Xứ chè trong mây

Thứ năm, ngày 14-10-2021, 15:01| 856 lượt xem

Lại nhớ Na Hang, nhớ Hồng Thái lắm rồi. Cứ mỗi lần xách xe phi lên cái xứ bạt ngàn hoa lê hoa mận ấy, tôi lại mường tượng ra mình đang lạc vào một vùng đất thiên đường nào đó. Ở đó không có những dòng xe cộ đông đúc ngột ngạt, hay khói các nhà máy, các khu công nghiệp tuôn khét lẹt ngày đêm. Thay vào đó chỉ có mây và gió, tràn ngập sắc vàng các thửa ruộng bậc thang và những đồi chè xanh ngút tầm mắt, quanh năm mây mờ bao phủ. Núi xếp núi mấy tầng cao thấp, cây chen cây tràn ngập màu lam, đường lên Hồng Thái ngút ngàn. Tới Na Hang thì tôi không đi đường bộ lên Hồng Thái, mà đón thuyền ở bến Pắc Tạ trên hồ thủy điện, xuyên qua hàng ngàn những quả núi nhấp nhô như vịnh Hạ Long trên cạn, tới bến Yên Hoa, chỉ đi xe máy độ gần chục cây số trên con đường gập ghềnh khúc khuỷu hai bên đỏ ối hoa chuối rừng là tới Hồng Thái.

Mùa thu hoạch chè ở Hồng Thái. Ảnh: P.V

  Để thăm những cây chè Shan tuyết ở Na Hang có từ rất lâu đời rồi, đặc biệt ở ba xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú. Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Hồng Thái được thiên nhiên vô cùng ưu đãi, khí hậu bốn mùa tuyệt vời. Mùa xuân rực trắng hoa lê, hoa mận, mùa hè mát rượi như ông trời mắc điều hòa, mùa thu lúa ruộng bậc thang trải đều vàng rực, mùa đông thì tha hồ cho những ai thích săn mây. Mây ở đây mùa đông thì khỏi phải nói, cứ đùn từ dưới thung lũng lên, từ trên núi xuống, tràn vào các bản làng người Dao, người Tày, có những mái nhà sàn ngói nâu hai lớp chồng lên nhau xanh rêu mốc trắng, mà hầu như nhà nào cũng có một vài cây hoa đào, hoa mận trồng ở ngay lối cổng vào.

 Ngay từ thời Pháp thuộc, Hồng Thái đã được ví như Sa Pa thứ hai của miền Bắc. Trước Cách mạng Tháng Tám, người Pháp họ nhận thấy đây là một vùng đất có khí hậu ôn hòa mát mẻ, rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng, lại có những cánh rừng chè nguyên sinh với những cây một vòng tay người ôm không xuể, cho ra những chiếc lá, chiếc búp sao lên trên bếp lửa, tạo thành một thứ chè có hương vị đặc biệt riêng có. Nên người Pháp vào những năm ấy, vẫn thường xuyên bắt dân phu lên những cánh rừng âm u sương khói để hái chè, rồi dùng ngựa thồ chở đến các đồn trú tại Hồng Thái, chế biến thành một thứ thức uống có một không hai mà không phải ở đâu cũng có được.

Là một loại chè có mùi thơm đặc trưng, hương vị dịu ngọt, khiến ai đã một lần thưởng thức cũng đều bị say mê, nhung nhớ. Đặc điểm là lá to búp mập, trên búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, bởi sống ở vùng cao quanh năm mây mù bao phủ nên còn gọi là chè Shan tuyết. Thứ thức uống được đánh giá có công dụng rất tốt với sức khỏe khi sử dụng, an thần dễ ngủ, tốt cho người bị tiểu đường tim mạch, kéo dài tuổi thanh xuân. Trong những lá chè Shan tuyết tại Na Hang Hồng Thái, các nhà khoa học đã tìm thấy có những hợp chất quý như Thein, Tamin. Đặc biệt là các chất Polysacc, Haride có tác dụng ức chế

Glucos, tiêu diệt các tế bào gây ra những bệnh nan y, giảm đường huyết thanh lọc cơ thể. Có chứa nhiều EGCG là chất chống oxy hóa mạnh, giúp giảm mệt mỏi căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao, hỗ trợ giảm cân, tiêu hóa tốt...

