Sóng trước đổ đâu?

Chủ nhật, ngày 20-04-2025, 10:19| 237 lượt xem

Truyện ngắn của Bùi Thị Mai Anh

 

 Ông gục đầu xuống bàn, mái tóc cắt cua lởm chởm, đang dài ra, đã lẫn nhiều sợi bạc, tuyệt vọng nói:

- Cả hai lần, tao đều đi ra tay trắng!

Tôi ngồi nghe ông tâm sự, không nói thêm được câu nào. Ông đưa tay với chén trà nguội ngắt trên bàn, uống một ngụm, cố nuốt xuống.

Năm nay đã bảy mươi sáu tuổi, ông cũng từng có vợ có con, một gái một trai đẹp đẽ, đủ nếp đủ tẻ. Hai vợ chồng từng cùng học một trường đại học. Ngày ấy bà đẹp nổi tiếng. Đám sinh viên nam trong, ngoài trường mê bà như điếu đổ. Người quê mùa cục kịch như ông yêu được một hoa khôi ngày ấy của trường đại học toàn con trai là điều khiến ông tự hào lắm. Nhưng ông học giỏi, bà mê ông cũng vì điều đó. Rồi cùng về công tác ở tỉnh, cả ông và bà đều được khen là những người giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi người làm ở một cơ quan, công việc của ai cũng kiếm ra nhiều tiền. Đó cũng đã là cả một niềm ao ước, đặc biệt, so với đồng lương giáo viên còm cõi của tôi.

Càng sống với nhau, những điều bất hòa giữa hai vợ chồng ông ngày càng lớn lên. Ông mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng, được bà bác ở quê chăm sóc, vì vậy, ông hay đi về quê và giúp đỡ anh em, họ hàng dưới đó nhưng bà và các con chẳng bao giờ về quê nội. Bà không thể chịu được cái việc ông cứ mang của nhà mình đi cho người khác như thế, nhất là bọn dân quê, biết gì mà dùng những đồ ngon lành của nhà bà. Bà chê nhà quê bẩn thỉu, ăn uống xô bồ, mất vệ sinh. Mặc kệ bà nói gì, ông vẫn thường đi lại cái nơi đã cưu mang ông, cho ông lớn lên và thành người. Mỗi lần từ quê trở về, ông thường mang theo lỉnh kỉnh những sản vật nhà quê: Các loại rau, bí xanh, bí đỏ, đu đủ, mướp, chanh, khoai lang, khoai sọ, sắn..., bà lại càng khó chịu tợn. Bà thường nói:

- Ông mang những cái đồ nhà quê này đi đâu cho khuất mắt tôi đi. Tôi không thèm những thứ ấy! Ăn vào rồi lại kể công kể lênh, tôi không nuốt được! Ra chợ âm phủ, thiếu gì!

Ông chẳng nói gì, lại đem chia cho hàng xóm cả rổ chanh tươi nguyên, cả bó rau bí non mỡn bò ở bãi soi mà ra chợ chả thể nào mua được. Có hôm, ông luộc cả nồi sắn, nồi ngô to đùng rồi đem đi chia cho hàng xóm. Bà lại càng tức, lườm nguýt ông suốt.

Bà không thích chơi với hàng xóm, bà thấy họ chả được cái tích sự gì cả, chỉ thích nhòm ngó chuyện nhà bà thôi. Đã chả giúp được gì lại còn hay cào ra, vì vậy, tốt nhất là không giao du. Bà cũng cấm tiệt lũ con không gần gũi, thân thiết với đám hàng xóm lắm chuyện ấy. Cổng nhà bà luôn đóng kín, chả có ai qua lại bao giờ. Ngược lại, dù cũng không hay nói nhưng ông được mọi người xung quanh khá yêu quý, vụ nào liên hoan xóm làng hay một nhóm liên gia, tôi cũng thấy ông luôn có mặt.

Bà thích chỉ đạo ông, chỉ đạo các con và quản lý chi tiêu trong gia đình. Bà nghiêm khắc đến khắc nghiệt với chồng và hai đứa con. Với đứa con gái, bà dạy nó đủ thứ, kể cả việc biết kiếm tiền từ nhỏ, nhất là cái việc phải biết thu vén vào cho bản thân. Chỉ cần một ai đó trong gia đình không nghe theo ý bà thì bà chửi cho mục mặt. Bà soi mói từng chuyện nhỏ nhất, đi thì thôi, về là bà nói cho đến lúc lên giường, mà lên giường cũng vẫn nói. Mà nói năng nào có nhỏ nhẹ, dịu dàng đâu, cứ sa sả, sa sả, nhức hết cả đầu.  Trong nhà, lúc nào cũng căng như dây đàn, ngột ngạt, khó thở. Bọn trẻ sợ bà chết khiếp, chỉ có ông là gần gũi, chiều chuộng và không đánh mắng các con bao giờ.

