Trở lại miền cổ tích

Thứ tư, ngày 14-07-2021, 15:20| 815 lượt xem

Xe ô-tô rì rì lăn bánh trên con đường thênh thang, áp-phan êm như ru. Đôi tay lái xe nhịp nhàng múa trên vô-lăng, áo quần bảnh bao, bỗng nhớ bác tài xế năm xưa, mới phần ba thế kỷ, cũng trên con đường này, tay bác ôm vô-lăng mà gân cốt nổi lên, quặt đầu xe sang bên này, sang bên kia, đánh vật với từng đám ổ gà, từ lúc mặt trời mọc, đến ngang chiều mới lên tới Na Hang, trăm cây số. Mồ hôi không lúc nào khô. Xe hôm nay chạy hai giờ đã vào khúc cua quặt cánh gà đèo Cổ Yểng. Lại nhớ các cô gái mở đường: Mồ hôi em tắm trên lưng/Em tưới mặt đường bằng mồ hôi trên má/Em gắn mặt đường bằng cả nhựa lòng...!

Xe qua cây cầu mới sang Năng Khả, giữa bạt ngàn núi đất Phiêng Bung nổi lên một ngọn núi đá chênh vênh treo trên bờ sông Gâm, nhìn về ngã ba sông Năng, lại nhớ chuyện Cô Tiên - Chú Khách. Chuyện kể, ngày xưa, chín cô tiên trên mường trời ngày Xuân mải du mây lạc xuống Phiêng Bung. Thấy nơi này núi non trùng điệp, bạt ngàn gỗ quý, muông thú trăm loài; sông đầy ắp cá; các cô gái Tày, Mông, Dao khéo trồng dâu, trồng lanh, kéo tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm; ngày chợ khoe muôn mầu khăn áo sặc sỡ, đẹp chả kém cõi tiên. Mặn tình với thiên nhiên, cảnh vật nơi này, nàng tiên thứ chín về xin với Ngọc hoàng trở lại Phiêng Bung mượn đất kén chồng. Nàng ra ba điều cầu hôn, rằng chàng trai nào leo từ dưới sông Gâm lên bãi Phiêng Bung, bụng đói, thấy cá bơi lội dưới sông không được nghĩ bắt cá mà ăn. Dạ khát, không được nghĩ lấy nước mà uống. Hai là, thấy hươu nai, hổ báo, muông loài không được nghĩ chuyện săn bắt. Ba là, khi chân chưa đặt lên bãi Phiêng Bung, chưa được nghĩ tới chuyện kết hôn cùng tiên nữ. Ai làm được ba điều đó, sẽ được Tiên nữ kén làm chồng. Nhưng rồi, chính nàng đã phạm luật cầu hôn, để cùng Chú Khách cầm tay nhau hóa đá treo trên bờ sông. Đời sau, một cây hoa mọc trên vách đá, nở hoa đỏ thắm, hương thơm nức rừng, ghi nhớ mối tình của họ. Bà con bản địa đặt tên là hoa Phặc phiềng (hoa thơm nhất rừng), lại đặt tên ngọn núi là "Núi Cô Tiên - Chú Khách".

Minh họa của Tân Hà

Con đường áp-phan lên Khuôn Hà, Thượng Lâm. Người xưa về lại lối này, ai nhớ, ai quên đèo Bụt, đèo Pù Cọ? Đèo Bụt nay bỏ lối ông Bụt. Ông Bụt thuận lòng nhường lối cho con đường mới thẳng hơn, không hiểm trở, quanh co như con đường cũ qua đèo Pù Cọ. Người xưa qua đèo, ai nhớ bẻ cành lá đặt lên vai Bụt, Bụt vui, Bụt phù hộ thượng lộ bình an. Ai quên, Bụt buồn, đi đường gặp trắc trở Bụt mặc kệ! Sự tích kể, ngày xưa có một cậu bé miền xuôi bị bắt bán lên ngược. Vì bị ngã nước, sốt rét, nên người cha nuôi tệ bạc đuổi đi. Cậu may mắn gặp được quan Thổ ty xứ Nà đem về chữa cho khỏi bệnh, nuôi nấng. Để báo đáp, chàng ở lại trồng cây hết khu rừng nọ đến khu rừng kia. Đến khi già yếu nhớ quê, mong về ăn Tết, gặp lại gia đình. Ông tựa lưng ngồi bên tảng đá trên đỉnh đèo, đợi người hỏi thăm. Không may đói khát, ông ngồi chết bên tảng đá. Người qua lại, thấy tảng đá ngày một to ra, mới kính cẩn gọi ông Bụt. Để ghi nhớ công ơn ông già trồng rừng cho xứ Nà, bà con đặt tên đèo là đèo ông Bụt. Khách qua lại nhớ ông, ai cũng nhớ ngắt một cành lá, cung kính đặt lên vai ông (tảng đá), tỏ lòng biết ơn!

