Truyện ngắn của Nguyễn Trần Bé
Minh họa của Lê Cù Thuần
Sáng hôm ấy chẳng hiểu sao tôi lại giật mình khi điện thoại đổ chuông. Người đầu dây bên kia nói với tôi giọng thảng thốt:
- Anh có phải là em trai của đội trưởng Trần Đăng không ạ?
- Vâng, tôi đây!
- Anh ơi!... Đội trưởng Trần Đăng bị... bị... bị tai nạn anh ạ. Đang cấp cứu ở bệnh viện huyện. Tình hình rất xấu. Lát nữa công an huyện sẽ cho xe về đón gia đình ta lên bệnh viện với anh ấy!
Tôi thẫn thờ buông máy. Toàn thân tôi như đông cứng lại bởi linh tính về một điều khủng khiếp sắp đến với gia đình mình!
Bố mẹ và chị dâu tôi sụp cả xuống khi nghe tôi báo tin dữ!
Khi chiếc xe u-oát của công an huyện tới cổng, mọi người cuống cuồng trèo lên xe để tới chỗ anh. Mẹ và chị dâu tôi đã bắt đầu khóc gọi tên anh tôi!
Khi xe tới cổng bệnh viện, nhìn thấy trước cửa phòng cấp cứu rất đông người tụ tập, trong đó có khá nhiều người mặc sắc phục công an đang đứng khóc, tôi biết là mình đã mất người anh trai cả!
Mẹ và chị dâu tôi ngất lịm, phải cấp cứu!
Bố tôi là người bình tĩnh hơn. Sau khi biết con trai mình đã trút hơi thở cuối cùng, ông nói với đồng chí Trưởng Công an huyện Bắc Mục sẽ đưa thi hài anh tôi về gia đình để lo hậu sự. Trưởng Công an huyện gọi điện thoại báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo huyện và lãnh đạo Công an tỉnh. Lát sau Trưởng Công an huyện đến gặp bố tôi, báo tin cấp trên đã đồng ý theo nguyện vọng của gia đình!
Tôi ngồi như hóa đá cạnh chiếc băng ca đặt thi hài người anh thân yêu trên xe cứu thương trở về nhà mà không tin đó là sự thật, rằng mình đã vĩnh viễn mất anh! Người đồng đội của anh ôm lấy vai tôi, nghẹn ngào kể lại sự việc khiến anh Trần Đăng hy sinh trong cái đêm băng giá ấy…
Sau những ngày trực Tết Nguyên đán, anh trai tôi được lãnh đạo công an huyện bố trí nghỉ bù mấy hôm để về với gia đình. Đang sắp xếp ba lô, đồ đạc, anh nhận được điện thoại cơ sở báo tin có một nhóm người khả nghi từ phía bên kia biên giới đang lén lút câu kết với nhóm người bên này chuẩn bị tuồn một lượng lớn hàng cấm, nghi là chất ma túy, vào nội địa nước ta, Trần Đăng vội báo cáo lãnh đạo công an huyện và triển khai kế hoạch mật phục, vây bắt. Hai đêm mai phục không thấy động tĩnh gì, khi chuẩn bị rút quân vì trời sắp sáng thì anh và các đồng đội phát hiện ra bọn tội phạm. Sau phát súng hiệu của anh, toàn đội lao lên khống chế bọn chúng. Bị bất ngờ, bọn tội phạm không kịp xoay sở đành chấp nhận đưa tay vào còng. Đúng lúc Trần Đăng lệnh cho anh em giải chúng đi thì có một hòn đá từ đâu ném tới. Nhìn kỹ thì không phải hòn đá mà là một quả mìn tự chế đang bốc khói. Nhanh như cắt Trần Đăng lao tới chộp lấy quả mìn toan ném ra xa. Quả mìn nổ khi chưa kịp rời tay anh. Anh ngã xuống!... Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên anh hỏi là đã bắt được hết bọn chúng chưa? Anh bình thản nhắm mắt khi nghe anh em nói đã tóm được hết bọn tội phạm cùng toàn bộ tang vật…
*
Sau đám tang anh mấy ngày, có một người đàn ông và một phụ nữ tuổi trung niên tìm đến nhà tôi. Người đàn ông đầu húi cua, mặc chiếc áo bò cộc, để lộ ra hai bắp tay cuồn cuộn, đầy vết xăm trổ trông khá bặm trợn. Người phụ nữ nhìn có vẻ chất phác, chân quê.
