Nghiệp viết của Nguyễn Đình Lãm một cuộc “dạo chơi” thú vị

Chủ nhật, ngày 27-03-2022, 10:19| 1.023 lượt xem

Một buổi sáng mùa Đông, tác giả Nguyễn Đình Lãm, sinh năm 1946 leo chầm chậm theo 3 làn cầu thang lên tầng 3 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nhìn thấy ông, lũ chúng tôi xúm xít chào hỏi:

- Bác có khỏe không ạ?

- Dạo này bác vẫn viết đều chứ ạ?

- Lâu lắm bác mới lên Hội, bác lên chơi hay có việc gì ạ?

Ông ngồi phệt xuống chiếc ghế băng, vừa thở vừa nói:

- Chúng bay để tao thở tí đã hẵng hỏi! (Ông hay xưng tao trìu mến với mấy đứa đáng tuổi cháu như chúng tôi).

Ông ngồi nhắm mắt một lúc, hơi thở gấp đã đều đều trở lại, đoạn mở mắt nhìn một lượt rồi cười:

- Lâu rồi không lên Hội, tao nhớ thì lên chơi thôi. Cháu mày là đứa nào mà tao không nhớ ra nhỉ? Tên là gì? - Ông nhìn tôi rồi tự gõ vào trán lẩm nhẩm “Ôi mình đúng là già lẫn rồi!".

- Dạ cháu là Thèn Hương, cháu chuyển công tác về đây được mấy tháng rồi mà...

- Ừ, tao cứ tưởng cháu mày là người Hà Nội lạc về đây - ông cười hóm hỉnh.

- Ôi, bác hỏi tên cháu 3 lần như vậy rồi buồn ghê. Lần sau lên đây mà nhìn thấy cháu, bác nghĩ thế này: Tưởng người Hà Nội hóa ra nó là đứa người Nùng trên núi cao. Mà hình như quê nó còn ở tận Xín Mần, Hoàng Su Phì - Hà Giang thì phải! Bác nhớ như vậy là lần sau không quên cháu nữa ạ. - Tôi đáp lời, cố nghĩ ra một hình ảnh gợi nhớ để lần sau gặp ông không quên mình.

Nhắc đến Hà Giang, mắt ông bỗng sáng hơn. Ông bảo:

- Cháu mày làm tao nhớ lại hồi năm 1963, khi ấy ông già này mới 17 tuổi, cả gia đình từ Hưng Yên lên Hà Giang sinh sống theo phong trào đi khai hoang. Tao tiếp tục học lên cấp ba tại trường Việt Vinh. Vừa học vừa miệt mài bám ruộng, nương kiếm sống. Ôi một thời trai trẻ sung sức và sôi nổi biết bao!

- Cháu thấy trong tác phẩm nào của bác viết hầu như cũng nói về rừng, gắn với rừng. Năm 2019 bác lại có tập “Chuyện của rừng” với mấy chục truyện ngắn được Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam in. Điều này chứng tỏ bác rất yêu rừng. Từ một con người ở vùng xuôi mà khi lên sống với vùng núi bác đã cảm thấy yêu rừng tha thiết như thế ạ?

- Ừ, khi lên đến Hà Giang, cái cảm giác đầu tiên của tao là choáng ngợp trước sự hùng vĩ của núi rừng. Nhìn những cánh rừng xanh thẳm, có mây mù phủ trắng xóa trên đỉnh núi, tao thấy có cái gì nó hoang sơ, huyền bí khó tả. Kiểu như rừng có chứa một sức mạnh siêu nhiên. Mà tao yêu rừng vì một lý do khác nữa, lý do nó gắn với một người con gái dân tộc Dao. Nàng có vẻ đẹp của một cô sơn nữ, đẹp khỏe khoắn với đôi mắt ngây thơ và trong sáng.

- Nghĩa là cô ấy là mối tình đầu của bác ạ?

- Không hẳn vậy, mảnh nương của nhà tao và nhà nàng ở sát nhau. Mỗi lần đi làm nương là hai đứa lại nhìn nhau, lúc nghỉ giải lao thì cùng trò chuyện. Tao cho nàng ít giống dây khoai lang, nàng thích lắm. Lúc đó ở trên rừng bà con chưa biết trồng khoai mà chủ yếu trồng sắn. Tao động viên nàng đi học, sau này nàng cũng đi làm cán bộ, ăn lương nhà nước hẳn hoi. Nói thì khó tin nhưng tình cảm giữa tao và nàng trong sáng lắm, có thể là rất thích nhau, nhưng chỉ dừng lại ở mức đó thôi.

