Thăm lại miền nôi

Thứ năm, ngày 14-10-2021, 14:58| 863 lượt xem

Minh họa của Ngọc Điền

Xe ô-tô hai bốn chỗ ngồi đưa các văn nghệ sỹ trại sáng tác văn học bon bon lăn bánh trên con đường hai làn xe, áp-phan êm như ru để thăm lại miền đất, cái nôi cách mạng năm xưa. Nhìn đôi tay lái xe nhịp nhàng múa trên vô-lăng, áo quần bảnh bao, chợt nhớ, cũng trên con đường này hồi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, hơn ba chục cây số từ thị xã Tuyên Quang đi thị trấn Đăng Châu, khách ra bến ngồi chờ, đứng đợi cả buổi, xếp hàng mua vé chen nhau đứt cúc áo, xước da. Cầm được tấm vé trên tay, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi. Bác tài xế cũng chả dễ chịu gì. Tay ôm vô-lăng mà gân cốt nổi lên, quặt đầu xe sang bên này, sang bên kia qua từng đám ổ gà. Con đường đá bong lên từng mảng. Xe xóc ngược, lắc xuôi cả giờ mới tới kè đá sang bến xe Sơn Dương. Xe hôm nay mở máy điều hòa, bon bon nửa giờ đã qua ngã ba ông Việt. Nhờ ơn cô gái mở đường: “Mồ hôi em tắm trên lưng/Em tưới mặt đường bằng mồ hôi trên má/Em gắn mặt đường bằng cả nhựa lòng”!

Chả mấy chốc xe đã đi dưới tán lá um tùm của rặng duối cổ thụ, chỗ đường vào Hồng Thái. Nhìn lên cây đa, mái đình, tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện hào hùng bảy mươi sáu năm về trước. Bà con làng Thanh La, giờ là xã Minh Thanh, mùa Xuân năm Ất Dậu, xuống đường theo lời kêu gọi của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, người mã tấu, người tay dao, tay gậy, đòn gánh kéo theo đoàn quân khởi nghĩa đi cướp chính quyền. Ngày khởi nghĩa vui như trẩy hội!

 Đoàn quân khởi nghĩa đi đến đâu, hô vang khẩu hiệu, hát bài ca cách mạng. Bọn hương dõng trong làng hoảng sợ, kéo nhau ra nộp vũ khí. Tổng lý, hương hào đem nộp triện đồng, bằng sắc. Bao nhiêu giấy tờ liên quan đến chính quyền tay sai theo Pháp, ôm chân phát xít Nhật được quân khởi nghĩa thu về, đốt trước sân đình. Lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền đến đâu, lập Ủy ban lâm thời cách mạng đến đó. Giải phóng đến đâu, quần chúng cách mạng lại kéo về tập trung ở sân đình tổ chức mít tinh, hô vang khẩu hiệu. Đoàn quân khởi nghĩa hừng hực khí thế vừa từ Thanh La kéo ra Hồng Thái đã gặp đoàn khởi nghĩa làng Kim Long cũng rầm rập kéo ra. Hai đoàn hòa làm một, theo sự chỉ đạo của Phân khu ủy, kéo ra giải phóng làng Phượng Liễn. 

Hạ đồn Đăng Châu, giải phóng châu lỵ Sơn Dương, khí thế cách mạng lên cao ngùn ngụt. Chỉ trong ba ngày khởi nghĩa, quân cách mạng đã nghiền nát mọi xiềng xích của bọn cường hào, ác bá, đập tan chính quyền tay sai ở các làng, tiêu diệt và bắt sống bọn tay sai ôm chân thực dân Pháp,

phát xít Nhật. Anh em tù binh đem nộp súng đạn, về với Nhân dân, ghi tên gia nhập đội quân khởi nghĩa. Lực lượng chủ lực vũ trang được bổ sung, lên đến hàng trăm người.

Giải phóng châu lỵ Sơn Dương, quân cách mạng làm chủ cả một vùng rộng lớn. Khu giải phóng nối liền với căn cứ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Lực lượng khởi nghĩa tạm kéo về Thanh La củng cố chính quyền. Để tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, tiếp tục mở rộng vùng giải phóng, quân khởi nghĩa Phân khu Nguyễn Huệ từ Thanh La kéo qua Núi Hồng, sang Định Hóa, giải phóng Chợ Chu; bao vây, đánh chiếm nhà tù Chợ Chu, giải phóng cho các chiến sỹ cách mạng bị cầm tù, bổ sung, tăng cường lực lượng lãnh đạo khởi nghĩa.

Đất thiêng gặp nhân kiệt. Đình Hồng Thái còn mang câu đối được ghi tự bao giờ: “Để giang tả bão linh nguyên hội/Ngọc tỉnh hữu triều thụy khí chung”. Nghĩa là: Phía bên phải có dòng sông Phó Đáy, nước nguồn về đem theo khí thiêng. Bên trái Đình có giếng Ngọc chầu, nước trong như mắt ngọc, có khí lành chung đúc.

Tôi theo đoàn người đủ các màu áo, đủ các màu da lên lán dâng hương. Đường vào lán Nà Nưa, xưa xắn quần lội suối, giờ đi trên cây cầu bê tông bắc qua dòng suối Khuôn Pén. Đứng trên cầu nhìn dòng nước trong xanh chảy qua trước lán, mắt tôi chập chờn hiện lên Ông Cụ đang xắn quần rửa chân bên bến đá, khi Ông Cụ lom khom xách bắng nước từ dưới suối lên, dựng dưới chân cầu thang. Dòng Khuôn Pén róc rách reo, hòa với tiếng chim ríu rít thành bản nhạc rừng ru giấc ngủ cho Người. Đoàn người đi nhẹ, nói khẽ để khỏi đánh thức Ông Cụ.

Không ai cầm nổi nước mắt khi nghe cô gái áo chàm kể trong giọng nói rưng rưng. Một câu chuyện đã đi vào sử xanh dân tộc, mà lần nào nghe cũng thấy xúc động: "Tháng 7 năm 1945, trong khi các đại biểu từ khắp mọi miền đất nước đang kịp có mặt về làng Kim Long, dự hội nghị Trung ương, cũng là lúc sức khỏe của Bác đang lâm nguy. Những cơn sốt ác tính triền miên muốn cướp đi khối óc anh minh của dân tộc, của cách mạng lúc bấy giờ. Nhân dân làng Kim Long hồi hộp, lo âu cho sức khỏe của Người, bảo nhau lên rừng hái thuốc, về sắc cho Ông Cụ uống. Một đêm cơn sốt lên cao, Ông Cụ kịp cho gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến dặn: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã đến, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập!". Có ai biết, những ngày bệnh tình lâm nguy nhất, Ông Cụ đã nghiền ngẫm bản Tuyên ngôn của Oa-sinh-tơn, năm 1776, thảo ra Tuyên ngôn độc lập của nước nhà, Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bà con Tân Trào còn mang trong tim mình hình ảnh vị Lãnh tụ kính yêu bằng cái tên giản dị lạ thường: Ông Cụ, Ông Ké, Đồng chí già...; với những hình ảnh còn giản dị hơn thế: Khi Ông Cụ ra giúp anh nuôi hái củi, nhặt rau, tăng gia sản xuất; đêm đêm Ông Cụ đi quén chăn cho bộ đội; sáng sớm lại đánh thức bộ đội dậy đi tập. Có khi Ông Cụ ngồi gạt than, bẻ từng mẩu sắn nướng chia cho trẻ con, vừa ngồi ăn sắn nướng, vừa kể chuyện Quốc tế, kể những chuyện lạ có thật bên nước Nga, quê hương của Lê-nin cho các ông ké trong bản, cho cả bọn trẻ cùng nghe. Nhiều đêm, Bác ngồi đó trầm ngâm đốt lửa cho bộ đội nằm, nhìn bếp lửa, lại nhớ thương đoàn dân công đêm phải ngủ ngoài rừng, bẻ lá cây làm chiếu, manh áo mỏng làm chăn. Ông Cụ nằm đó, bóng Người cưỡi trên lưng ngựa trên đường suối reo, đi kiểm tra mặt trận, chỉ huy các trận đánh quan trọng. Khi thì, Ông Cụ ngồi thâu đêm thảo Chỉ thị vũ trang giành Chính quyền, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng chiến khu, lo chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng ở Thủ đô Cách mạng..., chờ thời cơ, chớp thời cơ làm tổng khởi nghĩa.

Cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, Ông Cụ vạch con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối. Cánh đồng làng Kim Long còn ghi hình ảnh Ông Ké áo chàm mùa Thu, tháng Tám, bảy mươi sáu năm về trước bị những trận sốt rét rừng ác tính vắt kiệt sức, vẫn sáng suốt, ngày đêm lo chớp thời cơ, chỉ đạo tổng khởi nghĩa. Ông Cụ vẫn lom khom be bờ giữ nước cho dân, vận động đoàn thể giúp dân làng làm cỏ, bắt sâu, đập lúa thâu đêm. Những ngày Ông Cụ làm việc trên lán Nà Nưa, dòng suối Khuôn Pén chảy từ chân núi Khao Nhì ra, lượn vòng cung trước đình Quốc dân đại hội về tưới cho đồng làng Kim Long, ngày ngày tắm mát cho Ông Cụ. Hòa bình, tháng Ba năm 1961, Ông Cụ về thăm Tân Trào không quên về tắm lại một lần ở bến cũ, dưới dòng Khuôn Pén, hít đầy lồng ngực gió núi Nà Nưa đem về xuôi.

Nhìn các cháu học sinh hôm nay thắt khăn quàng đỏ, quần áo mới tung tăng đạp xe tới trường, lại nhớ ngày Quốc dân Đại hội khai mạc ở đình Tân Lập, nay là đình Tân Trào. Các đại biểu miền xuôi lên tò mò nhìn những đứa trẻ lấm láp, quần áo rách hở da, hở thịt, tò mò theo đoàn đại biểu Nhân dân gánh gạo, gánh rau, đến tặng Đại hội. Ông Cụ đến xoa đầu các cháu, nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là, làm sao cho các em bé này được ăn no, mặc ấm, được đi học, không phải lam lũ mãi thế này!”.

Con đường bê tông nông thôn theo “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới” dẫn đoàn người du lịch hun hút đi dưới tán rừng, theo tiếng con chim đa đa “xúc tép kho cà” đến những đồi chè mâm xôi san sát như bát úp, xanh tươi mơn mởn. Con đường do dân làng hiến đất, góp công, góp của, Nhà nước hỗ trợ xi măng, kéo dài đến những xóm bản ngày xưa heo hút nhất. Con đường giúp Tân Trào ghi “cú đúp” ngoạn mục: Một là, mở ra mô hình du lịch sinh thái đồi chè. Du khách đến Vĩnh Tân có thể tự tay ngồi bên bếp than, nghe con chim đa đa cái gọi bạn: “Xúc tép kho cà”, con chim “bắt cô trói cột”, nghe gà rừng gáy te te gọi bạn tình trên nương, tự tay sao cho mình một mẻ chè búp thơm ngon như ý, đem về làm quà; ăn cơm mẹt; xuống hồ sen thưởng thức chè hương sen tự tay mình ướp phấn. Con đường cũng giúp Tân Trào lợi thế thu hút thương lái, thu hút nhà đầu tư, tiêu thụ sản phẩm chè “Ô-cốp” Vĩnh Tân, tạo ra các nhà triệu phú của miền đất, cái nôi cách mạng ngày xưa.

Vĩnh Tân, nghe cái tên không mấy quen ở đất này. Thì ra, Vĩnh được lấy từ Vĩnh Bảo. Tân được lấy ra từ Tân Trào. Những năm sáu mươi thế kỷ trước, bà con Vĩnh Bảo đất hẹp người đông, rủ nhau lên đây xây dựng kinh tế mới. Trải qua bao truân chuyên vất vả, những câu chuyện thật, mà như cổ tích, dài như những trang tiểu thuyết. Có bà con thất bại, sinh bệnh tật ốm đau đã tìm về quê cũ. Người ở lại bám đất, bám rừng, được đùm bọc bởi bà con dân bản, chia tay cánh đồng thuốc lào Vĩnh Bảo truyền thống, lên với cây chè. Mồ hôi thấm vào núi, đã làm nên thương hiệu Chè Vĩnh Tân. Chàng trai ngồi bên tôi nghe kể, gật gù, thì thầm, sẽ có ngày chàng quay trở lại đây tìm lại những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt, cả nụ cười và những duyên tình, duyên nợ đã đi vào cổ tích ấy.

Câu chuyện với chàng trai trẻ dân tộc Tày Hoàng Đức Xoài, Chủ tịch xã Tân Trào khiến du khách tròn mắt, tròn tai. Mươi năm về trước, xã Tân Trào có tới 38% hộ nghèo. Nhờ Chương trình xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Tuyên Quang, kế hoạch mỗi xã một sản phẩm “Ô-Cốp”, thương hiệu Chè Vĩnh Tân đứng vững trên thị trường, cùng với lợi thế Khu du lịch lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã giúp các hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh, xóa nghèo bền vững. Đến nay, theo tiêu chí hộ nghèo mới, cả xã chỉ còn 4% hộ nghèo. 

Tiếng chim rừng ríu rít. Đàn cò trắng bay về đậu trắng những khóm tre. Một làn gió thổi đến từ cây đa Tân Trào mát rượi. Tân Trào giờ đây, không chỉ có cánh đồng làng Kim Long chắt chiu làm ra hạt thóc nuôi nhau. Thành phần kinh tế giờ đa dạng. Cơ cấu kinh tế thay đổi. Bà con Tân Trào ngày xưa vắt đất ra hạt thóc nuôi đoàn thể, ngày đêm bảo vệ cách mạng, giờ đang năng động sáng tạo làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa từ đồng ruộng, từ rừng, từ mặt nước, từ các cỗ máy công nghệ cao, sản xuất các mặt hàng phục vụ du khách, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn thương lái trong tỉnh, ngoài tỉnh, thương lái nước ngoài. Trẻ nhỏ, cụ già ham học, đổi mới tư duy. Lớp lớp thanh niên tốt nghiệp các trường đại học đi lao động khắp mọi miền. Những người lao động trên quê hương, chiếc nôi cách mạng năm xưa, tự hào truyền thống quê hương, nghe lời Bác dặn trước lúc đi xa, đang xây dựng quê hương Tân Trào “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”!

                               Trại sáng tác văn học, 2021

Ghi chép của Đỗ Anh Mỹ

Tin tức khác