Cuộc thi thơ kết thúc niềm hy vọng lại được mở ra

Thứ năm, ngày 17-03-2022, 15:15| 1.029 lượt xem

Có một điều hiện nay là, trong khi số lượng người làm thơ tăng lên, song thơ thì không có nhiều bài hay. Thực trạng này không chỉ ở các nhà thơ không chuyên nghiệp và cả những nhà thơ chuyên nghiệp. Ở Tuyên Quang người ta vẫn thường nói vui rằng: “Công tác mỗi người mỗi ngành/Về hưu tất cả đều thành nhà thơ”. Chưa bao giờ danh xưng “nhà thơ” lại được lạm dụng như thế. Tất nhiên, nhiều bài thơ làm ra cũng chả chết ai, chả ai cấm cản người ta làm thơ để bày tỏ cảm xúc, nỗi niềm của mình trước tình yêu quê hương, tình yêu con người. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng nói: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống. Thơ là tổng hợp, là kết tinh. Văn xuôi cho phép không hoàn toàn, nhưng thơ thì luôn đòi hỏi sự toàn bích”. Qua đó mới thấy, làm thơ đã khó, mà thơ hay thì lại càng khó hơn đối với những người trót đa đoan nghiệp con chữ. Thế nên, khi tổ chức phát động cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021”, những người trong Ban Tổ chức cuộc thi cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào số lượng tác giả và đặc biệt là chất lượng của mỗi tác phẩm mà các tác giả gửi về. Nhưng, cuộc thi nào cũng có mục đích, yêu cầu và các tiêu chí đánh giá cụ thể của nó. Đó là tìm cho ra được những bài thơ hay nhất, xuất sắc nhất để tổ chức trao giải thưởng.

Nhà văn hóa Phan Ngọc cũng từng nói: “Nghệ thuật chỉ tự do khi nghệ sỹ nhận thức được sức bền của vật liệu mình xây dựng”. Cũng rất mừng là hầu hết số lượng tác giả gửi thơ về tham gia cuộc thi lần này đều có sự chững chạc về nghề, với cách thức thể hiện nhiều sáng tạo, mới mẻ. Dường như vốn sống từ thực tế, cộng với năng lực nội sinh trong việc vận dụng con chữ, khiến gương mặt thơ của họ lung linh và đa tầng, đa nghĩa hơn. Nó mang đến cho người ta cái sự ngồn ngộn chất liệu trong hiện thực cuộc sống tươi mới. Mặc dù cuộc thi chỉ được phát động trong một thời gian ngắn, trong vỏn vẹn 10 tháng (tính từ tháng 1 đến tháng hết tháng 10 năm 2021), nhưng Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 800 tác phẩm, của 110 tác giả. Điều đáng nói là, không chỉ có các tác giả thơ trong tỉnh mà còn có đông đảo các nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước cũng tích cực tham gia. Trong đó hầu hết số lượng tác giả, tác phẩm gửi về cuộc thi từ ngoài địa bàn của Tuyên Quang, với khoảng gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có cả những tác giả sinh sống, công tác ở các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam. Đấy là sức hút mạnh mẽ mà cuộc thi thơ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức lần này.

Cuộc thi cũng đã khép lại, nhưng đến tháng 2 năm 2022, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang mới tổ chức trao giải thưởng cho các tác giả, nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, nhìn lại cuộc thi cho thấy, mỗi người một vẻ, mỗi người một giọng thơ. Những mật ngữ được cất lên từ sự rung động của cảm xúc, của sự chất chứa nỗi niềm trước cuộc đời, trước tình yêu con người và tình yêu quê hương, xứ sở. Trong gần 800 tác phẩm, không phải không có những bài còn ở dạng nguyên liệu thô, chưa có kỹ năng nhào nặn con chữ một cách kỳ khu, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng mà nói lên rằng, cũng không ít tác phẩm thơ của họ lấp lánh “hạt chữ” chắc mẩy. Nó mang lại niềm vui cho Ban tổ chức cuộc thi khi lựa ra được số lượng “hạt chữ” lấp lánh, chắc mẩy từ “cánh đồng” còn xao xác những “hạt lép, bông von”. Nổi bật nhất phải kể đến các tác giả của Tuyên Quang, có già, có trẻ. Họ xếp bên cạnh nhau, tạo nên một vườn hoa đua sắc thắm. Trẻ có cái rắn rỏi về nghề phu chữ. Già có cái đằm sâu, triết lý và biết bao nhiêu nỗi niềm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Lương Ngọc An, Phó Tổng Biên tập Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam (thành viên Ban trung khảo cuộc thi) đều có chung một nhận định là, thơ của các tác giả Tuyên Quang tham dự cuộc thi này đều rất chững chạc, một số bài có được cái “vụt sáng” để hòa vào dòng chảy của thơ ca đương đại cả nước.

