Gia cảnh

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 10:54| 900 lượt xem

Truyện ngắn của Thế Đức

Minh họa của An Bình

 

 

Bố mẹ tôi sinh được sáu anh chị em, bốn trai, hai gái. Ba người con trai, vừa qua tuổi vị thành niên đã được đi thoát ly. Chỉ riêng chú Hai thì chẳng thích đi đâu, mới hai mươi tuổi đầu đã cuống cuồng giục bố mẹ cưới vợ cho. Cô vợ chú nhà ở ngoài phố huyện, nom thì cũng khá xinh đẹp, nhưng có vẻ ăn chơi kiểu phố huyện ghê lắm. Còn lại hai cô em gái sau cùng, vừa tấp tểnh bước vào tuổi dậy thì, trong làng đã có người đến xin về làm dâu...

Thời ấy, bố tôi rất tự hào. Cứ nhìn dáng điệu ông rít điếu thuốc lào, rồi ngửa mặt, thong thả đẩy đụn khói trắng xóa lên trời cũng đủ biết ông viên mãn đến nhường nào.

Vợ chồng chú Hai đẻ được thằng con trai đặt tên là Kền. Thằng Kền còn chưa được tròn một năm tuổi thì đùng cái, vợ chú đốc chứng. Đời thuở nhà ai, đàn bà có chồng có con hẳn hoi rồi mà cứ suốt ngày son phấn lòe loẹt, đi chơi, chẳng thèm ngó ngàng tới nhà cửa, con thơ bé dại gì cả…

Chú Hai tính tình tuy hiền lành, nhưng rất cục. Khuyên bảo vợ mãi cũng chỉ như nước đổ đầu vịt, đành bó tay, làm ngơ, chẳng thèm đếm xỉa gì nữa. Mỗi lần vợ ghé qua nhà, chú lại lôi rượu ra uống, say mèm, rồi cắp manh chiếu ra gốc đề đầu làng nằm ngủ, cho đến khi có người nhà tới bảo “nó đi rồi” mới chịu về nhà.

Một lần, vợ chú về, đòi chia đôi mấy bồ thóc thu hoạch từ vụ trước. Vợ chú bảo, dạo ấy, cả vợ cả chồng cùng làm nhưng tôi có ăn ở nhà bữa nào đâu. Ức quá, chịu hết nổi, chú Hai lại lôi rượu ra uống. Lần này thì chú càng uống càng tỉnh. Rồi chú mượn rượu, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, choảng cho vợ một trận nên thân. Cô vợ chú đau quá, bù lu bù loa một hồi rồi thu dọn hết đồ đạc, tư trang cá nhân, đi biệt.

Chuyện chú Hai đánh vợ khiến cả làng cứ sôi lên sùng sục: “Thằng Hai cũng ghê ra phết, thế mà cứ tưởng nó là cục đất”. Nhưng đại đa số đều bảo: “Phải thế, không thì con yêu tinh thần nữ ấy còn làm khổ chú không biết đến bao giờ!”.

* * *

Gần một năm sau, chú Hai chán cảnh, bỏ nhà, đi làm ăn tận trong Nam. Thằng Kền ở nhà với ông bà nội. Ông bà nội chăm bẵm, cưng chiều nó như một đứa con nhà hiếm muộn. Nhất là bà nội thì khỏi phải nói, bất kể cái gì được coi là quý hiếm ngon ngọt cũng giấu giếm để dành cho nó. Thậm chí, mỗi lần đi liên hoan hội làng, đi ăn giỗ, hoặc cỗ cưới ở đâu cũng không quên lấy phần. Về đến nhà, miệng bà thì thầm gọi thằng Kền, tay chỉ vào trong buồng: “Vào đấy mà ăn, nhanh lên, chẳng con Len, con Hiên đến bây giờ!”. Con Len, con Hiên là cháu ngoại nhưng chẳng bao giờ bà đếm xỉa đến chúng, chỉ trừ khi thằng Kền lắc đầu, bảo thứ này nó không thích…