Hai người chào hỏi mấy câu lấy lệ rồi xin phép được thắp hương cho anh tôi. Họ đặt hoa quả, bánh kẹo, vàng mã cùng phong bì lên ban thờ, thắp hương quỳ lạy. Người đàn ông ôm mặt khóc rống lên. Chị phụ nữ ôm lấy ban thờ nức nở!
Mặc cho nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt phong trần, người đàn ông chắp tay nhìn di ảnh anh tôi, nghẹn ngào nói:
- Anh Trần Đăng ơi! Sao anh lại ra đi như thế? Anh hẹn ít bữa nữa sẽ về nhà em chơi cơ mà!... Anh có biết các cháu nhà em nó mong bác Trần Đăng như thế nào không? Hô… hô… hô…
Cả nhà tôi chưa biết sự thể ra sao, kéo đến đứng quanh ban thờ. Mẹ và chị dâu tôi cũng òa khóc theo.
Vái xong ba vái, người đàn ông quay lại nói:
- Con xin lỗi ông bà! Em xin lỗi chị và mọi người! Vợ chồng con biết tin anh Trần Đăng mất từ mấy hôm trước, nhưng hôm nay mới lên thắp hương cho anh được. Một nén hương muộn nhưng đó là tình cảm của vợ chồng, con cái con đối với bác Trần Đăng. Mất anh ấy chúng con đau lòng lắm, ông bà ơi!
Bố tôi nén xúc động, nắm vai người đàn ông, nói nhỏ:
- Mời anh chị ra bàn uống nước! Biết tấm lòng anh chị thế này em nó sẽ ngậm cười nơi chín suối. Thôi, anh chị đứng lên đi!
Người đàn ông lúc này đã hồi tâm. Anh đứng lên nhìn đăm đắm vào di ảnh anh tôi rồi bước ra bàn nước. Uống cạn chén nước bố tôi vừa rót, anh chậm rãi nói:
- Thưa bố mẹ! Con xin phép được gọi như vậy. Con tên là Quắc, còn gọi là Quắc sừng. Vợ con tên là Hiên. Nhà chúng con ở tận xã Phó Đáy, huyện Sơn Hà. Trước đây con là thằng trộm cướp, đã từng bị anh Trần Đăng cho đi tù…
Mẹ tôi giật thót khi nghe người đàn ông tự giới thiệu mình đã từng đi tù. Mẹ nhìn vợ chồng Quắc bằng cái nhìn nghi ngại.
Hình như Quắc biết được điều ấy. Anh quay về phía mẹ tôi:
- Mẹ ơi! Trước đây con là thằng tù, nhưng nhờ có anh Trần Đăng mà giờ đây con thành người lương thiện rồi. Vợ chồng chúng con biết ơn anh ấy nhiều lắm! Lúc nghe tin anh Trần Đăng hy sinh, vợ chồng con đang đi dự đám cưới đứa cháu mãi ở tỉnh Lâm Đồng. Chúng con vội bắt xe về ngay nhưng vẫn không kịp!
Bữa cơm hôm ấy ở nhà tôi kéo dài cả tiếng đồng hồ. Vừa ăn cơm vợ chồng Quắc vừa tranh nhau kể chuyện về gia đình mình và kể về anh tôi từ những ngày anh còn là Đội trưởng Đội cảnh sát Hình sự Công an huyện Sơn Hà.
