Người rừng đỏ dưới chân đèo Khau Lắc

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:12| 378 lượt xem

Bút ký của Lê Na

 

Phụ nữ Dao Đỏ Tát Ten bên vườn mận trên đèo Khau Lắc. Ảnh: L.N

 

Đó là bản của người Dao Đỏ, có tên gọi Tát Ten. Tát Ten, được người dân giải thích theo nghĩa tiếng Tày là “thác thớt”. Còn đồng bào Dao Đỏ tự gọi mình là Kềm Miền Sí, nghĩa là Người Rừng Đỏ.

Tôi đã rất nhiều lần xuôi, ngược qua con đèo Khau Lắc đầy huyền thoại. Đá và núi, mây và sương, và cả rừng xanh như vẫn mải mê trò chuyện, tâm tình từ cả ngàn, vạn năm trước. Vào mùa mưa, những mạch nước, ngọn thác rủ nhau ầm ào gào thét. Chúng dội xuống từ các độ cao khác nhau như muốn xóa đi câu chuyện tình muôn thuở của đại ngàn. Dẫu vậy, thiên nhiên vẫn bên nhau như một duyên nợ của trời đất, của mây nước và khí trời. Với tôi, cái thung lũng nhỏ hun hút dưới chân đèo kia mới là niềm ao ước một lần phải đến. Ở đó, phía bên cánh rừng, một con thác cao vút, hùng vĩ có tên Tát Ten. Ngọn nước len lỏi từ những vách núi cao ngất, xuyên qua rừng đại ngàn, nhận thêm nguồn nước từ khe núi Khuôn Súm, Pù Cọ, Kéo Vài, rồi dội xuống. Đến chân núi, thác nước tạo thành con suối chảy bên thung lũng về với bản. Nước mát bỗng hiền lành, mềm mại, lượn quanh ngô lúa, rau màu.

Không khó khăn gì với một người ưa dịch chuyển như tôi, để có mặt tại thung lũng đầy huyền bí, trong mùa xuân mê hoặc của thiên nhiên và con người nơi này. Bản Tát Ten có năm mươi chín hộ, hai trăm bốn bảy nhân khẩu. Đây là một bản nhỏ, tách biệt với các khu dân cư khác, nên không thể ghép với bản khác. Trong bản có bốn họ chính là: Triệu, Trương, Phùng và Đặng. Ngoài ra có vài người là dân tộc Kinh, hoặc Tày đến làm dâu ở bản. Tiếng Dao là ngôn ngữ phổ thông, ngoài ra, bà con còn giao dịch tiếng Tày và tiếng Kinh với cư dân trong vùng.

Bản Tát Ten, thuộc xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Trước khi Tuyên Quang thành lập huyện mới Lâm Bình, đây là thôn xa nhất của huyện Chiêm Hóa. Con đường mòn xuyên qua bản rồi vượt đèo, chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp hoặc đi ngựa. Người ta phải tăng bo xe đạp qua con dốc, rồi lại lần theo đường mòn sang bên Lăng Can. Hai chục năm trước, xe Minsk đã xuất hiện trên đèo. Con đường đèo chênh vênh, trơn trượt, nhiều đoạn phải xuống đẩy xe.

Từ Bình An lên đỉnh đèo, nếu rẽ trái sang Kéo Vài (đèo Trâu), vì đồng bào hai bên đèo có thói quen chăn thả trâu trong rừng. Thành lập huyện mới Lâm Bình, con đèo được hạ thấp, xẻ dọc một bên sườn núi Khau Lắc. Đường đèo chuyển hướng sang bên phải, xuyên qua những lớp đá vỉa, màu đen, gan lỳ, trước khi xuống thung lũng bản Khiển, thủ phủ huyện Lâm Bình. Từ trên cao nhìn xuống, con đường giống như con trăn khổng lồ, uốn lượn, đang trườn qua núi. Và lối mòn cũ qua bản Tát Ten, trở thành con đường cụt, chỉ dành cho bà con lên nương, vào rừng.

