Về lại Lũng Hoa

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 10:48| 191 lượt xem

Bút ký của Hồng Giang

Minh họa của Tân Hà

 

 

Lê Thu hẹn tôi hôm nào lên Lũng Hoa chơi một chuyến.

Anh vừa nghỉ hưu tháng trước, giờ nhận hợp đồng làm tư vấn cho một công ty du lịch. Thu tuổi ngoài sáu mươi, nhưng nhanh nhẹn, lịch lãm như chưa đến năm mươi. Con người có tiếng là hào hoa, lại có chút chữ nghĩa khiến tôi rất nể.

Con người ta, nói gì thì nói, yếu tố văn hóa, bề dày kiến thức mới thực sự là tài sản đáng quý nhất.

Cùng đi với Thu là một cô gái trẻ. Thu giới thiệu cô là người H,Mông có gốc ở Lũng Hoa, hiện cô đang công tác ở phòng văn hóa huyện. Chuyến đi lần này sẽ do cô cầm lái.

Thấy tôi có vẻ ngần ngại, anh cười: “Yên tâm đi, cô ấy là tay lái lụa đấy, đừng lo. Chuyến đi tham quan lên Đồng Văn vừa rồi cô ấy chạy suốt hành trình đấy. Đây lên Lũng Hoa nhằm nhò gì?”.

Anh lại nói thêm: “Con xe này bố cô ấy mua cho từ tiền bán vụ cam năm trước của nhà. Cũng chạy cả năm rồi, ông đừng ngại”.

Chuyện các cô gái trẻ lái ô tô bây giờ không còn là chuyện hiếm. Đời sống khá lên, khoảng cách giữa phương tiện ô tô, xe máy giờ cũng là chuyện thường. Điều khiến tôi ngần ngại là hai gã đực dựa lại ngồi xe để cho con gái cầm vô lăng. Cái máu sĩ hão của tôi, ngại ngồi sau xe để “gái” lái xe. Thấy Thu nói anh còn bận quay video, chụp ảnh nên để cô ấy cầm càng thì tiện hơn.  Nghe có lý, tôi không nói gì thêm. Với lại lên Lũng Hoa là về nhà, nơi gốc gác của mình, cô ấy chạy xe cũng không cần phải nghĩ nhiều.

Tôi cố lục lọi trong trí nhớ của mình xem cô gái trẻ này là con cái nhà ai mà mình nghĩ mãi không ra?

* * *

Với tôi Lũng Hoa cũng không phải là nơi xa lạ gì. Hai mươi năm trước tôi từng nhiều lần qua đây khi cùng mấy người bạn dưới xuôi đi tìm đá thạch anh bán cho mấy ông chuyên vàng bạc, đá quý. Thạch anh chẳng thấy đâu, nhưng lại tìm được vùng đất tốt, làm nương rồi ở đấy mấy năm trời, quen biết người sở tại không ít.

Vậy cô này là con cái ông bà nào nhỉ?

Tên tục của vùng đất này là Khuổi Mu, có dòng suối trong vắt từ các khe núi đá chảy ra. Thủa xưa, đêm đêm lợn rừng về từng bầy đằm tắm, vùng vẫy rộn một góc rừng.

Lối vào thung lũng phải qua một lối đi hẹp, bên trên lưng chừng núi là cái cổng cầu vồng ngũ sắc huyền ảo có từ lúc mặt trời mọc từ phía đỉnh Mười. Một thác nước từ trên cao đổ xuống nản đá tung bọt trắng xóa tạo thành màn sương mỏng. Nó phản quang ánh mặt trời, cầu vồng từ đấy hiện ra.

Những năm tôi làm ăn ở đây, hình ảnh ấy quá đỗi quen thuộc. Mãi sau này nguồn nước từ trên thác ngưng lại vì nạn mất rừng, cầu vồng mới dần biến mất.

Đó là khoảng đầu thập niên tám mươi thế kỷ trước, khi miền biên viễn phía Bắc có biến. Từng đoàn người Tày, người H,Mông từ trên ấy chạy về, lập khu định cư mới ở đây. Phía gần ngã Ba Chạc có làng Cao Bằng, Khuổi Mu này có làng người H,Mông.

Người Tày Cao Bằng thường cất nhà sàn như trên quê cũ. Riêng người H,Mông vẫn ở nhà đất tạm bợ.

Những ngôi nhà cột ngoãm làm bằng cây rừng, mái lợp gianh, vách quây bằng thân cây ngô, hoặc lá lau, nền đất.

Lâu lâu lại thấy xe ô tô tải của Nhà nước chở số dân lưu tán này đi đâu đó. Có người nói đưa đồng bào về quê cũ, hay vào miền nam.