- Cháu thấy nghề của bác toàn con số, liên quan đến kinh tế. Bác từng làm kế toán thương nghiệp trên Hà Giang, sau chuyển về Tuyên Quang lại làm Trưởng phòng Tổng hợp tại cơ quan Trọng tài kinh tế tỉnh. Vậy mà bác lại rất yêu văn chương và đam mê viết lách. Bác có thể lý giải về sự đối lập này được không ạ?.

- Thì con số, kinh tế nó là nghề để tao kiếm ăn, nuôi con, xây nhà. Còn văn chương nó là thuộc về tinh thần, nó là đam mê. Khi mệt với những con số, tao đọc sách, viết văn. Đọc xong, viết xong cảm thấy sướng, người như được nạp thêm năng lượng, lại tiếp tục vật vã với con số và công cuộc kiếm ăn. Đơn giản vậy thôi mà!

- Vậy bác bắt đầu viết từ năm bao nhiêu tuổi ạ?

- Tao bắt đầu viết từ năm 24 tuổi. Hồi đó cũng chẳng nghĩ là viết để in sách, in báo hay trở thành một tác giả gì đâu. Cháu mày hỏi tao lại nhớ bài thơ lần đầu tiên viết: “Bồng bềnh chiếc thuyền cóc/Đôi mái chèo con con/Mênh mang bầu tâm sự/Nông sâu cùng nước non”. Tự viết rồi tự đọc, rồi cất đi.

- Vậy bác chính thức nên duyên với “ngôi nhà Văn nghệ” tỉnh từ khi nào?

- Từ năm 1979, cả gia đình chuyển về gắn bó với xứ Tuyên, tao vẫn tiếp tục viết, chủ yếu là viết truyện ngắn, nhưng vẫn chưa gửi đăng ở đâu cả. Cơ duyên với văn nghệ đến khi một lần được gặp cố Nhà văn Đinh Công Diệp. Hai người nói chuyện tâm đầu ý hợp. Được ông Diệp “thẩm văn” rồi động viên, thế là tao gửi bài vở lên Báo Văn nghệ Hà Tuyên. Được cái truyện nào, bài nào gửi cũng được in, từ đó có thêm động lực để viết.

- Hôm trước đọc truyện bác viết về Lão Sang ở chuyên mục Đời có người như thế trên Tạp chí Tân Trào số 6, cháu thấy hay quá. Nhân vật lão Sang có rất nhiều điều quái gở, khác với người thường nên người đời nhìn vào thường cho lão là người xấu. Tuy vậy lão lại sống hiền lành, lương thiện, không nhờ vả và cũng chẳng bao giờ lấy cái gì của ai. Mà đọc đến đoạn “tôi thấy lão nuôi một con mèo rất to, mèo mướp. Thực ra con mèo nuôi lão chứ không phải lão nuôi mèo. Bởi vì con mèo tha chuột rừng về cho lão luôn. Chả hôm nào lão không được ăn thịt chuột nấu với đu đủ”… cháu và mọi người đều phì cười. Tại sao bác lại nghĩ ra được một nhân vật “quái” và những tình tiết hay như vậy ạ? Nhân vật này có thật ở ngoài đời không và một truyện ngắn như thế bác viết bao lâu thì xong ạ?

- Thì đa phần các nhân vật trong truyện của tao đều là các nhân vật có ở ngoài đời thật, nhưng tao “mô-đi-phê” nó đi. Ngắn như truyện Lão Sang tao viết có 2, 3 tiếng gì đó là xong. Truyện như thế có mà ngày tao viết được 2 cái. Tao viết thường rất nhanh vì ý tưởng luôn có sẵn ở trong đầu. Lúc đặt bút viết thì một mạch là xong. Thông thường, một truyện dài dài hơn thì viết lâu lắm cũng độ 1, 2 hôm chứ hiếm khi kéo dài cả tuần. Tao không bào giờ kẽo kẹt lai rai cả.

Tôi và mọi người mắt tròn mắt dẹt kính nể khả năng viết nhanh của ông. Ở cái tuổi gần 80 mà sức sáng tác của ông còn hơn cả thanh niên, thật đáng quý! Viết nhanh, nhưng truyện nào của ông cũng có những nhân vật hoặc tình tiết thú vị. Đọc những sáng tác của ông, ta như lạc vào 1 khu vườn văn kỳ thú. Ông có thể khiến bạn đọc bật cười sảng khoái với những tình tiết thú vị, những hoàn cảnh éo le, những nhân vật quái gở với tính cách oái oăm, mà đâu đó trong cuộc sống ta đã bắt gặp những con người như vậy. Văn của ông hóm hỉnh, hài hước, nhẹ nhàng. Truyện của ông đa phần khá ngắn với những lời thoại ngắn, tiết tấu nhanh, khiến người đọc bị cuốn hút, có thể đọc hàng chục truyện cùng một lúc mà không thấy mệt. Điểm lại quá trình sáng tác, ông đã có trên 200 truyện ngắn, thơ và vài chục bài bút ký. Tác phẩm không chỉ đăng ở tạp chí văn nghệ tỉnh nhà mà còn đăng ở các tờ văn nghệ Trung ương, tỉnh bạn. Những sáng tác tiêu biểu của ông còn in dấu ấn sâu đậm với ai từng đọc, như “Vịt ống”, “Ăn riêng”, “Cái mắc áo”…

Nói về tác giả Nguyễn Đình Lãm, Nhà văn Trịnh Thanh Phong nhận xét: Ông Lãm là một người viết rất khỏe. Ông có cái tài ít người theo được là viết nhanh và thấy cái gì hay hay là có thể viết thành bút ký, thành truyện được ngay. Tập ký “Dọc miền đất nước” của ông là một ví dụ. Đi dự trại sáng tác ở tỉnh nào, đặt chân đến đâu là ông có thể nắm bắt hiện thực rất nhanh để đưa vào tác phẩm. Văn ông hay, có chất riêng lôi cuốn người đọc. Điều đặc biệt nữa là ông xây dựng được những chi tiết rất hay, rất đắt. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ông chỉ dừng lại ở đó, giá như ông đào sâu ở mỗi nhân vật thêm một ít, đẩy các truyện lên cao trào hơn nữa, bố cục truyện chặt chẽ hơn nữa… thì ông đã là một tác giả ở tầm cao hơn. Ví dụ như truyện “Lão Sang”, đến đoạn lão ấy mời nhân vật tôi ở lại ăn cơm: “Nhìn bát tiết canh đông xắn, trên có mấy miếng gan, tôi cũng thấy thèm thèm muốn ngồi nhâm nhi với ông già vài chén. Nhưng vừa chùng gối, sắp ngồi thì lại bỗng nhớ lời dặn của vợ tôi rằng: Đừng chơi với lão, chơi với lão hỏng người. Thế là tôi từ chối, về”. Khi về nhân vật tôi lại nhận định lão Sang là người tốt, lời vợ nói vô lý. Giá như nhân vật tôi có chính kiến hơn, ở lại ăn bữa cơm với lão, từ đó nói chuyện với lão, biết được nguồn gốc, tâm sự cuộc đời của lão, có thể lão từng là người đại trượng phu, dọc ngang trời đất, tiếng tăm một thời….. nhưng do cuộc đời xô đẩy, lão phải sống ẩn mình như vậy… chứ thực ra lão là một người sống ngay thẳng, tình nghĩa. Tuy lão ở trong một túp lều chẳng ra túp lều, không có một của cải gì đáng giá, nhưng tâm của lão còn tốt hơn hàng vạn những con người đi xe sang, mặc hàng hiệu, ở biệt thự ngoài kia… Viết được như vậy thì có lẽ ông đã là một nhà văn tên tuổi trong cả nước rồi.

Tôi thấy cũng đáng tiếc cho ông thật. Nhưng ông từng bảo “Trước đây tao cũng mong được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam lắm, mà giờ già rồi, chỉ cần khỏe được ngày nào là mừng ngày ấy, bởi vì đã xác định đến với văn chương là một cuộc dạo chơi, mà đã chơi là phải vui, được cũng tốt, không được cũng không sao!”.

Nhìn gương mặt đã nhiều nếp nhăn với làn da đã hơi sạm, lấm tấm những chấm đồi mồi, mái tóc ngả bạc của ông, tôi thầm cảm phục. Do có tài tính toán, xoay sở nên cái thời khó khăn mọi người phải lăn lộn với cơm, áo, gạo, tiền thì ông vẫn luôn đủ sống, vẫn thong dong viết lách. Sau này cơ chế thị trường mở ra, ông có của ăn của để, nhà cao, cửa rộng. Tuy ông đến với văn chương như một cuộc dạo chơi, nhưng ông vẫn có sự đầu tư nghiêm túc và gặt hái thành quả nhất định. Dù cuộc đời ông có nỗi buồn riêng nhưng ông có gia đình hạnh phúc, các con thành đạt, hiếu thảo; các cháu học giỏi, ngoan ngoãn. Cả đại gia đình ông đều yêu văn chương, nghệ thuật, luôn đọc sách và cổ vũ ông sáng tác. Vậy thì còn gì bằng! Ông quả đã sống một cuộc đời đáng sống!. 

Thèn Hương

Tin tức khác