- Hồi ấy, Quắc kể, con là một tên trộm khét tiếng ở Phó Đáy. Con không thể nhớ mình đã trộm cắp bao nhiêu lần. Con lấy trộm bất cứ thứ gì bán được tiền. Có tiền con lao vào chơi bời cờ bạc, rượu chè, gái gú. Hết tiền con lại tìm cách đi xoáy của người khác. Công an huyện tìm cách bắt con nhiều lần mà con vẫn thoát. Nhưng đến cái lần con lấy trộm khẩu súng ngắn của một chú công an huyện về tăng cường tại xã thì bị anh Trần Đăng tóm được. Anh ấy tóm con không phải bằng võ nghệ hoặc còng số 8, mà bằng cái cách riêng của anh ấy. Chẳng hiểu sao anh Đăng biết con là thủ phạm lấy trộm súng lục. Anh ấy mặc thường phục đến nhà con thuyết phục vợ con khuyên nhủ chồng ra đầu thú. Hôm đó con trốn trên gác xép nghe rất rõ lời anh ấy nói với nhà con: “Tôi nói thật với cô, nếu chú ấy ra đầu thú thì tôi, với cương vị là đội trưởng đội cảnh sát hình sự, sẽ tìm cách giảm nhẹ tội cho chú ấy. Bằng không chúng tôi buộc phải đi bắt chú ấy về. Tự tay tôi sẽ đi bắt. Mà tôi chắc chắn là sẽ bắt được, dù chú ấy có chui lủi ở đâu thì cũng không thể thoát. Nhưng thật lòng tôi muốn chú ấy ra đầu thú. Nhìn gia cảnh nhà cô chú thế này tôi thấy não lòng lắm! Mang tiếng là thằng trộm khét tiếng mà trong nhà chả có cái gì; vợ thì còm nhom, con cái nheo nhóc, thất học!”. Vợ con thút thít nói: “Em hỏi nhà em rồi, anh ấy bảo không lấy trộm súng”. “Tôi hỏi thật nhá, cô có tin lời chú ấy không?” “Em… em…”. “Thôi cô không phải nói gì nữa. Tôi khẳng định khẩu súng ấy là do chú Quắc lấy trộm tại nhà anh Trưởng Công an xã. Nếu chú ấy tự thú thì nhẹ tội, cố tình chối tội thì tội sẽ càng nặng thêm. Thôi, tôi về đây. Trong ba ngày nữa nếu chú Quắc không ra đầu thú, tôi sẽ bắt!”.
- Thế nhà em có bắt anh không? - Chị dâu tôi hỏi.
- Có. À mà không chị ạ.
- Nghĩa là sao? - Bố tôi hỏi.
- Tối hôm ấy vợ con khuyên con ra đầu thú. Con bảo: “Cô bắn tin cho tay Trần Đăng, bảo muốn lấy được khẩu súng lục ấy thì đến tối hôm sau đi một mình ra vườn mía sau nhà mình mà lấy. Phải đi một mình và không được mang theo súng!”.
- Thế em nó có đến lấy súng không? - Bố tôi hỏi vẻ sốt ruột.
- Có, bố mẹ ạ. Thế nên con mới nể phục anh Trần Đăng. Con nghĩ ra trò ú tim để vừa thử bản lĩnh anh ấy, vừa để xem sự thể thế nào. Nếu anh ấy quyết bắt là con sẽ tẩu.
- Em nó đi tay không thật à? - Mẹ tôi lo lắng hỏi.