Một tác giả nữ với bút danh Vương Huyền Nhung, còn khá trẻ, nhưng đã có được sự rắn rỏi về nghề, với bút pháp linh hoạt, câu chữ chuyển động đã mang đến cho người đọc sự bất ngờ thú vị. Chị xuất hiện trên các báo, tạp chí ở tỉnh và Trung ương đều đặn trong vài năm trở lại đây. Hành trình sáng tạo của chị chưa phải là dày dặn, nhưng thơ của chị đủ để khiến người ta phải thảng thốt vì cách diễn đạt, vừa chắc nịch, kiệm lời, vừa thấy được cái hồn nhiên, tươi mới từ chất liệu của cuộc sống. Chị mang đến cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021” với chùm thơ gồm 5 bài, đọc bài nào cũng đều hấp dẫn, đầy cá tính. Tuy nhiên, nổi trội hơn cả là ba bài thơ: “Hoa lửa Pà Thẻn, Tiếng gọi đò bên sông Lô, Mùa hoa lê. Cả ba bài thơ này đều lấy chất liệu về con người, miền đất Tuyên Quang hào hùng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy đề tài chị đề cập đến không mới, nhiều người đã từng viết, nhưng chị biết làm mới con chữ, làm mới những gì tưởng như đã cũ. Bám vào mạch thơ của chị, người ta như nhìn thấy được, sờ nắn được, nó hiện hữu ngay trước mắt mình một đên nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn. Một đêm đắm say, khiến “núi rừng nghiêng theo bàn chân trần trên lửa”. Các chàng trai của bản hiện ra rắn chắc, cuồn cuộn và ma mị đến khó tin:

Hỡi những đứa con trai

thân hình cây lim cây sến

Hỡi những đứa con gái rực rỡ như vì sao trên ngàn

Thầy mo đã cúng

Thần linh đã về

Lửa reo trong mắt

Lửa cháy trong tim…

          (Hoa lửa Pà Thẻn)

Vẫn cái mạch thơ mang hơi thở của núi rừng Lâm Bình, Vương Huyền Nhung lại đưa chúng ta khám phá đến một miền đất của huyền thoại, đó là Na Hang, nơi ngọn nguồn con sông Gâm và sông Năng hòa chung vào một dòng chảy. Ở đấy là mùa hoa lê đang xòe những cánh hoa trắng muốt, nom như những cái cúc áo mà người ta đang đính lên vạt rừng giữ chiều ngằn ngặt gió. Mỗi câu thơ của chị như mỗi lời nhắn nhủ, gợi mời thủ thỉ, khiến các chàng trai không thể nào từ chối được:

Ngược phố về rừng có ở lại người ơi

Nơi bản vắng quanh năm vi vút gió

Nơi tình yêu lớn lên từ cây cỏ

Đá cũng rêu trên mỗi phận người…

                                  (Mùa hoa lê)

Tôi rất thích câu thơ của Vương Huyền Nhung: “Đá cũng rêu trên mỗi phận người”. Đó là một câu thơ khó viết và đầy nỗi ám ảnh, gợi cho con người ta nhiều chiều suy ngẫm. Nếu ai đã từng sống trên bản làng nơi rẻo cao của Na Hang mới cảm nhận được sự kỳ bí của thiên nhiên. Trong một môi trường khắc nghiệt, nhiều thử thách, bao phận người cứ lặng lẽ đi qua sau mỗi mùa hoa lê nở. Những thân cây lê xù xì, những chiếc rễ khẳng khiu lách vào mạch nguồn đất đai, lách vào mạch nguồn đất đá để mà vươn lên rắn rỏi giữa đất trời vùng cao. Nó giống như con người nơi đây vậy, nhọc nhằn đấy mà trong trẻo quá, nó có khiến chàng trai phố thị lên với miền hoa lê có ngẫm ngợi gì không? Những bông “Hoa lê chắc còn tươi phố sáng nay” có ngẫm ngợi gì không?