Sự bất hòa trong nhà lên đến đỉnh điểm khi cậu con trai đang học đại học dính vào tệ nạn xã hội. Ông cũng choáng váng nhưng ông muốn gọi con về, từ từ bảo cho nó biết để nó từ bỏ. Nhưng bà thì không. Khi biết chuyện, bà gọi điện, chửi bới ầm ĩ rồi bắt nó về, nhốt con vào buồng trên tầng hai, khóa trái cửa lại, vì sợ hàng xóm biết chuyện nhà bà. Đến chiều mở cửa ra thì thằng con trai đã treo cổ tự tử, chết từ lúc nào.

Đau lòng lắm, sau đám tang con trai, ông quyết ly hôn bà. Bao nhiêu tài sản, đất cát mua được trước đây, ông đều để bà đứng tên, ông đi ra tay trắng, ngôi nhà hai tầng ông để lại cho vợ và cô con gái. Ông thuê nhà để ở, trong phòng chả có đồ đạc gì đáng giá. Ông sống đơn giản đến mức tối thiểu. Nhưng với năng lực chuyên môn có sẵn, ông lại tiếp tục kiếm ra tiền, tích cóp để góp cùng vợ chồng cô con gái mua đất, ra ở riêng.

*

Mang tiếng ở cùng gia đình con gái nhưng ông hầu như không ăn cơm cùng gia đình nó mấy khi. Nấu cơm xong, nhà nó ăn xong hết, ông mới làm một bát cả cơm cả thức ăn, bê vào buồng, vừa ngồi ăn vừa xem tivi.

Con gái ông giống tính mẹ, cũng chả cần hàng xóm. Mỗi lần hàng xóm góp vào, tổ chức ăn chung, cô bĩu môi bảo: “Ối giời! Ra quán, ba mươi nghìn một suất bún chả, có người phục vụ tận răng. Đây, đã phải góp hai trăm cho bốn miệng ăn lại còn phải làm. Nhà em không ăn!”. Cả nhà cô không ăn nhưng ông vẫn tham gia cùng, chả ai nỡ bắt ông đóng góp.

Có lần, thấy con gái mua mấy chục quả bưởi da xanh về để lăn lóc dưới gầm giường. Hình như mua xong rồi, cô cũng quên nên có quả hỏng, bốc mùi khó chịu, ông lại phải nhặt vứt đi cho đỡ chảy nước ra sàn, đỡ mùi. Chả thấy con ăn, ông mang mấy quả về cho họ hàng dưới quê. Đến lúc nhớ ra, đếm thấy mất mấy quả, cô hỏi:

- Bố mang bưởi của con đi đâu rồi?

Ông bảo:

- Mày để hỏng phí cả đi. Tao mang về cho mấy đứa dưới quê ăn rồi!

- Bố có biết mỗi quả bưởi của con gần trăm bạc không? Mang về cho chúng nó ăn, nó có biết đồ ngon hay không ngon đâu! Phí của giời! Bố mua đền con đi! - Con gái ông gào lên.

Chẳng nói chẳng rằng, ông ra chợ mua năm quả bưởi da xanh về trả vào chỗ cũ. Trời ơi! Thì ra, toàn bảy tám mươi nghìn một quả bưởi thật. Nó phí phạm thế chứ! Mà, để thì nó cũng có ăn đâu. Lâu lâu, ông lại vứt đi vài quả.

