Truyện ngắn của Phù Ninh
Chốt kiểm lâm Pác Tạ hôm nay rộn ràng khác thường. Cờ đỏ sao vàng phần phật trước gió ban mai dường biểu lộ tâm trạng lâng lâng năm con người bước vào ngày mới. Khuôn viên nổi bồng bềnh buông neo dưới chân vách đá trắng cao vời. Giữa khuôn viên là ngôi nhà ba gian xinh xắn, mái lợp thanh tre, kèo cột bằng tre, mè dui cũng bằng tre. Nền nhà kết bởi tám thớt bè tre trinh hai lớp.
Trước cửa, hai ô cây cảnh, bên phải con cá chép uốn mình lượn lờ; bên trái con ba ba bốn chân choãi mải miết bơi. Cây cảnh cầu kỳ lạ mắt do bàn tay khéo léo uốn xếp, xén tỉa tạo hình của Hà Chiêu những lúc rảnh rỗi. Sau nhà, rau vườn, mùa hè, mồng tơi, rau đay, rau muống, rau lang; mùa đông, cải Mèo, cải bắp, su hào... Rồi còn hành, ớt, gừng, sả, rau thơm, đủ cả. Đặc biệt là “kho” thực phẩm với cả chục con cá lăng, cá chiên, cá bỗng nuôi trong lồng quây dưới gầm bè nhà nổi. Ngày thường thì mua cá lồng nhà khác hoặc của người quăng chài giăng lưới trên hồ. Chỉ khi có lệnh của chốt trưởng mới mở “kho”, tức là cá được bắt lên. Trạm sinh hoạt giờ giấc nghiêm như một đơn vị quân đội. Theo lịch: Sáng sớm, ăn bữa chính, chia thành hai hướng đi tuần rừng; buổi trưa ăn bữa phụ đem theo. Chiều muộn trở về, mới nấu nướng bữa tối.
Bữa sáng nay có chút rôm rả vừa theo lịch thường ngày, vừa để tiễn Hà Chiêu chuyển sang Tát Kẻ làm trưởng chốt. Tối hôm qua trưởng chốt vợt lên hai chú cá lăng cỡ hai cân, tự tay chế biến món chả ướp giềng mẻ.
Hà Chiêu tâm trạng bâng khuâng. Từng công tác ở Pác Tạ bốn năm, nay dời đi sao mà không quyến luyến. Chỉ đêm nay thôi, anh không còn ngủ trong ngôi “biệt thự trên hồ” hít thở không khí như của khu du lịch nghỉ dưỡng; không còn cảm giác rung rinh mỗi khi dượm bước xuống bè.
Vừa ngồi vào mâm, một người nói:
- Giá có mấy ly cho bữa chia tay thêm chất đậm đà thì hay quá!
Người nào cũng cho là phải, nhưng không một người nào lên tiếng .Nghiêm lệnh rồi!
Thay lời hưởng ứng, chốt trưởng giục:
- Muộn giờ rồi, ăn đi, rồi người nào việc ấy, người đi tuần rừng, người lên đường đến đơn vị mới, không có thời gian cho giây phút bịn rịn đâu.
Tài Chiêu bận sắc phục kiểm lâm, cầu vai mang hàm chuyên viên bậc hai, lưng đeo ba lô, nhảng bước lên bờ, bè dập dềnh như có sóng đập. Không theo đường lớn, anh đi xuyên rừng. Đặt chân lên lối cũ, cảm giác lâng lâng. Trước khi đến Pác Tạ, anh đã có thời gian ba năm ở chốt Tát Kẻ, qua lại khu rừng này kể đến ngàn lần.
Mải miết bước. Không gian thoáng đãng tĩnh lặng. Một thế giới riêng của rừng nguyên sinh. Miên man hồi tưởng. Chợt ngẩng lên, thấy một cổ thụ. Đứng lặng. Nhìn cây nghiến già. Chuyện ở chính nơi này hiện về như vừa mới xảy ra.
... Ngày đó, Tổng Công ty Sông Đà thông báo, những nơi từ cốt 70 m đến cốt 90 phải hoàn thành chuyển cư trước thời điểm ngăn sông, tích nước đợt một. Dào Sang bạn tồng với Tài Chiêu sang nhà bàn: “Đã có lệnh cho dân được đem theo gỗ lá dỡ nhà về nơi ở mới. Minh tìm xẻ lấy vài khối gỗ nghiến, để lẫn vào đem về dưới đó bán cũng được một món kha khá”.
Nghe thế, Tài Chiêu dùng dằng. Vẫn biết làm chuyện ấy là phạm luật, nhưng... Tiền! Tiền ai chẳng muốn.