Những mùa rẫy khát tay người chăm bón

Như thớ đất khô chờ cơn mưa dịu ngọt

Cây biết xanh để trả ơn đời.

                             (Mùa hoa lê)

Chùm thơ ba bài đoạt giải của Vương Huyền Nhung, bài nào cũng xuất sắc, nhưng theo cảm nhận của tôi thì bài thơ “Tiếng gọi đò bên sông Lô” có phần nhìn hơn một chút so với những bài còn lại. Tất nhiên ở đây chỉ xét về mặt tương đối một cách chủ quan, nó điển hình cho cái việc làm mới những điều tưởng như đã cũ của Nhung. Đứng bên dòng sông, một tiếng gọi đò của người con gái hay là tiếng gọi dội về từ quá khứ? Nó cứ thẳm sâu và hun hút. “Nhà bạn tôi bên kia, phía có ngọn tre phất phơ khói loang loang mặt sóng/Có phù sa bồi lở, có máu bạn tôi rơi sau tiếng bom rền”. Thế hệ của Nhung chưa trải qua chiến tranh, nhưng chị viết về điều mất mát, hy sinh sau cuộc chiến, với những ngôn ngữ dung dị mà già dặn, thủ thỉ mà đầy những lớp sóng cồn lên trong lòng người. Bài thơ này chị viết ở dạng thơ văn xuôi, nghĩa là cả bài đều là những câu thơ dài ngoằng, không giống với cách viết truyền thống của nhiều người vẫn hay viết và, đương nhiên không phải ai cũng thích đọc kiểu viết như vậy. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân, thì: “Thơ cũng loại cụ thể hữu hình, nhưng nó khác với cái cụ thể của văn”. Cách viết này nếu tứ không chặt, kiến thức không vững, sẽ dễ sa vào hình thức giản đơn hóa. Song, đọc “Tiếng gọi đò bên sông Lô”, người ta thấy chị vận dụng khá linh hoạt vốn sống, vốn ngôn ngữ để làm nổi bật lên tứ thơ. Người con gái gọi đò trong buổi chiều vắng, chả ai trả lời chị cả. Chỉ có dòng sông dềnh lên từng lớp sóng và cái vị mặt mòi của phù sa. Ở đó có đau thương, mất mát, nơi ấy là; “Nấm mồ xanh nơi đó bạn tôi nằm, quanh năm dòng Lô ru êm giấc ngủ”. Nơi ấy cũng là cái quãng thời gian “Chẳng thể quên, ngày hôm qua đi vào lịch sử, tạo ngồi đây bên dòng Lô còn cào quá khứ, nhớ mày lại gọi: Đò ơi”. Câu thơ cứ day dứt, tiếng gọi đò sao cứ nghèn nghẹn, nỗi niềm đầy vơi.

Tiếng gọi đứt quãng lạnh dần

Màn sương rủ theo đất trời giao thoa lẫn vào sáng tối

Mặt sông dềnh sóng đưa những đài sen ngan ngát xuôi dòng

Ông lái đò cắm sào, dứt câu chuyện chấm ngấn lệ khô

Chỉ còn lại khúc hùng ca muôn đời sông kiêu hãnh chảy.

                   (Tiếng gọi đò bên sông Lô)

Ở cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021”, bên cạnh một Vương Huyền Nhưng trẻ trung, cuồn cuộn và cá tính, còn có một Cao Xuân Thái với nhiều chiêm nghiệm, nỗi niềm và đằm sâu. Ông là một nhà thơ gạo cội của Tuyên Quang. Đọc thơ ông từ hàng chục năm nay, nhưng tôi đều thấy thơ ông toát lên cái vẻ trầm lắng, nỗi niềm và trĩu nặng những thân phận người. Cuộc thi thơ lần này, ông mang đến góp mặt với năm bài. Vẫn với cái mạch thơ trĩu nặng nỗi niềm ấy, nhưng lại đan xen cái sự rộn ràng, khúc triết và tươi mới, tiêu biểu là bài thơ “Đại ngàn”. Đọc “Đại ngàn”, lại như thấy Cao Xuân Thái đang rẽ sang một mạch thơ khác, nó giống như một ông già có kiến thức uyên sâu đang háo hức kể chuyện với đám trẻ con bên bếp lửa nhà sàn. Mạch thơ có lúc chậm rãi, có lúc dâng trào. Một ông già hiện lên với dáng vẻ “Như cây lim sừng sững giữa đại ngàn/Mắt sáng quắc, cánh tay vồng rễ nghiến/Chén rượu vào lời nói vang vang”. Ông kể gần, kể xa, kể về đất đai, tiên tổ, kể về truyền thuyết của vùng đất bồi lắng từ hàng trăm năm trầm tích văn hóa. Nhân vật trữ tình trong thơ Cao Xuân Thái mang cái ngọn lửa từ tình yêu với rừng, rồi truyền cái ngọn lửa ấy mà cháy đượm sang cuộc đời người khác. Sống với rừng, nhận ân sủng và che chở của rừng, thế nên con người ta sẽ tìm thấy triết lý sống của rừng, giản đơn mà sâu sắc lắm.

