Lão Xá

Thứ tư, ngày 15-05-2024, 10:26| 1.062 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

Minh họa của Tân Hà

 

 

Đấy là tôi muốn nói đến mối quan hệ giữa lão Xá, với cây thuốc lá, lão gọi cây thuốc lá một cách trìu mến là TƯƠNG TƯ THẢO. Ở nước ta, ngày xưa, vốn không có thứ cây này. Mãi đến năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thọ (1660), thời nhà Lê, cây thuốc lá mới xuất hiện. Thứ cây này cũng gần giống cây thuốc lào. Nghiện rồi thì hút khoái ngang ngửa với hút thuốc lào. Chả vậy mà người ta gọi cây thuốc lá tương tư thảo. Nghĩa là, một thứ cỏ, đốt lên thưởng khói của nó qua phổi, dẫn vào huyết mạch làm hồn đê mê, lòng liêng biêng bỗng hóa tương tư.

Nhưng thực tế cuộc đời đã dạy cho lão Xá một bài học khá dài rằng, càng khoái nhiều bởi khói tương tư thảo thì càng chóng chết. Đến khi có vẻ sắp chết thì bác sỹ cũng chịu. Mà bố bác sỹ cũng chịu.

*

Lão Xá nghiện thuốc lá, là từ bạn lão. Bạn Xá tên là Càn. Hồi học cấp hai, hai đứa cùng lớp. Bố Càn nghiện nặng. Cái sự nghiện của bố nó lây sang nó. Nó rủ Xá dùng, thế là cái sự nghiện của nó lây sang Xá. Ngày ấy, hai đứa đều ở tuổi mười lăm. Xá đến nhà Càn chơi, thấy bố Càn có một mảnh nương chuyên để trồng cây thuốc lá. Theo ông kể thì ông chăm nương thuốc lắm. Ông chăm nương thuốc lá của ông còn hơn người ta chăm người tình nhiều. Người tình khát nước, người ta có thể cho nàng uống nước lọc, nước cam, nước chè, nước vối, cà phê, cô ca, bia… gì cũng được. Nhưng cây thuốc lá của ông, ông chỉ tưới duy nhất là thứ nước giếng khơi. Cái giếng ông khoét ngay ở chân đồi. Ngoài thứ nước giếng khơi này, ông không tưới cây thuốc lá của ông bằng bất cứ một thứ nước nào khác. Ông bảo tưới bằng nước ao, nước suối, kể cả nước lần hỏng thuốc ngay, hút nhạt phèo. Hít khói thuốc này chỉ tổ ốm ho. Ngay nước tiểu pha loãng, ông cũng không dùng. Ông bảo, tưới cây thuốc lá bằng thứ nước này, thuốc tốt quá, hút giảm thú.