Nắng sớm chiếu ngang vai. Rừng âm âm u u. Vào sâu, tối rờn rợn, hơi ẩm tràn lan. Hà Chiêu chậm bước, định lùi lại. Dào Sang bảo: “Di dân xong hòng gì về trên này lần thứ hai nữa đâu. Thằng nhát gan”. Tài Chiêu lại nhanh bước. Bỗng nghe có tiếng răng rắc đâu đó. Cả hai cùng hướng về phía phát ra tiếng động. Ánh mắt quét một vòng, dừng lại nơi tán một cây cao vượt hẳn lên. Nhìn kỹ, thấy một cây nghiến. Thật lạ, từng qua đây nhiều lần. Hay bây giờ trời mới cho mở mắt. Hai anh em phát những cây bụi xung quanh gốc để dễ dàng điều khiển hướng cây đổ. Khoảng dọn đã rộng, dừng tay, vui vẻ ra về.
Hôm sau, Dào Sang dậy sớm, lấy rìu ra mài. Tiếng lưỡi rìu lướt trên mặt đá càng lúc nhẹ loáng, rờn rợn. Chốc chốc đưa ngón tay cái gại gại để thử lưỡi rìu. Ở nhà mình, Tài Chiêu cũng mài rìu kỹ càng như thế. Quẻ rìu, thủ rìu bó với nhau, cuốn vải mưa bên ngoài vác trên vai, lưỡi rìu bọc giấy bỏ túi. Không một ai đoán được họ đi đâu, làm gì.
Bước vào khoảng rừng đã dọn chỗ cây nghiến già, hai người, như không tin vào mắt. Một tấm biển gỗ nổi dòng chữ: “Nghiêm cấm chặt cây!”.
Ngần ngừ một lúc, vẻ nuối tiếc, Dào Sang bảo Tài Chiêu: “Về thôi. Kiểm lâm vây quanh đây rồi, mình chỉ bổ một nhát rìu là tay tra còng tức khắc”.
Đường về, Dào Sang lại bàn:
- Mình hãy tìm chặt một hai cây vừa vừa, xẻ lấy mấy tấm gỗ hẹp, có thế mới dễ qua mắt kiểm lâm.
Hai người hăm hở làm theo cách đó.
Bộ đội đến giúp dân chuyển cư. Dào Sang đã dỡ nhà. Những người đến giúp cẩn thận lựa cột, kèo còn tốt xếp gọn một chỗ, đợi đến ngày có xe. Mọi người ra về, Dào Sang bấm tay Tài Chiêu nói thầm: “Mày lấy phên tranh cũ phủ lên mấy tấm gỗ mới xẻ giấu sau nhà, dàn phên ra rồi châm lửa.”
Tà Chiêu đánh diêm. Ngọn lửa vù vù. Phút chốc chỉ còn lớp tro mỏng. Vội dùng chổi đập đập, tro bay tản, bám vào thân gỗ. Bây giờ mấy tấm gỗ ám khói không khác những cột nhà cũ. Hai người vác những tấm ván ấy để lẫn vào chỗ cột kè. Xong việc cả hai thở phào nhẹ nhõm.
Quang cảnh bản Khuổi Chè rộn rịp. Từng đống gỗ lạt, lá lợp, đến các vật dụng cồng kềnh như cối đá xay ngô xếp cao ngất. Ngoài trụ sở, tấm biển “Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thúy Loa” đang được dỡ xuống. Từ đây tên xã không còn tên trên bản đồ, con dấu đưa vào kho lưu trữ. hầu hết những bản làng của xã sẽ nằm dưới đáy hồ.
Chiếc xe tải mang biển số 22 của Công ty Hà Quảng đỗ trước căn lán tạm của Tài Chiêu. Cột nhà, gỗ ván bắt đầu xếp lên xe. Được một lượt kín sàn xe, kiểm lâm viên nói:
- Dừng lại đã.
Dào Sang:
- Sao thế?
Kiểm lâm viên cầm búa con gõ gõ vào một tấm gỗ đinh. Tiếng kêu phát ra đanh chắc. Kiểm lâm viên nói:
- Không phải ván sàn nhà. Dỡ ra, để lại.
Dào Sang chạy đến gần giật giật gấu áo kiểm lâm viên, nói to:
- Được, anh em nghỉ uống nước hút thuốc đã.
Mọi người dừng tay. Dào Sang kéo kiểm lâm viên khuất ra sau nhà.
Đưa mấy năm trăm, Dào Sang nói:
- Không giấu được cán bộ. Nhà nghèo, có tiền đền bù cầm lấy một ít.
Kiểm lâm viên:
- Cất tiền đi. Không lấy đâu. Nhà anh nghèo, cả Khuổi Chè nghèo, có khi nghèo nhất xã, nhất huyện nữa. Nhưng không.
