Chuyện Hội, chuyện báo, chuyện văn

Thứ ba, ngày 14-12-2021, 14:41| 866 lượt xem

Tôi có ba năm công tác Hội chuyên trách. Sau đó là nhà thơ Mai Liễu rồi nhà văn Trịnh Thanh Phong. Quãng thời gian không ngắn, không dài, mà kể một lần không hết chuyện. Xin thể tất cho. Nếu không kể lúc này, sẽ chẳng còn thời gian. Bởi đã thoảng nghe đâu đây tiếng nghệ sỹ múa kiêm nhạc sỹ Vương Ngọc Vấn; họa sỹ Quốc Kứu, Văn Làn, Mạnh Đức; nghệ sỹ nhiếp ảnh Hải Hà, nhà văn Đinh Công Diệp, Nguyễn Trọng Hùng; nhà thơ Gia Dũng, Mai Liễu… và của những hội viên đã sớm đi xa.

 

Đói, đầu gối phải bò

Những năm tám mươi thế kỷ trước, đổi mới ở chặng đường đầu, khó khăn túng thiếu đủ bề. Tháng Tám đói qua, tháng Ba đói chết, bàn nhau đánh chiếc xe ọc ạch phải quay ma-ni-ven mỗi khi khởi động đi Công Đa - quê nhà thơ Mai Liễu xin sắn roài đem về chia nhau ăn thay cơm. 

Cây sắn làm cọc rào sinh củ gọi là sắn roài. Củ rất to, chất bột ít, ăn sường sượng và khó nuốt. Nhưng có cái ăn là vui rồi.

Chuyện một bài vè

Theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “Tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Anh em bèn bảo nhau thuê máy, thuê phim của Văn hóa đi “chiếu vi-đi-ô”. Chuyên môn mờ tịt, điện đóm, dây nhợ, băng hình, rọ rạch mãi buổi chiếu mới được bắt đầu. Nhà văn Đinh Công Diệp đứng soát vé. Tính cả nể, thương trẻ, ông cho vào tùm lum. Mãi chẳng thấy hình lên, la ó, ném đá. Vội hò nhau cuốn dây vác máy… chạy.      

Tháng Giêng, tháng Hai, đã cuối mùa, biết cam mau hư, lại tính đi buôn. Chạy lên Hàm Yên, mua đầy một xe cam. Đến Việt Trì trời tối, hỏi thăm nhà nhạc phụ thầy Trần Mạnh Tiến xin ngủ nhờ. Sáng hôm sau đi tiếp đem bán tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng ở quận Đống Đa. Chẳng biết, lỗ, lãi hay hòa vốn.

Nghe tôi kể, cơ quan có chàng rể thạo mổ lợn, (là anh Bằng, chồng cô Xuyến kế toán), bà chị gái bảo: Có con lợn nái hết đát, cậu đem lên mổ mà bán, trả tiền sau. Liền đánh “con ngựa sắt” chạy 60 cây số về bắt lợn, nhờ chàng rể ra tay. Con lợn to, hai cô nhân viên ngồi chợ bán hai ngày mới hết. Không dám chia dù một lạng thịt gọi là có. Trông chờ nhất bữa lòng. Thầy Trần Mạnh Tiến - Hội viên, giờ ông đã có học hàm giáo sư, hăng hái nhận chân trông nồi lòng luộc. Chưa từng  làm việc ấy bao giờ, thầy đun lửa to, nước sôi ùng ục, dồi vỡ tung ra hết. Lại thêm anh Bằng lúc chọc tiết cho muối quá tay. Thành thử cả một nồi lòng, bỏ thì tiếc, ăn thì mặn chát.

Sau ba “sự kiện” trên lưu hành bài vè: Mở đầu vỡ quả Vi-ô. Thứ hai cam thối, thứ ba lợn sề...