Thấm thoắt, thời gian trôi đi thật nhanh. Chẳng mấy chốc, thằng Kền đã đến tuổi đi học. Đến tuổi đi học rồi mà thằng Kền vẫn không mảy may tự lập được cái gì. Ăn cơm bà vẫn phải bón. Không bón thì nó ngậm miếng cơm chảy thành nước trong miệng. Ngày mùa, bận trăm công nghìn việc, nó vẫn đợi bà về tắm cho nó, trong khi những đứa trẻ cùng tuổi trong làng lội xuống ao tắm ùm ũm. Hai cô em tôi thấy vậy, ngứa mắt lắm, bảo: “Bà phải để nó làm đỡ những việc vặt cho quen đi, chứ kiểu này lớn lên, sinh lười, chẳng biết làm gì mà ăn thì khổ!” Mới đầu thì mẹ tôi còn nhẹ nhàng chống chế cho nó. Bị các cô con gái nói nhiều, mẹ tôi trở nên bực giọng. Cho đến khi bị phản ứng gay gắt thì mẹ tôi cũng bắt đầu gay gắt trở lại. Bà tru tréo: “Chúng mày không biết thương nó thì thôi, mặc kệ tao. Nó không có bố, không có mẹ, là thiệt thòi hơn chúng bạn rồi, có bù đắp cho nó một tý thì đã làm sao?” Nói rồi, bà ngồi phệt xuống đầu hè, nước mắt nước mũi, nom thật tội nghiệp. Các cô em tôi chép miệng, bất lực, chẳng ai dám nói gì nữa.

Chú Hai đi làm ăn trong Nam cũng chẳng khấm khá gì, đành quay ra Bắc. Chú về nhà với hai bàn tay trắng. Cái ba lô dạo nọ chú mang theo đã bạc phếch màu, lép kẹp, được ném vào góc phản. Chú quay sang nhìn thằng Kền. Cái nhìn của chú lúc ấy nom cứ sâu thăm thẳm. Bà nội thấy vậy, nói với thằng Kền: “Bố con đấy. Con ra chào bố đi!” Phải mất lúc sau, thằng Kền mới quen dần với bố.

Món quà duy nhất chú Hai mua cho thằng Kền là quả bóng cao su hai màu xanh đỏ. Thằng Kền cầm quả bóng bố đưa, nhìn xéo một cái rồi quăng vèo xuống đất. Quả bóng lăn long lóc vào góc sân, buồn thiu. Thằng Kền nhìn bố, nhệch mồm: “Con thích súng phun nước cơ!” Chú Hai bảo: “Chơi súng phun nước làm gì? Con trai đá bóng cho khỏe!” Thằng Kền lại nhệch môi: “Bố chẳng biết gì cả, có súng phun nước, pha mực, bắn vào áo chúng nó, sướng cực!” Chú Hai lừ mắt: “Thế là hư đấy, rồi trẻ con lại làm mất lòng người lớn!”. Thằng Kền nghe bố nói, nhè mồm ra khóc. Bà nội đang rửa rau ngoài bể, thấy vậy, có vẻ giận dỗi, nhìn chú Hai xẵng giọng: “Đi mấy năm trời mới về, không chiều chuộng nó được một tí mà đã nỏ mồm mắng chửi!” Thằng Kền nhìn bà, tay chỉ về phía bố, vừa mếu vừa nói, giọng nhão nhoét: “Bố hâm rồi!” Chú Hai lừ mắt nhìn thằng Kền rồi quay sang phía mẹ: “U làm thế, nó hư đấy!” “Mặc kệ nó, tao không khiến đứa nào chõ vào, cứ để đấy tao dạy nó!”.

Chú Hai đứng dậy, đi vào trong nhà nhưng đôi mắt vẫn không rời thằng Kền. Chú ngồi xuống ghế băng, một tay tì lên mặt bàn có mấy cái chén cọc cạch bên cạnh chiếc ấm tích sứt vòi. Cái lúc bực mình thì nói vậy thôi, chứ chú cũng thương nó lắm. Mấy năm trời ở trong Nam có lúc nào mà chú không nghĩ tới nó. Thằng Kền vẫn đứng cạnh bà nội, cũng chẳng biết nó đang cười hay đang mếu, nhưng rõ ràng, nó đang nhũng nhiễu cái gì đó với bà.