Xe vào Trùng Khánh, cửa ngõ chín mươi chín ngọn núi sừng sững giữa vùng sơn cước. Ngày xưa, trăm chim đại bàng đã về nơi này. Từ ngày có điện quốc gia, khu vực ủy ban giờ nhà mái Thái, mái Giéc-ma-nie, mái Việt cổ, mái Phơ-răng-se san sát mọc lên, đã thành phố. Con đường nhựa ngày xưa, nay đang bê-tông hóa, rộng thênh thang, phẳng phiu, nối đến từng thôn bản còn ngổn ngang lắp ba-toa, ốp lát vỉa hè, cải tạo cống rãnh, trồng cây xanh. Ngày ngày, những cỗ máy xay xát liên hoàn, máy chế biến gỗ, máy cơ khí vo vo, rộn rã vọng tiếng nổ vào núi. Phố xá nhộn nhịp, đại lý bán lẻ, bán buôn nhiều hàng hóa hơn cửa hàng bách hóa Tuyên Quang ngày trước.

Lái xe dừng lại bên vỉa hè, nhường đường cho một xe tải ba giàn ngược chiều chở hàng về xuôi. Mấy văn nghệ sỹ tranh thủ xuống xe, tìm điếu cày bắn thuốc lào, tình cờ gặp tân Giám đốc Điện lực Na Hang Hoàng Mạnh cũng vừa dừng xe, kéo vào nghỉ chân. Tôi chợt nhớ, vội hỏi Giám đốc, bản Nà Ráo, Khau Đao, hai bản người Dao ngót trăm hộ dân ở Khuôn Hà, cách phố huyện nửa giờ xe máy, cách đây năm năm tôi đến, tối trẻ học bài vẫn leo lét đèn dầu. Người già sắp về thế giới bên kia vẫn chưa một lần được xem vô tuyến truyền hình, giờ đã có điện?

Cái nóng Khuôn Hà, cái nóng vùng núi đá sơn cước khiến ai nấy ra khỏi xe là nhớp nháp mồ hôi. Hoàng Mạnh chưa kịp trả lời, ông già ngồi bên tôi châm điếu thuốc, rít một hơi dài, nhả khói, nhìn tôi vui vẻ bắt chuyện:

- Ông ở Nà Ráo đây. Các cháu ở tỉnh lên à? Thôn Khau Đao thì có điện từ Tết hai mười sáu rồi mà. Còn Nà Ráo, Bản Bác, năm kia (2018). Các cháu chưa biết à?

Mấy người nhìn ông già, lại nhìn nhau vui vẻ. Mặt ông vô tư. Nhìn ông, chưa chắc đến tuổi thất thập. Trong đoàn nhiều người đã nghỉ hưu rồi. Giám đốc Hoàng Văn Mạnh xác nhận:

- Ông già nói đúng đấy, các bác ạ. Khau Đao có 48 hộ, Nà Ráo 49 hộ là hai thôn cuối cùng của xã Khuôn Hà đã lắp công tơ. Đến nay, hai huyện Nà Hang, Lâm Bình đã phủ điện quốc gia 161 thôn bản. Nếu tính số hộ, 1.413 hộ/1.639 hộ, xấp xỉ 91%, không tính khu vực thị trấn đâu.