Ông yêu hai đứa cháu ngoại bằng một tình yêu thiêng liêng và mù quáng. Ông phục vụ chúng nó vô điều kiện. Ông có thể mua cả mấy thùng sữa chua về cho hai đứa cháu ăn thoải mái, đến mức, chúng nó chả ăn hết hộp sữa bao giờ, cứ ăn nửa hộp vứt đi nửa hộp, tung tóe cả ra sân. Trung thu, ông mua luôn cho hai đứa cháu hai mươi cái đèn trung thu của Trung Quốc lắp pin, đủ các mẫu mã, âm thanh, ánh sáng đủ kiểu cho cháu chơi, vì sợ cháu thích cái đèn của đứa trẻ nhà hàng xóm lại không có. Chơi chán, chúng nó vứt lăn vứt lóc khắp nhà, khắp sân. Nhưng đứa trẻ nào trong xóm lại tưởng là vứt đi rồi mà nhặt mang về chơi là ông đòi lại ngay. Đứa cháu gái đi học về là nằm trên gác, thò cổ qua cầu thang bảo ông nấu mì tôm mang lên, rồi nó chỉ đạo ông phải mang thêm nước cam, giấy ăn… các kiểu, các kiểu… ông đều đáp ứng… Mưa gió, trong khi con gái ông nằm vắt còng lướt điện thoại thì ông áo mưa trùm người đi đón bọn trẻ tan học, đi học thêm.

Tính ông vẫn thế, giống hồi ở với bà vợ, nhẫn nhịn, chịu đựng cả con lẫn cháu. Đã thế, lại còn lãng phí. Có bận, ông mua hẳn con cá quất bảy ki lô gam về nấu một nồi canh măng chua to tướng, con cháu chả ăn, ông lại đem chia cho hàng xóm. Ông nấu cả nồi thịt đông to đùng, chia cho mỗi nhà hàng xóm liên gia một bát. Ông muối hàng vại cà pháo trắng tinh, giòn thơm, mang đi chia khắp nơi, nhưng vợ chồng đứa con gái chả bao giờ ăn. Nó bảo: “Ông ấy làm bẩn lắm. Không ăn!” Mùa măng, ông mua cả mấy chục cân, làm măng chua, măng ớt, cũng chỉ để đem cho mọi người. Rồi làm nộm, đánh tiết canh, lòng lợn… tất cả, chỉ để đem chia.

Ở với con gái, ông vẫn đi làm thêm được, vẫn kiếm ra tiền được, nên hầu như cô con gái chả chú ý gì đến bố. Ở cùng xóm cả hai chục năm, mà tôi chửa thấy cô mua cho bố bộ quần áo mới nào, đi đâu cũng chỉ độc bộ đại cán đã cũ. Con gái ông xúng xính váy áo đi làm đến trưa về, ăn xong, ngủ một giấc rồi lại đi đến tối. Con đi học đã có bố đón đưa. Cơm nước cho chúng nó, đã có bố. Hôm nào cô phải nấu cơm là nhà cửa ầm ĩ hết cả lên, mẹ quát con, con cãi mẹ. Tiền sinh hoạt phí, nó đã chả đưa cho ông đồng nào thì thôi, nó còn bắt ông trả tiền điện nước, ga, tiền học thêm, tiền quà của hai đứa con. Tôi có góp ý thì con gái ông cười bảo: “Kệ ông ấy! Có nhiều tiền rồi ông ý lại đem đi cho gái ấy mà!”.

Con gái ông đối với ông như thế, nhưng những lúc ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông hay nhắc nhở: “Chúng mày là phụ nữ phải biết chăm lo nhà cửa con cái. Đi làm dâu là phải biết quan tâm đến gia đình nhà chồng, biết nghĩ đến bố mẹ hai bên!” Chả hiểu ông nói với chúng tôi hay nói với chính con gái của ông nữa.

Lại có lần, con gái ông kho một nồi thịt kho tàu hơn hai cân thật ngon, nhưng nó mang đi đâu biếu ấy, chả để lại cho ông miếng nào. Trưa hôm ấy, ông sang nhà tôi, xin gói mì tôm ăn tạm. Hôm ấy, nhà tôi có thằng em cậu đến chơi đột xuất nên hết cơm. Tôi lấy mì tôm biếu ông, lòng bực con gái ông đểnh đoảng. Tối nó về, tôi bảo:

- Lần sau đi đâu thì cô nhớ chuẩn bị đồ ăn cho ông cẩn thận nhé. Hôm nay, ông không có gì ăn, phải sang chị lấy mì tôm ăn đấy!

Nó gào lên:

- Trong tủ đầy thức ăn, ông không ăn, ông cứ thích đi xin để làm xấu mặt em đây mà!

Tôi chỉ biết lắc đầu.

