Hành trình lịch sử Pác Bó -Tân Trào

Thứ sáu, ngày 16-05-2025, 09:51| 216 lượt xem

Mạc Ninh

 

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển  Bác đã  tìm ra con đường cứu nước - Con đường cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đầu năm 1941 Bác trở về Tổ quốc để lãnh đạo quốc dân tiến hành cuộc cách mạng đó. Tại căn cứ Pác Bó,  Cao Bằng Bác chủ trì Hội Nghị Trung ương VIII. Nghị quyết của Hội Nghị Trung ương VIII chỉ rõ: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là đánh đổ ách thống trị ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Lực lượng của cách mạng là toàn dân Việt Nam không phân biệt giai tầng, đảng phái, tất thảy tập hợp trong Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.

Sau Hội Nghị Trung ương VIII, Bác tổ chức nhiều lớp huấn luyện cán bộ, thành lập các đội du kích và đến 22-12-1944 thành lập Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Cuộc Cách mạng giải phóng toàn dân Việt Nam phải là chủ lực, phải “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” như lời hiệu triệu của Bác.    

Tuy nhiên cuộc Cách mạng cũng rất cần sự ủng hộ về tinh thần và vật chất từ bên ngoài, cụ thể lúc này là của Đồng minh chống phát xít. 

Tháng 4 năm 1945, tại Côn Minh (Trung Quốc) Bác có cuộc gặp với Tướng Sê nôn, Tư lệnh Sư đoàn số 14 Không quân Mỹ. Cuộc gặp đem lại kết quả làm hài lòng cả hai bên: Đồng minh thừa nhận Việt Minh đứng trong mặt trận chống phát xít, đồng ý giúp Việt Minh huấn luyện về vô tuyến điện, về quân sự; trước mắt, cử hai nhân viên vô tuyến điện cùng máy móc giúp Việt Minh. Việt Minh cung cấp cho Đồng minh tình hình quân Nhật ở Đông Dương. 

Vừa từ Côn Minh về Bác đã gấp rút chuẩn bị cho cuộc hành trình, Bác thành lập ngay một tiểu đội đặc biệt, trong đó có một số cán bộ cùng Bác về nước năm 1941. Tiểu đội được học tập chính trị và huấn luyện quân sự với những bài cơ bản như sử dụng vũ khí thông thường, tình huống gặp địch... Đội hình hành quân còn có mười thanh niên do đoàn thể lựa chọn chuẩn bị ra nước ngoài học về vô tuyến điện, do tình hình thay đổi nên ở lại nhận nhiệm vụ mới. Hai kỹ thuật viên vô tuyến điện là Ph.Tam và Mácxin đã theo Bác từ Côn Minh tham gia cuộc hành trình.

Như mọi ngày, đúng năm giờ Bác đã dậy, đứng trên phiến đá phẳng bên bờ suối luyện mấy đường quyền. Tuy còn yếu nhưng thấy khoan khoái, tâm trạng phấn chấn. Trời đất dường chung niềm vui. Mây cuộn lên nhanh. Những đỉnh núi cao cởi bỏ màn sương dày, hiện lên xanh ngút ngát. Con suối Khuổi Nậm vẫn mải miết chảy.                                            

Trở vào hang, Bác bó tài liệu và chiếc máy chữ vào túi dết vải chàm. Chiếc máy chữ hiệu HERMES 830264, luôn được giữ gìn cẩn thận như một báu vật.

Những người tham gia chuyến công tác đứng thành hai hàng, hướng ra con đường hẹp... Nhiều người trong đoàn mặc quần áo chàm hoặc nâu, may kiểu Nùng, kiểu Thổ. Vài người mặc áo quần nâu miền xuôi. Một hai người mặc áo kiểu Tây đã cũ.

Mấy phút sau, Bác, dáng người gầy gầy, gương mặt phong trần, gò má hơi nổi, vẻ cứng rắn, với bộ quần áo Nùng đã cũ, chiếc nón chóp đội đầu. Quai nón là chiếc khăn che kín nửa dưới khuôn mặt. Vai khoác chiếc túi dết màu chàm có hai nút buộc tay chống gậy nhập vào đi giữa đoàn.                                 

Khoảng 9 giờ sáng, ngày 4 tháng 5, năm 1945, Bác và đoàn công tác xuất phát từ lán Khuổi Nậm, bắt đầu cuộc hành trình.

Rong ruổi dặm dài.

Chiếc gậy cầm tay.

Khăn vắt vai.

