Nhìn lại một chặng đường của phân hội văn học

Thứ tư, ngày 23-03-2022, 15:12| 1.107 lượt xem

Ngày 26 tháng 6 năm 1982, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên ra đời. Những người sáng lập Hội là các nhà văn Phù Ninh (Nguyễn Văn Mạch), Đinh Công Diệp và nhà thơ Mai Liễu. Đây cũng chính là các tác giả tiêu biểu của phân hội Văn học.

Ở các kỳ đại hội I, II, III, mục đích của Hội là “tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên, bồi dưỡng mọi người làm công tác văn học nghệ thuật tự nguyện. Phấn đấu lao động sáng tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật làm giàu thêm những giá trị tinh thần của địa phương và cả nước, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp đổi mới vì dân giàu nước mạnh”. Từ đại hội IV, V, VI, mục tiêu của Hội là “làm tốt công tác phát triển hội viên, trong đó chú ý hội viên là người dân tộc thiểu số và quan tâm sâu sát đến hội viên ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ tác giả vừa có phẩm chất chính trị vừa có chuyên môn tốt để làm nòng cốt cho hoạt động sáng tạo của Hội…”.

Tờ báo Văn nghệ Hà Tuyên sau đổi thành Báo Tân Trào (1999) là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Đây là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trên cơ sở tự nguyện của những người hoạt động văn học nghệ thuật trong tỉnh Tuyên Quang. Cho đến nay, Hội đã tổ chức 6 lần Đại hội và đã có một đội ngũ sáng tác đáng kể: từ 54 hội viên năm 1982 đến năm 2021, Hội đã có 148 hội viên, sinh hoạt trong 6 chuyên ngành: Mĩ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc sư, Văn học… và các chi hội thuộc các hội chuyên ngành Trung ương tại địa phương, như: Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn nghệ dân gian Việt Nam, Mĩ thuật Việt Nam, Sân khấu Việt Nam. Với 63 hội viên hiện có, phân hội Văn học đã có nhiều đóng góp đáng kể trong sự trưởng thành của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong 39 năm qua.

Trong các nhiệm kì I, II, III, Hội đã tổ chức được 14 trại sáng tác văn thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, trên 200 tác phẩm mới đã ra đời, đăng tải chủ yếu trên báo Tân Trào 01 kỳ/tháng. Công tác xuất bản đã được chú ý, nhưng số đầu sách của phân hội cũng chưa nhiều, chủ yếu là thơ và truyện ngắn.

Từ nhiệm kỳ IV (2004-2009), Hội đã quan tâm, tổ chức 04 lớp tập huấn về văn học nghệ thuật (134 hội viên dự học), phối hợp với các hội chuyên ngành trung ương cử 27 hội viên đi dự trại ở các khu vực do Trung ương tổ chức; phát động 5 cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật. Ngoài ra, các văn nghệ sĩ còn tham gia các cuộc thi do Hội Nhà báo phát động, nhiều tác giả được trao thưởng ở những cuộc thi này. Những chuyến đi thực tế sáng tác đã giúp chất lượng các tác phẩm của các văn nghệ sỹ được nâng lên rõ rệt, được đăng tải trên báo Tân Trào và các báo văn nghệ Trung ương. Đặc biệt, các tác giả tham gia các cuộc thi đều đạt giải cao. Những kết quả hoạt động trên đã tạo ra không khí sáng tác sôi nổi, thường xuyên và từng bước hình thành đội ngũ sáng tác có tính chuyên nghiệp trong phân hội Văn học. Bên cạnh những cây bút trưởng thành như Phù Ninh, Đinh Công Diệp, Trịnh Thanh Phong, Triệu Đăng Khoa, Vũ Xuân Tửu, Hồng Giang, Lê Na, Thái Thành Vân, Hữu Dực, Ngọc Hiệp, Nguyễn Đình Lãm, Thúy Mơ, Đỗ Anh Mỹ, Trần Huy Vân, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Bình… là thế hệ những cây bút trẻ, mới xuất hiện trong những năm đổi mới: Đinh Công Thủy, Tạ Bá Hương, Quang Khánh, Dương Thuận, Trần Thị Lệ Thanh, Bùi Thị Mai Anh, Ngô Thu Hà, Hồng Hà, Phùng Thị Lan, người nông dân viết văn Vũ Công Định, Hoàng Kim Yến, Nguyễn Thế Hoà…Nhiều tác giả chưa ra tập truyện nhưng đã có nhiều truyện đăng Báo Tân Trào: Trọng Hùng (Nguyễn Trọng Hùng), Nguyễn Hữu Bình, Ma Thị Hồng Tươi, Đinh Công Huỳnh….

