Củ mài đá

Thứ năm, ngày 23-03-2023, 09:45| 1.155 lượt xem

“Ở Phiêng An, khi những chiếc thuổng được rèn thật sắc để chờ mầm củ mài mới nhú lên khỏi mặt đất, người già lại kể cho con cháu trong nhà nghe chuyện “Củ mài đá” kết tinh của tinh hoa của rừng, của núi" là phương thuốc thần có thể chữa mọi loại bệnh, đem lại sự may mắn cho người nào tìm thấy.

Phiêng An năm nay cái đói đến nhanh hơn mọi năm, cả bản chẳng còn mấy nhà có thóc đầy treo trên kèo nhà như ông Quan, nhiều nhà đã phải độn sắn ăn từ sau Tết. Mới đầu mùa củ mài nhưng khắp các khu rừng đã nhộn nhịp người vác thuổng, đeo dao tỏa đi các hướng, khuôn mặt ai cũng cúi gằm, tay rẽ những lớp lá, nghiêng mắt tìm những dây leo màu xanh có chấm sắc, gặp người quen cũng chỉ hỏi vài câu rồi có tìm nơi chưa ai đến.

Nhà thằng Nhất đi đào củ mài từ lúc dây mới lên bằng một gang tay người lớn. Cái thuổng của nó to hơn bàn tay, cán dài hơn người, gặp được củ to, nó phải đào cho bằng hết thì thôi. Người Phiêng An bảo, chẳng may có trâu rơi xuống hố thằng Nhất đào phải có hai con mới lấp đầy hố. Thế nhưng cái nghèo vẫn bám riết hai mẹ con Nhất, con ma đói đã lấy dần vía của người mẹ già nên lúc nào bà cũng chỉ sợ thằng con duy nhất đi rừng không biết đường về. Ngày trước, khi rừng còn đủ rộng, thú rừng còn nhiều, Nhất chăm đi bẫy có lúc được cầy hương, lửng… bán ở chợ phiên đủ để đong gạo, số thú rừng bé hơn để ở nhà nấu canh gừng cho mẹ, nhờ đó mà bà Nải vẫn còn đủ sức đốt đuốc lên tận đầu dốc Kéo Linh đón con. Nhưng mãi rồi thú rừng cũng hết, những bữa ăn không có gạo, không có thịt canh gừng ăn ngày càng ít.

Lần ốm này thì bà Nải yếu hẳn nên chỉ ở nhà làm mấy việc vặt. Rồi đến cái nóng đầu mùa hè càng khiến bà mệt hơn, cả ngày chỉ nằm trên giường thều thào những câu chẳng rõ tiếng. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đặt lên vai con, cũng may mấy hôm nay có Phin sang giúp trông, nên Nhất còn vác thuổng lên rừng đào củ mài cả ngày được. Yêu nhau đã mấy năm nhưng Nhất vẫn chưa có bạc trắng, sính lễ đưa Phin về cùng một nhà. Ở Phiêng An này, nhiều nhà cũng đều có con lớn nhưng chẳng thể lo cho chúng nên vợ nên chồng. Khi cái bụng chưa no được thì lấy vợ về cũng chỉ lấy thêm cái đói mang về thôi. Nhất và Phin đều hiểu, người Phiêng An ai cũng hiểu chuyện ấy nên từ lâu, Phin tự coi mình là dâu trong nhà Nhất, mùa tra lúa hay mùa lấy củi Tết cô đều sang giúp. Mấy hôm nay bà Nải yếu lắm nên Phin sang ở hẳn, bố mẹ cô không nói gì, họ cũng thương thằng Nhất chịu khó, hiếu thảo nên có miếng ăn ngon giục con đem phần sang cho bà...