Ông hiểu từng cây rễ dài, rễ ngắn

Có cây rau sắng làm canh cho người

Mùa măng đắng ngọt, sâm núi, củ mài

Tổ khoái trên cao ròng ròng bầu mật

Rừng cho bóng mát, rừng ngăn bão dông.

                                      (Đại ngàn)

Sống trên rừng, mỗi loài cây đều có số phận khác nhau. Sự phức hợp này mang đến cho rừng một sự đa dạng về sinh học. Nhưng tựu chung lại, loài này cũng đều có khát vọng sống, âm thầm lách rễ vào mạch nguồn đất đai cỗi cằn để mà vươn lên. Từ loài trầm gió, lát hoa, vàng tâm, chò chỉ đến các loài thảo mộc đều có niềm khát khao như vậy. Các chất liệu được Cao Xuân Thái đưa vào tác phẩm “Đại ngàn” cứ ngồn ngộn, ngợp lên, dẫn dắt con người ta đi vào miền rừng huyền bí. Câu chữ của ông tươi mới, có lúc dâng trào, nhưng có lúc ngưng đọng bởi triết lý sống ở rừng, khiến con người chợt dừng lại nghiền ngẫm về hành trình sống của mình, với một câu hỏi: “Sao cây thì thẳng, lòng người lại cong?” Đó là một triết lý sống, một câu hỏi tu từ mà con người khó có thể trả lời cho cặn kẽ. Cây trong rừng sống bên nhau luôn nói điều ngay thẳng, còn con người sống bên nhau, xen giữ cái xấu và cái tốt, chả ai mà lường trước được cả. Triết lý sống ấy tưởng như khó với con người, nhưng lại trở nên dễ dàng với rừng. Bởi, ở đó có: “Đất đỏ, đất nâu nói điều chân thật/Nắng mưa chắt lọc lung linh hạt sương”. Đến đây thì đã rõ, câu hỏi “Sao cây thì thẳng, lòng người lại cong” đã tìm ra câu trả lời thoả đáng. Một khi con người ta sống chân thật với nhau, biết chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống thì sẽ xua đi cái xấu, đón điều tốt lành trở về bên cuộc đời. Chính vốn sống phong phú đã mang lại cho Cao Xuân Thái những con chữ vạm vỡ đến như vậy. Nói như

Henrich Hainơ, thì: “Nhà thơ chỉ cường tráng khi bám chặt đời sống hiện thực”. Và, quần thể rừng của Cao Xuân Thái từ ngàn năm trước, hay ngàn năm sau vẫn thế:

Ngàn năm đại ngàn vẫn dư sức trẻ

Đi qua rừng già, băng qua rừng non

Để yên xứ sở mùa thu lá rơi

Móng rồng tôi hái cho người, người ơi.

                                      (Đại ngàn)  