Những thay đổi của báo Tân Trào từ 01 kỳ/tháng lên 02 kỳ/tháng đã làm tăng số lượng tác phẩm được đăng  lên đáng kể: 900 bài thơ, 300 truyện ngắn, bút ký …

Các đầu sách xuất bản trong nhiệm kỳ có nội dung tốt, đúng định hướng của Đảng. Hội đã xuất bản được 41 đầu sách, trong đó có tập: 20 năm văn học Tuyên Quang, 5 năm thơ văn Tuyên Quang, đặc biệt là tập Đất Tuyên, núi sông diễm lệ được tuyển chọn từ các tác phẩm được giải trong cuộc vận động, quảng bá về du lịch Tuyên Quang và tập thơ Ngoài vườn trăng giãi của cố Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Trần Hoài Quang. Nhà văn Vũ Xuân Tửu viết khỏe, liên tục cho ra mắt bạn đọc các tiểu thuyết Chúa Bầu, Hình bóng đàn bà (2006). Trong những năm đổi mới, các nhà thơ đều hướng mạnh ngòi bút vào cảm xúc mộc mạc, chân chất, thấm đượm tình người trước cái đẹp của con người, quê hương Tuyên Quang, những đổi thay của quê hương trong giai đoạn mới: Tôi yêu tấc đất quê nhà (Tạ Bá Hương), Miền quê thơ dại (Nguyễn Đình Kiền), Giấc mơ hạt thóc (Đinh Công Thuỷ), Đầu nguồn mây trắng (Mai Liễu), Gửi tình về núi (Lê Na).

 Nhiều đầu sách, tác phẩm đạt giải cao, gây ấn tượng với độc giả trong và ngoài tỉnh: Chuyện ở bản Pi Át của Vũ Xuân Tửu (đạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006), tiểu thuyết Thăm thẳm đường về của Hồng Giang, tập truyện Chuyện của Phon của Đinh Công Diệp (đạt giải C - Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2009), tiểu thuyết Đất cánh đồng chum của Trịnh Thanh Phong (đạt giải thưởng Đông Dương năm 2009), tập thơ Khi tôi lớn của Đinh Công Thủy (đạt giải Tác giả trẻ của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2007).

Truyện ngắn của phân hội Văn học tập trung chủ yếu vào đề tài nông thôn miền núi, dân tộc. Chất lượng của các truyện đã được nâng lên một bước: hấp dẫn, chân thực, sinh động, các nhân vật trong truyện hồn nhiên, tươi sáng. Một số truyện ngắn có bản sắc: Bí mật cuốn gia phả (2005), Lên Khuổi Đào, Lên xanh, Anh cu Đậu (Hồng Giang), Con vện, Cây lộc vừng (Lương Ky), Bút kí "cây sồi" (Đỗ Anh Mỹ)…

Các cây bút chuyên viết thể loại ký, ghi chép, phóng sự, phản ánh như Triệu Đăng Khoa, Trịnh Thanh Phong, Trần Thái, Nguyễn Tuấn, Công Sáng (Đinh Công Thuỷ), Lê Ngọc Cương đã phản ánh hết sức trung thực cuộc sống nhiều đổi thay đang diễn ra khắp nơi trên quê hương Tuyên Quang.

Ở nhiệm kỳ này, có một hướng đi đánh dấu, ghi nhận từng bước đi, sự trưởng thành của phân hội Văn học, đó là nhiệm vụ biên soạn Tài liệu giảng dạy văn học địa phương dành cho giáo viên bậc THCS và giáo trình Văn hóa, văn học và ngôn ngữ địa phương (dành cho bậc Cao đẳng Sư phạm). Năm 2010, hai cuốn Tài liệu giảng dạy văn học địa phương, giáo trình Văn hóa, văn học và ngôn ngữ địa phương do hội viên của phân hội Văn học phối hợp với giảng viên của Trường Cao đẳng Tuyên Quang đã hoàn thành và trở thành tài liệu giảng dạy chính thức trong các trường học trong tỉnh. Xác định văn học địa phương là một bộ phận quan trọng của văn học nước nhà, các giáo trình, tài liệu đã bước đầu hình thành các chặng tương ứng với văn học Việt Nam để đánh giá, ghi nhận những đóng góp của văn học địa phương Tuyên Quang trong dòng chảy chung của văn học dân tộc, chọn ra một số tác giả tiêu biểu để giới thiệu cho học sinh sinh viên trong tỉnh: nhà văn Lan Khai, Gia Dũng, Trịnh Thanh Phong, Mai Liễu, Vũ Xuân Tửu, Lê Na…

