Cầu Tình Húc

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:21| 80 lượt xem

Bút ký của Nguyễn Đình Lãm

Bình minh cầu Tình Húc. Ảnh của Việt Trường

 

Tôi đang đứng trên cầu Tình Húc.

Ngắm dòng Lô Giang dưới kia lững lờ trôi và thưởng gió ngàn lồng lộng. Có thể nói đây là một cây cầu vừa thơ mộng, vừa ngạo nghễ và hoành tráng nối đôi bờ sông Lô, giữa trung tâm thành phố Tuyên Quang - một thành phố núi anh hùng.

Tỉnh Tuyên Quang có nhiều cây cầu đẹp vắt qua sông Lô. Như cầu Bợ, cầu Tân Yên thuộc Hàm Yên. Cầu Bình Ca, cầu Tứ Quận thuộc huyện Yên Sơn. Cầu Kim Xuyên thuộc huyện Sơn Dương. Những cây cầu thuộc địa hạt thành phố như cầu Tân Hà, cầu An Hòa, cầu Nông Tiến.

Nhưng tôi thích nhất cầu Tình Húc - một cây cầu như một nét nhấn góp phần làm đẹp thành phố, góp phần nâng thành phố lên hạng đô thị.

*

Tình Húc.

Tên cây cầu đã gợi một cái gì như là hoài cổ.

Một cái gì rất đẹp, chứa đựng nhiều tình - tình sông núi, tình đồi nương, tình người, tình quê hương. Đứng giữa cầu phóng tầm mắt lên thượng nguồn, thả tầm mắt xuống hạ nguồn. Nước sông Lô dào dạt sóng vỗ. Đây kia những con thuyền bồng bềnh tạo cảnh thanh bình.

Tôi và ông bạn cùng phố, cả hai chúng tôi đều đã ở độ tuổi ngoài bảy mươi, cầm tay nhau đứng trên cầu thưởng gió ngàn lồng lộng. Hai mái tóc sương như vờn mây thu. Ông Hội bạn tôi tỏ ra khoái trá. Ngắm cây cầu, ngắm cảnh sông nước, ông cứ tấm tắc khen:

- Đẹp. Đẹp quá bác ạ.

- Ừ. Rất hữu tình.

Mặt cầu cao lắm, thừa sức tránh lũ. Gầm cầu, tít dưới kia là bãi soi. Một bãi bồi, dân sinh hoạt như một ngôi làng nổi lên giữa sông nước hiền hòa. Ông Hội nói với tôi:

- Em có gia đình người nhà ở dưới đó. Anh em mình xuống chơi đi?

- Ừ. Đi.

Chúng tôi vòng ra đầu cầu, xuống bãi soi. Một ngôi nhà cột gỗ, lợp ngói giữa một khu vườn rất rộng trồng cây ăn quả và rau xanh. Chủ nhà - ông Tống Xuân Quang và bà vợ Nguyễn Thị Nguyên tiếp chúng tôi. Cả hai ông bà rất vui tính và mến khách. Chúng tôi ngồi thưởng trà. Tôi hỏi ông Quang:

- Nhà mình ở đây thuộc đâu?

- Chúng em thuộc tổ Hai, phường Hưng Thành.

Nghe ông Quang nói, trong tôi thấy có một cái gì giống như sự tiêng tiếc cho cái tên một địa danh. Tương truyền thì từ thời Nguyễn, nơi đây có một làng gọi là làng Tình Húc. Tình Húc từ cổ, có nghĩa là: Ánh sáng của bình minh. Người dân làng Tình Húc ngày ấy, ngoài nghề đánh bắt cá dưới sông Lô, nghề trồng lúa, nghề làm nương rẫy, nghề đi rừng còn có nghề trồng dâu nuôi tằm. Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Quang bảo:

- Gia đình em ở đây từ nhỏ. Thấy các cụ cao tuổi cũng nói, ngày xưa bãi soi này có tên là soi Tình Húc.

- Vậy, đặt tên "Tình Húc" cho cây cầu này là phải lắm, chí lí lắm. Cây cầu ngạo nghễ vươn qua sông Lô, đón ánh sáng tinh khiết từ mặt trời nhô lên sau dẫy Tràng Đà. Địa phương mình đã đặt một cái tên rất đẹp cho một cây cầu rất đẹp. Phải nói là một cây cầu đẹp nhất thành phố.

Chuyện vui, tôi nói với ông bạn:

- Chỗ này rất hay. Tôi rất thích cảnh tình ở đây. Ông xem có ai bán, ông kiếm giùm tôi mảnh vườn độ vài trăm mét vuông. Nếu được trên dưới nghìn mét thì càng tốt.

- Bác có nhà mặt phố rồi cơ mà?

- Mua thêm. Dựng một căn nho nhỏ. Có vườn rộng. Và đào một cái ao thật to. Trên bờ ao trồng cây vối, cây sung thật sum suê. Dưới gốc cây, bắc một cái cầu bằng tre, vầu để chiều chiều ngồi câu cá.

Nghe tôi nói, ông Hội tủm tỉm cười:

- Làm nơi dưỡng già?

- Ừ.

Ông Quang bảo:

- Không được rồi bác ơi, vùng này đã quy hoạch để xây dựng khu đô thị sinh thái, thương mại. Soi Tình Húc, nơi anh em mình đang ngồi đây là trung tâm. Cả xóm này sẽ được dời lên phố.

- Bà con vui không?

- Vui lắm bác ạ. Từ bãi soi giữa sông nước, việc đi lại rất bất tiện, nay được lên phố thì còn gì bằng, bác?

- Ừ.