Có một gương mặt thơ nữa không thể không nhắc đến trong cuộc thi này, đó là tác giả Tống Đại Hồng. Ông vốn là một người làm kỹ thuật, nhiều năm gắn bó cùng ngành điện lực của tỉnh. Công việc của ông không dính dáng gì đến văn chương cả. Tuy thế, cái máu nghệ thuật vẫn luôn âm ỷ chảy róc rách trong con người ông. Dù làm thơ không nhiều, nhưng phong cách của ông đã sớm được định hình với hàng loạt bài thơ ra mắt bạn đọc một cách ấn tượng và chững chạc. Thơ của ông viết giản dị, không cầu kỳ, nó thuộc về ngôn ngữ đời thường, mộc mạc như chính cuộc sống của đồng bào Tày của ông. Lời thơ thủ thỉ, rì rầm mà trong trẻo như mạch nguồn con suối. Những gì ông viết đều là thân thuộc trong cuộc sống, những hình ảnh về làng bản, về mẹ, về nỗi nhớ điều gì đã thuộc về xưa cũ. Ấy thế nhưng ở đó người đọc lại thấy ló ra sự sâu sắc đáng kinh ngạc. Ví dụ như bài thơ “Con dao của mẹ” mà ông mang đến góp mặt trong cuộc thi thơ Tuyên Quang lần này. Chả có gì đao to búa lớn cả, chỉ là con dao mà người mẹ miền núi vẫn thường đeo bên hông cả khi lên nương, khi đi làm dâu nhà chồng. Cái cách quan sát của Tống Đại Hồng cũng hết sức tinh tế, khiến tứ thơ trong “Con dao của mẹ” được rõ ràng, uyển chuyển, không bị khiên cưỡng. Hãy nghe mạch thơ của ông thủ thỉ:

Mỗi lần mẹ đi chợ phiên

Bao dao óng ả thắt bên cạnh sườn

Trưa chiều vào bếp ra vườn

Cơm canh hai bữa tay vươn nhịp nhàng.

                             (Con dao của mẹ)

Người mẹ dân tộc Tày của Tống Đại Hồng hiện ra hết sức đời thường. Ai đã từng ở miền núi sẽ nhận thấy hình ảnh này, nhưng không phải ai cũng có thế viết ra được. Một người mẹ nghèo khó, lầm lũi và chăm chỉ bên bóng rừng, bóng núi, tuy ít học, nhưng lại là người mang đến các giá trị nhân nghĩa cho những đứa con của mình. Người mẹ ấy “Nhà nghèo từ bé cầm dao/Chiếc bao nhỏ nhắn đeo vào thắt lưng”, sau này lớn lên, đến tuổi: “Chăn trâu, lấy củ măng rừng/Phát nương, đan lát, không ngừng tay dao”. Cả một vòng đời mà cái bao dao mang tính đặc trưng ấy vẫn không bao giờ thay đổi, nó là cái vòng khép kín, khó tách rời. Dường như, Tống Đại Hồng muốn nói với chúng ta rằng, con dao không chỉ là vật dụng quen thuộc mà nó còn là biểu tượng của văn hóa tộc người từ ngàn xưa còn truyền lại cho người phụ nữ miền núi. Cái khéo của Tống Đại Hồng là ông biết đưa vào thơ hình tượng hết sức đời thường, mộc mạc, có phần giản đơn để đẩy nó lên thành điều lớn lao, khiến chúng ta phải giật mình suy ngẫm. Con dao giờ đây không chỉ là vật vô tri mà người mẹ vẫn đeo bên hông từ lúc bé thơ đến khi đi làm dâu nhà người, làm đủ việc gia đình của người phụ nữ Tày, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay cõi đời nhọc nhằn, con dao của mẹ còn dạy bao điều nhân văn, nhân nghĩa trong cuộc sống.

Ngày cha đón mẹ về làng

Bao dao dây đỏ chuôi vàng đem theo

Cùng mẹ lội suối trèo đèo

Ruộng vườn nương rẫy lần theo cuộc đời

Dạy con học nết làm người

Năng mài thì sắc dao ngời thép xanh.

                              (Con dao của mẹ)