Sang nhiệm kỳ 2010-2015, xây dựng đội ngũ tác giả có tính chuyên nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phân hội Văn học, trong đó, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tạo ra phong cách làm việc chuyên nghiệp trong sáng tác văn học nghệ thuật cho hội viên là yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong toàn bộ hoạt động của Hội và phân hội Văn học. Vì vậy, các lớp tập huấn viết về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; 02 lớp bồi dưỡng về văn học (kỹ thuật viết truyện ngắn và ký) do nhà văn Sương Nguyệt Minh hướng dẫn; 15 trại sáng tác cho các chuyên ngành, trại sáng tác ở các khu vực do các hội chuyên ngành Trung ương tổ chức đã được Hội quan tâm. Sáu cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật trên báo Tân Trào đã góp phần tăng mạnh số lượng và nâng cao hơn chất lượng tác phẩm, được độc giả trong tỉnh đón nhận và phản hồi tích cực. Việc giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm sáng tác và tổ chức hoạt động Hội với các văn nghệ sĩ Trung ương và các tỉnh bạn đã được chú trọng.

Báo Tân Trào vẫn tiếp tục ra 02 số/tháng, ngoài ra, trang thông tin điện tử Hội Văn học nghệ thuật đã được cấp phép hoạt động. Các hoạt động của Hội, các phân hội, các tác phẩm văn học nghệ thuật, các bài nghiên cứu phê bình được quảng bá rộng rãi, được đông đảo bạn đọc quan tâm, tra cứu, tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu.

Số đầu sách được xuất bản trong nhiệm kỳ này đã tăng hơn 10 đầu sách so với nhiệm kỳ trước lên 53 đầu sách, phong phú về thể loại: 06 tập tiểu thuyết, 13 tập truyện ngắn, 09 tập thơ, 02 tập truyện thiếu nhi và một số tập bút ký, tản văn, nghiên cứu văn nghệ dân gian, trong đó, có tập Văn nghệ Tuyên Quang một chặng đường. Tập truyện thiếu nhi Giery lên rừng hái thuốc của Đỗ Anh Mỹ đạt giải C (giải thưởng hàng năm của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam trao). Đặc biệt, cuốn Tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong do NXB Hội Nhà văn xuất bản đã được nhà nước đặt hàng, trong đó có tiểu thuyết Ma làng được trao giải xuất sắc về đề tài nông nghiệp nông thôn (do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn phối hợp với Hội Nhà văn trao tặng). Nhà văn Phù Ninh cũng cho ra mắt ba tiểu thuyết về vùng đất Tuyên Quang: Về Tân Trào, Tân Trào rạng ngày độc lập và Trần Nhật Duật.

Từ năm 2013, đứng trước yêu cầu biên soạn giáo trình học phần Văn học địa phương Tuyên Quang dành cho hệ Đại học của trường Đại học Tân Trào, hội viên của phân hội Văn học đã phối hợp với các giảng viên của Khoa Khoa học cơ bản nghiên cứu một số đề tài cấp cơ sở và cấp tỉnh để phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Đó là đề tài NCKH Thi pháp truyện cổ tích Tuyên Quang (cấp tỉnh, được xếp loại Khá, năm 2014), Thi pháp không gian nghệ thuật trong thơ Mai Liễu, Tìm hiểu tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn Đinh Công Diệp (xếp loại Giỏi, cấp cơ sở, năm 2017), Một số yếu tố thi pháp truyện ngắn Vũ Xuân Tửu, Thế giới nghệ thuật thơ Ngọc Hiệp (xếp loại Giỏi, cấp cơ sở, năm 2018). Các công trình nghiên cứu này đã tập trung vào các khía cạnh cũng như những đặc điểm nổi bật trong quá trình sáng tác của một số nhà văn, thơ tiêu biểu của tỉnh. Mối quan hệ giữa phân hội Văn học với bộ môn Ngữ văn của trường Đại học Tân Trào cũng như một số trường đại học, Viện Văn học đã ngày càng khăng khít hơn. Một số tác giả có quá trình sáng tác dầy dặn, có phong cách rõ ràng, nhận được nhiều giải thưởng của Trung ương, địa phương đã trở thành những đề tài nghiên cứu của cả giảng viên và sinh viên, học viên Sau đại học trong và ngoài tỉnh: Đoàn Thị Ký, Vũ Xuân Tửu, Mai Liễu, Đinh Công Diệp, Ngọc Hiệp, Lê Na, Đinh Công Thủy…

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, phân hội Văn học đã có những bước phát triển cả về điểm và diện. Trên báo Tân Trào, báo Tuyên Quang, Tuyên Quang cuối tuần, Tuyên Quang điện tử và một số tờ báo, tạp chí Văn nghệ Việt Nam, Văn nghệ Quân đội, báo An ninh nhân dân, tạp chí Văn nghệ của các địa phương khác, trong 1.031 tác phẩm của 53 tác giả được đăng tải có 565 bài thơ, 196 truyện ngắn, 103 tác phẩm sưu tầm, phê bình văn học, giới thiệu tác phẩm. Đã có những cây bút trẻ tham gia vào lực lượng sáng tác như Trịnh Thị Thứ, Triệu Thị Linh, Vương Huyền Nhung, Dương Đình Lộc… góp phần vào sự khởi sắc của phân hội Văn học trong thời gian qua.

Trong 5 năm, các cây bút của phân hội Văn học đã xuất bản 52 đầu sách (tăng 125%), trong đó có 18 tập truyện và ký, 18 tập thơ, 11 tiểu thuyết, 02 tập truyện thiếu nhi, 05 tập sưu tầm văn hóa dân gian, 01 cuốn chuyên khảo về văn học dân gian. Hội viên của phân hội đã mạnh dạn sáng tác các tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim truyện điện ảnh. Có những tác giả tiêu biểu trong nhiệm kỳ xuất bản được 03 đầu sách trở lên: nhà văn Trịnh Thanh Phong, Đỗ Anh Mỹ, Hồng Giang, Nguyễn Đình Lãm, Cao Xuân Thái.

Nhiều tác phẩm gửi dự thi đã đoạt giải từ khuyến khích đến giải B, giải C do các Hội đồng nghệ thuật Trung ương thẩm định.

Điểm đáng chú ý trong nhiệm kỳ 2016-2021, thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một số tác giả đã hướng mạnh tới công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh: Văn quan làng (Tống Đại Hồng và Ma Văn Đức), Phong tục lấy rể kế tế của người Tày (Tống Đại Hồng), Bộ tranh thờ của người Dao Đỏ (Tống Đại Hồng, Ma Văn Đức, Bàn Xuân Triều), Lễ cưới của người Dao Đỏ (Tống Đại Hồng, Bàn Xuân Triều), Lễ cấp sắc bảy đèn của người Dao Đỏ (Tống Đại Hồng, Phi Khanh), Tuyển tập truyện cổ tích Tuyên Quang (Bùi Thị Mai Anh, Trần Thị Lâm Huyền, Bùi Ánh Tuyết, Đặng Trần Quân), Văn hóa truyền thống của người Dao ở Tuyên Quang (Bùi Thị Mai Anh, Hoàng Thị Thu Dung, Đặng Trần Quân, Mai Đức Thông, Trần Minh Tú). Đặc biệt, có 02 tiểu thuyết viết về văn hóa dân tộc và miền núi: Rừng có tiếng người của cố nhà văn Đinh Công Diệp và Rễ rừng của nhà văn Đỗ Anh Mỹ.

Phân hội đã phối hợp với Ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang dựng trên 30 chương trình và nhiều bài báo giới thiệu, quảng bá, tôn vinh tác phẩm, tác giả; phối hợp với trường Đại học Tân Trào giới thiệu các đầu sách mới, đưa các tác phẩm văn học đến gần hơn với độc giả các lứa tuổi trong nhà trường qua các kênh truyền thông đa phương tiện, trở thành nguồn tài liệu phục vụ tích cực cho các hoạt động học tập, nghiên cứu cho các đối tượng khác nhau.

Các cuộc thi trên báo Tân Trào do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trong 5 năm qua đã thu hút được hàng nghìn tác phẩm dự thi: cuộc thi Truyện ngắn Tuyên Quang (2017), Thơ thiếu nhi (2018), Bút ký đất và người Tuyên Quang trong công cuộc đổi mới (2020), Thơ Tuyên Quang (2021).

Khi chuyển đổi từ báo Tân Trào sang Tạp chí Tân Trào, các cây bút của phân hội Văn học cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu về bài viết cũng như chất lượng của tạp chí, vì vậy, các trang của tạp chí vẫn luôn dồi dào bài viết, tác phẩm của lực lượng sáng tác ngày càng đông của phân hội.

Trải qua một chặng đường dài 40 năm, phân hội Văn học đã từng bước phát triển, góp sức mình trong việc bám sát từng bước đi, từng thay đổi của đất và người Tuyên Quang, trưởng thành và khẳng định vị thế trong lòng bạn đọc, bước đầu được quan tâm nghiên cứu và trở thành đối tượng để giảng dạy và học tập trong các nhà trường. “Những con số biết nói” trên đây chính là một thành tích không nhỏ mà phân hội đã nỗ lực suốt 40 năm qua, là phần thưởng, là động lực cho các nhà văn, các cây bút trẻ tiếp tục cống hiến và trưởng thành.

Bùi Thị Mai Anh

Tin tức khác