Bùi Thị Mai Anh
Nụ cười Điện Biên. Ảnh của Hà Thế Đô
Có một câu ca dao xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) như sau:
“Hôm nay bắn máy bay rơi
Chiến công một nửa của người văn công”
Câu ca dao ấy đã cho thấy vai trò của những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như thế nào.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của độc lập và thống nhất đất nước. Ngay sau khi thành lập chính quyền cách mạng, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người định hướng trong sáng tác nghệ thuật, phải là: "Văn nghệ phải phục vụ chính trị, phải phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ những nhiệm vụ cách mạng trước mắt, phục vụ kịp thời, thiết thực chống quân thù...".
Để giảm chất mơ mộng và tăng cường tính chất thiết thực phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường đi và hướng phát triển đúng đắn cho Văn hóa Việt Nam: “Văn hóa, văn nghệ phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống tươi vui lành mạnh của quần chúng”. Người nhắc nhở: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đã trực tiếp chỉ đạo Hội Văn nghệ Việt Nam tiến hành thành lập Đoàn Văn công nhân dân.
Trong không khí phấn khởi với những thắng lợi to lớn mà quân và dân ta giành được trên các chiến trường, ngày 14/11/1951, tại khu rừng Việt Bắc thuộc tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tổ 9, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã ra đời, với nhiệm vụ chính là chuyển tải các tác phẩm sân khấu của các văn nghệ sĩ đến với chiến sĩ và với đồng bào trong cả nước, phục vụ kháng chiến. Trong những ngày đầu gian khó ấy, Đoàn đã được gia đình bác Bùi Mỹ Quỳnh, xã Nông Tiến (lúc đó là cán bộ kiểm lâm) nhường cho một vạt rừng bên tả ngạn sông Lô để anh chị em hậu cần giúp các nghệ sĩ xây dựng nhà ở, hội trường, sàn tập luyện và trụ sở làm việc. Khu đồi Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đóng trụ sở được nhân dân địa phương gọi là khu đồi Âm Nhạc - Mảnh đất sơn thủy hữu tình, là “cái nôi đưa thuở ban đầu” (ý thơ Đào Xuân Quý) của đoàn Văn công nhân dân Trung ương.
Với chức năng, nhiệm vụ trọng tâm lúc này của Đoàn là phục vụ kháng chiến, nên ngay từ ngày thành lập, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã xây dựng các chương trình, tiết mục biểu diễn mang tính tổng hợp gồm có cả múa, nhạc, kịch, chèo. Trưởng đoàn là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, hai phó đoàn là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhà viết kịch Thế Lữ. Chính trị viên của đoàn là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và nhà viết kịch Chu Văn Tập (Học Phi).
Với ba tổ ban đầu, trong điều kiện sinh hoạt ở chiến khu vô cùng gian khổ, khó khăn nhưng các nhạc sĩ, nhà biên đạo cùng anh, chị em nghệ sĩ của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương rất phấn khởi, hăng say quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ. Anh, chị em nghệ sĩ đã góp sức, chung tay xây dựng nên nền nghệ thuật non trẻ của đất nước, phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Tổ chèo do đồng chí Nguyễn Đình Thái (tức Thái Ly) làm tổ trưởng, gồm có các diễn viên: Thái Ly (tức Nguyễn Đình Thái), Mai Khanh (tức Mai Trang Ngọc), Cụ cả Tam (tức Trịnh Thị Lan), Nguyễn Nam (tức Tống Văn Ngữ), Dịu Hương (tức Trần Thị Dịu).
Tổ kịch do đồng chí Thế Lữ, làm phó đoàn kiêm tổ trưởng. Ngoài ra còn có các đồng chí: Trần Bảng, Lưu Quang Thuận, Trần Hoạt, Trần Huyền Trân.
Tổ ca nhạc do đồng chí Lý Thương làm tổ trưởng. Cùng làm việc còn có các đồng chí: Lê Yên, Nguyễn Đình Tích, Lê Lôi, Thương Huyền (tức Nguyễn Thị Thường).
Lớp cán bộ nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn là những hạt nhân văn nghệ của các cơ quan đóng tại Việt Bắc và các nghệ sĩ đi theo kháng chiến. Tuy tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề còn ít, điều kiện sinh hoạt ở chiến khu vô cùng gian khổ, phương tiện tập luyện thiếu thốn, nghèo nàn, không có sân khấu để tập luyện, các nghệ sĩ đã khắc phục hoàn cảnh để tập các tiết mục văn nghệ. Không có đồ trang điểm, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn dùng gạch non, thạch cao, nhọ nồi... để hóa trang khi lên sân khấu biểu diễn. Nhưng với khí thế sục sôi của cuộc kháng chiến, quân và dân cả nước đang dốc sức cho tiền tuyến, các nghệ sĩ, biên đạo cùng anh em trong đoàn luôn phấn khởi, hăng say tập luyện và sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, kịp thời phục vụ nhân dân và cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trên chiến trường.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, loại hình nghệ thuật Chèo đã được phát triển rộng rãi ở miền Bắc và đã kịp thời phản ánh những đề tài mới, nội dung phù hợp với công cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Những nghệ nhân ưu tú về chèo được tập hợp lại để làm nòng cốt cho việc nghiên cứu và sử dụng loại hình nghệ thuật này. Trong lĩnh vực sân khấu nhiều vở chèo đã được sáng tác để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân như vở kịch: Bắc Sơn, Tạ Ngọc Sơn lăn lửa (tức vở Ngọn lửa Hồng Sơn), vở Chiến sĩ giết giặc của tác giả Trịnh Quang Xuân, vở Chị Ngộ của tác giả Nguyễn Lai...
