Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Thứ sáu, ngày 22-12-2023, 19:19| 527 lượt xem

Sáng 22/12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” với điểm điểm cầu các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay (22/12/2023) là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "Dân tộc – Khoa học – Đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết: Nhìn lại chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật: Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá vào GDP: Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược 1755: năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm...

Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra như: Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng. Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này. Chưa có Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hoá trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện và đầy đủ dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế...

TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan để văn nghệ sĩ dấn thân vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Nhưng môi trường số có nhiều thuận lợi, cũng không ít thách thức, ví dụ như vấn đề bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ. Đây là một thách thức lớn. Trước hết, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của các quốc gia cũng như sự hợp tác của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Mặt khác, các nền tảng số trung gian hoạt động tại Việt Nam cũng còn nhiều lỗ hổng và bất cập, chưa hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam đã góp phần dẫn đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động xóa, gỡ nội dung vi phạm bản quyền. Về phần mình, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền phố biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng để các tổ chức thành viên, thúc đẩy các hội viên đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung: các tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện sự đa dạng về chủ đề, đề tài, nhất quán về quan điểm; khuyến khích các tác giả thử nghiệm các ý tưởng mới, tạo ra những tác phẩm độc đáo với phong cách riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Hội nghị còn có rất nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, chuyên gia khác nhằm đề xuất các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hoá.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Hoà

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng) cho phát triển công nghiệp văn hóa. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hội nghị không thể giải quyết tất cả vấn đề đặt ra nhưng đây là cơ sở để các cấp, các đơn vị vững tin, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

P.V

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 29 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 28 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 20 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 26 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 36 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 38 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 89 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 33 lượt xem