Chú Hai đưa tay vẫy vẫy: “Thôi, Kền vào đây với bố, rồi bố mua súng phun nước cho!” “Ứ thèm nữa!”. Thằng Kền nguẩy mông đít, quay sang bà nội: “Bà mua súng phun nước cho con nhé!” “Ừ, lúc nào họ đi qua đây, bà sẽ mua”. Thằng Kền toét miệng cười: “Bố hâm rồi, bà nhỉ!”.

Chú Ba ngồi lặng lẽ. Chẳng biết chú đang nghĩ gì, nhưng cứ nhìn đôi mắt của chú thì biết nỗi lòng chú đang xao xác ghê lắm.

* * *

Nhân một ngày hội làng, cả ba anh em chúng tôi rủ nhau về quê. Cũng dịp này, anh em chúng tôi càng thấu thêm về tình cảnh chú Hai mà thấy thương xót quá. Chú Hai còn gầy hơn cả hồi mới ở trong Nam về. Chú suy nghĩ nhiều lắm. Suốt ngày hút thuốc lào vã. Bã thuốc xỉ ra vừa bẩn, vừa hôi, rải rác khắp nhà. Công việc ở nông thôn ngoài mấy sào ruộng thì chẳng còn trông vào đâu để kiếm thêm được nữa.

Phải làm thế nào để giúp đỡ chú Hai? Mấy anh em chúng tôi chụm đầu tìm cách giải quyết. Cái khó nhất là chú Hai chẳng có nghề nghiệp gì. Mấy năm làm ăn trong Nam, chú cũng chỉ là chân rửa xe thuê cho một cửa hàng sửa chữa xe máy. Cũng may, những lúc rỗi việc, chú Hai lại tò mò học hỏi những người thợ sửa xe lành nghề nên cũng vọc vạch hiểu được ít nhiều về cái xe máy. Anh em chúng tôi động viên chú Hai đi học tiếp nghề này. Chú Hai ưng thuận ngay. Ba anh em chúng tôi cùng đóng góp ít nhiều tùy theo khả năng để giúp đỡ chú. Gần nửa năm sau, chú Hai đã trở thành một thợ sửa xe có tay nghề rất khá. Lại một lần nữa chú Hai rời quê hương ra đi. Lần này, chú không đi vào Nam, cũng không ra Hà Nội như mấy anh em chúng tôi tư vấn. Theo chú Hai, thuê cửa hàng ở Hà Nội đắt đỏ mà tính cạnh tranh lại rất cao, sẽ khó tồn tại. Chú tìm đến một thị trấn nhỏ phía bắc Hà Nội. Cửa hàng ở đó giá thuê vừa rẻ, vừa ít người cùng nghề. “Thằng chột làm vua xứ mù”. Chú Hai lại biết giữ gìn uy tín nên việc làm không hết. Vào thời kì ấy, đất đai nhà cửa còn khá rẻ. Chỉ sau một năm, chú Hai đã tậu được căn nhà mặt tiền, vừa để ở, vừa làm cửa hàng rất tốt. Chú Hai đầu tư trang thiết bị hiện đại, thuê thêm công nhân. Bắt đầu từ đó, công việc làm ăn của chú cứ như gặp cầu lửa. Lộc lá ùn ùn. Kinh tế gia đình cũng vì thế mà phát triển rất nhanh chóng.

* * *

Thằng Kền vẫn ở nhà với ông bà nội. Chú Hai đã mấy lần đón nó đi nhưng không thành. Thằng Kền nhất quyết không chịu. Ai cũng bảo nó đã bị bén hơi bà nội quá sâu nên không thể rời ra được. Nhân kì nghỉ hè năm ấy, chú Hai lại một lần nữa đón nó đi. Thằng Kền cứ ỉ eo, không chịu. Nhưng lần này thì chú Hai cũng nhất quyết không chịu thua nó, phải bắt nó rèn giũa, bắt nó làm quen với môi trường mới.