Có những lần, tôi được chứng kiến nỗi buồn của ông. Đó là lần tổ dân phố tổ chức mừng thọ các cụ trong tổ dân phố từ bảy mươi tuổi trở lên và tổ chức ăn uống rất vui. Việc này đã được thông báo đến từng hộ có người nhà được mừng thọ. Ông cũng nằm trong số ấy. Thế nhưng, đúng hôm đó, trong khi các gia đình khác mang hoa đến chúc thọ người thân và ở lại liên hoan vui vẻ thì nhà ông, chả thấy bóng con cháu đâu, một mình ông ăn vận xuềnh xoàng, vẫn chiếc áo bay Nga đã cũ, miệng túi còn sứt chỉ, sã cả xuống, lủi thủi nhận bó hoa của tổ dân phố rồi ngồi ăn cùng xóm làng.

Trước đó, ông từng ngỏ ý với mấy người hàng xóm: ông bỏ tiền riêng, nhờ xóm tổ chức mừng thọ cho ông, để ông được mời họ hàng, bạn bè cho đẹp mặt. Nhưng chả ai dám nhận việc đó, vì con cái ông còn sờ sờ ra kia, làm thế để chúng nó chửi cho dại mặt à? Đã có lần, ông bị cảm, con gái con rể đã chả đánh cảm cho bố thì thôi, ông sang nhà hàng xóm nhờ đánh cảm hộ, đến khi đi làm về biết chuyện, cô con gái còn nói bố chả ra gì, nên hàng xóm chả dại động vào chuyện nhà ông.

Lại lần khác, ông được Đảng ủy phường mời vào dự lễ nhận huy hiệu bốn mươi lăm năm tuổi Đảng, ông Bí thư tổ đã gặp và báo ông, dặn dò ông cẩn thận: trong phường làm chu đáo lắm, ông vinh dự thế, các con đều là đảng viên cả, ông bảo các cháu mang hoa đến tặng cho vui. Chả hiểu ông có nói không, nhưng hôm đó, trong khi các đảng viên khác được người thân đến dự và chia vui cùng thì ông… cũng vẫn chỉ có một mình, vẫn bộ quần áo cũ kỹ, nhàu như dưa. Về, tôi thấy ông khóc. Ông bảo: “Xấu hổ và tủi thân quá. Các nhà khác, con cháu đến dự đông vui. Nhà này, chả đứa nào thèm đến!”.

Ấy thế, nhưng chả ai dám góp ý với con gái ông, kể cả mấy đứa chơi thân với nó từ hồi học phổ thông. Ai mà nói gì là y như rằng cô ấy bù lu bù loa lên, những là bố chả biết thương con, toàn đem chuyện nhà ra cho hàng xóm bêu riếu con cái.

*

Đỉnh điểm là lần con gái ông bán nhà về Hà Nội. Nhờ những mối quan hệ của bản thân, con gái ông xin về một chỗ làm rất ngon ở Hà Nội rồi nhanh chóng bán nhà, lấy tiền để về mua nhà ở Hà Nội. Ngôi nhà ba tầng mặt phố mà ông góp tiền cùng nó xây năm xưa không hề ít tiền. Nó cũng ngỏ lời mời ông đi về dưới đó ở với mình, nhưng ông viện lý do còn công việc, còn nhiều thứ… ông không đi được. Thế là, cô con gái chuyển hết đồ đạc cùng tiền bạc đi luôn, không đưa cho bố đồng nào, cũng chả thèm đi thuê nhà cho bố ở. Đến cả bàn thờ với mấy cái bát hương, nó cũng bỏ lại, thả trôi sông hết. Về Hà Nội, nó chỉ bốc đúng bát hương Thổ Công. Ông không đành lòng, giữ bát hương thằng con dại lại.

Hôm nó chuyển nhà, nấu cơm ăn trưa xong, còn một ít thịt rang trong cái đĩa, ông đinh ninh con gái ông sẽ để lại cho ông ăn cơm tối. Nhưng không, nó vét sạch cho vào cái hộp nhựa nhỏ, mang hết về Hà Nội. Nó mua hai ki lô gam thịt lợn đen, chưng một chảo mắm tép thật to, thật ngon, ông cũng tưởng nó sẽ để cho ông một lọ con con, cất tủ lạnh ăn dần. Nhưng không, nó cũng cho vào mấy cái lọ thủy tinh, đem sạch đi. Tối đến, nấu cơm xong, sờ vào mâm, chả còn gì. Ông lại ra chợ mua miếng đậu phụ ăn tạm.

