Dì Lại

Thứ ba, ngày 17-10-2023, 09:50| 597 lượt xem

Thèn Hương

 

 

Minh họa của Quảng Tâm

 

 

Dì Lại - cả làng, cả xã tôi, xã bạn đều gọi dì với cái tên thân thương, trìu mến như vậy. Dì là một nông dân chính hiệu như bao nông dân khác. Chồng mất sớm, dì ở vậy  nuôi cả đàn con tám đứa, trong đó có duy nhất một mụn con gái tên là Thức học cùng tôi.

Dì nhỏ bé nhưng trời phú cho sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn ít ai bì kịp. Sống với xóm giềng, cách ứng xử của dì chỉ nhận được lời ca ngợi, tuyệt chưa thấy ai chê bai nói xấu dì một lời. Điều đặc biệt nhất ở dì: Dì làm BÀ ĐỠ. Dì làm công việc ấy tự nguyện, như là bổn phận trời ban. Dù đang làm đồng, dù nửa đêm gà gáy, nắng hay mưa, dù suối đang lũ, cứ ai gọi là dì tức tốc mang tay nải đồ nghề chạy tới đỡ đẻ.

Thời ấy, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, bệnh viện huyện cách xa 25km, trạm y tế xã cũng xa mà chắc gì đã có ai trực, vậy nên trong làng, ngoài xã đều nhờ cậy đến dì. Đồ nghề của dì rất đơn giản, chỉ có sợi vải, vải, cật nứa dùng thay dao để cắt cuống rốn, buộc rốn đứa trẻ. Khi bà bầu trở dạ, dì sai người nhà chuẩn bị nồi nước to, bỏ chút muối để sát trùng đồ nghề và rửa ráy cho sản phụ. Dì xác định ngôi thai, động viên sản phụ trấn tĩnh, rồi làm theo lời dì nói, hít thở như thế nào, nín hơi để rặn đẻ ra sao... chẳng khác gì bác sĩ. Bên bếp lửa giữa nhà sàn, mọi người ngồi quây quần, nóng lòng chờ đợi. Trong buồng, dì và sản phụ "tự biên tự diễn", chờ khi tiếng khóc oe oe của đứa trẻ cất lên, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Đỡ đẻ xong, có người trả công dì bằng cân gạo, hay một rổ khoai, sắn... bất kì, tuỳ tâm của gia chủ. Cũng có gia đình nghèo, chẳng có gì để biếu, dì vẫn cứ bổn phận mà làm với cả tấm lòng. Giữa cái thời bộn bề khó khăn, thiếu thốn ấy, không hiểu do y thuật của dì cao siêu, hay có thần linh phù hộ, mà hầu hết các mẹ, các chị qua tay dì đều vượt cạn thành công. Chưa từng có việc sản phụ sót rau, băng huyết hay bất kì biến chứng nào khác. Mẹ đã tròn, con cũng vuông. Trẻ lọt lòng khỏe mạnh, tuyệt không đứa nào bị sứt mẻ hay bị ngạt khí. Dân làng chẳng ai nhớ dì đỡ cho bao nhiêu đứa trẻ chào đời, hẳn con số phải lên tới hàng trăm, chớ chẳng ít.

Trong số sản phụ đó có mẹ tôi. Trừ tôi sinh ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), còn em trai, em gái tôi đều do dì Lại đỡ. Em gái sinh cách tôi sáu tuổi và em trai cách tôi chín tuổi, dẫu sao tôi vẫn cảm nhận được không khí lúc đó. Mẹ tôi sinh hai em đều vào quãng 10 giờ đêm. Khi có người đi gọi, dì Lại tức tốc đến, rồi bắt tay ngay vào việc. Bố tôi dù từng là y tá cứu thương hồi Chiến tranh biên giới ở mặt trận Hoàng Su Phì - Xín Mần, vẫn cứ lóng nga lóng ngóng vào thời khắc ấy, chỉ biết đi đi lại lại và làm chân "sai vặt" cho dì Lại.