Đặc biệt, trong giai đoạn 1951 - 1954, Đoàn Văn công nhân dân đã tập hợp được những nhạc sĩ tên tuổi của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như: Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Tích, Lê Lôi, Lê Yên, Thái Lê, Lưu Hữu Phước... Mỗi nhạc sĩ, ca sĩ, biên đạo ở những lĩnh vực công tác khác nhau, nhưng đã có thành tựu nghệ thuật nhất định, góp phần vào sự phát triển nền âm nhạc, phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những điệu múa, lời ca, tiếng hát, tiếng đàn của các nghệ sĩ là sự khích lệ sản xuất, chiến đấu đối với nhân dân cả nước. Đoàn đã mang những tiết mục văn nghệ đi phục vụ khán giả ở khắp mọi nơi và trên các chiến trường, nhằm động viên kịp thời các chiến sĩ đang quả cảm chiến đấu vì độc lập của dân tộc, ca ngợi tinh thần hăng say sản xuất ở hậu phương, tinh thần học tập không quản bom rơi, đạn lạc của các em học sinh, ca ngợi cuộc sống tuy vất vả mà vẫn đầy lạc quan, yêu đời của người dân đất Việt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952, ở Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với một số cán bộ, diễn viên của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Đây cũng là lần đầu tiên một số cán bộ, nghệ sĩ của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương được gặp Bác Hồ. Sự chỉ bảo ân cần, quan tâm, động viên khích lệ của Bác Hồ là niềm vinh dự to lớn đối với cán bộ diễn viên của Đoàn, tiếp thêm sinh lực cho các nghệ sĩ, diễn viên hăng say tập luyện. Không sợ gian lao, không ngại hiểm nguy, không tách rời với đời sống chiến đấu, sản xuất của đất nước, các nghệ sĩ của Đoàn đã đi biểu diễn phục vụ nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương, Chính phủ và các bộ ngành. Ngoài ra, Đoàn còn đi biểu diễn phục vụ nhiều chiến dịch lớn như: chiến dịch Tây Bắc, ca nhạc tại chiến hào, mở màn trận Him Lam, trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn còn đi biểu diễn phục vụ các cơ quan, công binh xưởng bộ đội tại chiến khu Việt Bắc. Với những tiết mục mang đậm màu sắc dân gian: Chiến thắng Tây Bắc (múa quạt của Thái Ly, Nguyễn Đình Tích), Múa bầu, Múa nón đồng bằng (Hoàng Châu), Múa vui sản xuất (Hoàng Kiều),... các nghệ sĩ vừa biểu diễn vừa như tiếp đạn cho các chiến sĩ chiến đấu.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có ghi lại những kỷ niệm hết sức xúc động, về dịp Bác đến thăm và nói chuyện tại Hội Văn nghệ Việt Nam, sau khi xem các tiết mục diễn văn nghệ trong hồi ký của ông: “...Bác bảo các cô, các chú vỗ tay đi. Rồi Bác dạy: Trong bài hát đã có sợi, phải thêm sợi dệt thành vải, rồi may quần áo bộ đội...”.
Tháng 5 năm 1954, từ xã Nông Tiến, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã cử cán bộ và một số nghệ sĩ đến ATK Tân Trào biểu diễn phục vụ nhiều hội nghị và biểu diễn chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng từ đây, Đoàn đã cử nghệ sĩ, diễn viên của mình dự Đại hội văn công toàn quân, đoàn đã tham gia một số tiết mục văn nghệ, gây được tiếng vang lớn tại Đại hội.
Cũng trong thời gian ở và làm việc tại khu đồi Âm Nhạc, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã phối hợp với Hội Văn nghệ Việt Nam, mở lớp đào tạo văn công đầu tiên có tên là “Lớp đào tạo văn công thanh niên xung phong”. Phụ trách lớp là nhà thơ Xuân Danh. Giáo viên chèo là nghệ sĩ Trịnh Thị Lan, giáo viên kịch Trần Bảng, giáo viên múa Minh Hiến, giáo viên nhạc Trọng Bằng, Phạm Sửu.
Thời kỳ ở và làm việc tại đồi Âm Nhạc là giai đoạn hết sức khó khăn, gian khổ nhưng vẻ vang của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) và cũng chính trong sự khó khăn gian khổ ấy, từ cái nôi nghệ thuật lớn ấy đã sản sinh ra một thế hệ nghệ sĩ xuất sắc với hàng loạt những tên tuổi nổi tiếng như: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Lý Thương, Đặng Đình Hưng, Lê Yên, Nguyễn Đình Tích, Thương Huyền, Lê Lôi, Hoàng Cầu, Hoàng Châu, Chu Minh, Nguyễn Văn Thương, Thái Ly, Trọng Bằng, Tô Vũ, Quốc Hương, Quang Hải, Thái Thị Liên, Minh Hiếu, Lê Cung Mạnh Hùng, Phùng Nhạn, Chu Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Bích… Họ chính là những người đầu tiên xây dựng nền móng vững chắc cho nền nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1951 - 1954, ngay tại đồi Âm Nhạc, nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị của các nghệ sĩ trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã ra đời, phản ánh cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta, góp phần làm phong phú cho nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, làm cho chương trình của Đoàn ngày một phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến: Về ca kịch có: Bình Nghị, Bên cầu vó ngựa (Lê Yên, Nguyễn Đình Tích, Thái Ly); Lửa rừng (Tạ Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, Phạm Văn Chừng, Nguyễn Đình Tích, Thế Lữ); Toàn quân bận rộn, Qua cầu sông Cái (Nguyễn Xuân Khoát). Về ca khúc có: Đóng thuế nông (Lê Lôi), Cấy chiêm (Quách Vinh), Bộ đội về làng (Lê Yên, Hoàng Trung Thông). Về tác phẩm múa có: Chiến thắng Tây Bắc (Thái Ly, Nguyễn Đình Tích, Đặng Đình Hưng, Đào Vũ), Múa nón đồng bằng, múa quạt (Hoàng Châu, Lưu Hữu Phước), Múa nậm (Hoàng Châu), Múa trống ngũ lôi (Năm Ngũ, Hoàng Châu), Múa vui sản xuất (Hoàng Kiều).
Cùng với thời gian, mối quan hệ giữa cán bộ, nghệ sĩ của Đoàn và nhân dân xã Nông Tiến càng thêm gắn bó. Không chỉ biểu diễn các chương trình văn nghệ, nghệ thuật phục vụ nhân dân tại địa phương và các xã lân cận cho bà con, các văn nghệ sĩ luôn hòa mình, chia sẻ với cuộc sống của người dân địa phương, dạy bình dân học vụ, hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe, cách chăn nuôi, trồng trọt... góp phần nâng cao sự hiểu biết, gắn kết đồng bào địa phương với cách mạng.
Tháng 10 năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta thắng lợi, với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử làm chấn động địa cầu, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã rời khu đồi Âm Nhạc tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tiếp tục phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã góp phần không nhỏ cùng nhân dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược. Bằng những lời ca, bản nhạc, điệu múa, các nghệ sĩ trong Đoàn đã cổ vũ quân và dân ta anh dũng chiến đấu, hăng hái sản xuất, tích cực trong phong trào cải cách ruộng đất. Các nghệ sĩ xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Không những thế, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương thật sự trở thành cái nôi nghệ thuật lớn, nơi tập hợp bao thế hệ nghệ sĩ diễn viên với tài năng thiên bẩm và tấm lòng yêu nghệ thuật. Các tác phẩm và giai điệu đã trở thành "liều thuốc bổ", cổ vũ, khích lệ tinh thần cho các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Lời ca, tiếng hát hào hùng của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương để lại dấu ấn trên những con đường đi vào chiến dịch, theo dấu chân người lính trên các trận địa, chiến trường bom rơi đạn nổ... Âm nhạc đã hòa mình vào với cuộc sống của các chiến sĩ, hòa cùng với khói lửa chiến tranh.
Trong thời gian ở và làm việc tại xã Nông Tiến, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã hoàn thành trọng trách được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao cho. đó là, kế thừa, bảo tồn và phát huy nền nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc. Các cán bộ và nghệ sĩ trong đoàn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và phục vụ kháng chiến, phát huy vai trò người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Với trách nhiệm của người nghệ sĩ, với lòng say mê nghề nghiệp, anh chị em nghệ sĩ đã không ngại gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, cải tiến nhạc cụ, khai thác chất liệu dân gian, dân tộc của các điệu múa, bản nhạc, những làn điệu dân ca ở mọi miền đất nước, sáng tạo nên nhiều ca khúc, tác phẩm, công trình nghệ thuật có giá trị, xuất sắc phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta. Bằng hình tượng nghệ thuật, thông qua mỗi bài hát, bản nhạc, điệu múa, vở kịch... tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc dần dần đã thấm sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Với những sự kiện lịch sử diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ được lưu giữ, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, như những mốc son tự hào. Những tư liệu, sự kiện nhân chứng của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương là đối tượng cho công tác nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực: lịch sử chiến tranh, lịch sử cách mạng Việt Nam, đặc biệt là lịch sử phát triển nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Di tích Đoàn Văn công nhân dân Trung ương tại xóm 14, xã Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang (nay là tổ 9, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục truyền thống và với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay. Di tích là minh chứng hùng hồn về đường lối kháng chiến mà Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, đó là kháng chiến toàn dân, toàn diện, tất cả cho kháng chiến, tất cả cho tiền tuyến đã được Đoàn Văn công nhân dân Trung ương thực hiện một cách xuất sắc.
B.T.M.A
15-05-2024
15-05-2024
15-05-2024
14-05-2024