Độ này, thằng Kền cũng đã lớn hơn nhiều. Nhưng cũng chính vì nó lớn hơn mà lại sinh đủ thứ chuyện rắc rối khác. Nó bộc lộ rất nhiều đức tính xấu. Đặc biệt, nó ganh ghét với cô bạn gái của bố, người đã kề vai sát cánh cùng bố nó từ ngày khai sinh lập địa ở đất này. Thằng Kền tìm đủ mọi lý do để sinh sự. Bị bố mắng. Thế là nó lại đốc chứng, lại đòi về với bà nội. Chú Hai không cho nó về thì nó phá phách. Nó dọa sẽ tự ra bến ô tô để tìm đường về bà nội. Cực chẳng đã, chú Hai phải nghỉ việc đưa nó về quê. Thôi thì cũng đành, cứ để mặc cho nó trườn quẫy xung quanh cái bóng của bà nội chứ biết làm sao được!

Ít lâu sau, chú Hai thấy đã có đủ điều kiện để lập gia đình mới. Chú định bụng chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ cưới với cô bạn gái của chú. Cùng thời điểm ấy, thằng Kền đã vào học cấp ba. Hôm làm lễ cưới, thằng Kền nhất định không tới dự. Ông bà, cô gì, chú bác khuyên bảo thế nào nó cũng không nghe. Đám cưới của vợ chồng chú, cả họ không thiếu vắng ai. Thằng Kền ở nhà một mình cũng thấy buồn nên đành lân la tới chỗ mẹ đẻ. Mẹ nó không lấy chồng nhưng có thêm một thằng con trai ít hơn thằng Kền ba tuổi. Thằng Kền và đứa em cùng mẹ khác cha ghét nhau lắm. Một đứa cậy làm anh. Một đứa cậy nhà tao. Hễ nhìn thấy nhau là mặt mũi đứa nào cũng chai sắt lại như mảnh sành vỡ, chỉ muốn lao vào, chém nhau một trận cho rõ Thục, rõ Ngụy. Mẹ nó cũng khổ tâm lắm, nhưng không làm sao hòa giải được đành phải cấm cửa một đứa. Thằng Kền lủi thủi ra về. Trong lòng nuôi hận thù sâu nặng với thằng em, chỉ chờ mong có dịp để trả thù.

Sau đám cưới của bố, thằng Kền bỗng nhiên thay đổi hẳn. Thứ bảy, chủ nhật nào nó cũng về với bố. Vào tầm này thì nó đã tự đi lại được, không phải đón đưa như trước nữa. Ở trong nhà, mọi người ai cũng mừng, tưởng thằng Kền đã nghĩ lại, biết được điều hay lẽ phải. Vậy là cũng đỡ khổ cho chú Hai quá! 

Nhưng mọi người đã lầm. Thực tình, thằng Kền lên với bố không phải vì sự tiến bộ hay nghĩ lại nào cả, mà nó lên với bố là để khẳng định chủ quyền của nó trong căn nhà ấy. Nó nghênh nghênh ngang ngang, đi không thèm nói, về không thèm hỏi thím Hai tới một câu. Thật khổ cho thím Hai. Một người phụ nữ nhan sắc, nết na, chỉ vì thương chú Hai nên “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Nhiều lần, thằng Kền đã làm thím Hai phải rơi nước mắt. Mà thím Hai rơi nước mắt thì chú Hai nào có sung sướng gì, lúc nào cũng như người đang bơi giữa hai dòng nước, chỉ cần buông xuôi một tí là sẽ bị nước cuốn ngay vào dòng xoáy. Chú Hai mệt phờ. Nhiều lần, chú cũng định nói thẳng với thằng Kền, nhưng lại sợ nó giận, nó bỏ đi. Chỉ còn năm nay nữa thằng Kền sẽ thi vào Đại học, chú Hai cũng không muốn làm ảnh hưởng đến việc thi cử của nó, đành cắn răng chịu đựng.