Như nhiều lần tôi đã từng lên đây, gặp gỡ và nói chuyện, người dân ở Hồng Thái, Sinh Long, Sơn Phú họ yêu cây chè lắm, sinh ra đã thấy nó, lớn lên cùng nó, và làm giàu cũng từ nó. Xã Sinh Long hiện có trên dưới 370 hộ tham gia trồng chè, với diện tích trên 1.100 ha. Những năm gần đây, các hộ dân ở Sinh Long cũng giống như ở Hồng Thái và Sơn Phú, đều thực hiện chủ trương phát triển cây chè sạch của tỉnh. Với hình thức nông nghiệp hữu cơ, là một hình thức canh tác để tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng, thực hiện cây chè đạt tiêu chuẩn ba không, đó là không sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không pha chế ướp hương liệu. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch chế biến đều đảm bảo chất lượng chè sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước, luôn lấy uy tín của sản phẩm đặt lên hàng đầu.

Đêm Hồng Thái sương mù thật lạnh, giờ này dưới thành phố cũng phải 34, 35 độ, mà ngồi cùng anh Triệu Văn Vịnh, Quản đốc Hợp tác xã Sơn Trà bên bếp lửa bập bùng cháy trước sân căn nhà bằng gỗ xoan của anh, nhìn xuống thung lũng chè mù mịt sương, anh đưa bảng đo nhiệt độ cho tôi xem, thấy chỉ có 18 độ. Ánh mắt anh sáng lên đầy tự hào khi nói về cây chè Shan tuyết Na Hang với tiềm năng kinh tế đang rất phát triển. Về sự giàu lên của bà con các dân tộc nơi đây từ cây chè. Anh mỉm cười rót nước cho tôi liên tục, cũng bởi thấy tôi đang co ro vì lạnh, thứ nước chè cổ thụ qua ánh lửa lóng lánh một sắc vàng kỳ bí của thần rừng thần núi, uống vào chan chát nhưng lát sau lại ngọt đượm đê mê khắp đầu lưỡi, thưởng thức hàng chục chén mà không hề biết chán, cảm tưởng như hương vị của thiên nhiên cây cỏ đại ngàn thanh mát lan tỏa khắp cơ thể, một thứ nước uống đặc trưng riêng có, rất khác biệt so với các sản phẩm chè cùng loại trên thị trường. Giấc ngủ đến với tôi trong căn nhà sàn thật dễ chịu và có nhiều khác biệt so với nhà tường bê tông ngột ngạt. Anh Vịnh phải đóng cửa sổ lại cho sương khỏi tràn vào phòng khách đang ngủ, tiếng cọn nước quay đưa nước từ trên núi về văng vẳng trong đêm, xen lẫn mùi hoa sữa thanh bình đến không ngờ.

Hợp tác xã Sơn Trà Hồng Thái là một doanh nghiệp làm ăn rất có uy tín với các sản phẩm chuyên về chè sạch vùng cao, đặc sản tại nơi đây. Anh Vịnh cho biết, hàng tuần đều thu mua chè của các hộ quanh vùng với số lượng lớn, cùng giá cả ổn định nên bà con rất phấn khởi. Sắp tới xí nghiệp anh sẽ triển khai xây dựng xưởng sản xuất chè mới, đạt tiêu chuẩn quốc tế về chỉ tiêu chất lượng, hướng tới một doanh nghiệp chè có thương hiệu quốc gia, mẫu mã đẹp, được những người sành chè, am hiểu về chè khắp nơi biết đến. Buổi sáng ở Hồng Thái, Sinh Long, Sơn Phú, được đi hái chè với bà con các dân tộc thiểu số trong sương sớm, với tôi nó đem lại một cảm giác vô cùng tuyệt vời và ấn tượng. Được ăn sáng với cơm lam chấm muối vừng, được uống nước chè xanh tinh khiết mới hái buổi sớm. Đứng giữa những đồi chè ẩn hiện trong mây mù xa xa con thác nhỏ như sợi chỉ, đợi ánh bình minh lên long lanh xuyên qua các giọt sương, cùng tiếng các loài chim đồng loạt hót vang trên các tán cây mận, sẽ là những khoảnh khắc trải nghiệm không thể nào quên được.