- Đêm đóng điện có gì vui không? Ai nhớ chuyện gì, kể cho nghe đi! - Lái xe của đoàn vui vẻ bắt chuyện với ông già Nà Ráo.

- Nhiều mà. Chuyện hay lắm. Chết không quên đâu. Đêm ấy cả bản Nà Ráo chả ai ngủ đâu. Thức vẫn tưởng mình mơ, cháu ạ!

- Ngoài đồng, các bác biết không? - Người ngồi trước tôi kéo liền hai điếu thuốc, nhả khói, lên tiếng - Đám thiêu thân, châu chấu, cà cuống, chim bướm không biết ở đâu về lắm thế, bay lượn cả đêm, thấy đèn sáng thì lao đầu liệng thử vào xem, rụng đầy chân cột, hay thật!

- Ở nhà cũng lắm chuyện vớ. Những con thạch sùng chạy ra ngơ ngác, tíu tít đuổi nhau, rồi ra đuổi bắt thiêu thân. No tròn cái bụng còn tiếc. Có con leo lên mái nhà, thả chân rơi xuống cho ngót cái bụng, lại ra bắt mồi. Ngồi xem lũ ấy đuổi nhau cũng không chán mắt vớ!

- Bữa ấy, có ông bắt cháu dắt đi mấy cây số, đến nhà đã sắm ti-vi, ngồi đông như họp chợ, xem hết chương trình ti-vi còn tiếc, không ai muốn về!

Chuyện lây sang mấy người đi xát lúa, xát ngô. Có ông vào tham gia:

- Điện về bà con mới được xem ti-vi. Chương trình hay lắm. Cứ xem hết của nước mình, lại xem chương trình nước ngoài, các bác ạ!

- Thế nhà bác đã có ti-vi chưa? - Lái xe hỏi.

- Con nó mua cho một cái thôi!

- Nhà ông này bán đi một con trâu, hay dắt mấy con dê ra chợ, ti-vi gì chả có! - Một người chen vào nói - Ngày xưa, địa chủ không có xem thế này đâu!

- Có điện, chỉ phụ nữ chúng em là nhất! - Chị chủ quán cũng ra góp chuyện - Ngày xưa hết gạo, giã một cối lúa, mấy chị em dâu tỵ nhau. Cả buổi tối độc một cối thóc, bì bụp mỏi dã chân tay, sàng xảy nửa đêm mới được đi nằm. Ngày xưa sợ nhất nhà có đám. Phụ nữ vất vả cả đêm, cả tháng mới đủ gạo ăn. Giờ máy xát chạy nửa ngày, cả bản ăn cả tuần không hết. Gạo trắng như bông, cám đi đằng cám. Con lợn bây giờ cũng sướng.

Nhớ lần trước, đoàn văn nghệ sỹ lên Lâm Bình có nhạc sỹ Tăng Thình, nhạc sỹ Tân Điều, nhiếp ảnh gia Quang Chính. Quang Chính đề xuất, muốn săn cho bộ sưu tập của anh pha mây bay trên đầu trạm biến áp, mây vờn mái tóc anh thợ đường dây, vương trên vai áo mầu lửa. Vừa nghe, chàng Giám đốc trẻ Điện lực Lâm Bình hồi đó gật đầu, mỉm cười bí ẩn, nháy Phó Giám đốc Phạm Sơn dẫn đoàn lên bản Nà Co, xã Xuân Lập, một xã có những trạm biến áp chon von trên đỉnh núi.