Rồi cái việc thi cử cũng đã đến. Thằng Kền tuy có năng khiếu về Toán nhưng các môn khác lại buông lơi nên cũng chỉ đủ điểm vào cao đẳng. Những năm học cao đẳng, nó mặc sức ăn tiêu y như một tay chơi bời sành điệu ở đất Hà Thành. Chú Hai mặc nhiên phải lo chu cấp tiền cho nó. Hễ chú đáp ứng được thì nó vui vẻ, mỗi lần về chơi, nó gọi thím Hai bằng cô, xưng con ngọt xớt. Hễ trái ý thì mặt nó vênh lên như cái đít vại quá lửa. Nó trở giọng, gọi thím Hai bà bà tôi tôi, ai nghe cũng thấy chối tai. Chú Hai vì thương vợ mà đâm sợ nó, cứ phải chạy theo nó, chiều chuộng nó.

Kết quả, sau ba năm học nó bán mất ba cái xe máy. Cái nào nó cũng đưa ra lí do rất chính đáng. Chẳng hạn, cái xe đầu tiên nó bảo bị mất cắp. Đã nói đến mất cắp thì chịu cứng rồi. Chú Hai động viên nó: “Của đi thay người, con đừng suy nghĩ nhiều rồi ảnh hưởng đến học tập!” Thằng Kền cười hỉ hả. Chú Hai tức tốc mua ngay cái xe mới để bảo đảm việc đi lại, học hành cho nó. Năm thứ hai, lí do nó bán xe là để hùn vốn làm ăn chung với mấy thằng bạn, tích lũy kinh nghiệm cho mai sau. Chú Hai không được vui lắm, nhưng cũng chỉ nhẹ nhàng bảo: “Con cứ lo việc học hành cho tốt đã, ra trường hãy lo đến chuyện làm ăn!” Chú Hai lại nghiến răng chiều cậu ấm, tậu thêm cái xe thứ ba. Đến lần thứ ba bán xe thì nó bảo cần tiền để lo lót cho kì thi tốt nghiệp. Lần này thì chú Hai chịu hết nổi, chửi cho nó một trận, rồi buông xuôi, mặc kệ.

Rốt cuộc, sau ba năm thằng Kền học ở Hà Nội, kinh tế nhà chú Hai đã chẳng tích lũy được đồng nào, mà còn lâm vào tình cảnh bị sa sút nghiêm trọng.

Nhưng thế cũng vẫn chưa phải là nỗi đau nhất của chú Hai. Cái đau nhất của chú Hai là kết quả học tập của thằng Kền. Thằng Kền không lấy được bằng tốt nghiệp vì nợ điểm tới vài môn. Vác cái bằng đại học đi xin việc toác cả đầu gối cũng còn khó nữa là cái thằng cao đẳng thi trượt. Thằng Kền đành khoác túi trở về quê. Chú Hai giận quá, cắt hết mọi khoản chu cấp và cấm cửa nó. Kết cục cuối cùng, thằng Kền không còn chỗ dựa, lại tiếp tục phải sống nương nhờ vào niêu cơm của ông bà nội. Ông bà nội thì lại sống bằng tiền phụng dưỡng của bốn anh em trai chúng tôi. Đến cuối kì thi năm sau, thằng Kền không dám vác mặt về trường để trả nợ kiến thức. Nó thừa biết, các chủ nợ xung quanh trường đang rình nó, dọa nếu bắt được, sẽ xin tí tiết để trừ số tiền nó kí sổ không trả. Vậy là thằng Kền đã tự kết thúc sự nghiệp học hành từ đó, và đương nhiên, cuộc sống của nó vẫn chỉ như con gà què quẩn quanh bên cái cối xay lúa ở nơi quê nhà…

* * *

Bỗng một ngày, mẹ chúng tôi lăn ra ốm, nằm liệt giường.

Cả hai cụ khi ấy đều chín mươi mốt tuổi. Ở cái tuổi ấy, việc đau ốm cũng là chuyện bình thường thôi. Nhưng thật may, cha chúng tôi thì vẫn chưa đến nỗi nào, chưa cần đến con cháu phải hầu hạ. Cả sáu anh em chúng tôi dốc sức để chăm sóc mẹ.

