Bác Hồ ở Làng Ngòi

Thứ năm, ngày 17-08-2023, 09:45| 896 lượt xem

Bút ký dự thi của Nguyễn Đình Lãm

Đá Bàn nhớ Bác. Tranh cổ động của Tân Hà

 

Khu di tích lịch sử Làng Ngòi - Đá Bàn, thuộc xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Biết địa danh này là nơi giữa thế kỷ trước Bác đã dừng chân. Tôi nghe từ lâu mà chưa có dịp tới. Hôm nay tôi đi.

*

Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang, ra Quốc lộ 37. Đường rộng, trải nhựa thật đẹp. Giải phân cách hai làn trồng cọ. Những cây cọ xẻ thấp đang bật nõn. Hai bên đường, hàng cây hoa sữa đang nhú lộc, dấu hiệu của mùa xuân đang tới. Đường mới được tôn cao. Dưới kia, những thửa ruộng lúa, ruộng ngô xanh mướt mát. Xa xa, những dải núi nhấp nhô.

Tôi giữ ga, xe chạy vèo vèo. Đồng hồ chỉ năm mươi cây số giờ mà cứ êm ru, êm ru. Chỉ nghe tiếng ro ro khe khẽ của động cơ và hai bên tai ù ù gió thổi, một loáng đã đến cầu Chui. Ngã năm, ngã bảy với những biển chỉ đường và những bồn hoa đang trổ bông, những vồng cỏ mượt mà được thiết kế rất hợp lý - Một hạ tầng giao thông hoành tráng và hiện đại.

Thấy ven đồi có khóm cọ đẹp, tôi nghỉ chân. Bất chợt nghe tiếng chim rừng líu lo. Lòng bâng khuâng, tôi vội châm điếu thuốc, hít một hơi dài, ngửa cổ lên giời thổi khói. Cảnh núi rừng đẹp, ngắm một lúc, tôi đi tiếp. Đến Khu du lịch sinh thái Suối khoáng Mỹ Lâm, tôi tạt vào nhẩn nha thưởng một cuộc tắm. Ôi, nước khoáng ở đây mát lạ, mát lùng.

Đến cây số mười tám ngã ba Mỹ Bằng, theo biển chỉ dẫn.  Rẽ phải vào đường đất hơi khó đi. Qua một đoạn độ hơn cây số, rẽ trái vào một con đường nhỏ hơn và ngoằn ngoèo, đúng là đường làng. Vừa đi, vừa hỏi thăm. Một cháu nhỏ độ hơn mười tuổi lễ phép dẫn tôi ra chỗ quang, chỉ cây đa to. Tôi lại rẽ trái vào một cái ngõ bê tông nhỏ dẫn đến Khu di tích Làng Ngòi.

Trụ cổng hai bên xây gạch, cánh sắt. Lối vào sạch sẽ, bên trái là hàng cau, bên phải một cây đa to, cành lá vươn dài và sum suê. Cạnh cây đa, có một cây đại, hình như mới trồng. Đối diện với cây đại, bên kia lối đi có cây vạn tuế cũng rất lớn, có lẽ không dưới mười năm tuổi.

Bia tưởng niệm treo ảnh Bác, dưới ghi: "Tại nơi đây, năm 1951 Bác Hồ đã dừng chân vào thăm Đảng cách mạng nhân dân Lào và nhân dân xã Mỹ Bằng". Cạnh đấy, cách độ vài mét về phía tay phải là nhà văn hóa xã.

Toàn khu vực là một vùng không gian sạch đẹp, thoáng mát và thanh bình. Thể hiện nơi đây có sự chăm nom chu đáo và khách thường xuyên lui tới viếng thăm. Sẵn hương, tôi rút ba cây thắp trước bàn thờ Bác.

Đứng trước cổng nhà tưởng niệm nhìn về hướng Bắc, chếch phía tay phải, xa xa núi Là hùng vĩ. Dãy núi này còn có tên là Linh Sơn. Tôi thả bộ sang thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Lào. Ra ngõ, rẽ phải độ hai cây số. Đến ngã ba, lại rẽ phải tiếp. Đường làng nhỏ nhưng sạch sẽ, dễ đi. Suốt dọc đường, bên trái là đồi chè tầng tầng lớp lớp bạt ngàn mới được xén tỉa rất đẹp.  Tôi vào nhà dân hỏi thăm. Chủ nhà chỉ lối, rẽ xuống một con đường nhỏ và dốc. Chỉ độ vài chục mét, gặp một khu rừng rộng mênh mông và bằng phẳng. Khu rừng trồng toàn keo và bạch đàn rất xanh tốt, dưới trồng chè, cũng mới được xén tỉa gọn gàng.