Xong vài tuần trà, ông Quang rủ:

- Đi. Anh em mình vừa thả bộ, vừa tham quan, vừa chuyện. Vùng này sẽ là một khu đô thị rất đẹp đấy bác ạ.

Ba chúng tôi lên đầu cầu phía Nông Tiến. Thì ra, khu đô thị này được quy hoạch cả một vùng rộng chừng hai mươi héc ta, mang tên: Khu đô thị Sinh thái, dịch vụ thương mại Tình Húc, thuộc phường An Tường, thành phố Tuyên Quang. Soi Tình Húc là trung tâm.

Một cây cầu dài gần một cây số thật hoành tráng và thơ mộng, ngạo nghễ vươn từ ngã ba Bình Thuận thuộc phường Hưng Thành, vắt qua soi Tình Húc sang phường Nông Tiến. Mặt cầu rộng gần hai chục mét, đủ cho bốn làn xe cơ giới qua lại. Trên dải phân cách, vươn lên năm cây bút tháp cao chọc trời, điện sáng lung linh. Hai bên có vỉa hè dành cho người đi bộ, rộng tới hơn một mét rưỡi. Có chỗ phình ra có lẽ phải đến ba mét làm nơi cho khách bộ hành dừng chân. Mặt cầu rất cao so với mặt sông. Cầu có hai đường nhánh rộng tới hơn bảy mét lượn xuống soi Tình Húc, trông thật ngoạn mục.

Bãi soi này, sau sẽ được xây dựng rất đẹp. Tôi cứ hình dung, một khu đô thị sầm uất, với những tòa nhà cao tầng mang phong cách tân tiến và hiện đại in bóng xuống dòng Lô Giang hữu tình. Xa kia là khu dân cư, thiết kế theo kiểu bàn cờ...

Tôi đang thả hồn cùng sông nước, núi non, phố xá và ruộng đồng. Bỗng ông Quang chỉ tay ra xa xa:

- Mấy cái máy xúc kia là họ đang san ủi làm đường cho khu phố mới đấy bác ạ.

- Ừ, đường cũng rộng nhỉ?

- Vâng. Đường tiêu chuẩn mà bác. Ở về phía Nam mênh mông bát ngát kia sẽ được đầu tư, xây dựng một khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Lòng vòng một hồi, chúng tôi quay lại cầu Tình Húc. Đứng trên cây cầu, ngắm núi, ngắm rừng, ngắm đồi nương, ngắm ruộng đồng, ngắm phố xá, ngắm dòng Lô Giang hiền hòa và anh hùng, khiến hồn tôi bỗng nhớ lại thời nhân dân Tuyên Quang dũng cảm và bất khuất trong kháng chiến chống Pháp. Nhớ một đoạn trong bài "Cá Nước" của Tố Hữu:

"Rồi Bông lau, Ỷ La

Ba trăm thằng tan xác

Cành cây móc thịt da

Thối inh rừng Việt Bắc.

 

Tầu giặc đắm sông Lô

Tha hồ mà uống nước

Máu tanh đến bây giờ

Chưa tan mùi bữa trước".

Tôi đang bâng khuâng, bồi hồi ngắm cây cầu Tình Húc kiêu hãnh vắt qua dòng Lô Giang của hôm nay. Của năm hai nghìn không trăm hai mươi này thì từ ngôi biệt thự xa xa bên bờ sông vẳng theo sóng nước khúc Trường ca sông Lô của cố nhạc sĩ tài ba Văn Cao:

"... Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u.

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một mầu khói thu.

Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang.

Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa.

Dòng sông Lô trôi.

Dòng sông Lô trôi.

Mùa xuân tới nước băng qua ngàn.

Nước in ven bờ xanh ươm bóng tre.

Dòng sông Lô trôi..."

                                            

Còn nhớ, cách đây không lâu.

Vài chục năm chứ mấy.

Hồi ấy, gia đình tôi ở khu tập thể bến xe. Khu tập thể tranh tre nứa lá trên chính chỗ bến xe bây giờ. Mỗi gia đình một gian. Khi ấy, toàn dẫy phố trên bờ sông Lô thuộc phường Tân Quang, có thể nói, một trăm phần trăm nhà tranh tre nứa lá.

Mỗi mùa lụt tới, được phân phối mỗi gia đình vài chục cây vầu hoặc cây tre để làm mảng chống lụt. Nghĩ lại mỗi trận lụt ngày ấy mà hãi.

Bây giờ có hồ thủy điện Na Hang. Thành phố Tuyên Quang hết lụt rồi. Và hai bên bờ sông san sát những dãy nhà cao tầng, ngôi nào cũng mang vẻ hiện đại và tân tiến. Đêm buông, tiếng nhạc dập dìu, điện sáng lung linh in bóng xuống dòng sông lững lờ gợn sóng.

*

Chiều nay.

Đứng trên cầu Tình Húc.

Tôi cứ muốn nhắc lại, đây là một cây cầu vừa hoành tráng, vừa thơ mộng. Một cây cầu góp phần phát triển, mở rộng giao thông. Tạo điều kiện góp phần phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội. Cây cầu như một nét nhấn giữa một thành phố núi đang phát triển từng ngày. Một thành phố xứng đáng được nâng hạng lên đô thị loại hai.

Chiều nay.

Một chiều đầu thu.

Đứng trên cầu Tình Húc thưởng gió ngàn.

Tôi cảm thấy tự hào.

Một cây cầu anh hùng.

Giữa một thành phố anh hùng.

Ngạo nghễ vắt qua dòng Lô Giang anh hùng.

N.Đ.L

 

Tin tức khác