Khất mấy năm rồi nên đầu năm nay nhà Nhất cố làm lễ giải hạn cho cả nhà. Đàn gà trong chuồng chẳng có ngô ăn nên con nào cũng gầy nhẳng, Nhất phải mang hai con sang nhà ông Quan mới đổi được con gà trống gáy để làm lễ. Vừa xong lễ hôm trước, hôm sau, bà Nải cũng đi lại quanh giường được vài bước, Nhất nhìn thấy vậy cũng vui. Bà Nải nhìn con rồi thở dài, quay đi gạt giọt nước mắt đang len qua những nếp nhăn đi khắp khuôn mặt, bà biết bệnh của mình chứ, mấy hôm nay trời đỡ nắng hơn nên bà cố đi lại một chút cho con trai yên tâm. Mời thầy cúng về chỉ tốn gà, tốn gạo thôi, bà tin thầy nhưng bà biết bệnh của mình nặng rồi. Mấy đêm liền cứ chợp mắt là bà lại nhìn thấy ông, chắc ông muốn đưa bà đến nơi không còn cái đói, cái khổ hành hạ nhưng bà chưa nỡ đi, người sống có nhiều cái lo hơn kiến đen trong rừng, chỉ khi chết mới hết thôi, thằng Nhất chưa cưới được cái Phin bà không yên tâm đi với ông.

Tối hôm đó, khi mẹ đã thiếp đi được chút ít Nhất gọi Phin ra ngoài sàn ngồi. Ánh trăng soi rõ khuôn mặt mất ngủ của người yêu khiến Nhất thở dài mấy lần.

- Mày có chuyện gì à?

- Mẹ ốm nặng có lẽ tôi phải lên rừng tìm thuốc thần thôi.

- Thuốc gì thế?

- Hôm trước thầy Kim Sân làm lễ xong, kể về củ mài đá, cây thần chữa được mọi loại bệnh?

Phin nhìn người yêu, lặng lẽ gật đầu. Lời thầy Kim Sân có lẽ đúng, Phin cũng nghe chuyện người già kể về cây củ mài mọc ra từ đá, trải qua hàng trăm năm hút khí trời đất mà thành củ, thành thuốc. Nhưng ở Phiêng An này, chưa có ai từng nghĩ đến việc đi tìm, bởi tìm củ mài thường để ăn no cái bụng đã là việc mất cả ngày rồi, ai còn có thể nghĩ đến thuốc thần. 

- Đi đi, mẹ để tôi chăm sóc.

Nhất nắm chặt lấy đôi tay Phin áp vào ngực mình, cô ghé vào vai anh hát thủ thỉ mấy bài Páo dung buồn, lời ca nói về những nơi đẹp ở khắp các ngọn núi khu rừng  chẳng nhắc đến cái nghèo, cái khổ nhưng vẫn như những mũi kim châm Nhất, trong đầu anh giờ đây chỉ còn ý nghĩ về cây thần và cũng mơ hồ như những cảnh đẹp của lời Páo dung.

Ngày hôm sau khi gà mới gáy lần hai đã thấy Nhất cầm túi nải, dắt theo con dao, vác thuổng ra khỏi nhà. Trước khi đi anh ghé qua giường thấy mẹ thở đều đều nên yên tâm hơn. Vừa ra đến đường lớn đã thấy Phin đứng đó đợi từ khi nào, trên tay cầm gói cơm nắm bằng hai bàn tay người lớn.

- Mày định tìm ở đâu?

- Chắc sang bên Khuổi Đăm, bên đó có nhiều củ mài, nhiều núi đá.

- Đi đi, đừng lo chuyện ở nhà!

Nhất nhìn người yêu, định nói thêm nhưng kìm lại được. Phin nhìn theo ánh đuốc hướng về phía Khuổi Đăm mờ dần, mờ dần…

Ba hôm rồi, Nhất đã đi khắp các núi đá ở Khuổi Đăm, những nơi có thể tìm đến đều có dấu chân của Nhất, không còn cơm để gói nữa, nhà Phin cũng đã phải đi ăn củ mài rồi. Nhất đi khắp các rừng, đói thì đào củ mài nướng ăn, nghỉ ngơi một lát rồi lại đi. Đến tối, khi đàn gà rừng không còn gáy, lũ cú kêu khắp rừng Nhất mới chịu đốt đuốc ra về. Bà Nải mấy hôm nay, chiều nào cũng cố ra hiên nhà ngóng con về, đôi mắt bà mờ hơn không còn nhìn thấy ánh đuốc của Nhất ở tận đèo Kéo Linh nữa, chỉ khi nghe thấy tiếng bước chân của con đến bụi tre gần nhà, bà mới chịu đi vào.