Hai đứa em cách tôi khá xa, nên tôi là người trông nom chúng. Mẹ tôi cũng nhờ một số người chị con bác ra thay phiên giúp tôi trông em. Có bận tôi bế em gái rồi bước hụt làm em ngã vào đám đất mục, bụi lem đầy mặt, khóc váng lên thương ơi là thương. Dì Lại đi qua thấy vậy bế em ra giếng rửa mặt sạch sẽ, rồi vỗ nhè nhẹ, chỉ vài phút em đã ngủ ngoan trên tay dì.

Công việc của dì Lại vẫn đều đều như thế, mãi sau này Trạm y tế xã được xây dựng khang trang, có bác sĩ trực ngày đêm, dì Lại cũng đã luống tuổi, mọi người mới đưa sản phụ đi đẻ tại Trạm y tế xã.

Ngoài đỡ đẻ cừ khôi, dì Lại còn biết nấu rượu hoẵng, làm bánh và chế biến nhiều món ngon. Dì biết lấy một số loại thuốc nam, trong đó có thuốc bổ khí huyết, chữa băng huyết cho bà đẻ. Có hai lần tôi được ăn món ăn của dì làm, mà hương vị đến giờ vẫn nhớ mãi. Một lần, dì biếu nhà tôi ít bánh bột lọc lọc từ củ sắn. Miếng bánh được làm từ tinh bột sắn lọc trong veo, trộn mật sóng sánh, sao mà ngon đến thế. Ngon hơn tất cả các loại bánh làm từ gạo nếp dẻo thơm sau này tôi được ăn. Chắc đây là công thức của riêng dì, hoặc làm món này kì công quá nên người khác ngại làm, tôi cũng chẳng được ăn thêm món bánh này một lần nào nữa. Lần thứ hai, tôi được ăn - có thể nói đó bữa ăn ngon nhất trên đời, cũng do dì nấu. Năm ấy tôi và Thức, con gái dì ôn thi tốt nghiệp lớp chín, học cả ngày trên trường. Do trường cách xa nhà hơn bốn cây số, lại phải đi bộ nên cả lớp nắm cơm theo để ăn trưa rồi chiều học luôn. Bữa ấy, Thức mở gói cơm và thức ăn ra. Thức ăn đơn giản chỉ gồm những miếng gừng và nghệ thái mỏng. Thức bảo tối qua nhà thịt gà, mẹ xào với gừng nghệ, nhưng thịt đã hết, hôm nay gói theo số gừng nghệ còn lại để ăn kèm cơm. Thức chia cho tôi và mỗi người vài miếng nhỏ. Tan học muộn, đang cơn đói cồn cào, được ăn cơm nắm kèm với món ấy sao mà ngon đến thế. Miếng gừng, nghệ thái mỏng hoà quyện với nước thịt gà, dậy mùi vị thơm ngon khó tả. Tôi ăn ngon lành. Ăn hết vẫn còn thèm. Dự vị như còn đọng ở đầu lưỡi tôi đến tận hôm nay.

Dì Lại giờ đã gần tám mươi tuổi, phải chạy thận để duy trì sự sống. Tôi đến thăm, nắm bàn tay gầy guộc của dì mà xúc động khôn tả. Đôi bàn tay nhỏ bé, tài hoa ấy, đã nâng đã đỡ biết bao sinh linh bé bỏng chào đời. Đôi bàn tay ấy nắm giữ sinh tử của bao mạng người. Dù gầy còn da bọc xương, nhưng dì vẫn minh mẫn. Dì kể, cũng có nhiều ca khó, thai ngược, thai ngang, có đứa tay, chân thò ra trước, nhưng với kinh nghiệm và sự may mắn, dì đều xử lí thành công. Dì còn có một điều đặc biệt khác là luôn yêu quý và bênh vực con dâu hết nhẽ. Hễ vợ chồng con cái khúc mắc, dì luôn nạt con trai trước rồi mới khuyên bảo con dâu. Con gái lấy chồng mãi Tây Ninh, con dâu ở gần, dì quý như con đẻ.

Tạm biệt dì, nước mắt trào dâng. Tôi cầu mong điều kì diệu xảy đến với dì, dù biết điều đó là không thể.

T.H

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 33 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 31 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 27 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 3 lượt xem