Hai người đang đùn đẩy thì Trưởng bản Hà Sơn đi tới, nói:
- Bọn Dào Sang, Tài Chiêu biết lỗi đấy. Nhưng nghĩ, người dân quen ăn rừng. Thôi thì bỏ qua cho họ lần cuối, kẻo lỡ chuyến xe. Tôi nói cho hai đứa nó chứ tôi không chặt gỗ.
Kiểm lâm viên sẵng giọng:
- Nhà này đem, nhà khác cũng đem, cả bản chặt gỗ tươi thì tôi biết làm thế nào!
*
Không qua được mắt kiểm lâm. Nhìn mấy tấm ván xẻ bị nằm lại vẻ tiếc xót, Dào Sang, Tài Chiêu bèn thuê một chiếc co le. Người chủ nói:
- Bây giờ muốn qua cống dẫn dòng thì phải bốc hàng chuyển sang co le khác.
- Là sao?
- Lâu rồi các anh không xuống công trường? Đã ngăn sông, bắt nước chảy vào ba cái cống ngầm người đi lọt gọi là cống dẫn dòng. Bè mảng, co le không qua được nữa.
- Không biết thật.
Dào Sang cúi đầu, Tài Chiêu nói:
- Thì hãy chở đến cửa cống dẫn dòng. Rồi tính.
- Chỉ đến đó, lấy ba triệu.
- Đồng ý. Chập tối cho co le vào bến xếp gỗ.
Hai người họ tính, cứ chở đi đem giấu vào nhà người quen gần thị trấn.
Nửa đêm hai người khuân gỗ ra bờ sông. Người lái nói:
- Đêm qua về, tôi nghĩ lại. Chở gỗ cấm thế này kiểm lâm hay công an thấy họ tịch thu cả co le, hết đường làm ăn. Các anh đừng xếp.
Tài Chiêu:
- Từ đây xuống thị trấn làm gì có trạm đường sông nào, đừng lo.
Dào Sang:
- Có gì mà sợ. Kiểm lâm là người nhà tôi. Cứ xếp xuống đi. Trả thêm một triệu.
Người lái ra bộ đồng ý. Anh ta còn hộ xếp gỗ. Xong việc Tài Chiêu cùng về nhà Dào Sang ngủ. Sáng ra, mổ gà làm cơm, mời người lái co le cùng ăn. Dào Sang mời rượu người lái:
- Uống đi, lái cho bốc.
Tài Chiêu khích thêm:
- Sông Gâm này anh quá thuộc, nếu trót lọt, chiều quay lên, mai chạy chuyến nữa. Gỗ của chúng tôi còn.
Ba người ra bến. Người lái và Tài Chiêu xuống co le. Máy nổ. Dào Sang vẫy:
- Chiều quay lại nhé!
Hai năm nay vùng thượng nguồn sông Gâm mưa ít. Mùa hè không có lũ lớn. Việc thi công thủy điện thuận lợi. Công trường sáu, bảy nghìn người nhưng từ khi khởi công đến giờ chưa xảy vụ tai nạn nghiêm trọng nào. Cách cống dẫn dòng năm trăm mét, tầm cao bốn mét đã có biển báo:
“Nguy hiểm! Nghiêm cấm đến gần cống dẫn dòng”.
Cao, to hơn, xa hàng cây số đã nhìn thấy khẩu hiệu “Quyết tâm chinh phục sông Gâm”.
Chiếc co le đang nổ ròn bỗng nhiên phát ra tiếng lục bục rồi tắt ngấm. Khởi động lại máy vẫn không nổ. Còn xa biển báo, đã thấy nước càng chảy xiết. Người lái và Tài Chiêu vội nhào xuống sông, gắng hết sức mới bơi được vào bờ. Thoát chết trong gang tấc. Ngoái nhìn chiếc co le như con ngựa bất kham vùn vụt lao đi rồi bị hút vào miệng cống mất tăm.
Cole mất, gỗ mất. Cùng thiệt.
Nhớ lại, Tài Chiêu giật mình thon thót.
*
Tại chốt Tát Kẻ, cũng ngày hôm đó.
Buổi chiều, mọi người săng sái chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn để đón trưởng chốt mới. Khác hẳn “biệt thự nổi” Pác Tạ, ở đây, “trụ sở” chốt là ngôi nhà sàn cột bê tông, còn mái lợp, phên che là vật liệu xanh. Thực phẩm cũng trăm phần tự túc. Chuồng gà chục mái luân phiên nhảy ổ, ấp, nở. Rau xanh, hoa quả rôm rả hơn nhà bè nhiều. Bí, mướp, thiên lý, đậu ván, su su... phủ giàn xanh mướt, lúc lỉu quả. Chuối ta, chuối tiêu, đu đủ vàng ruộm, thơm lừng thi thoảng dân nhà sàn tắc tế cho cánh “nhà bè”.
Thức ăn bữa nay “nhà sàn” nấu toàn sản vật của Sơn Tinh. Không có gà chín cựa thì đã thịt con gà Đông Tảo cộ. Riêng hai còng bự, đặt vào đĩa lớn vẫn còn chờm ra ngoài.
Chiều muộn cơm canh đã lên mâm mà vẫn chưa thấy bóng dáng Tài Chiêu đâu. Sốt ruột quá. Một người hỏi bâng quơ:
- Chẳng nhẽ lạc đường?
- “Thần rừng” mà lạc sao được.
Mải mê đi gần khắp địa phận quản lý chốt Tát Kẻ, ngày trở lại của Hà Chiêu thành phiên tuần rừng ngoài dự kiến, cuối chiều mới về tới nơi.
Cả chốt ùa ra.
Một người trẻ hỏi:
- Pác Tạ cách Tát Kẻ bao nhiêu cây số mà tân chốt trưởng đi mất cả ngày? Người khác hùa theo:
- Khai thật đi. “Lạc” theo bóng người đẹp sơn cước nào?
- Dám lắm.
Người khác:
- Vào mâm đi. Dạ dày ứ đầy dịch vị rồi.
- Thì vào.
Chốt phó gắp chiếc còng gà đặt vào bắt Hà Chiêu.
- Chúc chốt trưởng cùng anh em chân cứng đá mềm. Ba trăm sáu mươi lăm ngày tuần rừng không biết mỏi!
Chén rượu ngâm hà thủ ô làm Hà Chiêu nóng mặt, vẻ như bị bắt nọn, cả mâm đợi nghe lời đáp.
- Quả thật hôm nay tôi rất vui vì được trở về đây và tuy không gặp người đẹp nào nhưng đã gặp nộc đây.
- Nghĩa là sao?
Một người nói:
- Tiếng Tày là con chim đẹp.
Hà Chiêu xoay xoay chén trong tay, nói:
- Khoảng nửa buổi đến gần chỗ “cụ nghiến”, bỗng nghe tiếng phào phào gìống tiếng gió thổi. Ngẩng đầu, mừng hết sức. Mọi người tưởng tượng ra không. Một con phượng hoàng trống lướt qua ngay trên đầu. Song dường như nó rất vội vã sao đó, đã vỗ cánh vút bay, khuất vào khoảng rừng phía trước.Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn theo.
- Tôi chưa từng nghe ai nói đến loài chim này.
- Đó là loài chim lớn nhất sống trong rừng nhiệt đới. Sải cánh của nó dài, rộng hơn cánh con giang. Đầu phượng hoàng rất lớn, cỡ bằng hai bàn tay người lớn ốp vào nhau. Đặc biệt mào của con trống không dẹt giống loài chim có mào khác mà như một chiếc cốc. Vì thế người ta còn đặt cho nó cái tên là chim cốc máng. Xưa cột nhà tôi có treo một đầu chim này, không rõ do cha tôi hay người họ hàng nào bắn được đem cho. Thời gian lâu đã hư mất. Cái mào hình cốc này liên quan đến một tập tính rất đặc biệt của chim phượng hoàng.
Kể đến đây Tài Chiêu nói:
- Thôi để ăn xong sẽ kể nốt.
Mọi người vẻ sốt ruột giục:
- Mau kể tiếp đi.
Nhấp một ngụm rượu, Tài Chiêu nói:
- Mỗi lứa phượng hoàng chỉ đẻ hai trứng. Tổ của nó làm bằng nhựa cây trám. Thứ này xưa người miền núi ta dùng làm nến. Con mái ấp, con trống tiếp tế đủ cả thức ăn và nước uống. Nước được đựng vào cái “cốc” trên đầu con trống. Có lẽ hiếm thấy loài chim nào chăm sóc chim mái và chim non chu đáo đến thế. Khoảng bốn mươi ngày, chim non đủ lông, đủ cánh “ông bố” sẽ phá tổ. Gia đình đoàn tụ vui vẻ. Mấy mẹ con tha hồ tung cánh.
Tài Chiêu ngừng lời. Người nghe hình dung ra phượng hoàng đất theo tưởng tượng riêng của mình, nhưng cùng một ý nghĩ, làm sao thấy lại nó.
Chợt Tài Chiêu nói:
- Tôi nảy ra ý thế này, mong mọi người hưởng ứng. Mình góp tiền mua một chiếc máy quay. Tin chắc sẽ gặp lại. Hình ảnh và chuyện tình ly kỳ của loài chim hiếm lạ này sẽ hấp dẫn du khách.
Tất cả hô vang:
- Nhất trí. Cạn ly!
Na Hang, một ngày cuối xuân năm 2025.
P. N
Minh họa của Quảng Tâm
28-04-2025
27-04-2025