Cám cảnh quá, hàng xóm lại đi tìm và thuê cho ông một gian trong khu nhà trọ ở tạm. Cái gian nhà chừng hơn chục mét vuông, lợp tôn nóng hầm hập như một cái lò, không điều hòa, không chỗ nấu ăn, tạm bợ hết sức. Ông đặt tạm bát hương thằng con dại lên nóc cái tủ lạnh suốt ngày kêu o o… Những người quen biết hoặc công tác cùng ông ngày trước, biết chuyện, người cái quạt, người bộ bàn ghế, cái giường, chăn đệm… mang đến cho ông tạm đủ dùng.

Nghe tin con gái ông bán nhà đi Hà Nội, họ hàng dưới quê cứ dò hỏi xem cô ấy có để lại cho ông được đôi tỷ không? Nó có mua nhà cho ông không để hôm nào họ hàng rủ nhau lên mừng cho ông? Ông tìm cách chối quanh rồi đến lúc bị hỏi nhiều quá, không thể kiên nhẫn được, ông cáu:

- Hay nhỉ?! Việc của nhà tôi sao mọi người cứ xía vào là sao?

Thế là chả ai dám hỏi thêm câu nào nữa.

Từ ngày chuyển đi, cô con gái chưa một lần lên ngó ngàng xem bố ăn ở thế nào.

Ông giận con gái lắm. Ông bảo với hàng xóm, sau này, nếu có mệnh hệ gì, đừng ai gọi cho con gái ông lên. Ông còn bảo, nó mà gọi điện lên là ông không thèm nghe. Mà ông cũng không nghe thật. Thế nhưng khi biết nó nhắn qua người này, người kia là bảo bố nó mua cho nó rau sạch, thì cứ sáng chủ nhật hàng tuần, ông lại dậy thật sớm ra chợ âm phủ mua rồi hì hụi gửi xuống Hà Nội cho nó. Nó gửi cái lọ thủy tinh đựng được cả hai mươi lít rượu, bảo ông làm măng chua cho nó, ông cũng hì hục ra chợ đêm, mua về thái thái, ngâm ngâm, gửi đi cho nó cả ba mươi cân măng tre đã muối.

*

Lại nói chuyện bà cựu vợ của ông.

Mặc dù bỏ nhau từ lâu nhưng bà vợ vẫn thường xuyên dò hỏi xem ông sống thế nào, vì cũng ở gần nhau. Thế nhưng khi ông ngỏ ý muốn được hàn gắn với bà, về sống cùng nhau để nương tựa tuổi già thì bà nhất quyết không đồng ý. Chả ai nói cho bà nghe ra và đổi ý cả, kể cả cô con gái rượu.

Hồi ông còn sống cùng vợ chồng cô con gái, thỉnh thoảng bà cũng qua, mang cho mớ rau vườn nhà bà tự trồng được, nhưng không thèm vào nhà. Bà ngồi trên xe máy, gọi ông ra cầm rau rồi giao hẹn: “Ông chỉ được nấu cho hai đứa cháu ngoại của tôi ăn thôi đấy. Tôi cấm ông với con Hằng ăn rau của tôi đấy!”.

Rồi cũng có lần, nghe tin ông có bồ ở đâu đó, bà viết thư, nhờ hàng xóm chuyển cho ông, chửi ông thậm tệ. Chưa hả cơn giận, bà còn đến tận nhà con gái, chửi ông cho bõ ghét. Bà mang cái giường đôi ngày xưa ông bà nằm chung, vứt ra trước cửa, bắt ông mang đi cho khuất mắt. Thế mà ông chả thèm lên tiếng hay đánh đập bà bao giờ, lại hì hụi một mình vào mang cái giường đi gửi, cũng chẳng mang về nhà con gái.

Đợt vừa rồi bà bị ốm, phải nằm viện. Cô con gái ở dưới Hà Nội chả lên chăm mẹ, vì cô vít. Mấy ông em cậu của bà ở gần ngay đấy nhưng cũng chả lên viện chăm chị với lý do “Ai mà chiều bà ấy được!”.

Hàng xóm, chi bộ, hội Người cao tuổi, Ban Công tác Mặt trận, hội Phụ nữ tổ đến thăm bà, gọi cửa, bà chả thèm thưa. Gọi mãi, gọi mãi, bà đứng trên ban công tầng hai, nói vọng xuống: “Thăm hỏi gì, rách việc! Tôi không phải phiền các ông các bà! Các ông các bà về đi!” Bực quá, họ về hết.