Từ bản Dao, ngước lên đèo, dãy núi đá Khau Lắc, sừng sững như một bức tường thành khổng lồ. Sự kỳ vĩ và trường tồn của dãy núi xứng đáng được đặt tên cho đèo. Tiếp nối là đỉnh Thẩm Ngà, Đán Đeng. Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Tát Ten, Triệu Phúc Thử, sáu mươi ba tuổi, đưa tôi bằng xe máy đi một vệt, chừng một cây số là hết khu dân cư của bản. Bản chưa có nhiều nhà xây kiên cố. Những ngôi nhà lợp tôn xanh, ngói đỏ hay mái lá, gần gựa bên nhau. Rất nhiều ngôi nhà, cột kèo được làm bằng gỗ bền chắc, như nghiến, trai, đinh. Xa bên kia là những ngôi nhà tre nứa xinh xinh, bé tẹo bên mé rừng. Ông Thử chỉ cho tôi con thác Tát Ten, trên triền núi đang phủ mây trắng. Mùa này chưa có mưa nhiều, ngọn thác chỉ là những sợi chỉ mỏng manh, khuất lấp vào cánh rừng xanh biếc. Hai chúng tôi, vượt qua suối cạn, chọn nhặt vài viên đá cuội. Những viên đá được thời gian và nước bào mòn, nhẵn bóng.

Ông Triệu Phúc Thử, một người đảng viên cần mẫn, ít nói. Gương mặt rắn rỏi, nụ cười không phô trương. Ông nói bằng chân bước, tay làm cho bà con, cho bản. Một chân bước ngoài nương ruộng, một chân ở ngoài Ủy ban xã. Ông cũng học hỏi con cháu sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật thông tin, báo cáo số liệu, truyền đạt ý kiến tới dân bản. Đã ba mươi mốt năm làm Trưởng thôn mà vẫn chưa có ai thay thế. Ông bảo, mình còn chút sức khỏe, được bà con tín nhiệm, vẫn phải làm thôi. Cũng thấy mệt rồi, leo núi đã biết mỏi gối, chùn chân. Là người đảng viên, phải cố gắng đấy. Ông chỉ tay về cánh ruộng hẹp Bó Tâu, hơn ba hecta đất trồng lúa, đủ nuôi ăn cho dân bản. Ông dẫn tôi ra xem gần sáu hecta đất trồng màu, chủ yếu ngô, lạc, dưa hấu và rau màu vụ đông xuân. Đúng hẹn, những cơn mưa đầu mùa đã đến. Mưa như sứ giả của màu xanh non. Lúa ruộng xanh non tơ, mươn mướt. Soi bãi, đồi nương bắt đầu xanh ngô lạc, đỗ. Màu xanh ngô lúa, màu sáng trắng của ni lông phủ ngăn cỏ, như hai gam màu tương phản, làm nổi bật nhau. Bà con ra ruộng, lên nương từ rất sớm. Đồng bào Dao ở đây rất chăm chỉ, cả một đời người quanh năm cho mùa vụ, cho làm ăn và làm mặc, chẳng mấy khi được ngơi nghỉ.

Mùa xuân cũng là vụ dưa hấu, cả bản đua nhau ra soi bãi gieo hạt. Hộ gia đình chị Triệu Thị Linh, đã trồng gần một ngàn mét vuông đất. Năm ngoái, chị Linh thu hoạch trên một tấn quả, vừa có quả ăn, vừa được bán, thu được hơn chục triệu đồng. Gieo xong dưa, chị Linh tranh thủ đi lao động xa kiếm thêm tiền để trả nợ làm nhà. Các hộ Triệu Hữu Quốc, Triệu Thị Ghển, Triệu Thị Mụi cũng tất bật làm đất, phủ ni lông mặt luống, ngăn cỏ dại. Nhiều hộ trồng trên hai ngàn mét vuông đất dưa. Dưa Tát Ten, được trồng trên soi bãi, thổ nhưỡng tốt, khí hậu mát nên rất ngọt, khắp vùng biết tiếng. Vào vụ thu hoạch dân tự mang đi bán. Cũng có một số người đến mua gom, bán quanh vùng như Phúc Sơn, Thổ Bình, Phúc Yên và thị trấn Lăng Can...

Tôi tìm thăm một gia đình người mới quen ở bản. Đó là chị Triệu Thị Tằn, năm mươi tuổi. Tình cờ tôi gặp chị hồi trước Tết Nguyên đán Quý Mão, tại Bệnh viện A Tuyên Quang. Chị đi chăm sóc con gái là Triệu Thị Sỉnh, ba mươi tuổi, bị tai nạn giao thông, khi đi làm ở một công ty điện tử tại Bắc Ninh. Tôi đã hẹn sẽ lên nhà thăm cháu. Và bây giờ, tôi đang có mặt tại căn nhà gỗ nghiến rộng rãi, lợp tôn xanh, xung quanh bưng ván xoan. Anh Triệu Hữu Hà, năm mươi mốt tuổi và chị Tằn vô cùng ngạc nhiên khi tôi bước vào nhà. Anh chị pha nước chè ngon mời khách và cứ nằng nặc giữ tôi ở lại ăn bữa trưa. Lát sau, cháu Sỉnh dắt con đi chơi ở bản về. Vết đau do chấn thương sọ não của cháu đã đỡ, nhưng còn một mảnh hộp sọ vẫn gửi ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Đợi ít ngày nữa, chị Tằn sẽ đưa cháu đi ghép lại. Tôi nhìn cô gái Dao, nước da trắng, đôi mắt đen ngời, mái tóc đã cắt trọc, một mảng đầu lõm xuống, để lộ vết mổ lớn mà thấy thương cảm. Gia đình anh Hà, chị Tằn có ba người con, đều đã xây dựng gia đình. Cuối năm ngoái, hộ gia đình này đã thoát nghèo. Vụ vừa qua, gia đình thu hoạch được sáu tạ thóc và năm tạ ngô vừa là lương thực vừa làm thức ăn chăn nuôi. Quanh nhà, vịt, gà ríu rít chạy dưới gốc cây ăn quả.

Trong căn nhà gỗ nghiến rộng rãi, nền lát gạch men sáng màu của mình, Trưởng thôn Thử tâm sự: Người Dao ở đây, từ ngàn đời nay chỉ quen với nương rẫy. Họ sống nhờ rừng, núi bao bọc, che chở. Nguồn sống cũng từ đất rừng, nước suối. Tài sản trong nhà chẳng có nhiều, ngoài thóc lúa, ngô khoai và rượu. Vụ nào thức đó. Đời sống chủ yếu dựa vào kinh tế tự sản, tự tiêu. Ông xuống bếp xách lên chai rượu ngô, rót mời khách. Thứ rượu men lá, trong vắt, tràn qua miệng chén vại. Tôi nhắp thử. Thấy râm ran ấm nóng. Hương rượu thơm lừng khắp nhà. Dường như hương rượu đã hội tụ về đây cả đất trời Khau Lắc. Chủ nhà lại nâng chén, chạm với chén của khách. Ông lơ mơ nhìn qua cửa sổ, rồi lại chầm chậm dòng tâm tư. - Nghèo thì vẫn còn, nhưng đói thì không. Những hộ nghèo, mấy năm qua đã được Nhà nước và địa phương hỗ trợ, giúp đỡ làm nhà, tặng giống cây trồng và vật nuôi. Như hộ bà Triệu Thị Lưu, Triệu Thị Tý và hộ ông Triệu Đồng Phượng... Từ khi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, việc khai thác những sản vật từ rừng tự nhiên của bà con cũng hạn chế nhiều. Đồng bào đã biết chăm lo đến vườn rừng đã được giao đất, có chủ rừng. Phong trào trồng cây, phủ xanh đất đồi đã được bà con chú ý.