- Vâng. Anh ấy đi tay không. Con trong vườn mía dọi đèn pin và chĩa súng vào anh ấy quát: “Giơ tay lên! Quay mặt về phía sau. Giơ, nếu không tôi sẽ bắn!”. Anh ấy không hề tỏ ra run sợ, điềm nhiên bảo: “Cậu chẳng dám bắn tôi đâu!”. “Tôi bắn thật đấy!”. “Cậu bắn thật thì tôi sẽ chết thật và sau đó cậu cũng sẽ bị xử tội chết. Nếu cậu trao súng cho tôi thì tôi sống, cậu cũng sống. Cậu thấy đằng nào lợi hơn?”. “Nếu đưa súng cho ông thì tôi có bị đi tù không?”. “Còn xem đã. Nếu cậu ra đầu thú, rồi thật thà khai báo thì tội nhẹ bớt, nếu phải để công an bắt thì tội nặng hơn. Nếu chống người thi hành công vụ thì tội càng nặng”.
- Thế bác có bắn em nó không? - Vẫn là câu hỏi của mẹ tôi.
- Con không dám bắn, vì anh ấy bình thản quá khiến cho con run tay. Con quỳ xuống trước mặt anh ấy xin thú tội và đưa khẩu súng đã lên đạn cho anh. Anh tháo súng kiểm tra, giắt súng vào lưng và nói với con: “Cậu đã hành động đúng. Hôm nay tôi không bắt cậu, nhưng sáng mai tôi đợi cậu ở trụ sở Công an xã Phó Đáy. Nhớ đấy, đừng có dại mà bỏ trốn, không thoát được đâu!”.
- Sáng hôm sau anh có ra tự thú không? - Bố tôi hỏi.
- Có bố ạ. Sau một đêm suy nghĩ, cuối cùng con cũng ra tự thú. Nhưng sau đấy thì con ân hận.
- Sao lại ân hận?
- Vì tại con mà anh Trần Đăng bị kỷ luật. Họ kết tội anh ấy là liều lĩnh, là vi phạm nguyên tắc của ngành, là không kiên quyết đấu tranh với tội phạm. Họ lập luận rằng, nếu đêm ấy con bỏ trốn thì anh có lỗi là đã để lọt tội phạm nguy hiểm… Sau đó anh ấy bị hạ một bậc quân hàm, bị giáng chức từ đội trưởng xuống làm đội phó. Ở trong tù con nghe tin ấy thấy ân hận và thương anh quá, chỉ vì giúp con mà anh ấy bị vạ lây! Con cứ tâm nguyện sẽ cải tạo tốt để sớm được ra tù, làm lại cuộc đời như lời anh Trần Đăng nói với con hôm con ra tự thú.
Mấy lần Hiên định nói xen vào câu chuyện, nhưng thấy Quắc nói say sưa quá lại thôi. Nhân lúc Quắc cầm chén rượu lên mời bố mẹ tôi, chị liền tranh thủ kể:
- Ngay chiều hôm nhà con ra tự thú, bác Trần Đăng cùng một chú Thiếu úy cảnh sát đến nhà con nói chuyện. Bác ấy bảo: “Mặc dù sẽ được xét giảm nhẹ tội do tự thú, nhưng có thể chú Quắc nhà cô vẫn phải chịu án phạt tù giam vài năm. Tôi mong cô thường xuyên đến thăm và động viên chú ấy cải tạo tốt để sớm được ra trại về nhà làm ăn và nuôi dạy các cháu. Chúng nó còn nhỏ dại và trong sáng quá!”. Khi con hỏi: “Sao tối hôm đó bác không bắt nhà em?”. Bác ấy bảo: “Tôi không muốn các cháu nhìn thấy cảnh bố nó bị còng tay!”. “Thế bác không sợ nhà em bỏ trốn à?”. “Tôi tin chú ấy. Vả lại tôi muốn chú ấy ra đầu thú để tự nhận thấy hành vi sai phạm của mình và được giảm nhẹ tội khi kết án”. Nhà con ở tù được mấy tháng thì một hôm chú Thiếu úy đi cùng bác Trần Đăng lần trước đến nhà đưa cho con mấy trăm nghìn đồng, bảo là tiền công làm thợ mộc của nhà con gửi về. Con lên huyện công an hỏi bác Trần Đăng, bác ấy bảo: “Trong tù chú cải tạo tốt, lại là tay thợ mộc giỏi nên được thưởng một phần tiền công thợ. Nhưng tôi nhắc cô điều này, cô đừng có nói với ai, cũng đừng hỏi chú ấy, kẻo lộ ra là những người tù khác sẽ thắc mắc!”. Con mừng quá về nhà thịt gà cho các cháu ăn rồi đem tiền đi mua sách vở cho chúng nó. Cứ như vậy đều đặn mỗi tháng con lại nhận được vài trăm nghìn để thêm tiền sách bút cho các cháu đi học.