Xe bán tải vừa lắc mấy vòng cua đã lên lưng chừng mây. Nhìn xuống phố, mây bồng bềnh trôi. Hơn chục cây số lên Nà Co, con đường nguyên thủy hồi chống Mỹ có khúc còn giắt tạm vào khe núi. Xe ô-tô vừa bò, vừa đánh võng lắc lư mất nửa giờ. Tôi nói với người dẫn lộ: Giá thử lúc đi, mình mua nắm lá thuốc của đồng bào bỏ lên xe, thì bây giờ được một mẻ xông hơi tuyệt vời! Cũng may, trên đường Phạm Sơn liên tục kể chuyện, thành thử cái nóng trời đốt cũng dễ quên. Đường xóc xe lắc dội vào sống lưng, lúc lại phát ra tiếng kêu răng rắc. Giờ tôi mới hiểu nụ cười bí ẩn của Giám đốc Thành Hiển. Lên Xuân Lập, nghe câu chuyện ông Chủ tịch xã, giờ thì ông đã nghỉ hưu. Ngày ấy, ông lên Điện lực năn nỉ xin hiến đất để đưa trạm biến áp về vườn nhà ông. Thâm tâm ông muốn, mỗi sớm mở mắt, ông lại thấy mặt trời hồng ngồi trên trạm biến áp điện lưới quốc gia, một công trình công nghiệp hóa, kỷ niệm một thời ông làm Chủ tịch. Rồi ông huy động. Bà con cũng thật vô tư, người khiêng đòn, người khuân vác, chuyển hơn tấn thiết bị, cột bê tông lên núi dựng trạm. 

Nhạc sỹ Tăng Thình im lặng, lắc lư theo nhịp lắc của xe, tìm cảm hứng ghép nốt nhạc vào những cú lắc khiến lưng ai nấy lỏng hết khớp xương, ngợi ca những tấm áo mầu lửa đang vắt mồ hôi vật lộn với đất trời, thời tiết, thực hiện các chương trình, mục tiêu theo Nghị quyết của Đảng đưa điện lưới lên thắp sáng vùng cao. Tân Điều lại muốn những nốt nhạc có mây bồng bềnh, vi vu gió núi, có tiếng khèn của chàng trai Mông, có tiếng kèn lá của các cô gái Dao. Nghe Sơn kể, chợt tỉnh, hỏi:

- Thế bản Nà Co có bao nhiêu hộ dân?

- 40 hộ, Điện lực lắp đủ 40 công tơ rồi, thưa bác nhạc sỹ!

- Nà Co có bao nhiêu hộ dùng điện sản xuất? - Tôi lại tò mò.

- Bác ơi! Bốn mươi công-tơ, mỗi tháng tiêu thụ chưa đến ngàn ky-lô-oát đâu. - Phó Giám đốc lại mỉm cười bí ẩn. Có lẽ, sự bí ẩn luôn ẩn chứa trong nụ cười của các chàng trai áo mầu lửa, cũng bí ẩn như bản chất dòng điện vậy!

- Bốn mươi công tơ, chưa đến ngàn kí?! - Quang Chính thốt lên - vị chi, chỉ hơn ba hộ tiêu thụ dưới thành phố một tý!

- Cuối năm bác ơi! - Phạm Sơn lại mỉm cười - còn mời mấy chục hộ nghèo lên nhận tiền trợ giá điện, mỗi hộ, mỗi tháng bốn chục ngàn.

Mãn nguyện sự tò mò về chiến tích của các chiến sỹ áo mầu lửa, một lần nữa tôi theo đoàn người đi du lịch lòng hồ. Xứ Nà với tôi, đã gắn bó hơn hai mươi năm trên trận tuyến bảo vệ an ninh và bình yên cuộc sống của bà con dân bản. Mỗi tọa độ, mỗi cung đường, mỗi thôn bản để lại trong tôi những câu chuyện buồn, vui, lẫn chuyện cổ xứ Nà. Mà sao mỗi lần xuống du thuyền, tôi lại phát hiện những điều mới mẻ. Nhìn dòng nước trong xanh chảy hiền hòa hôm nay, lại nhớ những cái tên: Thác Phủng, thác Đăng Vài, hang Thuồng Luồng (sông Gâm), thác Đén, thác Đầu Đẳng (sông Năng), đền Bắc Giòn, gió hang ở Đức Xuân…, những cái tên gieo nỗi nhớ, cả sự hãi hùng vào ký ức bao thế hệ, nay im lìm nằm dưới đáy hồ. Dòng người du lịch hôm nay ngày càng đông hơn, nhiều mầu da hơn. Những con thuyền chở du khách ngược xuôi ngày càng đẹp hơn, tiện nghi hơn, an toàn hơn. Những bè cá trên sông đầy ắp cá đặc sản xứ Nà.

