Nguyễn Đình Lãm
Minh họa của An Bình
Một người tên là Nhủng - Hoàng Văn Nhủng. Hồi còn nhỏ, hai đứa tôi thường lon ton theo bố mẹ đi rừng. Người nhớn bận làm việc, kệ hai đứa tôi chơi với nhau. Chúng tôi lang thang tìm quả quýt hôi, quả bứa, quả ngõa... bóc cho nhau ăn rồi rủ nhau tắm suối. Chút quần áo quẳng vệ cỏ, cầm tay nhau, ào xuống suối vô tư. Mùa hè tắm suối thích lắm. Hai đứa kỳ lưng cho nhau rồi rủ nhau mò cua, mò hến, mò tôm. Một lần mò được con tôm to, Nhủng cười hi hí, gọi:
- Ỷ ơi, con tôm này ăn sống được đấy.
- Nhủng ăn thử xem nào.
- Nhìn này - Nói đoạn, Nhủng cầm con tôm, cho vào miệng bóp bép nhai, nuốt cái ực vẻ ngon lành lắm. Ăn xong, Nhủng vặt râu một con đưa tôi, bảo:
- Ỷ ăn đi.
Tôi há miệng, Nhủng thả con tôm vào. Lần đầu tiên ăn sống con tôm. Nhủng lại bảo:
- Con cua cũng ăn sống được.
- Ừ, đi bắt ăn đi.
Đi tìm cua suối, nước suối trong veo. Nhìn thấy một con đang bò, tôi reo:
- Có một con, có một con.
Nhủng vội vàng: - Bắt đi, bắt đi.
Tôi tóm được một con, giắt cạp váy. Nhủng cầm một con, bảo tôi:
- Nào, há miệng ra.
Nhìn con cua nhó nhoáy, tôi hốt, bảo:
- Nhủng vặt càng đi. Ỷ sợ nó cắp.
- Không sợ đâu. Há ra.
Tôi há to miệng, Nhủng thả con cua vào, giục:
- Nhai luôn đi. Nhai nhanh kẻo nó cắp vào môi cho đấy.
Tôi nhai rau ráu, nuốt cái ực. Nhủng hỏi:
- Thế nào, ngon không?
- Nuốt vội, chả biết ngon hay không ngon. Hơi tanh tanh.
Tôi vục ngụm nước suối, súc miệng ùng ục, nuốt tất vào trong bụng. Đấy là lần đầu tiên hai chúng tôi rủ nhau ăn tôm sống, cua sống, nhìn nhau, cười hi hí. Đang vui thì nghe tiếng mẹ tôi hú gọi. Tôi vội vàng bảo Nhủng:
- Mẹ gọi. Thôi, mặc quần áo, đi về.
Nhủng vừa mặc quần, vừa thì thầm dặn tôi:
- Không được nói với mẹ là chúng mình đã ăn sống con tôm đâu nhé?
- Ừ.
Chả mấy lúc, chúng tôi thành người sắp nhớn thật. Không nhớ tôi gọi Nhủng bằng anh, xưng em từ lúc nào. Và cũng không biết từ lúc nào, chúng tôi không chơi kiểu trẻ con nữa. Chúng tôi tập chơi kiểu người nhớn. Hai đứa hay rủ nhau đi quán ăn cháo lòng tiết canh, đi bờ hồ ăn ngô nướng, uống cà phê. Một lần ngồi với nhau, tôi hỏi:
- Anh Nhủng ơi.
- Gì.
- Anh có bạn gái chưa?
Nhủng nhìn tôi như nhìn quả ngô nướng, vô tư bảo:
- Thì có Ỷ đây thôi. Ỷ không phải gái à?
Nghe Nhủng nói, tự nhiên tôi thấy má mình nong nóng, bèn ấp úng:
- Anh Nhủng ơi.
- Gì.
- Em… buồn lắm.
- Buồn thì gãi chứ sao.
- Không. Em không phải buồn ngứa.
- Thế buồn gì?
- Con gái nhớn tồng ngồng mà chả có bạn giai!
Nhủng đủng đỉnh:
- Thì có anh đây thôi.
Tôi ngúng nguẩy dựa vào vai Nhủng:
- Chán anh lắm.
- Sao chán anh?
- Không biết.
Ngồi một lúc lâu, toàn nói chuyện huyên thuyên. Tôi chả nhớ anh nói gì. Cuối cùng tôi nũng nịu bảo:
- Anh phải tìm bạn giai cho em.
Nhủng vẫn dửng dưng:
- Ừ. Anh có thằng bạn tốt, rồi anh sẽ rủ nó đến với em.
Nghe Nhủng nói, tôi ngao ngán vô cùng, chỉ muốn khóc. Đời sao mà chán thế. Tôi đứng bật dậy:
- Thôi. Đi về.
Lòng tôi rối bời. Tìm hiểu kỹ thì ra, không hiểu sao, anh Nhủng không thích yêu kiểu người nhớn? Biết tình trạng của anh như thế, tôi rất buồn.
Vài hôm sau, Nhủng dẫn một anh bạn đến thật. Nhủng giới thiệu anh ta tên Duyên - Đỗ Văn Duyên, gia đình cũng là công nhân lâm trường, nhưng ở đội khác, xóm Cây Gạo bên kia suối. Anh này cũng đẹp giai. Tôi trộm nghĩ: “Hình như thanh niên lâm trường anh nào cũng đẹp”. Ba đứa đi chơi. Anh Nhủng dẫn chúng tôi vào quán, đãi cháo lòng tiết canh (Nhủng rất thích tiết canh lòng lợn). Cuộc gặp mặt buổi đầu với người bạn mới, tôi cũng thấy vui vui. Nhưng vui thì vui, trong tôi vẫn buồn buồn kiểu gì.
Vài hôm sau, Duyên đến thăm tôi, anh đi một mình. Tôi hỏi:
- Anh Nhủng đâu?
- Anh đến rủ. Nhưng Nhủng bảo hôm nay bận.
Làng tôi đẹp lắm. Làng Lâm Trường mà. Rừng bao quanh. Hai chúng tôi dạo đường làng. Gió rừng lương vương, thánh thót tiếng chim đượm vẻ thanh bình. Cũng vì mới quen nhau nên tôi không biết nói chuyện gì. Hai đứa sóng đôi, đi một đoạn dài, chả thấy anh Duyên nói câu nào. Tôi cũng lặng ngắt bước. Đi một đoạn dài nữa. Một lúc sau, Duyên mới thủ thỉ:
- Hôm nay anh gặp cái xe đạp hỏng nặng, hì hục sửa mãi chưa xong.
- Xe của anh à?
- Không. Xe của khách.
- Anh làm nghề sửa xe đạp à?
- Ừ.
Lại đi một đoạn dài nữa. Chả biết anh Duyên đang nghĩ gì? Tôi cũng chả biết nói gì. Gió rừng vẫn xào xạc. Từ căn hộ của ai đó, tít trong rừng vọng lại khúc tình ca. Tôi nghe lõm bõm: “Rừng ơi, ta đã về đây. Mang sức của đôi tay lao động khó khăn không quản ngại... Khi cháy trong lòng tôi...” Hai đứa vẫn lặng ngắt bước. Mãi, Duyên lại thủ thỉ:
- Cái xe khô dầu, cứ để thế đi, trục giữa vỡ mấy viên bi.
Tôi chả biết nói gì. Đi một đoạn, Duyên lại khe khẽ:
- Tìm mãi, được mấy viên bi cũ thay cho họ đi tạm.
Đi một đoạn dài nữa, Duyên lại
lẩm bẩm:
- Cổ phốt cũng bị dơ, lái cứ ẽo à, ẽo ọt chỉ muốn ngã.
Chả biết tham gia gì, tôi cứ lặng ngắt bước. Đến bờ suối tôi thấy mỏi chân. Lựa bãi cỏ đẹp, tôi bảo:
- Ngồi nghỉ một tí, anh.
- Ừ.
Trăng thu thanh bình nhuộm núi rừng, nhuộm dòng suối róc rách. Ngồi một lúc lâu, Duyên lại thẽ thọt:
- Hai cái May-ơ cũng vỡ bi.
Tôi ngồi ngắm trăng. Tự nhiên thấy mảnh trăng ố vàng bợt bạt kiểu gì, rất vô duyên. Dưới gốc cây cơi bờ suối, tiếng rế rỉ rả gọi bạn nghe sao mà buồn. Có lẽ phải hơn một tiếng đồng hồ, tự nhiên tôi thấy mệt, mệt quá. Tôi bảo:
- Thôi. Đi về đi anh?
- Ừ.
Đêm rừng vắng. Hai đứa như hai cái bóng. Chả biết từ ngọn núi nào, tít mãi tận đâu, vẳng lại tiếng chim lẻ: “Bắt con tép kho cà/Bắt con tép kho cà”. Đi một đoạn dài, Duyên lại khe khẽ như người nói thầm:
- Lại thủng săm nữa chứ. Thủng hai miếng, mới vá được một miếng.
Đi một lúc, anh lại bảo:
- Nan hoa cũng gẫy mấy cái. Có khi phải cân lại vành.
Tôi im lặng bước. Chả biết góp với anh chuyện gì. Trăng thu vàng ửng và ngai ngái mùi hoa rừng. Một vẻ đẹp ngao ngán. Đến chỗ rẽ, tôi bảo:
- Đường vào nhà em đây rồi. Thôi, anh về nhé.
Duyên lại khe khẽ:
- Ừ. Ỷ về đi. Bây giờ anh về cũng phải sửa nốt cái xe đạp để sáng mai khách họ đến lấy sớm.
Nghe chuyện của anh, tôi càng cảm thấy sao mà ngán ngẩm, đặng vòng ra khúc suối sau vườn, ào xuống tắm thiên nhiên. Tắm xong, vào nhà đóng cửa chính, cài chặt. Nằm giường mở cửa sổ ngắm trăng. Lòng thầm nhủ: “Chán thế, hai người bạn giai của mình! Đợi một người nữa... may ra...”. Nằm nhìn mái nhà, nghĩ miên man... Tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Lúc tỉnh giấc, ngoài kia trăng vẫn sáng. Gió rừng thổi rất nhẹ. Một không khí thật mát mẻ và thanh bình.
N.Đ.L
20-11-2023
20-11-2023
20-11-2023
20-11-2023