Gia đình ông Hoàng Phin, thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long có gần 22 ha chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tôi được ông hồ hởi dẫn đi tham quan vào khu chè đã được quy hoạch của nhà mình, qua màn sương dày đặc buổi sáng, khi ánh bình minh đã tràn ngập khắp các lối hoa dại, cả một vùng chè thanh bình từ trên cao nhìn xuống trông như một bức tranh tuyệt sắc mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Không cầm lòng, tôi háo hức đi tới một cây chè cổ thụ gốc đã mốc rêu, trèo lên dù mấy lần trượt ngã, cố ngắt lấy một chiếc búp còn tươi mới, thấy có một lớp lông mềm như tuyết, lòng chợt thấy bồi hồi và đầy tự hào về một thứ chè quý hiếm, đã và đang được người dân nơi đây trân trọng gìn giữ và đầu tư phát triển trong công cuộc đổi mới của đất và con người Tuyên Quang nhân hậu mến khách.

Ông Phin vui vẻ cho biết cách sao chè của bà con dân tộc trên này cũng rất đặc biệt, được làm hoàn toàn thủ công bằng tay trong những gian bếp rộng rãi, hợp vệ sinh, sạch sẽ. Ngay buổi sáng hôm ấy, tôi đã được ông dẫn đến một hộ dân cùng xã chuyên sao chè bằng tay để trải nghiệm từ công đoạn đầu tiên là phơi héo. Lá chè được hái về là loại lá một tôm cộng hai lá non, trong quá trình thu hái vận chuyển không được để chè bị dập, và phải được đựng trong những chiếc sọt đan bằng tre nứa. Mang về, được tãi ra trước khoảng sân rộng đầy nắng để phơi héo trên bạt sạch, nghĩa là sử dụng nhiệt độ cao để phá hủy hệ thống enzym có trong nguyên liệu chè, đình chỉ sự oxy hóa các chất, giữ được màu xanh tự nhiên và vị chát của nguyên liệu. Nhiệt độ hơi ấm mặt trời lúc phơi sẽ khiến lá chè héo đi, đồng thời kích hoạt quá trình lên men, người nghệ nhân sao chè phải biết tùy từng loại chè mà phơi trong khoảng thời gian nào sao cho hợp lý. Tiếp đó cho chè ra vò để lên hương, đặc biệt là phải vò nhẹ tay thì khi pha sẽ lâu nhạt màu mà vẫn đậm hương vị trà. Sau khi vò thì cho chè vào chảo làm khô đến khi bẻ cọng chè thấy giòn là được. Công đoạn sao chè bằng tay là công đoạn quan trọng nhất và cũng là công đoạn đòi hỏi lòng kiên nhẫn của người thợ. Chè được rang kỳ công trong những chảo gang thật nóng trên bếp lửa, đảo tay liên tục cả giờ đồng hồ, hơi nóng từ bếp lửa tỏa ra bỏng rát, mồ hôi túa như tắm trên khuôn mặt của người thợ chịu thương chịu khó yêu cây chè như máu thịt của mình...

Chè Shan tuyết Na Hang, với sản phẩm cao cấp của Hợp tác xã Sơn Trà Hồng Thái, đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm sản vật quốc gia, để làm quà tặng cho Thủ tướng Malaysia Mohathir Mohamad trước lúc lên đường rời Hà Nội về nước. Đây quả là một niềm vinh dự và đầy tự hào của nhân dân các dân tộc Hồng Thái Na Hang nói riêng, và tỉnh Tuyên Quang nói chung, về một thứ chè được kết tinh từ mây ngàn gió núi, nơi chót vót những thửa ruộng bậc thang, những đồi hoa lê trong sương bâng khuâng diệu vợi. Đã đến lúc phải tạm biệt Hồng Thái ra về, kìa những khăn Piêu, váy áo xòe ô, những vòng cổ bạc trắng, điệu Páo dung xúc động dạt dào cùng hương vị chè nồng đượm, đã cùng tôi xuôi mãi, xuôi mãi tới tận chợ phiên Đà Vị, qua hồ thủy điện Na Hang mênh mông sóng nước mà vẫn còn luyến nhớ...

Bút ký của Dương Đình Lộc

Tin tức khác