- Bác trai đi tù mà vẫn được nhận tiền công thợ cơ à? - Mẹ tôi thật thà hỏi.
- Không phải mẹ ạ. Mãi sau này, khi nhà con mãn hạn tù thì chúng con mới biết, hóa ra nhà con chẳng gửi về đồng nào cả. Con tìm chú Thiếu úy để hỏi mới vỡ lẽ đó là tiền của bác Trần Đăng gửi cho. Bác ấy trích một phần tiền lương để giúp đỡ gia đình con và dặn chú Thiếu úy nói với con đó là tiền thưởng công thợ của anh Quắc. Biết chuyện ấy, anh Quắc nhà con khóc ầm lên rồi cứ chì chiết con mãi. Anh ấy bảo: “Tại tôi mà bác Trần Đăng bị kỷ luật, thế mà ở nhà cô còn nhận tiền của bác ấy nữa là làm sao?”. Con cãi: “Nếu biết là tiền của bác ấy thì em đâu dám nhận. Em cũng đã đi hỏi rồi, bác ấy bảo là tiền của anh trong tù gửi về”. “Thế mà cô cũng tin được à?”. “Bác ấy bảo thế, chả tin thì sao?”. Sau đó nhà con bắt con bán lợn, gà để dồn tiền đem trả, bị bác ấy mắng cho một trận. Rồi bác ấy bảo: “Có mấy đồng bác cho các cháu mua sách vở đi học trong lúc hoàn cảnh khó khăn thôi mà, đáng gì đâu. Cái mà tôi cần bây giờ là chú cô phải chí thú làm ăn và sống tốt để làm chỗ dựa cho các cháu. Thỉnh thoảng tôi sẽ về thăm và uống rượu mừng với cô chú!”.
- Mẹ nó chỉ được cái hay nói nhiều! - Quắc nhắc vợ.
- Thì từ đầu đến giờ toàn có anh nói. Em mới nói được có mấy câu về bác Trần Đăng. Chưa chi thì đã!...
Bố tôi khẽ cười, bảo:
- Thì “anh” nào nói mà chả được. Sau đó em nó có hay đến thăm anh chị và các cháu không?
- Có bố ạ. - Quắc nói - Cứ khoảng một tháng anh ấy lại về thăm gia đình con một lần, gợi ý chúng con nên phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng. Anh ấy còn cho vợ chồng con vay ba mươi triệu đồng để lấy vốn làm ăn và dẫn theo một chú kỹ sư nông nghiệp ở Trung tâm Khuyến nông huyện về hướng dẫn con cách thức và kỹ thuật làm VACR. Thỉnh thoảng anh ấy lại nửa đùa nửa thật hỏi con: “Dạo này chú còn đi xoáy ở đâu nữa không đấy?”. Thấy con chắp tay lạy, anh ấy cười: “Hỏi thế thôi, chứ mọi việc làm của chú đều không qua được mắt tôi đâu!”. Đến khi kinh tế nhà con đang dần khá lên một chút thì anh Trần Đăng lại chuyển công tác lên huyện Bắc Mục. Chúng con có lỗi là mải làm ăn chưa lên thăm anh và gia đình ta được.