Người Dao ở Tát Ten hôm nay đã khác xưa. Họ đã bắt đầu nhìn xa, trông rộng hơn. Nhiều trai gái của bản đã rời Khau Lắc, đi lao động tại các công ty trong và ngoài nước. Họ ra đi mang sức trẻ để đổi lấy tiền về xây nhà, làm trang trại, mở mang trồng cây phát triển kinh tế địa phương. Bình quân, cứ ba hộ thì một hộ có người đi làm xa nhà. Nhiều người đi làm xa quanh năm, cũng có người chỉ đi làm theo thời vụ. Vài năm trở lại đây, khi mạng Internet phát triển đến tận thôn bản, thì Tát Ten heo hút này cũng không ngoại lệ. Cuộc cách mạng 4.0 đã ăn sâu vào nếp nghĩ của thế hệ trẻ. Rất nhiều nhà đã lắp đặt mạng wifi. Cả bản đã có đến hai chục Youtuber, Tiktoker. Giờ thì tôi mới hiểu sự ra đời của những ngôi nhà tre nứa bé xinh, cạnh các nguồn nước bên chân rừng. Đó là kết quả của những lao động nghệ thuật, mà Tiktoker, Youtuber người Dao đã xây dựng. Họ đã kiếm nhiều tiền nhờ khai thác mảng đề tài về cuộc sống trong rừng, có pha chút hoang dã, về lao động sản xuất, tự sản tự tiêu. Họ giới thiệu về cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ một vùng đất và vẻ đẹp trong sự gắng gỏi vượt thoát nghèo khó của người Dao.

Theo giới thiệu của chị Ma Thị Hậu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình An, tôi vào trang Youtube Bố con A Lử. Chủ kênh là vợ chồng anh Trương Duy Long và chị Triệu Thị Đằng, một hội viên Chi hội Phụ nữ thôn. Tại thời điểm tôi truy cập, có trên hai mươi bốn ngàn lượt người xem và mười nghìn chín trăm người đăng ký theo dõi kênh. Nhân vật trải nghiệm chủ yếu là vợ chồng và hai đứa con trai của gia đình ấy. Câu chuyện về Single father (Người cha cô đơn) thật cảm động. Người phụ nữ bị bệnh tật bỗng nhiên rời bỏ cuộc sống đời thường, trốn vào hang núi, để lại người chồng và hai đứa con nhỏ. Chàng trai người Dao ấy, vẫn âm thầm nuôi con, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho vợ, vượt mọi nghèo đói, khó khăn, nuôi hai con nhỏ ăn học, chăm sóc cho con khi ốm đau và cho con đến trường mầm non. Cậu con cả mới năm tuổi đã biết trông em bé, chăn gà vịt, quét dọn sân, nhà. Sống trong rừng, với những cơn ho khan, đến rách cổ nhưng người mẹ bệnh tật ấy, luôn khao khát lần mò về với con. Tình mẫu tử rưng rưng đến xót xa. Người chồng tìm cách giữ vợ lại, nhưng cô ta đều hoảng loạn, bỏ chạy. Mái tóc bù xù, hoang dại và bước chạy vô định của người mẹ ấy khiến lòng người nhỏ lệ. Tôi nghĩ đến ý tưởng từ những năm cả đất nước bị dịch Covid hoành hành. Bao người thân phải cách ly nhau, ngay cả nơi rừng núi như Tát Ten.

Tôi bị ấn tượng hơn bởi các cảnh quay trong câu chuyện ấy. Đó là những nơi tôi đã tận mắt thấy khi theo Trưởng thôn ra nơi sản xuất của bà con. Là nương dưa nhà Linh, ruộng ngô sau thu hoạch nhà Triệu Thị Sai. Là đàn trâu của Trương Y Tiến. Đó là hình ảnh những viên đá nằm chơ vơ dọc con suối cạn từ thác Tát Ten. Đó là những bông hoa dại ven đèo Khau Lắc; Là những mảng mây trắng rong chơi trên đỉnh Đán Đeng, Thẩm Choóng, Tát Choong. Tất cả là hồn cốt của Người - Rừng - Đỏ dưới chân đèo.