Ông bón cây thuốc bằng phân tằm, phân dơi và phân chim sẻ. Ngoài ba thứ phân này, ông quyết không bón bất kỳ một loại phân gì cho cây thuốc lá của ông. Và ông trực tiếp chăm nương thuốc, không khiến ai làm. Vì ông không tin tưởng. Ông chọn giống mãi tận bên Lạng Sơn. Không trồng bất cứ giống ở đâu. Ở đâu quảng cáo hay đến mấy ông cũng phớt. Mặc kệ. Lá thuốc to và hình thù hơi giống lá dong gói bánh chưng. Mặt lá có lông li ti, khẽ sờ, mịn như nhung. Khi lá thuốc hơi ngả vàng thì hái về, cuộn lại, buộc  chặt, ủ cho vàng hẳn rồi dùng dao cầu thái nhỏ, như người ta thái lá chanh ăn thịt gà luộc. Sau đó sao tẩm, phơi khô, cho vào chum sành, nút lá chuối khô hút dần. Thuốc lá ông chế tạo ngon nổi tiếng. Gọi là thuốc lá ông Đoành (Bố Càn tên là Đoành). Nhưng nổi tiếng thì nổi tiếng, ông không bán cho ai bao giờ. Chỉ để nhà dùng, và khách đến mời hút chơi. Ấy là nói khách người nhớn. Khách trẻ con ông không mời đứa nào bao giờ. Ngay thằng Càn con giai ông, ông cũng cấm tịt. Ông vẫn tưởng ông đã cấm là phải được. Nhưng ông nhầm. Ông nhầm to. Bố nghiện mà đi cấm con, thì cấm sao nổi? Không khả thi. Lệnh của ông nghe nó vô lí đùng đùng. Với thằng Càn con giai ông thì càng khó lắm. Xá lạ gì tính nó. Nó vừa ma  ranh, vừa lắm lí sự. Chơi với Xá, Càn thường bảo: Với tao, trong tự điển không có từ “cấm”. Vì thế, nó vẫn hút như thường. Nhưng hút vụng bố. Nghĩa là, nó chỉ hút khi ở lớp. Nếu ở nhà mà quá thèm, thì nó ra bờ suối hoặc vào rừng. Suối và rừng là môi trường tự do của nó. Xong một điếu thì về. Ở rừng về, khi thì thấy nó ôm một bó mon để nấu cho lợn, khi thì thấy nó vác đoạn củi, khi lại thấy trên tay nó cầm một bông hoa rừng… Thế là, tự nhiên nó thành thằng bé ngoan, lương thiện. Vì thế, chả bao giờ bố nó để ý đến hành vi láu cá của nó. Lúc bấy giờ, Xá thầm nghĩ, thằng này hư, láo lếu, không nghe lời người già.

Nhưng một dịp. Dịp ấy, Xá với Càn cùng đi thi học sinh giỏi trên tỉnh. Càn thi Toán. Xá thi Văn. Đêm ngủ nhà trọ, chung một giường, Càn cứ phì phèo. Rồi nó cuốn một điếu mời Xá. Càn cuốn thuốc khéo lắm. Dán bằng nước bọt thôi mà không bung. Nhìn điếu thuốc dài cỡ ngón tay, hình con sâu kèn, Xá bảo:

- Tao không hút.

- Hút một điếu, - Càn cứ nằn nì.

- Không, - Xá dứt khoát.

- Hút một điếu cho vui, - Càn cố gặng.

- Tao sợ nghiện.

- Nghiện thế chó nào được? Hồi mới có cái mặt tao ở trên đời này, tao đã thấy bố tao hút rồi, mà cụ bảo cụ có nghiện đâu. Cụ chỉ hút cho vui thôi.

- Bố mày hút lâu thế, lại còn bảo không nghiện?

- Bố tao không nghiện thật. Bố tao bảo thế. Một hôm, bạn của ông đến chơi. Hai ông ngồi chuyện. Các cụ đốt thuốc như hai cái ống khói. Bố tao khoe, cụ biết hút thuốc lá từ lúc dái còn bằng hạt đậu xanh. Khi dái bằng quả xoan, cụ đã vừa đi xe đạp, vừa hút thuốc lá, lại vác một cây tre, chả sao. Chả thấy nghiện với ngập gì sất.