Quắc lặng đi. Anh thẫn thờ đặt bát cơm xuống mâm, mắt hướng về phía ban thờ anh tôi, nói tiếp:
- Hôm nay vợ chồng con đến thắp hương kính viếng anh, chia sẻ nỗi đau thương, mất mát vô cùng lớn lao này với bố mẹ, với chị dâu cùng các cháu và xin gửi lại gia đình số tiền anh Trần Đăng giúp chúng con hồi trước!
Chị Hiên mở túi sắc, lấy ra một tập tiền loại năm trăm ngàn còn nguyên đai và tem nhãn của ngân hàng, trao cho bố tôi. Chị cất giọng ngàn ngạt:
- Thưa bố mẹ! Hồi năm ngoái chúng con bán đồi keo, định đem tiền lên trả bác Trần Đăng, nhưng khi gọi điện thì bác ấy bảo chú cô cứ để đấy coi như anh góp vốn trồng rừng lứa sau. Đây là số tiền gốc cộng thêm một chút tấm lòng vợ chồng con biếu bố mẹ để bồi dưỡng tuổi già, mong bố mẹ vui lòng nhận ạ!
Bố tôi ôm lấy ngực, gục xuống. Hệt như hình ảnh cách đây vài năm khi ông nghe tin đồn xấu về anh. Bất chợt ông nhào về phía ban thờ anh, khóc rống lên:
- Đăng con ơi! Cho bố xin lỗi, vì ngày trước bố chưa hiểu và không tin tưởng ở những việc làm của con. Tha lỗi cho bố, con nhá!
Chuyện khúc mắc giữa bố và anh Trần Đăng mấy năm về trước bỗng hiện lên trước mắt tôi rõ đến từng chi tiết, như thể đang diễn ra…
*
… Vừa cưỡi chiếc xe máy cà tàng hiệu Simson về đến nhà, Trần Đăng đã bị bố tôi gọi vào bàn uống nước “để nói chuyện”. Với vẻ bực tức bị kìm nén lâu ngày, ông quát lớn: “Hôm nay anh phải nói rõ hết mọi chuyện, nếu không tôi sẽ từ anh. Không chỉ từ mặt, tôi còn làm đơn xin cho anh thôi việc, về làm nông dân cho nó lành. Mang tiếng là người chiến sỹ công an mà lại đi chơi với bọn lưu manh, trộm cắp, cờ bạc! Thật là xấu hổ và nhục nhã!”.
Mẹ tôi ngoài vườn vội chạy vào, thẽ thọt can: “Thì bố nó cứ bình tĩnh nghe con nói đã. Biết đâu có kẻ ghen tỵ với con mình rồi dựng chuyện thì sao? Tôi tin thằng cả nhà mình không phải đứa hư hỏng. Tôi đẻ ra nó tôi biết chứ!” “Con hư tại mẹ. Bà chỉ được cái hay bênh chúng nó thôi. Coi chừng tôi từ mặt cả bà!”.