Sự đa dạng trong phong cách sáng tạo của mỗi tác giả đã góp phần không nhỏ cho thành công của cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021”. Đã có 11 tác giả trong tổng số 110 tác giả đoạt giải thưởng. Ngoài 7 tác giả của Tuyên Quang thì có 4 tác giả là Bùi Việt Phương (Hòa Bình), Hàn Thanh Duy (Cao Bằng), Mai Văn Lạng và Đoàn Thị Ký (Hà Nội). Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ dành đôi điều cảm nhận của mình về các tác giả thơ ở Tuyên Quang đoạt giải. Bởi, họ là những người hơn ai hết đã dành của cuộc đời mình sống gắn bó máu thịt với mảnh đất xứ sở này. Các chất liệu họ đưa vào tác phẩm của mình đều là chất liệu hiện thực tươi ròng từ mảnh đất Tuyên Quang lịch sử và giàu bản sắc văn hóa. Niềm vui xen lẫn sự tiếc nuối của những người trong Ban Tổ chức cuộc thi. Vui vì các tác giả ở Tuyên Quang vẫn giữ được phong độ trong sáng tạo nghệ thuật. Tiếc nuối vì có những bài thơ của một số tác giả trong tỉnh chưa đoạt giải cao do còn có “hạt lép, bông von” bên cạnh những “hạt chữ chắc mẩy”. Đó là tác giả Lê Na với bài thơ “Huyền thoại Na Hang”. Bài thơ đậm chất tư liệu về một vùng đất cụ thể, phần nào sử dụng cách nói của người miền núi. Cấu trúc bài chặt, kết tốt, song cả bài còn diễn đạt thô, vụng, phung phí chất liệu nên chưa tạo được sự thú vị trong cảm nhận của người đọc. Đó là Nguyễn Hực Dực với bài “Na Hang hôm ấy”, viết đơn giản, nhưng có tình, có không khí, nhưng chưa tạo được dấu ấn. Đó là Nguyễn Bình với bài “Xứ Tuyên”, bài thơ có sử dụng nhiều chất liệu lịch sử, từ truyền thuyết đến cách mạng, biết lồng ghép cảm xúc cá nhân, gia đình, đôi lứa với quê hương, đất nước, nhưng diễn đạt còn đơn giản, chưa vượt được khỏi cách thể hiện truyền thống nên chưa có được dấu ấn độc đáo. Tuy nhiên, những người trong Ban Tổ chức cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021” thực sự tiếc nuối với bài thơ “Nói với con” của tác giả Triệu Đăng Khoa. Đây là bài thơ có tứ thơ hay, tình cảm chân thành, nhưng vấn đề mà bài thơ đề cập đến chưa đẩy lên hết được, có cảm giác bài thơ mới chỉ có phần đầu và phần kết, thiếu toàn bộ phần giữa. Nhà thơ Lương Ngọc An bảo, nếu tác giả chỉ cần viết thêm phần giữa vài câu nữa thôi thì đây là bài thơ rất xuất sắc. Nội dung bài thơ kể về ba em nhỏ ở xã Sinh Long, huyện Na Hang bị đất đá vùi lấp trước ngày khai trường năm học mới. Những câu thơ đầy ám ảnh, như:

Ngày mai

Bố không được đưa các con đi học

Bởi đêm qua thần rừng nổi giận

Đất đá ập về vùi lấp các con yêu…

                             (Nói với con)

Những câu thơ cứ nghèn nghẹn, đắng chát mà phả vào lòng người đọc cái day dứt, sự mất mát đau đớn đến tột cùng. Người mẹ của các con đã chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập cho các con rồi đấy, nào là: “Chiếc ba lô mẹ mua ngoài hiệu sách/Và những cuốn vở hồng, mực tím, bảng đen”. Chỉ ngày mai thôi, các con có thể tung tăng tới trường. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt quá, làm người mẹ và người cha quặn thắt trước sự hung bạo của cơn lũ quét tràn qua, khiến cả ba đứa trẻ vô tội bị chìm lấp dưới đất đá quê nhà. Hãy lắng nghe lời người cha tâm sự với những đứa con của mình khi các con đã đi về một thế giới khác:

Các con nhé hãy ra đi vui vẻ

Như ở trần gian khi tiếng trống khai trường

Hãy náo nức cùng thầy cô, bè bạn

Bởi ở thiên đàng chắc cũng có lớp học cho con

 

Mai bố không đưa các con đi học

Ba chị em tự dắt díu đến trường

Vắng hơi ấm của bàn tay cha mẹ…

                             (Nói với con)

Một cuộc thi có khoảng thời gian rất ngắn, thế nên không đánh giá được hết cả quá trình hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của từng tác giả. Chúng ta chỉ nhìn nhận cái được và cái chưa được của từng người, từng bài cụ thể trong phạm vi hẹp của cuộc thi. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vẫn hy vọng các tác giả đoạt giải cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021” vẫn giữ được cái chững chạc, sâu đằm và tươi mới của mình trong sáng tạo; đồng thời chờ đợi sự bứt phá, vụt sáng của các tác giả thơ khác trong tỉnh, để thơ Tuyên Quang chảy mạnh mẽ cùng nhịp đập chung của dòng thơ đương đại của cả nước.

 

Tạ Bá Hương

Tin tức khác