Nghe Càn nói, Xá thấy vui vui, cậu cầm một điếu, châm lửa, hút. Xá hít từ từ. Nhả khói từ từ. Hút được. Cứ thế… Cứ thế… Dần dần, Càn đưa cả túi thuốc cho Xá, trong đó đã có sẵn giấy rồi. Xá tự cuộn. Mới đầu còn vụng. Sau Xá cuộn thạo, không kém gì Càn. Lâu lâu không thấy Càn mời, Xá có cảm giác của cái sự “đợi”. Càn mời, Xá hút thấy ngon. Để Càn mời nhiều, Xá như có gì ngại ngại. Không cầm thì thèm. Thế rồi, Càn ốm phải nghỉ học vài hôm. Xá vào mậu dịch mua gói Trường Sơn ba hào. Mua một gói thôi. Một gói cũng hút được ba bốn ngày. Rồi một gói được hai ba ngày. Rồi hai ngày một gói. Rồi mỗi gói chỉ được một ngày. Khi đó là đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Mậu dịch có nhiều loại thuốc lắm: hạng bét là Trường Sơn, ba hào. Tam Đảo, bốn hào. Điện Biên, năm hào. Tam Thanh, Nhị Thanh, Bông Lúa, Sông Cầu, Thăng Long… Rồi đến Du Lịch có chuôi đã là hạng sang. Xá là học trò, lại dân Hưng Yên, dân thuần nông, quả cà muối ăn hai bữa, keo kiệt di truyền. Dân vắt cổ chày ra nước. Xá dùng rặt Trường Sơn. Y chung thủy với Trường Sơn cho tận đến khi nhà máy không chế tạo thứ thuốc này nữa. Rồi y dùng Du Lịch. Bây giờ thì Du Lịch cũng lại là thứ bét, mạt hạng.

Cậu Xá xưa, nay đã thành lão Xá rồi. Thấy lão toàn dùng thuốc rẻ tiền, thằng con nuôi  lão bảo lão, thứ này khi sản xuất người ta khử độc kém, hút rất hại. Nếu bố không bỏ được thì hút hẳn loại sang, vừa ngon hơn, vừa đỡ hại hơn. Thị trường bây giờ nhiều thứ rất cao cấp. Con cấp kinh phí để bố dùng (lũ con lão Xá chả đứa nào biết hút thuốc lá). Nhưng lão bảo, tính lão không thích thay đổi. Rằng, lão có máu chung thủy. Lão rất ghét sự không chung thủy.

Chiều chiều, ngó gói thuốc thấy chỉ còn mươi điếu là lão lo. Lão lo nhỡ đang đêm hết thuốc. Rồi sáng sớm, quán người ta chưa mở cửa thì sẽ thèm lắm. Thế là, vội đi mua luôn. Cầm được “cây” thuốc về nhà lão mới yên tâm làm gì thì làm.

“Cây” thuốc mới tinh có mười gói. Bóc ra chia một nhát hết ba gói. Một để bàn nước phòng khách. Một để phòng ngủ. Một bỏ túi áo, ngộ nhỡ vội đi đâu khỏi quên. Ba chỗ ấy mỗi chỗ đã có sẵn một cái bật lửa rồi. Dùng thuốc lá khoảng  nửa thế kỷ, lão Xá nhận ra rằng, thần kinh lão đã hình  thành một nhịp, cứ đúng hai mươi phút, tự nhiên tay lão đưa lên túi ngực lấy điếu thuốc. Ai để ý, sẽ thấy nhịp sinh học ấy ở lão rất chính xác. Chỉ cần nhịn thuốc một lúc thôi là nhớ lắm. Lão nhớ hơi thuốc lá còn hơn nhớ hơi “em” ngày nào. Nhớ đến bâng khuâng cõi lòng. Nhớ đến quên hết mọi sự đời để hồn thảnh thơi nhớ. Nhớ thỏa thê. Nhớ tê tái người. Nhớ phát gần ốm. Lão cứ tâm đắc rằng, người ta gọi cây thuốc lá là tương tư thảo, chả sai tí nào.

 Hút liên tục như thế được khoảng hơn năm mươi năm, lão Xá tự cho rằng lão đã nghiện thuốc lá. Thiếu nó, lão không thể chịu nổi, thèm chảy rãi. Cái sự thèm rất dễ làm cho người ta thành bần tiện. Thèm cái gì cũng thế. Đổ gạt tàn tìm sái! Thật chả ra làm sao. Như thế còn không gọi là nghiện thì gọi là gì?