Bài vè còn câu cuối vận vào tôi: Có ông chủ tịch nắng mưa mặc lòng. Quả thật 50 tuổi tôi mới được nhận quản lý một cơ quan, chưa đến mười biên chế, kinh nghiệm chưa có bao nhiêu, nên thường đưa ra quyết định theo cảm tính. Là thủ trưởng cơ quan nhưng tôi giao nhà thơ Mai Liễu làm chủ tài khoản. Ông đi học trường Nguyễn Ái Quốc dài hạn, chủ tài khoản chuyển giao cho họa sỹ Quốc Kứu.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hải Hà - trước đây công tác ở cơ quan an ninh bảo:

-  Phù Ninh, cậu phải báo công an điều tra xem ai là tác giả bài vè. 

Mời ông uống nước, rồi tôi nói:

- Thưa, bài vè mà nghệ sĩ vừa nhắc là văn chương dân gian hiện đại, nên khuyến khích, sao phải điều tra. Văn chương dân gian truyền miệng thì biết ai là tác giả. 

Nghe xong, ông đứng lên ra về, không nói thêm câu nào. 

Ai còn nhớ xin chép ra đọc cho vui.

Công trường của Pôn-Pốt à?

Nhờ có ý kiến của ông Đặng Quang Tiết, Trưởng Ban Tuyên giáo và ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hội được nhận một căn nhà cấp bốn, nguyên là lớp học của Trường cấp ba Tân Trào, đang do Sở Văn hóa sử dụng. 

Đường lên những cấp nhà phía trên chạy qua mặt trước căn nhà “mới” của hội. Ta luy dương khá cao, có chỗ đến ba mét, nguy cơ sạt lở có thể đổ nhà.

Ông Trần Văn Tam - hội viên - kiến trúc sư,  Giám đốc Nhà máy Xi măng Tràng Đà, tặng Hội một tấn xi măng. Bảo nhau tự xây, tát nước theo mưa, đảo ngói căn nhà. Sáng sáng, đến giờ làm việc thay vì ngồi trước bàn, mọi người ra “công trường”  khuôn đá, đánh vữa, xây kè, làm cật lực. Nhà văn Trung Trung Đỉnh (Hà Nội) đi thực tế vùng cao, giúp Hội làm tập san nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Ngành Ngân hàng. Thấy cảnh lao động nặng nhọc, đứng trước “công trường” nhà văn quát to:

- Ở đây là công trường của Pôn-Pốt à?

Không ai đáp. Lúc sau, cười độ lượng, ông nói:   

- Là lính, trải nguy hiểm, gian khổ, nhưng lao động khổ sai kiểu này thì chưa.

 Nói rồi ông đứng vào hàng chuyển đá cùng mọi người.

Nhà phê bình văn chương Triệu Đăng Khoa, nhân viên đánh máy Vũ Thị Thành sau cũng là tác giả thơ hóa ra là người giỏi lao động chân tay, rất thạo việc.

Đi xem lĩnh tiền

Chắc chỉ có mình tôi làm cái việc lạ đời này. Gần Tết Nguyên đán, ngân hàng thường khan tiền mặt. Cơ quan, đơn vị quan trọng, đông người được ưu tiên lãnh trước, chuyện đương nhiên. Văn phòng Hội Văn Nghệ có nghệ sĩ Vương Ngọc Vấn, dân tộc Lô Lô, quê ở Đồng Văn rất hoàn cảnh, ba mẹ con ở nửa gian nhà tập thể. Tết, ai chả muốn về quê. Lương chưa được lĩnh, tiền đâu mua vé xe, hai chặng. Đề nghị, chắc chẳng ai xét. Tôi bèn ra ngân hàng, kiếm chiếc ghế ngồi đối diện với bà Giám đốc, tất nhiên là bên ngoài ghi xê. Bà Giám đốc tên Hồng, người cao to chăm chú vào tài liệu đặt trước mặt. Tuy nhiên lâu lâu bà ngước mắt lên và nhìn thấy tôi.   

Vài lần như thế, bà hỏi:

- Anh Phù Ninh ra đây làm gì thế?

 - Tôi ra xem lĩnh tiền.

Lạnh lùng làm việc tiếp. Lúc sau, ngửng lên, bà nói:

- Anh về đi, bảo thủ quỹ ra mà lĩnh tiền.

Gia đình nghệ sỹ Vương Ngọc Vấn về quê trước Tết một tuần. 