- Ngày mai chắc tôi phải đi xa hơn để tìm thôi, có lẽ sẽ ngủ lại rừng. Nhất ghé vào tai Phin như sợ mẹ nghe thấy.

- Mày định sang tận đâu?

- Có lẽ phải đi tận Lủng Căm thôi.

Lủng Căm, khu rừng già cuối cùng ở Phiêng An, ở đây có nhiều củ mài to lắm nhưng đi quá xa nên chỉ khi gần cuối mùa mới có người sang đó đào. Năm nay khi những khu rừng gần đã phát hết nhiều người mới chuyển sang đây để làm nương, rừng già đã bị mất đi quá nửa. Nhà Nhất cũng phát được một bãi nhưng chưa đốt được thì mẹ ốm nặng, mấy trận mưa nữa nương sẽ chẳng đốt được nữa. Phía trên nương là núi Pù Toòng, Nhất định tìm ở đó trước vì trên núi có một cái hang khá lớn có thể ở lại.

Mất hơn một buổi mới đến Lủng Căm, Nhất quyết định sẽ đi tìm ở gần để buổi tối kịp về hang. Anh đi khắp núi Pù Toòng, những vách đá dựng đứng, những nơi nào cây có thể mọc anh đều tìm đến. Đôi chân anh từ trước đến giờ có thể chạy cả ngày đuổi thú nhưng giờ đây cũng mỏi, đôi tay bám nhiều vào vách đá giờ bật máu. Buổi tối Nhất vào trong hang nghỉ, mấy khúc củ mài nướng chín đã nguội từ lúc nào. Lũ chuột hang thấy có ánh lửa chẳng dám chui ra ngoài kêu chít chít bên trong. Nhất ngồi chẳng buồn ăn, mắt nhìn chằm chằm vào ngọn lửa rồi lại hướng về phía Phiêng An nhưng nơi ấy chỉ là một màu đen của bóng đêm. Giờ này không biết mẹ và Phin thế nào rồi? Thấy con không về chắc vẫn đứng ở hiên nhà đợi. Bất giác Nhất ứa nước mắt nhưng lau đi ngay dù chẳng có ai ở cạnh.

Minh họa của Tân Hà

 

Mới sáng tinh mơ Nhất đã dậy chuẩn bị lên đường, ăn vội mấy khúc củ mài nguội từ hôm qua, định uống ngụm nước nhưng bình nước quên đậy nắp nên bị lũ chuột làm đổ hết. Giờ muốn lấy nước phải quay lại dưới chân núi cả đi cả về cũng mất nửa buổi. Nhất gào lên, âm thanh vang lớn, mấy thanh củi vô tri bỗng chốc bay tứ tung khắp hang, đến lúc mệt, anh ngồi thừ ra, chân tay chẳng muốn động, trái tim như bị bóp nghẹt chẳng còn tiếng đập. Anh tựa lưng vào đá, mắt nhắm nghiền, những giọt nước mắt chảy dài trên má.

- “Tách!”...

Âm thanh rất nhỏ khiến Nhất chú ý.

- “Tách!”...

Không phải bên ngoài mưa, hình như âm thanh vọng từ bên trong hang đá. Nhất lau nước mắt, lấy mấy thanh vầu chẻ thành đuốc rồi tìm xung quanh với hy vọng có nước chảy từ những nhũ đá. Nhất đốt đuốc soi rõ từng vách đá, ánh lửa chiếu lên phía trên nhưng tất cả đều khô cong. Đi tiếp đến cuối hang, ánh đuốc bỗng chập chờn vì gió thổi, anh tiến lại gần. Thì ra, ở dưới nhũ đá có một lỗ khá lớn đủ cho người lớn có thể chui vào bên trong, Nhất đưa đuốc soi vào, bây giờ tiếng nước nghe rõ hơn. “Chắc phải chui vào bên trong lấy nước thôi” nghĩ vậy anh quay lại tìm bình nước.

Lỗ chỉ vừa người bò vào nên Nhất phải đưa đuốc ra trước mặt, khói bay theo hướng gió táp thẳng vào mặt khiến mắt anh cay xè. Đi được một quãng ngắn mới thấy có ánh sáng mờ mờ, lúc này tiếng nước nghe càng rõ hơn. Nhất bò thêm một đoạn thì lối vào rộng dần. Nhất giật mình, hang bên trong còn rộng hơn cả bên ngoài, có lẽ đây là nơi chưa ai từng đặt chân đến. Những giọt nước từ nhũ đá chảy xuống phía dưới tạo thành một vũng nước to bằng cái chậu, một lỗ thủng từ bên trên đưa ánh sáng chiếu xuống mỏm đá cao nhất ở đó. Trên đỉnh, nơi có ánh sáng chiếu thẳng xuống Nhất nhìn thấy có một mầm cây nhỏ, tò mò anh trèo lên nhưng đá mềm khiến anh không bám vào được. Hình như có điều gì thôi thúc anh phải trèo lên đó, mầm cây ấy là điểm khác lạ nhất ở hang đá này. Sau mấy lần cố gắng, anh đã trèo lên được mỏm đá, con mắt anh mở to khi nhìn thấy mầm cây ấy là một dây giống hệt dây củ mài nhưng có màu vàng nhạt. Dùng tay moi lớp đất đen ở khe nứt của mỏm đá, Nhất đã thấy có - củ ở phía dưới, anh vội trèo xuống rồi chui nhanh ra ngoài lấy cái thuổng.

Mỏm đá tuy bên ngoài là lớp vôi mềm nhưng bên trong là đá xanh cứng. Những vết nứt khá lớn chia mỏm đá thành từng tảng, ở giữa là lớp đất đen, dây củ mài mọc lên từ đó. Nhất cố hết sức dùng cán thuổng bẩy từng chút từng chút đá. Không biết đã mất bao lâu, chỉ biết rằng ánh sáng duy nhất chiếu từ bên trên càng lúc càng rõ hơn, đôi tay Nhất đã mỏi, bàn tay đã tóe máu, cán thuổng đã gẫy mấy đoạn, con dao gõ vào đá cũng đã mẻ. Củ dần dần lộ ra, lúc đầu bằng ngón tay út rồi to dần bằng ngón chân cái, được chừng ba gang tay thì hết, Nhất cho nhanh vào túi nải, vơ lấy bình nước rồi băng băng chạy về Phiêng An.

Nhìn thấy đôi tay con bà Nải mắt rưng rưng cố nuốt những thìa cháo nấu bằng củ mài đá từ tay Phin, nhiều người xì xào bàn tán, có người khẳng định rằng củ mài đá không khác nhiều so với củ mài hàng ngày người Phiêng An vẫn ăn. Chắc đây chỉ là củ mài mọc ở đá chứ không thể là thuốc thần như chuyện người già kể nhưng chẳng ai để những lời ấy đến tai bà Nải, thằng Nhất. Ba hôm sau khi cả bản thấy bà Nải đi lại quanh nhà thì mọi người lại tin rằng đó chính là cây thuốc thần. Nhiều người đã tìm đến cái hang nhưng chẳng ai thấy có lối đi nào vào bên trong.

Bà Nải khỏi bệnh được ba tháng thì Nhất cưới Phin, đám cưới không tổ chức to nhưng có đầy đủ hàng xóm, họ hàng đến chia vui. Một năm sau bà Nải mất khi con trai Nhất tròn năm tháng tuổi.

Mấy năm sau nữa Phiêng An có trận lũ lớn, những khoảng rừng bị mất đi không giữ nổi nước từ khắp nơi đổ về, núi Pù Toòng bị sập một đoạn lớn, hang đá cũng bị lấp chẳng còn dấu vết.

T.H.G

Triệu Hoàng Giang

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Đồ tể

20-11-2023| 363 lượt xem

Chuyện NGỤ NGÔN

20-03-2023| 1.189 lượt xem

Thơ

Về núi gặp mình

14-03-2024| 65 lượt xem

Nòng nọc đứt đuôi

14-03-2024| 69 lượt xem

Sự tích hoa hoang đường

14-03-2024| 75 lượt xem

Những người đàn ông ba hoa

06-03-2024| 49 lượt xem

Yên Sơn một vùng quê

29-02-2024| 67 lượt xem