Ngày 5 tháng 5, tới Lam  Sơn. Bác và đoàn công tác lưu lại đến ngày 8 tháng 5. Tại đây Bác làm việc với một số đồng chí cán bộ Trung ương - Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt - và Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng. Ngày 17 tháng 5, đồng  chí Võ Nguyên Giáp đi đón, gặp Bác ở  Nà Kiên, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Hồi ký “Từ  Pác Bó đến Tân Trào” của  anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết, nhận được thư hỏa tốc của Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng báo tin Bác đang trên đường về xuôi, từ Chợ Chu, anh Văn vội lên đường. Buổi chiều đến bản Nà Kiên, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Nơi gặp nhau của  Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ Cao Bằng xuống và Đội Cứu quốc quân từ Bắc Sơn - Võ Nhai lên). Anh Văn, nhìn thấy Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt sau một chặng đường xa, mặt võ vàng, râu để dài, duy đôi mắt  Bác vẫn tinh anh. Anh Văn báo cáo với Bác về nghị quyết của hội nghị quân sự Hiệp Hòa. Bác chăm chú nghe, bình tĩnh, điềm đạm, nhận xét hội nghị tiến hành rất tốt. Rồi Bác nói:

- Cần chọn ngay trong vùng Thái Nguyên hoặc Tuyên Quang một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài. Anh Văn lên ngựa về Kim Quan Thượng (nay là xã Trung Yên), trụ sở phân khu ủy gặp trao đổi với bí thư Phân khu ủy Song Hào. Cả hai người thống nhất nhận định: Từ sau khởi nghĩa Thanh La, toàn vùng Kim Quan, Minh Khai, Thanh La, Kim Long, Kim Trận chính quyền cách mạng đã thành lập ở khắp làng xã. Song, xét kỹ về địa thế thì Kim Long có ưu điểm vượt trội là vùng rừng núi hiểm trở, xa đường lớn.

Tân Trào đã được chọn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp  trở lên Nghĩa Tá.

Sau ba ngày nghỉ, sức khỏe hồi phục nhiều, ngày 20,  Bác và đoàn công tác cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp hành quân sang Tuyên Quang, theo hướng xuôi dòng Phó Đáy. 

Ngày 21, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đón Bác tại đình Hồng Thái. Mọi người ngồi xuống sàn đình nghe Bác nói:

- Ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn, nhưng với bản chất ngoan cố, tới đây quân Nhật vẫn sẽ tấn công hòng tiêu diệt cách mạng, khủng bố Nhân dân. Vì thế cần đề cao cảnh giác, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, chủ động đối phó. Xây dựng vùng giải phóng thành căn cứ vững chắc tiến lên giải phóng các tỉnh Trung du, đồng bằng và thành phố. Bây giờ các chú về lo công việc, để Bác còn đi tiếp.

Ra gần đến bến Thia, đồng chí Võ Nguyên Giáp thưa với  Bác: - Trước mặt ta là sông Phó Đáy. Qua sông đi chừng bốn cây số là đến làng Kim Long, địa điểm chúng tôi chuẩn bị để Bác đến làm việc. Kim Long có sông Phó Đáy án ngữ đường vào, có núi Hồng chắn sau lưng, có đường đi các ngả đông, Tây lẫn lên ngược về xuôi. Đủ cả nhân hòa, địa lợi. Bác vui vẻ nói:

- Thiên thời thì đang đến. Vậy nên đặt cho Kim Long tên mới là Tân Trào. Nghĩa của nó là sóng mới. Sóng đây là sóng cách mạng đang lên như triều dâng. Hẳn các chú đã biết vì sao chúng ta phải nhanh chóng chuyển về đây?

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đáp:

- Trước tình hình mới, căn cứ địa Cao Bằng không còn đáp ứng được là trung tâm chỉ đạo cách mạng nữa.

- Đúng thế. Phát xít Nhật sẽ bại. Phải chuẩn bị họp hội nghị Trung ương và sớm lập ra một nhà nước dân chủ hợp hiến. Cao Bằng xa Trung ương, không thuận tiện liên lạc và tổ chức các hội nghị lớn. Bác muốn sớm đến nơi ở mới bắt tay triển khai công việc. Nhìn dòng nước đăm đăm. Bao nhiêu hình ảnh về những dòng sông vùn vụt qua nhanh.  Giọng Bác vang lên như mệnh lệnh: - Dù có gặp sóng xô thác lũ cũng không dừng lại. Khôn khéo lựa con nước mà sang, nếu không, có thể chẳng bao giờ sang được.

