Nghề báo

Thứ sáu, ngày 16-06-2023, 08:40| 978 lượt xem

Tân Trào

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian trưng bày Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang trong Hội báo xuân 2023. Ảnh: P.V

Ngay từ khi còn bé, tôi đã mơ ước là sau này trở thành một nhà báo. Trong mắt của một đứa trẻ, danh xưng “nhà báo” có cái gì đó nó lạ lắm, khác người lắm. Những khi nom thấy các cô, chú nhà báo của tỉnh về xã làm việc, tôi nhìn họ bằng ánh mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ. Thời ấy nhà báo của tỉnh về xã công tác đã là điều hiếm gặp, chứ chưa bao giờ tôi nhìn thấy các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Trung ương. Có lẽ họ ở tầm cao quá. Tôi nghĩ thế. Và, họ chắc chắn phải là những người cao siêu lắm, phải là người rất may mắn mới có dịp được nhìn thấy họ.

Nhưng nhà báo của tỉnh đến xã làm việc cũng là một vinh dự rồi. Họ đến bao giờ cũng lỉnh kỉnh chiếc cặp to đùng, buộc chặt bằng dây cao su ở phía đuôi xe đạp. Trên cổ họ lòng thòng chiếc máy ảnh, nom rất oai vệ. Tôi hay có dịp theo bố tôi ra xã làm việc. Bố tôi thời ấy đảm nhiệm một vị trí nho nhỏ trong trụ sở Ủy ban xã. Bố đèo tôi trên chiếc xe đạp cà tàng, loại xe đạp mà như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng ví như chiếc xe đạp của nhà văn Nguyên Hồng: Mọi bộ phận đều kêu, chỉ duy nhất chiếc chuông trên ghi - đông là chưa thấy nó kêu bao giờ. Tôi theo bố ra trụ sở Ủy ban xã chơi, nên có dịp được nom thấy nhà báo của tỉnh về địa phương làm việc.

Một đứa trẻ cả đời chưa ra khỏi cái lũy tre làng nên nhìn cái gì cũng thấy lạ lẫm. Tôi nhìn các cô, chú nhà báo cũng thấy họ lạ lắm. Họ phải là những người giỏi giang lắm, nhiều chữ lắm. Không nhiều chữ thì làm sao viết được báo? Trong khi những người dân quê tôi thời điểm ấy cơ bản đều ít học. Ngay cả bố tôi, hay như các bác ở Ủy ban xã cũng hầu hết là bộ đội phục viên, chưa ai có nổi cái bằng trung cấp chuyên nghiệp. Họ được bầu ra làm việc cho dân, tuy chữ nghĩa còn lỗ mỗ, nhưng được cái nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm trong thực tế ở cơ sở.

Mơ ước và khát khao là sau này sẽ phấn đấu trở thành nhà báo cứ như ngọn lửa càng ngày càng cháy bùng lên trong trái tim của một đứa trẻ như tôi. Tôi sẽ có cơ hội được cầm trên tay chiếc máy ảnh kia. Tôi mới chỉ được nom thấy, chứ chưa được cầm nắm vào bao giờ. Thế cũng là may mắn so với đám trẻ cùng trang lứa. Nhiều đứa còn chưa bao giờ có cơ hội nom thấy. Máy ảnh là cái gì đó còn xa xỉ lắm. Sau này khi báo chí phát triển, còn có thêm báo truyền hình. Những nhà báo làm truyền hình còn có vẻ oai hơn, khi họ vác trên vai chiếc camera to đùng, nom rất hầm hố.

Ước mơ làm nhà báo của tôi sau này cũng trở thành hiện thực. Nhưng có một điều là lúc còn bé tôi chưa thể nào hình dung ra nỗi vất vả, khó khăn mà công việc của một nhà báo đòi hỏi phải đương đầu. Cứ hàng ngày rong ruổi đi cơ sở, trèo đèo lội suối đến với những vùng đất, những bản làng, gặp những con người cả tốt và xấu trong xã hội. Rồi, đêm đến lại cặm cụi bên chiếc máy tính, lặng lẽ ngồi viết bài để kịp đến với độc giả, khán giả. Thời tôi mới về công tác ở một cơ quan báo chí trong tỉnh, cũng là thời điểm mà báo chí đang bùng nổ, với nhiều loại hình. Không chỉ có báo giấy, báo nói, báo hình mà còn cả báo điện tử. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội cũng ngày một gay gắt hơn.

Như vậy, kể từ ngày 21-6-1925, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc) tờ báo Thanh niên, cơ quan của Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam, trong suốt 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển nhảy vọt cả về lượng và chất, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Hiện tại, cả nước có 935 cơ quan báo chí, bao gồm 844 cơ quan báo chí in, 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình.

Báo chí nhìn chung đã thể hiện tốt vai trò trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, luôn bám sát cuộc sống, cung cấp thông tin phong phú, chân thực, nhanh nhạy trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả, thiết thực. Mỗi nhà báo đã thực sự được trau dồi kiến thức, có bản lĩnh và luôn trở thành người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc.

T.T

Tin tức khác