Chúng tôi họp lại, phân công trách nhiệm cụ thể. Bốn ông con trai bận công tác, có nhiệm vụ lo đóng góp kinh tế. Hai cô em gái ở nhà trực tiếp chăm sóc, hầu hạ mẹ.

Lúc này, thằng Kền đã xin được việc làm. Cũng nhờ học giỏi môn Toán, một trung tâm bồi dưỡng kiến thức ngoài thị trấn đã nhận nó vào làm chân trợ giảng. Nhưng chính vì cái tưởng là may mắn này, lại hóa thành sự manh nha, sinh mâu thuẫn nặng nề với các cô em gái tôi, là cô ruột của nó. Cái trò phụ nữ nông thôn thì hay tính toán chi li. Thằng Kền tuy phá phách là thế nhưng tính nết lại keo kiệt, bủn xỉn với mọi người. Lương tháng của nó mấy triệu đồng mà vẫn không chịu đóng tiền ăn, vẫn quen thói ăn ké vào niêu cơm của ông bà nội. Các cô em chúng tôi phản ứng gay gắt lắm, nhưng hai cụ lại viện đủ lý do để bênh vực cho thằng Kền. Chú Hai thì quá giận nó, bây giờ chẳng thèm ngó ngàng gì nữa, nên vẫn không mảy may biết được sự thể. Mọi người trong nhà vừa nể, vừa sợ chú buồn nên vẫn giấu kín. Ba anh em trai chúng tôi thì chẳng để ý gì đến chuyện vài ba đồng bạc, chẳng thèm quan tâm. Người cầm quỹ và chi tiền đi chợ hàng ngày là hai cô em gái. Nếu các cô đi chợ chỉ mua đủ hai suất người già thì thương bố mẹ phải nhường phần ăn mà bị đói, nếu chi thêm suất ăn thứ ba cho thằng Kền thì ức không chịu nổi. Nhiều khi giận quá, bảo nhau mặc kệ ông bà nhưng rồi nào có thế được. Bố tôi biết chuyện, tuyên bố, sẽ không cần nhờ vả đứa nào chợ búa, cơm nước nữa. Thế là ông cụ tự đi chợ, tự nấu cơm nước. Thật muối mặt! Cũng may là chợ ở gần nhà nên cũng khá thuận lợi. Còn việc hầu hạ, giường cứt, chiếu đái cho cụ bà thì vẫn không thoát khỏi tay hai cô con gái…

Tưởng chuyện cũng chỉ đến thế thì đùng một cái, bố tôi bị ngã. Hơn chín mươi tuổi mà ngã, không bị chấn thương sọ não cũng là may mắn lắm rồi. Bố tôi nằm viện mất gần một tháng. Bắt đầu từ hôm ở bệnh viện về, chuyện trong nhà tôi đã phức tạp, bấy giờ lại càng thêm phức tạp hơn. Số là do thằng Kền vẫn chứng nào tật ấy. Bây giờ lại thêm một tật mới, quần áo nó thay ra, cứ vo tròn rồi ném vào một góc. Hôi hám bẩn thỉu quá, chịu không được, bố tôi lại lật đật chống cái nạng ra bể nước, ngồi giặt giặt, giũ giũ cho nó. Có lần hai cô em tôi nhìn thấy, giằng ra, bảo để nó tự giặt lấy. Bố tôi tự ái, buông thõng một câu nghe đầy ai oán: “Sao ông Giời không cho tôi chết đi cho nhẹ nợ, ốm mà cũng chẳng được yên thân!”. Mẹ tôi, tuy nằm đấy mà vẫn nước mắt nước mũi, cố cất lên bài ca muôn thuở để bênh vực thằng Kền.

Chúng tôi đã tính chuyện thuê người giúp việc để tìm lối thoát, nhưng lại sợ làng trên xóm dưới được thể, chan tương đổ mẻ thêm vào. Kiểu gì người ta chẳng đặt thành điều, nhà sáu anh em, không trông nom được bố mẹ mà phải thuê Osin. Cuối cùng, bốn anh em trai chúng tôi bàn nhau, góp tiền lại, mất mấy ngày thuyết phục cô em gái lớn mới chịu nhận trách nhiệm làm “Osin” chuyên nghiệp cho bố mẹ mình, kèm theo một điều kiện duy nhất, thằng Kền phải tự lo lấy bản thân nó.