Mọi người, sắn cao quần, tháo giày dép, buộc lại quai túi, lục tục bước lên mảng. Ra đến mép nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp giục:

- Khẩn trương lên. Vận mạng của đất nước ở cả lần sang sông này. Con thuyền cách mạng mà  Bác là thuyền trưởng không thể lỡ chuyến.              

Bác nói: - Trong mọi trường hợp, bất luận nước cả sóng to cũng phải tuyệt đối vững tin vào người cầm lái. Mọi người hiểu rằng,  Bác không chỉ nói về chuyện sang sông.

Sau khi vượt sông Phó Đáy Bác cùng đoàn đi về phía làng Kim Long.

Đến làng, vào nhà Nguyễn Tiến Sự, chủ nhiệm Việt Minh là một người dong dỏng cao, mặc bộ đồ màu chàm, may kiểu người Nùng, bộ râu thưa, đôi mắt tinh anh; một người tầm thước, phong độ giống nhà giáo và hai người ngoại quốc mang thứ máy móc mà ở đây chưa thấy bao giờ. Những người khác chia nhau vào những nhà khác trong làng.

Trải 400 cây số đường rừng, qua 10 huyện của 4 tỉnh, trèo đèo lội suối, vượt qua đỉnh núi quanh năm mây phủ, có nơi chưa từng in dấu chân người, trên chặng đường dài có lúc gặp địch, tình huống nguy hiểm.  Vượt chặng đường gian khó đó chỉ trong 20 ngày, cho thấy tính chất khẩn trương chớp lấy  thời cơ ngàn năm có một tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa.

Ngày 21 tháng 5 năm 1945, cuộc hành trình Pác Bó- Tân Trào kết thúc tại làng Kim Long.

Hành trình Pác Bó - TânTrào của Bác Hồ là hành trình lịch sử, hành trình dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tân Trào một tất yếu lịch sử, là trung tâm chỉ đạo cách mạng Tháng Tám, là tổng hành dinh của vị Tổng chỉ huy tối cao, nơi Bác Hồ làm việc.

*

Thời gian  hơn ba tháng tại lán Nà Lừa, Bác cùng Thường vụ Trung ương khẩn trương chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa: 

Mở Trường Quân Chính kháng Nhật  đào tạo cán bộ kịp thời tỏa về các địa phương chỉ huy các đơn vị vũ trang làm nòng cốt khởi nghĩa giành chính quyền; quyết định thành lập Khu giải phóng, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái  Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một số vùng nông thôn các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái; chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu Giải phóng;  thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân Giải phóng; thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Thành lập Ủy ban chỉ huy tạm thời Khu giải phóng được do đồng chí Phạm Văn Đồng là Chủ tịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp là Ủy viên thường trực; khu Giải phóng xây dựng trở thành một căn cứ địa vững chắc về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa để làm bàn đạp Nam tiến, giải phóng toàn quốc; chỉ đạo đánh tan các cuộc quân Nhật vây quét Khu Giải phóng trong các trận Làng Sảo vào cuối tháng 5, trận Đèo Chắn vào  cuối tháng 7 năm 1945; quét sạch toán phỉ có vũ trang ở Đèo Khế; tiếp đón tổ tình báo mang mật danh “Con nai” nhảy dù xuống Tân Trào, thảo luận với họ về hướng hoạt động của đơn vị “Con nai”, chương trình, thời gian huấn luyện; thành lập “Đại đội Việt - Mỹ” huấn luyện sử dụng vũ khí, sử dụng vô tuyến điện; chỉ đạo làm sân bay dã chiến Lũng Cò tiếp nhận một nhóm quân nhân kỹ thuật và một số vũ khí hạng nhẹ, điện đài, thuốc chữa bệnh.

Giữa lúc công việc khẩn cấp, Bác bị mệt nặng, Người dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.

Tiếp đó Bác cùng Thường vụ Trung ương chỉ đạo Hội nghị Cán bộ toàn quốc của Đảng, Quốc dân Đại hội Tân Trào, Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

M.N

Tin tức khác

Thơ

Mùa rô đồng ký ức

31-05-2025| 109 lượt xem

Trượt ra ngoài cảm xúc

29-05-2025| 1 lượt xem

Gặp mẹ ngày 30/4

19-05-2025| 122 lượt xem

Cánh buồm đá

19-05-2025| 121 lượt xem

Mới đây mà… mãi mãi xa

19-05-2025| 57 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 1.696 lượt xem

Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách

29-02-2024| 2.075 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 2.148 lượt xem