Đây chính là nơi diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến ngày mười ba, tháng Tám, năm một nghìn chín trăm năm mươi. Bác Hồ của chúng ta đã đến thăm và làm việc với các vị lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Lào. Từ bia trung tâm, đi sâu vào độ trên dưới ba chục mét là nơi ở và làm việc của đồng chí Cay-Xỏn Phôm-Vi-Hản từ tháng Sáu, năm một nghìn chín trăm năm mươi đến đầu năm một nghìn chín trăm năm mốt để chỉ đạo trực tiếp Đại hội.

Lại vào sâu tiếp độ bốn chục mét nữa, rồi rẽ trái một đoạn, là nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông từ tháng Sáu đến tháng Mười Một năm một nghìn chín trăm năm mươi. Tại đây Hoàng thân được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do (Neo Lào ít Xa La), Thủ tướng Lào. Cũng tại đây, ông Cay-Xỏn Phôm-Vi-Hản được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tất cả những lối đi trong khu di tích đều được lát gạch đỏ, rộng rãi, sạch sẽ và thoáng mát. Quanh khoảng trống vuông vắn trước sân nơi hội trường cũ, giữa bạt ngàn cây keo, thi thoảng lại điểm cây mít tạo vẻ đầm ấm một vùng cảnh quan.

Trời đẹp. Đi thăm một vòng, chân hơi mỏi, tôi ngồi nghỉ dưới gốc mít châm thuốc hút. Lòng thầm nghĩ: Từ chỗ Bác ở lúc nãy sang đây thăm và làm việc với các lãnh tụ Lào, có lẽ Người đi bộ. Tuy trước có thể còn là đường rừng, nhưng cũng chỉ vài cây số thôi.

Rời Làng Ngòi ra đường to, tôi hỏi thăm một thanh niên, đường đến Khu di tích Đá Bàn. Anh ta bảo:

- Ông cứ thẳng con đường đang làm này mà đi là tới.

- Cách đây độ mấy cây số?

- Không xa đâu, khoảng sáu bảy cây thôi mà.

Đường đang được mở rộng. Máy ủi, máy xúc ầm ào. Đất đá bừa bãi khó đi thật. Nhiều chỗ tôi phải xuống, dắt xe mệt nhưng mà vui. Trời đẹp, hai bên đường cảnh rừng thật nên thơ. Đến một chỗ vắng, tôi giạt xe vào bìa rừng, tìm bãi cỏ dưới gốc cọ ngồi nghỉ. Châm thuốc hút, nghe tiếng suối reo. Tàn điếu thuốc, tôi đi tiếp. Một lúc kịch đường, mới biết mình đã đi quá vài chục mét, phải quay lại, tạt vào ngôi nhà sàn hỏi thăm. Chủ nhà chừng trên dưới bốn mươi tuổi, người dân tộc Dao Quần Trắng, tính tình vui vẻ, mến khách. Anh sai cậu con trai dẫn tôi đi. Trên đường, tôi hỏi cháu bé:

- Cháu tên gì?

- Tên Thắng.

- Cháu mấy tuổi?

- Mười một tuổi.

- Cháu học lớp mấy rồi?

- Lớp sáu.

Cháu Thắng dẫn tôi tắt lối sau nhà, qua một con suối cạn lớn. Lòng suối có chỗ rộng tới hơn mười mét, nhưng khô đành đạch, không một giọt nước, toàn đá lổn nhổn, có hòn to đến vài khối, tròn và nhẵn như hòn cuội. Tôi hỏi cháu Thắng:

- Có nước đâu, sao gọi suối?

- Mùa mưa, nhiều nước lắm ông ạ. Lũ to trôi cả đá. Những hòn đá kia là nước lũ đưa về đấy. Khi có lũ, đêm nằm nghe nước cuốn ào ào, đá đập vào nhau nghe rõ.

- Rõ thế nào?

- Ục, ục.