Đợi cơn nóng giận của bố vơi bớt, Trần Đăng nói nhỏ nhưng rành rẽ: “Thế này bố mẹ ạ. Cái nghề của con nhiều khi rất khó nói. Nhưng chốt lại là, con không phải là đứa hư hỏng. Bố mẹ hãy tin như vậy!” “Tin làm sao được. Đời thuở nhà ai, một sỹ quan công an, đội trưởng hình sự hẳn hoi mà đi uống rượu lòng lợn tiết canh với cả bọn có tiền án, tiền sự! Rõ ràng là anh đã vì miếng ăn mà đánh mất tư cách người chiến sỹ công an nhân dân. Anh bị giáng chức từ đội trưởng xuống đội phó là vì cái lỗi ấy chứ còn sao nữa!” “Có ai cấm công an gặp gỡ, giao tiếp với công dân đâu bố. Vả lại khi đi ăn uống ở quán xá con đều mặc thường phục”. “Anh có mặc kiểu gì thì người dân cũng vẫn nhận ra anh là công an. Rõ đẹp mặt!” Tuy nói thế nhưng giọng bố tôi đã có chiều hạ hỏa. Nhận ra điều ấy, anh trai tôi nhẩn nha giải thích: “Nhiệm vụ chính của ngành Công an chúng con là phòng, chống tội phạm, trong đó chú trọng khâu phòng là chính, chống chỉ là biện pháp bất đắc dĩ và buộc phải làm. Vì thế việc chúng con tiếp xúc với các đối tượng có tiền án, tiền sự, những người có dấu hiệu phạm tội là điều cần thiết để sớm phát hiện, ngăn chặn tội phạm. Khi tiếp xúc, gần gũi với họ chúng con sẽ áp dụng các hình thức tuyên truyền, vận động để họ có nhận thức đúng, tránh làm những điều vi phạm pháp luật. Đấy là chưa kể đôi khi chúng con còn phải áp dụng cả nghiệp vụ đặc biệt khiến người ngoài ngành rất dễ hiểu lầm”. “Cứ cho là anh nói thật đi. Vậy còn việc anh vay tiền tôi nói là để mua chiếc xe máy mới nhưng đến giờ vẫn đi xe cũ là sao? Tôi hỏi dò mới biết anh đã đem số tiền ấy cho người khác vay, mà người ấy lại vừa đi tù về thì có khác nào gửi trứng cho ác! Chắc anh mắc nợ gì người ta nên mới thế”. Trần Đăng mỉm cười nói với bố, giọng phấn chấn: “Bố yên tâm. Tiền con vay bố mẹ rồi con sẽ trả. Nhưng hôm nay con về là để báo cho bố mẹ một tin mới toanh. Bắt đầu từ tháng sau con sẽ được chuyển về Công an huyện Bắc Mục, như vậy sẽ gần nhà được vài chục cây số!”.
Nghe Trần Đăng nói thế, tưởng bố vui, nào ngờ ông quát tướng lên: “Thế thì đúng như dư luận xì xào rồi. Tôi nghe người ta nói, vì mắc nhiều khuyết điểm nên tới đây anh không còn đủ uy tín để tiếp tục công tác ở Công an huyện Sơn Hà nữa, sẽ bị chuyển đến Công an huyện Bắc Mục. Có nghĩa là xuống chức, là bị kỷ luật, là bị thất thế, là bị…” Trần Đăng cười thành tiếng: “Ai nói với bố thế? Việc con được luân chuyển về Bắc Mục là do yêu cầu công tác của ngành và chính sự đề xuất của con. Bố biết không, gần đây trên địa bàn huyện Bắc Mục nhà mình, đặc biệt là khu vực giáp biên, nổi lên tình trạng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, con xin chuyển công tác về huyện chính là để góp phần giải tỏa điểm nóng này, vì việc đó đúng với chuyên môn con được đào tạo. Con vừa được phục chức và thăng quân hàm từ đại úy lên Thiếu tá. Tới đây khi về Công an huyện Bắc Mục con sẽ làm Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường, bố ạ!”...
- Thôi anh đừng có huyên thuyên nữa. Tôi thất vọng với anh lắm rồi!
Bố tôi ôm lấy ngực, gục xuống!...
*
Tập tiền cứ trao đi, đẩy lại giữa bố mẹ, chị dâu tôi với vợ chồng anh Quắc. Một bên cố sức từ chối, một bên kiên quyết bắt nhận. Cuối cùng chị Hiên nghĩ ra sáng kiến đặt sấp tiền ấy lên ban thờ anh tôi, thắp hương khấn vái…
Trong làn khói hương mờ ảo, bóng anh tôi hiện lên với nét cười đôn hậu. Anh nhìn về phía bố mẹ tôi như muốn nói: “Bố mẹ ơi! Hãy đón nhận tình cảm của vợ chồng con cái nhà Quắc như đón nhận những đứa con, đứa cháu nhà mình!”.
N.T.B