc nhằn lắm anh ạ.

Quả thật, Thượng Giáp khó khăn trăm bề so với các địa phương khác. Đứng ở trụ sở xã nhìn ra xung quanh, bốn mặt đều núi non bao bọc. Trong số 6 bản ở đây, để tìm được một khu đất bằng là điều rất hiếm. Các bản đều nằm cách xa nhau, chênh vênh bên sườn dốc hoặc trong các thung lũng nhỏ hẹp dưới các triền núi cao. Từ hàng trăm năm nay, tập quán canh tác dựa vào tự nhiên đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của đồng bào. Nó vừa giản đơn, vừa manh mún và kém hiệu quả. Trước đây, mọi thứ ở Thượng Giáp đều mang tính tự cung, tự cấp, các mặt hàng nông nghiệp sản xuất ra ở Thượng Giáp đều phục vụ chính trong đời sống nội tại, chứ ít có điều kiện giao thương, trao đổi giữa các địa phương khác. Một mặt là do trình độ nhận thức, một mặt do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của xã hội. Những khó khăn này tác động trực tiếp đến đời sống của hầu hết số hộ đồng bào trong xã. Điều đó cũng là bài toán đặt ra cần có lời giải đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo dựng một hướng đi mới để đánh thức tiềm năng của vùng đất nhọc nhằn nơi non ngàn.

Đánh thức tiềm năng

Câu chuyện giữa tôi và đồng chí Nguyễn Văn Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp vẫn chỉ xoay quanh nỗi nhọc nhằn về cuộc sống và sự trăn trở của những cán bộ có trách nhiệm ở đây, với mong muốn vùng đất này có được sự bứt phá mới. Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch xã khẳng định:

- Nông, lâm nghiệp vẫn là lĩnh vực mũi nhọn ở Thượng Giáp anh ạ. Trước đây, quy mô tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, không tập trung, nhưng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Cần huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp có quy mô và giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn.

Tôi hiểu những điều mà đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ. Bởi, để làm được điều đó, mỗi cán bộ đảng viên trên rẻo đất “tiếng gà gáy 4 tỉnh cùng nghe thấy” phải thực sự là những người đi đầu trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tiềm năng về đất đai, cơ cấu lao động. Đồng thời hướng dẫn người dân thay đổi tập quán canh tác, trên cơ sở sẵn có những nguồn lực của địa phương. 

Từ việc xác định được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ xã Thượng Giáp đã họp bàn, thống nhất chương trình hành động cho cả nhiệm kỳ Đại hội. Đó là việc ưu tiên huy động nguồn lực từ chương trình 135, chương trình 134 của Chính phủ và cả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Những tuyến đường mòn, lầy lội trong mưa như trước kia, giờ đã được bê tông hóa, ô tô, xe máy đã lên được đến trung tâm của các bản. Điều đó làm thay đổi khá rõ nét cho bộ mặt nông thôn và là “chìa khóa” để đánh thức vùng đất heo hút nằm sâu dưới bóng rừng, bóng núi. Một khi đường xá đi lại thuận lợi, việc giao thương cũng thuận lợi theo.

Tôi hỏi về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Phó chủ tịch UBND xã khẳng định:

- Thượng Giáp lựa chọn sản phẩm cá chép ruộng làm sản phẩm chủ lực.

Vâng, cá chép ruộng làm chua là một trong những đặc sản riêng có của địa phương, ngon nức tiếng cả vùng. Sản phẩn này trước đây đồng bào ủ trong các chum, vại để làm thức ăn cả năm, nay được du khách khắp nơi tìm về đặt mua. Người Thượng Giáp làm cá chép chua đến đâu, tiêu thụ hết ngay tới đó. Vào cữ tháng 10 âm lịch hàng năm, khi thu hoạch trà lúa mùa xong, các bản có đồng bào Tày, Dao ở Thượng Giáp lại bắt tay vào gieo ương cá chép giống để thả nuôi trong các khu ruộng hai vụ lúa. Có lẽ, nguồn nước đổ ra từ đại ngàn và cách thức chế biến truyền từ đời này sang đời khác mà người Thượng Giáp có được bí quyết chuyên sâu với nghề.   

Anh Nguyễn Văn Thủy, dân tộc Tày là một nông dân trẻ ở bản Nà Thài, xã Thượng Giáp. Trước đây, cuộc sống gia đình anh khó khăn lắm, nhưng giờ đã có phần khấm khá hơn. Trên những khu ruộng cấy lúa, sau khi thu hoạch xong, anh bắt tay vào đắp bờ, dâng nước để chăn nuôi cá chép ruộng. Chép phải là giống địa phương, có thân hình và trọng lượng nhỏ hơn các giống cá chép khác. Sau khi nuôi trong ruộng được 3 tháng thì bắt đầu tháo nước, thu hoạch cá. Cá thu hoạch xong sẽ được rửa sạch, tẩm ướp với các loại lá cây, rễ cây trên rừng, để lên men, sau một thời gian sẽ cho ra sản phẩm vừa có độ thơm của núi rừng, vừa có độ béo ngậy của nỗi nhọc nhằn từ người làm ra nó.

Trao đổi với tôi, người nông dân dân tộc Tày Nguyễn Văn Thủy, bảo:

- Mỗi năm em chỉ làm một vụ cá thôi, còn lại dành cấy lúa để đảm bảo lương thực. Cái nghề làm cá chép chua tuy vất vả, nhưng nó là nghề truyền thống có từ thời cha ông để lại. Đến đời em vẫn duy trì nghề làm cá chép ruộng làm chua. Mỗi năm em cung cấp ra ngoài thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục kg sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.  

 Đánh thức nghề làm cá chép ruộng là một thành công thứ nhất, đánh thức tiềm năng nghề rừng lại là thành công thứ hai đối với Đảng bộ, chính quyền xã Thượng Giáp. Toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất 230 ha đều đã được người dân đưa cây lâm nghiệp vào trồng, vừa đảm bảo môi trường, vừa tạo kế sinh nhai lâu dài, gắn với chăn nuôi đại gia súc. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã có nguồn thu nhập từ kinh tế rừng mang lại. Mục tiêu của địa phương là khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở chế biến tại chỗ. Như vậy, người làm rừng ở Thượng Giáp sẽ nâng cao được thu nhập và bài toán về lao động tại chỗ sẽ được giải quyết một cách căn bản hơn.

Chia tay Thượng Giáp, chúng tôi cứ bồi hồi nghĩ về nỗi nhọc nhằn của một vùng đất với những bản làng chênh vênh nơi triền dốc dựng. Nhưng Thượng Giáp đang trở mình thức giấc. Trên các cung đường rẻo cao, những mặt hàng nông sản của địa phương giờ đây theo từng chuyến xe xuôi dòng sông Gâm mà về xuôi. Còn những mặt hàng vùng xuôi đưa lên đã tạo ra sự phong phú, đa dạng trong đời sống xã hội cho đồng bào nơi “tiếng gà gáy bốn tỉnh cùng nghe thấy”.

Phong Vân

Tin tức khác