Ngẫm kĩ, lão Xá khác thi hào Tế Xương một tí. Ông Xương thì nghiện ba thứ: trà, rượu và đàn bà. Lão Xá chỉ nghiện mỗi hai thứ là thuốc lá và cơm. Cái sự nghiện cơm thì không lo mấy. Vì nghiện cơm thì cả thiên hạ nghiện chứ chả phải riêng gì mình lão. Vả lại, nghiện cơm thì đời chỉ hơi bận thêm một tí thôi, chứ chả hại gì. Nhưng nghiện thuốc lá thì phiền lắm, nhiêu khê lắm. Nhiều lần cân nhắc, lão đã định bỏ. Và cũng đã bỏ nhiều lần, nhưng không thành.

Cách đây dăm năm, một lần lão Xá thầm hạ quyết tâm cao: nhất định bỏ. Quyết tâm ấy lão không nói với ai. Chỉ định hết mấy gói này thì thôi, không mua nữa. Cứ lặng ngắt mà thèm. Lặng ngắt mà chịu đựng. Như thế được hai ngày rưỡi, hơn rưỡi một tí. Thèm vô cùng. Thèm khổ thèm sở. Thèm chảy rãi. Thèm đến thẫn thờ người. Thèm quên hết mọi sự. Linh hồn lão chỉ còn nhớ đến mùi chua chua, thơm thơm của thuốc lá. Nhớ mông lung. Nhớ da diết. Nhớ đến quặt quẹo. Có lúc đã nghĩ: đời được bao nhiêu lắm mà khổ thế?

Tuổi con Khỉ, năm nay tám mươi rồi. Lão bỗng nhớ thi sỹ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, máu chơi chết thôi cứ nổi lên đùng đùng. Quán bán thuốc ngay cạnh nhà, nhưng lão vẫn quyết không đi mua, là không đi mua. Thèm thì thèm. Mặc kệ thèm. Đang căng thẳng thì ông bạn văn của lão lững thững đến chơi. Ông này cũng nghiện nặng, nặng gần bằng lão. Lão Xá khẽ liếc xéo, túi ngực ông bạn lép kẹp. Nghĩa là hắn không có thuốc. Ngồi một tẹo, lão Xá sai con dâu: “Con ra tiệm, mua cho bố gói thuốc”. Con ra đến cửa, lão dặn với: “Mua một gói thôi”. Chỉ một loáng, con lão cầm về hai “cây”. Trời đất ơi, nhìn hai “cây” thuốc vuông vắn, lão không biết nên mừng hay nên tức? Nhưng lờ mờ có điều… giống như màu sắc của sự… thất bại. Dù gì thì gì, lão vẫn mắng con: “Bố đã dặn con mua một gói thôi cơ mà?” Con lão phân trần: “Đằng nào mà chả phải mua bố? Con giả được bố ạ. Quán quen mà bố”. Thấy con nói mang giả được, tự nhiên lão lại thấy tiêng tiếc. Lão bèn bảo: “Đã mua rồi thì thôi, không giả nữa, đưa đây bố”. Lão Xá bóc gói thuốc, rút ngay một điếu. Bạn lão cũng rút ngay một điếu. Hai thằng thi nhau vừa nhằm con thạch sùng trên trần nhà thổi khói, vừa khoác lác một tấc đến giời. Lần bỏ thuốc ấy lại coi như không thành. Mất toi mấy ngày cố gắng nhịn thèm, khổ thân.

Rồi một hôm, ngồi ăn cơm, vừa tợp một ngụm rượu. Nuốt xong ngụm rượu, tự nhiên lão thấy khó thở. Như thiếu dưỡng khí. Ngồi một tẹo thì hết. Cơn khó thở qua đi nhanh. Nhưng rồi hiện tượng ấy xuất hiẹn dày hơn. Sáng sớm ngủ dậy, thấy hơi khò khè, một lúc thì tự hết. Cứ chiều chiều hình như ngây ngấy sốt, mà không phải sốt. Nhưng rõ là sốt, sốt nhẹ thôi. Nghĩa là có sốt. Khi nói, thỉnh thoảng hụt hơi. Nghe lão phàn nàn về sức khỏe, và mô tả cái sự trên. Con lão đưa đi bệnh viện soi, chụp, siêu âm, xét nghiẹm đủ thứ. Hóa ra mọi chỗ không sao. Tất cả là ở cái phổi. Bác sỹ chuyên khoa hỏi lão:

- Ông có hút thuốc lá không?