Thông tin bấy giờ không như bây giờ, rất hạn chế nên cũng không ai rõ là đồng bào đi đâu, về đâu? Vì sao lại quay về?

Nhưng chỉ mấy tháng sau lại vẫn những người H,Mông ấy trở lại, cất nhà trên nền đất cũ.

Đó là thời gian không riêng vùng này, mà cả nước cực kỳ gian khó vì lệnh cấm vận của các thế lực thù địch với đất nước ta.

Năm tháng đổi thay, người cũ lại về, đó cũng là cái duyên của người H,Mông với đất này.

Không phải ngẫu nhiên, đất mang tên mới là thung lũng hoa đào. Nó có nguyên cớ tự lâu rồi. Chẳng qua thời gian khổ ấy, mải lo cơm áo gạo tiền mà ít người chú ý đến quà tặng thiên nhiên mang đến.

Trên đời này quả thực không có gì là ngẫu nhiên. Đường tơ, kẽ tóc, bao mối nhân duyên đan quyện vào nhau mà tạo nên đời sống. Nếu vô tình ta chẳng nhận ra. Phải nghiền ngẫm, trải qua lâu ngày mới thấm.

Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhận ra người bạn đường hôm nay lại là cháu gái của người quen cũ. Cô cầm lái bây giờ chẳng phải ai xa lạ. Cô chính là cháu gái ông Giàng Chu, nhân vật mà tôi nhắc đến trong truyện ngắn “Lên Khuổi Đào”. Năm ấy cô còn bé lắm. Mặt mũi lúc nào cũng nhọ nhem, lụi cụi bên bếp lửa nướng bắp, hay thứ củ rừng gì đấy mà tôi không biết tên.

Tôi càng ngạc nhiên hơn khi xe chạy trên đường “đi núi” năm xưa.

Hồi đó chúng tôi toàn đi bộ, vai gánh gạo, rau muối lên nương. Đường toàn là đường rừng chạy men theo suối. Có chỗ phải bám từng tảng đá trơn tuột, thận trọng qua khe.

Bây giờ là đường bê tông rộng hơn ba mét, chạy từ trung tâm xã vào Lũng Hoa.  Nơi năm xưa vào mùa này bạt ngàn hoa mận trắng cùng hoa đào sai nụ. Hoa chuối rừng đỏ thắm như thắp lửa lên khe.

Tiếc là có những năm sau này người ta chuộng hoa đào rừng nên đào mận ở đây bị chuyển gần như cạn kiệt về thành phố. Chưa kể nạn phá rừng, chỉ riêng nạn hoa rừng bị khai thác đã làm cho khung cảnh tự

nhiên nơi này bị giảm hẳn phần tươi tắn, sinh động tự ngàn đời.

Cháu cụ Giàng Chu là Giàng A Nga nói khi tôi nhắc đến khung cảnh cũ ngày xưa: “Trên tỉnh chỉ đạo, địa phương đang triển khai khôi phục lại không gian thiên nhiên các chú ạ. Chú có để ý thấy hai bên đường không? Mận, đào, và cả lê nữa đang lên tốt. Có cây đã có nụ rồi”.

Có lẽ cây lê là cây lạ ở vùng đất này. Tôi hỏi Thu được anh cho biết đấy là giống lê Hồng Thái mãi trên Na Hang đưa về. Nó vừa tạo cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ cho vùng này, vừa tạo nguồn thu nhập khá cho người dân trong vùng sau này.

Trong lúc Lê Thu mải quay phong cảnh dọc đường, tôi mải mê chuyện cũ, xe đã đến nơi lúc nào không hay.

Chúng tôi dừng xe trước ngôi nhà vườn, xây khá đẹp, lợp tôn mát màu đỏ, có hàng cây cảnh dẫn vào nhà. 

Người ta dễ nhầm với khung cảnh của một ngôi nhà vườn nào đó vùng ngoại ô chứ không phải là ở nơi từng là vùng sâu vùng xa của huyện Yên Sơn, vùng từng được ghi nhận là vùng 135, nghèo khó năm nào.

Cụ Giàng Chu đã mất mấy năm nay. Chỉ còn cụ bà đang ngồi sưởi nắng trước hiên nhà.

Trước nhà có bãi đất rộng, một xe tải lớn đang xếp hàng lên thùng. Cạnh đấy là bể nước công cộng, tíu tít người chuyển cam vào các máng nước lát đá hoa. Người ta rửa, lau sạch rồi xếp cam vào các hộp xốp, đưa vào khoang máy lạnh của xe.

Váy áo các bà các cô như một vườn hoa di động làm xốn mắt người.

Mấy năm vừa rồi tiết trời không thuận, mùa màng có phần giảm sút hơn mọi năm nhưng ở Lũng Hoa bù lại được mùa cam, mùa đót. Cam vẫn giá giữ như mọi năm nhờ vi lượng đất ở đây thích hợp, chất lượng cao nên dễ bán. Trái nào trái ấy vàng tươi, mọng nước, vừa ngọt vừa thơm, có hương vị riêng khác với cam cùng loại các vùng khác.