Vậy là mấy anh em chúng tôi bắt đầu phải vào cuộc. Căng thẳng lắm. Hết ngọt, đến xẵng. Rồi lại ngọt. Lại xẵng. Chỉ mỗi yêu cầu rất đơn giản là thằng Kền phải tự lo cho bản thân và đóng góp ít tiền ăn cho ông bà để xoa dịu nỗi lòng cho hai cô em gái. Nhưng vẫn thế. Thằng Kền vẫn ì ra như hòn đá tảng. Chẳng trách gì mấy cô em chúng tôi suốt ngày làm mình làm mẩy. Từ trước, thằng Kền chỉ dám nói láo với các bà cô, nhưng bây giờ, nó coi tất cả ông chú bà bác, chẳng ai là cái gì hết. Chú út Thành lúc này đã được phong hàm đại tá, được cả họ nể trọng mà nói với nó cũng chỉ như bọt bóng xà phòng. Thằng Kền vẫn cãi trơn tru. Chú Út tức quá, chỉ mặt nó: “Mày là loại người đáng bỏ đi!” Nó cười nhạt toẹt: “Thế chú là cái thá gì? Chú tưởng đại tá đã to à, chỉ là cái đinh rỉ thôi!” Vậy là tất cả đều bó tay. Mọi người tuyên bố từ nó. Nó khẩy môi, cười đểu. Cho đến lúc này, chú Hai cũng đã biết chuyện. Chú buồn lắm. Một lần, chú cũng muốn ngồi với nó, cha con hàn huyên, dạy bảo đôi điều mong nó nghĩ lại. Nó nói ráo hoảnh luôn: “Chẳng có việc gì mà nói hết, việc của ai người ấy làm!” Chú Hai không thể chịu được nữa, gầm lên: “Tao cũng từ nốt cái mặt mày!” Rồi chú ôm mặt khóc tu tu như một đứa trẻ. Thằng Kền nhìn bố, mặt tỉnh bơ, xếp hai vành môi thành cái loa nhọn hoắt, lùa ra mấy câu hát: “Đời ta sẽ là anh hùng của thế giới tự do…”.

* * *

Thằng Kền đi biệt tăm sau khi nhắn tin bằng điện thoại di động cho cả sáu anh em chúng tôi, nó sẽ thuê nhà để ở riêng. Việc thằng Kền thuê nhà ở riêng, cả sáu anh em chúng tôi đều hỉ hả, mừng rỡ. Vậy là thằng Kền đã có ý thức tự lập rồi. Nhất là hai cô em gái tôi thì khỏi phải nói, đi ra cũng cười, đi vào cũng cười, bởi từ nay đã thoát được cái cục nợ đeo nặng chịch trên cổ tưởng đã thành cố tật.

Thế rồi chừng nửa năm sau, bỗng một ngày, cả làng, cả xã, cả huyện nhà tôi rộ lên cái tin thằng Kền bị bắt. Trong thời gian thằng Kền làm trợ giảng, nó đã tụ tập toàn những đứa học trò bất hảo, rồi lập ra một nhóm đi ăn cướp do nó cầm đầu.

Chỉ thương hai cụ nhà tôi. Việc thằng Kền bỏ nhà đi đã làm cho hai cụ đau khổ, vật vã. Lại thêm cụ ông nằm bệt cùng cụ bà, vừa nhúc nhắc đi lại được một tý, cái tin thằng Kền bị bắt đã làm cho ông cụ quỵ hẳn…

Và thương cả chú Hai nhà tôi nữa, người gày đét như que củi, hai con mắt thiếu ngủ thâm quầng, sâu hoắm. Chú quay lại cái tật hút thuốc lào vã. Cái tật hút thuốc lào vã ấy đã sinh ra từ ngày chú mới ở trong Nam trở về…

 

T.Đ

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 31 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 29 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 22 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem