“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Lời khẳng định, lời tiên quyết đã trở thành niềm tin tất thắng cho nhân dân Việt Nam và cho hàng triệu triệu người bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Lời nói giản dị đó như phong cách của Người đã trở thành chân lý trong tất cả mọi thời đại của nhân loại.
Tuyên ngôn Độc lập - Bản Anh hùng ca bất diệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới ngày 2/9/1945. ẢNH: TL
Dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới vô cùng cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã mở đường chỉ lối cùng dân tộc Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, giành lại độc lập tự do cho đất nước Việt Nam. Nước ta cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới tự đứng lên đấu tranh giải phóng giành độc lập tự do. Việt Nam đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á.
Sức lan tỏa của Việt Nam đã động viên khích lệ nhiều quốc gia trên các châu lục Á, Phi, Mĩ Latinh đứng lên giành độc lập, làm sụp đổ sự thống trị 400 năm của thực dân cũ trên toàn thế giới.
Với tinh thần yêu nước mãnh liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp nơi trên thế giới để tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một tầm nhìn và tư duy vượt trội, Bác đã vượt qua muôn ngàn gian khổ, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua bao bão táp để giành lại tự do, độc lập, dân chủ cho nước nhà. Một chặng đường bôn ba đầy gian khổ, chứng kiến bao cảnh bị áp bức bóc lột của nhân dân lao động trên thế giới với dã tâm thâm độc của bè lũ thực dân, đế quốc.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đó là sự ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Đó là giá trị nền tảng xuyên suốt trong tư tưởng của Người.
Tư duy của Hồ Chủ tịch phù hợp với ý nguyện của nhân dân các dân tộc trên toàn thế giới đang bị áp bức, bóc lột đến tận xương tủy. Lời khẳng định về độc lập tự do của Người như ánh sáng bình minh chiếu rọi khắp muôn nơi, là cánh cửa mới mở ra chân trời mới cho tất cả mọi tầng lớp lao khổ trên thế giới.
Trong thời gian dài hoạt động tìm đường cứu nước, Bác đã đấu tranh trực diện bằng những bài báo lên án chế độ áp bức bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Những bài báo nổi tiếng của Bác như: “Đường cách mệnh”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”... được đăng tải trên báo Le Paria những năm 1922 - 1925, hoặc như những bài “Phụ nữ Việt Nam và chế độ đô hộ của Pháp” đăng ngày 1/8/1922.
Với tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để giành lại độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam. Đúc kết lại bằng cả chặng đường tìm đường cứu nước. Chính vì thế, trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận một chân lý bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”.
Bác Hồ đã khẳng định, độc lập tự do là yêu cầu của thời đại, là khát vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Giờ đây sự khát vọng thiêng liêng đó luôn là trang mới lịch sử của cả loài người.
Tinh thần đấu tranh giành độc lập tự do của Hồ Chủ tịch và nhân dân Việt Nam là biểu tượng mẫu mực cho tất cả các dân tộc trên toàn thế giới, đó là: “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập ấy...”. Đó cũng là tinh thần thiêng liêng bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, bảo đảm chủ quyền quốc gia phải do nhân dân quốc gia đó tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.
Ngày nay non sông đất nước ta đã trở về một mối, đã hoàn toàn tự do độc lập. Những người con của đất nước Việt Nam, chúng ta tự hào hơn bao giờ hết về nền độc lập, tự do dân chủ của nước ta ngày càng được khẳng định vững vàng vị thế trên trường quốc tế. Bạn bè khắp năm châu đã ghi nhận lịch sử cách mạng của dân tộc ta từng ngày từng giờ đổi mới. Đời sống của nhân dân ta không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đó chính là Đảng ta đã làm thỏa nguyện lòng mong mỏi của Bác kể từ khi Bác bước chân xuống con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng nhà Rồng ngày 5/6/1911.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được đúc kết từ lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đặc biệt từ khi Bác lên đường bôn ba năm châu tìm đường cứu nước. Với thực tiễn từng trải, với tầm nhìn bao quát toàn cầu, Hồ Chủ tịch đã nêu lên chân lý bất biến trong vạn biến của xã hội loài người. Đây cũng là lời hịch mang tính lịch sử nhân loại, phản ánh khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới và cũng là khát vọng của tất cả các dân tộc bị áp bức bóc lột, yêu hòa bình trên khắp năm châu.
Chân lý thiêng liêng đó đã xuyên suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam mà Hồ Chủ tịch là hiện thân nền văn hiến của dân tộc Việt, biểu tượng chói ngời cho tầng lớp nhân dân lao động yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ngày nay trong công cuộc hội nhập, chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” càng đúng đắn và thiết thực hơn bao giờ hết, chúng ta phải tránh “Tự đánh mất mình”, không cho phép chân lý đó bị phai mờ trong quá trình hội nhập.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta càng phải vững vàng tay lái trên dòng chảy của nền văn minh nhân loại, đó là định hướng chủ nghĩa xã hội, giữ vững nền độc lập tự do, giữ vững chủ quyền.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, một động lực tinh thần vô cùng to lớn để nhân dân ta vượt qua mọi gian khổ hi sinh bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do dân chủ của nước nhà, vững vàng tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, một hướng đi duy nhất đúng của khoa học lịch sử nhân loại.
Nguyễn Quốc Tấn