- Có.

- Ông đã hút bao lâu?

- Tôi bỏ rồi.

- Cháu hỏi ông hút thuốc lá bao lâu rồi. Chứ cháu không hỏi ông bỏ thuốc chưa, hay chưa bỏ, ông ạ.

- À, gần sáu mươi năm.

- Ông bỏ thuốc được lâu chưa?

- Hôm kia.

- Ông bỏ hẳn được thì tốt. Nhưng ông viêm phổi kẽ rồi.

Và vị bác sỹ chuyên khoa ấy, giải thích cho lão đại ý về cái sự viêm phổi kẽ rằng: Người dùng thuốc lá lâu năm, khói thuốc làm cho túi khí ở phổi dần dần cứng lại vách phế nang dày lên, có thể dẫn đến xơ phổi. Phổi đàn hồi kém. Dung tích chứa khí giảm. Thường bị thiếu không khí nơi phổi. Làm gì cũng thở nhiều. Có khi chỉ cần lên một tầng lầu cũng thở hồng hộc. Gọi điện cũng thở to. Người đầu dây bên khia cũng nhận thấy. Có khi gặp cơn thở rất khó nên người ta còn gọi bệnh này là bệnh viêm phổi tắc nghẽn. Và lão phải nằm viện gần một tháng. Biết lão nằm viện, bạn bè đến thăm đông. Cái sự khi già ốm mà bạn bè đến thăm đông là rất hãi. Càng đông, càng hãi. Nhất là bạn bè văn nghệ sĩ. Bọn nó tinh lắm. Văn nghệ sĩ mà phải đến thăm nhau là nguy rồi.

Nhưng mà lão khỏi dần. Ốm mà không chết thì phải khỏi, ai mà chả thế? Ra viện, con lão đánh xe đến đón. Ngồi trong xe, con lão hỏi:

-  Bố thấy trong người thế nào?

-  Bố bỏ thuốc thôi, - Lão Xá buột miệng.

Ngó gói thuốc lá phồng phồng trên túi ngực lão, con

lão bảo:

- Thế thì bố vứt gói thuốc đang hút dở kia đi, để làm gì?

- Ở nhà vẫn còn hai gói, hút hết rồi bỏ, - Lão thủng thẳng.

- Bố đã quyết bỏ thì bỏ luôn.

- Thế vứt cả hai gói kia đi à?

- Vâng.

- Lãng phí thế? Tao đã hút gần bảy mươi năm nay. Có hút thêm hai ngày nữa cũng chẳng sao.

Và lão Xá tự nhủ, lần này hết là thôi, nhất định không mua. Không mua là không  mua. Vả lại, lão đã nói với con như thế. Chả nhẽ lão là thằng bố nói phét. Gạt tàn, bật lửa vẫn để bàn, không cất. Suốt năm ngày, lão không đả động gì, không nói gì đến cái sự lão bỏ thuốc hay không bỏ thuốc. Nhưng không hút nữa, là không hút nữa. Và lão Xá nhận ra rằng, khi không hút thuốc, sang ngày thứ ba là thèm nhất. Có thể nói, đỉnh của cái sự thèm là ở ngày thứ ba. Sang ngày thứ tư, có dấu hiệu hơi quên. Thỉnh thoảng quên. Như quên một người tình, người ta không còn thiết tha mấy nữa. Sang ngày thứ năm, đông đủ cả nhà, trước bữa cơm chiều, lão Xá tuyên bố: “Tao bỏ thuốc lá”. Dĩ nhiên tuyên bố này làm cả nhà vui. Nhưng lão để ý, không thấy ai phản ứng gì. Có lẽ mấy bà cháu nó chưa thật tin lời lão nói. Mỗi thằng cu Bi, cháu út của lão tám tuổi, đang học lớp hai, nghe ông nói bỏ thuốc, nó nhếch mép cười ruồi. Cái cười của thằng cha cầm đũa chưa sõi này, nom rất khó chịu. Lão Xá thầm nghĩ: đừng vội cười mỉa, ông nội mày bỏ thật đấy, thằng oắt con láu cá ạ!