Vào gian hàng chợ quê của thôn, tham gia hội chợ, tại trung tâm xã Bình An, chúng tôi lại gặp những mặt hàng thủ công, mỹ nghệ của người Dao làm ra bày bán. Những chiếc làn, rổ rá đan bằng mây tre, bên quẩy tấu gùi hàng. Những túi vải, dây lưng, khăn thêu, vòng bạc, bên sặc sỡ sắc đỏ nổi bật trang phục của phụ nữ Dao Đỏ. Ông Trưởng thôn Thử cũng có mặt, đang trò chuyện với du khách. Gian hàng còn giới thiệu nhiều mặt hàng nông, lâm, thổ sản của đồng bào. Măng đắng, giảo cổ lam, rau rừng rồi dưa, bí, ngô, khoai, lạc đỗ, vịt suối, trứng gà, vịt... Thứ nào cũng tươi ngon, hấp dẫn. Tôi gặp chị Triệu Thị Sai, Chi hội Phó, Chi hội Phụ nữ, đang giới thiệu những mặt hàng của bản. Ngù hoa đỏ, rung rinh trước ngực như những bông hoa chuối rừng đang thắp lửa. Tôi đã được xem cuộc thi thêu thổ cẩm do Hội Phụ nữ xã Bình An tổ chức cho các Chi hội Phụ nữ các thôn bản. Thật hào hứng, lạ lùng khi những bàn tay vốn chỉ quen nương rẫy lại thoăn thoắt trên thổ cẩm. Đôi tay phụ nữ Dao mà tôi đã gặp họ trên nương, dưới ruộng hay đang hái rau rừng. Bàn tay không mềm mại, móng không sơn hồng. Tuy vậy, sản phẩm họ làm ra thật đáng nể trọng. Hoa, lá, chim thú được thêu trên khăn, áo được cách điệu đến tinh tế, dịu dàng.

Tôi cũng được vui cùng đêm diễn văn nghệ Mừng Đảng, mừng Xuân của xã. Đêm ấy, tôi đã nghe Triệu Thị Linh hát Páo dung. Tiếng Dao Đỏ tôi mới học được không nhiều, nhưng giai điệu của lời hát đã dẫn tôi đi vào rừng, lên nương giữa ngày xuân xanh ngợp. Páo dung cho tôi cảm nhận về cuộc sống mới của đồng bào Dao Đỏ ở Tát Ten nói riêng và đồng bào Tuyên Quang, trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hôm nay. Câu hát Páo dung kể tôi nghe chuyện tình yêu đôi lứa của trai gái Dao từ ngàn xưa và cả giữa thời công nghệ số. Hơn thế nữa, đó là tâm tình, là tiếng lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng với quê hương, đất nước.

 Chia tay bản nhỏ của người Dao, tự nhiên tôi muốn mình được là người của bản. Tự trách lòng đã hờ hững khi đã qua đây rất nhiều lần. Có xa mấy đâu, chỉ hơn ba tiếng đồng hồ đi xe máy từ thành phố Tuyên Quang. Hôm nay, Tát Ten chia tay tôi bằng dòng thác bắt đầu đủ lớn. Trưởng thôn Thử nắm chặt tay tôi và mong được mời rượu nhà báo ở bản. Buông tay tôi, ông lại phóng xe máy ra thăm ruộng. Vợ chồng anh chị Hà Tằn đã lên nương. Chân núi Khau Lắc, màu đỏ của hoa gạo đang thắp lửa. Hoa xoan dưới lưng đèo như mảng mây tím, sánh bên hoa vông đỏ cam. Nhưng tôi yêu nhất là màu xanh của núi rừng, nương ruộng đã che chở, ôm ấp và nuôi sống đồng bào tôi. Con đường bê tông đưa tôi nhập vào con đường tỉnh. Tôi mang theo tình đất, tình người Dao Đỏ ở Tát Ten về xuôi. Cũng giống như nguồn nước từ bản nhỏ Tát Ten chảy ra Khuổi Xoóc, rồi nhập vào dòng suối từ Lung Muông chảy về Phiêng Luông. Nước từ cội nguồn kể chuyện về đồng bào Dao Đỏ, Kềm Miền Sí đi dọc quê hương ra biển lớn.

Trại Sáng tác Lâm Bình, tháng Ba, 2024

L.N

 

Tin tức khác