Chưa năm nào đót được giá như năm nay. Một tạ đót gấp hơn hai lần giá một tạ thóc. Dân làng bàn nhau sang năm tới sẽ nhân diện tích lên gấp đôi gấp ba lần. Đây là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của lãnh đạo địa phương.

 Kinh nghiệm cho thấy rằng, bất cứ loại nông sản nào phát triển quá mức, cung vượt cầu, sẽ không có kết quả tích cực. Bài học từ mấy xã xung quanh về cây bưởi Diễn là một bài học đắt giá.

Làm sao tiên đoán được nhu cầu của thị trường? Luôn là bài toán khó không riêng với cán bộ lãnh đạo mà còn là nỗi quan tâm của mỗi người dân.

Thiên nhiên ưu đãi, nhưng không biết vận dụng, không có kế hoạch tỉ mỉ sẽ không tránh khỏi thất bát cuối năm.

Cả nhà Giàng A Nga đã chuyển ra ngoài thành phố. Ở lại trên nền đất cũ có ngôi nhà này là cô A Hoa, em gái của bố. Chồng cô cũng là cán bộ văn hóa của xã nên câu chuyện với chúng tôi khá rôm rả.

Dự án khu du lịch sinh thái rất được ông ấy quan tâm. Lê Thu đã nhiều lần lên đây trao đổi với ông.

Hai người đang nói chuyện với nhau kinh nghiệm chuyến lên thăm Mường Ảng của tỉnh Điện Biên.

Nơi ấy so với thiên nhiên ở đây có nhiều cái không bằng. Vậy mà người ta có đầu óc tạo dựng nên cảnh sắc chẳng khác chốn bồng lai.

Giá trị kinh tế của khu du lịch sinh thái ấy không hề nhỏ. Không phải “Thấy người ta ăn cá, mình cũng vác rá đi đơm” như có người nghĩ.

Vấn đề là biết áp dụng kinh nghiệm và bài học của người ta như thế nào cho phù hợp với khung cảnh và tập quán của địa phương mình?

Chả còn mấy ngày nữa là Tết. Công việc chuẩn bị đón xuân giờ không tất bật như mọi năm. Hàng hóa bây giờ rất sẵn, muốn gì cũng có. Không cần tích sẵn như mọi năm. Ở Lũng Hoa bây giờ, cần cái gì cũng có thể gọi bằng điện thoại. Quất, đào người ta sẽ síp đến tận nơi nếu có nhu cầu.

Mới biết chủ trương “Điện, đường, trường, trạm” trước đây có ý nghĩa thiết thực, lợi ích như thế nào.

Từ đây về thành phố ngày xưa hết cả ngày đường, giờ chưa đến giờ xe chạy. Còn phương tiện lại rất sẵn. Riêng làng Lũng Hoa này, các loại xe, đủ mọi nhãn hiệu, kiểu dáng cũng vài chục chiếc.

Nhớ ngày đội nắng trên đầu, vai mang gánh nặng leo núi, vượt đèo trước đây mà hãi.

Người trẻ bây giờ thật vô cùng may mắn.

Tương lai, hạnh phúc của họ thật nhiều hứa hẹn. Nhưng đi được tới đâu là do ý chí và quyết tâm của họ.

Tôi đang đắm chìm trong suy nghĩ của mình thì Giàng A Nga ra gọi vào cơm trưa.

Bao năm rồi, hôm nay lại uống rượu đao. Bà A Hoa nói cây đao bây giờ hiếm còn lắm. May mà vườn nhà hồi thổ ma cụ Giàng Chu trồng được một hàng nên bây giờ nhà mới có thứ rượu này.

Thì ra ở đâu, dân tộc nào cũng vậy, có những con người biết nhìn gần, lo xa, ở nơi ấy cuộc sống luôn tiềm tàng những sắc màu, tiềm năng  thú vị.

Hôm nay là một ngày đẹp trời.

Mấy ngày sau Noel rét đậm, nắng mới thật ấm áp.

Những vạt mận ven đồi phía xa trắng ngần, đang lung linh trước gió. Ít ngày nữa cả Lũng Hoa lại thêm rực rỡ hoa đào.

Chỉ tiếc, cầu vồng ngũ sắc năm xưa giờ không còn thấy nữa.

Vừa buồn, vừa vui, mãi xế chiều xe chúng tôi mới đường cũ quay về thành phố.

Cuối năm 2023

H.G

Tin tức khác

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 64 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 166 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 110 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 119 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 108 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 131 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 126 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 118 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 165 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 123 lượt xem