Phát biểu bằng văn bản

 Được nhà giáo Nguyễn Đình Kiền chuyên viên văn xã thông tin là sẽ có cuộc họp bàn thực hiện chủ trương sắp xếp báo chí. Sắp xếp thì sẽ có tờ báo, tạp chí, tập san ngừng xuất bản. Rất lo lắng nếu trong đó có Báo Tân Trào.

 Không lâu sau, cuộc họp diễn ra tại phòng 6B, trụ sở UBND tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch Vù Mí Kẻ chủ trì. Người chủ trì nói lý do xong, ông Hùng Đình Quý, Giám đốc Sở Văn hóa nói:

- Anh Phù Ninh phát biểu trước đi. 

Mừng quá, tôi đứng ngay dậy, không nói vo, mà đọc bài viết chuẩn bị từ trước với  tiêu đề: Sự cần thiết phải có tờ báo đối với Hội Văn Nghệ. Lập luận chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, câu cú mạch lạc và giọng đọc đầy bức xúc, khiến mọi người ngỡ ngàng và lắng nghe.

Lần lượt người đứng đầu các báo, tạp chí, tập san khác phát biểu bảo vệ ấn phẩm thường kỳ của cơ quan mình. Thật ra, việc đó không quá cấp thiết đối với cơ quan họ, người đứng đầu không chuẩn bị trước thành ra phần nhiều phát biểu vòng vo, không được chủ tọa và người nghe chú ý. Một phần, các vị có vẻ hơi choáng do cách phát biểu bằng đọc văn bản chưa từng thấy trong cuộc họp nào.

Sau đó, trong số các báo, tạp chí, tập san đưa ra cân nhắc, duy nhất  Báo Tân Trào được tiếp tục xuất bản. 

Đi bán báo lúc 5 giờ sáng

Bảo đảm xuất bản báo định kỳ, chúng tôi thỉnh thoảng phối hợp ngành, huyện ra đặc san, chuyên trang. Nhân Huyện ủy Hàm Yên có nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng - Một nghị quyết sau này được đánh giá là đúng lúc, đem lại hiệu quả - Tân Trào ra chuyên trang Hàm Yên về nghị quyết này.

Sắp có kỳ họp của  Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, hôm đó 5 giờ sáng tôi đèo 500 bản số báo chuyên trang guồng chân đạp lên thị trấn Tân Yên. Dựng xe vào cột cờ sân trụ sở Huyện ủy thì vừa lúc cửa mở. Báo đến đúng hẹn theo hợp đồng.

11 giờ 30 ngày 30 tháng 4

Trước đó, Sở Văn hóa, bây giờ là Sở Thông tin - Truyền thông  được phân quyền cấp loại giấy phép “xuất bản nhất thời”, tức là xuất bản một lần, lưu hành trong phạm vị địa phương. Báo Tân Trào cũng vậy. Khi có Luật Báo chí, thì cơ quan báo chí phải có giấy phép xuất bản định kỳ do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp.

Bấy giờ, Bộ Thông tin đã sát nhập với Bộ Văn hóa, nhưng ông Phan Hiền - Thứ Trưởng phụ trách báo chí vẫn làm việc ở trụ sở Bộ Thông tin. Nhà thơ Nguyễn Tuấn và tôi một ngày đi đi lại lại mấy lần đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin.  Đúng 11h 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1989 mới lấy được chữ ký.

Mấy năm gian khó, hội viên, cán bộ nhân viên văn phòng đều nhiệt tình ủng hộ, chung lòng, chung sức làm việc. Một lần lên Tuyên Quang, trước đại hội, nhà thơ Huy Cận, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nói vui: “Tôi không phù thịnh, không phù suy, chỉ Phù Ninh”.

Khó khăn chẳng khi nào hết, thuận lợi chắc sẽ ngày một nhiều thêm. Hội viên và dàn cán bộ công tác ở văn phòng, tòa soạn, giỏi nghề, tâm huyết. Vui và tin bước vào Đại hội.

Phù Ninh

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 237 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 69 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 167 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 111 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 121 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 112 lượt xem