Bà lại gọi ông vào, yêu cầu ông nấu cơm cho mình nhưng giao hẹn, ông chỉ được về nhà bà lấy nguyên vật liệu chứ không cho nấu ở nhà bà. Vẫn kẻ cả, bề trên, bà yêu cầu ông thật rõ ràng, mạch lạc mọi việc. Rau phải đi chợ đêm mua cho tươi cho ngon, không được mua ở chợ gần nhà, họ cất về bán nó ôi rồi. Thịt lấy trong tủ lạnh, để rã đông như thế này, thế này… mới đảm bảo chất lượng. Gạo ngon nên không được nấu nhiều, phí phạm, cho nước thế này, thế này… Giờ ăn của bà trong viện là giờ này, giờ này, không sớm không muộn… Ông nghe mà ù cả tai, nhưng vẫn nín nhịn làm theo.

Cứ sau mỗi bữa ăn, đến lúc ông mang cơm vào, bà lại gửi cho ông một mảnh giấy, trên đó ghi: Ngày… tháng…năm… 1. Cơm hôm nay hơi nát. 2. Rau hôm nay nhừ quá. 3. Thịt mặn. Bữa sau lại ghi: Ngày… tháng… năm… 1. Cơm hôm nay hơi khô, mang hơi nhiều, bữa sau bỏ bớt. 2. Thịt hôm nay dai, ông nấu thế nào mà tôi bị đi ngoài???...

Khi ra viện, bà vào tận nơi ông trọ, thanh toán sòng phẳng tiền ăn mấy ngày nằm viện. Ông nhất quyết không lấy. Bà mời ông ra nhà ăn rằm như khách. Ông vẫn ra. Nhưng bà vẫn nhất định không cho ông về ở cùng bà. Bà bảo ông: “Bước chân đi cấm kỳ trở lại”.

Nghe ông kể chuyện, tôi chả biết nên cười hay không, cũng chả biết khuyên thế nào. Tôi có hỏi:

- Sao bà hành hạ ông thế mà ông vẫn phục vụ bà

là sao?

Ông buồn rầu nói:

- Dù gì, thì bà ấy cũng là mẹ của con gái tao. Bỏ nhau thì bỏ chứ, không còn tình thì cũng phải còn nghĩa chứ! Lúc này, bà ấy biết nhờ ai? Hàng xóm, đối với họ chả ra gì, ai người ta giúp? Các em cậu, không. Con gái cũng không! Chả tao thì ai bây giờ?!

Tôi im lặng, chẳng biết nói gì. Ông khẽ nói:

- Giá mà con Hằng… nó để lại cho tao hai trăm triệu để… tao mua cái nhà nhỏ tao ở, lấy chỗ thờ bố tao với thằng cu dại… thì có phải…!!! Chả biết kiếp trước… mình ăn ở thế nào mà kiếp này… À mà này! Dù tao thuê nhà trọ trong kia, nhưng có việc gì của xóm, cứ gọi tao nhá!...

Bẵng đi một thời gian không thấy ông qua xóm cũ. Hôm nay nghe tin ông mất. Cũng may, thấy ông cứ một mình như vậy, cơm niêu nước lọ, có bữa ăn uống qua loa, không đảm bảo, mấy đứa cháu họ mời ông nhập khẩu về, ở cùng với gia đình. Vốn là người không chịu ngồi yên, ông vẫn giúp các cháu đủ thứ việc. Thế rồi, một cơn đột quỵ đã đưa ông đi, nhẹ nhàng không một lời trăng trối.

Hàng xóm ở xóm cũ nơi ông từng ở đến viếng ông. Vợ con ông khăn áo trắng toát, lăn lộn, khóc lóc kể lể thương tâm. Chỉ nghe thấy hai mẹ con bà vợ cũ gào lên: “Ới ông ơi!!!...”, “Ới bố ơi!!!...” mà chả thấy có giọt nước mắt nào. Ai cũng chép miệng: “Giá lúc sống, ông ấy được quan tâm thế kia! Thôi! Cũng mong ông ấy được ngậm cười nơi chín suối!...”

Tuyên Quang, tháng 9.2021

B.T.M.A

Minh họa của An Bình

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 1.697 lượt xem

Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách

29-02-2024| 2.075 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 2.149 lượt xem

Thơ

Mùa rô đồng ký ức

31-05-2025| 109 lượt xem

Trượt ra ngoài cảm xúc

29-05-2025| 1 lượt xem

Gặp mẹ ngày 30/4

19-05-2025| 122 lượt xem

Cánh buồm đá

19-05-2025| 121 lượt xem

Mới đây mà… mãi mãi xa

19-05-2025| 57 lượt xem