Con thuyền lướt một vòng quanh cột đá Toỏng Vài, phố Bắc Giòn chập chờn hiện ra trong mắt tôi, một khu dân cư được gọi là phổ từ thời Pháp thuộc, hơn bốn chục hộ dân, nay nằm dưới lòng hồ. Vùng này có chuyện Gió Hang. Hàng năm cứ tháng Mười, trước khi gió nóng thổi về, tiếng ù ù từ trong lòng núi vọng ra. Bà con nghe tiếng gió trong lòng núi, giục nhau chống cửa chống nhà. Rồi một đêm, gió tràn ra, thổi dọc lòng sông. Có năm thần gió giỡn, nhấc căn nhà ngói năm gian, đặt quay đi hướng khác, không làm đổ vách, vỡ ngói. Gió tràn lên soi bãi thổi ra cánh đồng làm lúa chín ép; bắp ngô, hạt đậu chưa kịp vào chắc đã già. Những dãy núi đá hai bên bờ sông bị gió nung nứt ra nham nhở. Gió về nổi sóng trên mặt sông, cuộn lên những cột sóng lật thuyền, lật bè.

Khách tấp nập lên bờ, mặt rạng rỡ, hồng hào bởi những chén rượu ngô, rượu đao. Nghe giọng nói lạ, tôi bắt chuyện với mấy du khách dưới xuôi. Người tấm tắc khen cảnh hồ đẹp, người khen cơm lam, cá nướng ngon lắm; người khua chân, múa tay bảo, công nhận rượu ngô say mềm cả người mà không đau đầu. Mấy phụ nữ có vẻ quý phu nhân, từng trải nghiệm, ngồi bàn tán:

- Mình đi chuyến này cứ mong, ngồi trên thuyền sẽ được nghe một giọng hát Then của cô gái Tày, hay hát Páo dung, thổi kèn lá của cô gái Dao, nghe giọng hát Soọng cô của chị em Sán Dìu, hát Sình ca của phụ nữ Cao Lan Tuyên Quang…!

- Tôi lại thích, chính các chàng trai Mông ở bản xuống múa khèn cho xem.

- Có ai đã thấy các cô gái Mông ở Sa Pa nói tiếng Tây, làm tiếp viên du lịch chưa? Siêu lắm!

- Mình lại thích lên bờ, thuê một cái lán nhỏ, mắc võng nghỉ vài giờ!

- Ừ! Đúng thế, thích được các cô gái Mông, gái Dao dạy thêu thùa, đan lát, xem họ quay tơ, dệt thổ cẩm cũng được.

- Mình thì chỉ thích - Một chàng trai cắt ngang - có đầu bếp hướng dẫn, để tự tay bọn mình nấu một món ăn đặc sản quê này. Mình tự tay đốt lửa, nướng cá theo kiểu người đi núi, ăn mới sướng!

Tôi nghe mà muốn nuốt từng lời, thầm nghĩ, đơn giản thế thôi, mà sao chưa ai làm. Vùng Đông Bắc, Tây Nguyên họ còn có Làng du lịch, Gia đình du lịch rồi!

Tôi không kịp gặp lại Hoàng Mạnh, thầm cám ơn những thông tin đáng yêu. Chuyến đi để lại cho tôi nhiều niềm vui. Đường này, điện ấy, mặt hồ thủy điện kia, mồ hôi của những cô gái mở đường, của những chàng trai áo mầu lửa, của các chiến sỹ tay không cầm súng, làm kinh doanh, cùng các chiến sỹ an ninh xứ Nà nhất định đã thấm vào những trang nghị quyết của Đảng bộ. Mồ hôi của họ sẽ tiếp tục góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng, đổi thay đời sống vật chất và tinh thần cho bà con dân bản miền cổ tích. 

Đỗ Anh Mỹ

Tin tức khác