Lúc ra viện, vị bác sỹ chuyên khoa bảo: Con ông cũng là bác sỹ, nên cháu không giấu ông. Bệnh ông không khỏi hẳn. Nguyên nhân bởi ông hút thuốc lá quá lâu, hơn nửa thế kỷ còn gì. Bây giờ cố gắng cải thiện thôi. Ngoài thuốc men, ông nên tập thở. Làm cho phổi mềm ra, dung tích lớn dần lên, chứa được nhiều khí.

Nghe lời bác sỹ. Thuốc lá thì bỏ thật rồi. Hằng ngày, lão tập thở, kết hợp thiền. Ngồi thiền, nằm thiền, đứng thiền, đi cũng thiền. Khi thiền thì kết hợp thở theo kiểu thở của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện. Nghĩa là cách thở Yoga. Lão Xá học ông Viện. Bởi vì, hồi tuổi thanh niên ở bên Pháp, ông Viện đã bị hỏng phổi. Phổi có hai lá, hỏng hẳn một lá, phải cắt bỏ. Còn lá kia cũng hỏng, phải cắt bỏ một nửa. Như vậy ông chỉ còn một phần tư phổi. Mà một phần tư còn lại ấy cũng không tốt hẳn. Thế mà ông vẫn sống thoải mái suốt tám mươi tư năm (1913 - 1997).

*

Một năm rồi. Thế là lão Xá bỏ thuốc lá thật. Điều đó chứng tỏ rằng, lão Xá  không phải thằng nói phét. Bỏ thuốc lá, ăn khỏe hơn, ngủ tốt hơn, hết sốt chiều, đỡ tốn tiền, người béo lên gần mười cân. Nhìn lão vượng hẳn ra, cả nhà vui. Nhưng bỏ rồi thì bỏ rồi. Lão Xá vẫn cảnh giác. Bởi vì lão rất biết tính lão. Lão có máu chung thủy từ bé, và nhớ dai. Thôi dùng thuốc lá một năm. Chính xác là mười một tháng, và hai mươi ba ngày rưỡi. Đôi lúc vẫn nhớ. Nhưng mặc kệ nhớ. Kể cũng phải thôi, nhớ là phải. Tương tư thảo kia mà. Nhưng tương tư thảo thì tương tư thảo. Mặc kệ tương tư thảo. Phớt. Thỉnh thoảng hội hè đình đám, bạn bè mời một điếu, lão Xá hút vẫn thấy ngon. Lão vẫn thưởng thức cái sự khoái như ai đang thưởng thức cái sự khoái. Nhưng xem ra, cái thèm bây giờ, khác cái thèm ngày xưa. Ngày xưa, thèm là phải đi tìm. Tìm bằng được mới chịu thôi. Bây giờ vẫn thèm. Hễ nghĩ tới là thèm. Nhưng không có cũng chẳng thấy sao. Thôi, chia tay với tương tư thảo. Chia tay là chia tay. Không cần tìm. Quên đi! Phớt.

N.Đ.L

Tin tức khác

Thơ

Rượu quê

28-03-2025| 146 lượt xem

Bến xưa

23-03-2025| 169 lượt xem

Núi

22-03-2025| 145 lượt xem

Truyền nghề

18-03-2025| 71 lượt xem

Đời tằm

18-03-2025| 122 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 1.402 lượt xem

Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách

29-02-2024| 1.768 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 1.784 lượt xem