Bờ bên kia con suối đó, là khu di tích lịch sử. Tới nơi, cháu Thắng nhấc mấy cành trà rào bằng tre khô trên nền bia. Bia lưu niệm nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào tự do (Neo Lào ít Xa La) từ cuối năm một nghìn chín trăm năm mươi, đến năm một nghìn chín trăm năm mốt. Tại đây, tháng Mười Hai, năm một nghìn chín trăm năm mươi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với Hoàng thân và thăm đồng bào địa phương. Tôi nghĩ: Từ Làng Ngòi lên đây, chắc Bác cũng đi bộ thôi. Mấy cây số đường rừng, với Người nghĩa lý gì.

Cạnh bia tưởng niệm, cách vài mét về phía tay phải có cây gạo lớn. Xa tí nữa, dưới chân một hòn đá xanh to vật vã và nhẵn, mọc lên một cây bốn nhánh lớn như bốn cái thùng gánh nước, cao vút không biết cây gì, trông rất đẹp. Giữa bãi cỏ sân bia, một cây bưởi giống như cây bưởi nhà.

Hai ông cháu ngồi trên hòn đá hóng mát. Dưới chân phía trái, cũng có một con suối nhỏ, dòng nước chảy tí tẹo, tiếng róc rách nghe tinh mới thấy.

Ngồi một lúc nữa, chúng tôi quay ra. Cháu Thắng rấp mấy cành trà rào vào chỗ cũ rồi về nhà. Qua cháu Thắng nói chuyện, tôi tạt vào nhà ông Tướng Văn Quân. Ông Quân cũng người dân tộc Dao quần trắng, được xã cử ra trông coi bia tưởng niệm. Rất không may, ông Quân đi vắng. Chỉ có hai mẹ con cô con gái ông ở nhà. Cô tên Tướng Thị Bình hai mươi bốn tuổi, cháu nhỏ mới được bốn tháng. Thằng cu mới biết lẫy, rất ngoan. Bình cho biết, hôm nay về trông nhà giúp bố, để bố đi ăn cỗ bên Yên Bái. Bình bế con tiếp tôi. Tôi hỏi:

- Bố cháu được xã cử ra trông coi khu di tích à?

- Vâng ạ.

- Có đông khách đến thăm không cháu?

- Nhiều đấy ông ạ. Có cả khách bên Lào họ sang. Hôm vừa rồi cũng có hai ô tô đến.

Bình là một phụ nữ có học, tính tình sởi lởi. Chuyện trò vui vẻ một lúc, cô chân tình:

- Cháu luộc ngô ông ăn nhé, ngô nếp ngon lắm?

- Ừ.

Tôi giữ cháu nhỏ để Bình đi luộc ngô. Một lát, Bình đã bê lên một đĩa sáu cái ngô nóng hôi hổi, bốc hơi nghi ngút. Ngô nếp luộc ngon, rất dẻo và thơm. Răng tôi mất mấy cái, ngồi nhấm từng hạt. Chiều xuống, tôi ra về. Bình bế con tiễn xuống cầu thang, bảo:

- Lần sau ông tới, chắc đường xong rồi, đi đỡ ngại. Bây giờ đường đang làm, ông đi vất vả quá.

- Ừ, cho ông thăm sức khỏe cả nhà. Và nói, lần sau đến, hai ông sẽ uống rượu với bố nhé.

- Vâng ạ.

*

Trên đường về, tôi cứ nghĩ mãi những nơi Bác Hồ đã tới. Bác ở Làng Ngòi đi bộ mấy cây số sang thăm và làm việc với các vị lãnh tụ Chính phủ kháng chiến Lào. Rồi Người lại đến Đá Bàn, thăm và làm việc với Hoàng thân Xu-Pha Nu-Vông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào tự do (Neo Lào ít Xa La).

Lúc ấy, Bác đã sáu mươi. Tuổi già, mà Người thật chu đáo, không những với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước nhà, mà còn lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước anh em. Ngày ấy, cách nay đã hơn nửa thế kỷ, mà sao cảm như mới hôm qua.

Nghĩ miên man về Bác, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ trong bài: "Sáng tháng Năm" của nhà thơ Tố Hữu:

Người ngồi đó, với cây chì đỏ

Vạch đường đi, từng bước, từng giờ

Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ

Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại.

N.Đ.L                                                 

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 33 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 31 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 24 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem