Bài học Tân Trào

Thứ hai, ngày 02-05-2022, 15:28| 1.069 lượt xem

Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai

Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già...

Đi dọc theo những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, những ngày này, khi mùa phách tím đang trổ những bông hoa tím trên khắp các triền đồi - loài hoa mang đặc trưng cho một vùng đất - chúng tôi có dịp trở về Tân Trào, cái nôi của cách mạng.                            

Thiên nhiên, con người, văn hóa các dân tộc vùng đất  sơn thủy hữu tình này đã hòa quyện vào nhau tạo nên một Tân Trào hùng vĩ nhưng thơ mộng, với non xanh, nước biếc làm ngất ngây lòng người.                          

Sông Đáy như một dải lụa, uốn mình giữa vùng chiến khu cách mạng, xung quanh là núi Hồng, núi Thia như những bức bình phong thiên nhiên vững chắc bao quanh. Điểm vào đó là những nếp nhà sàn, những sắc áo chàm. Thật là một bức tranh thiên nhiên kỳ thú và ngoạn mục.

Từ lâu, hình ảnh Bác Hồ, người Cha già kính yêu của dân tộc đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Về thăm Tân Trào, cái nôi của cách mạng, nơi lưu giữ những hiện vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, như thỏa mãn một niềm khao khát để bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn sâu lắng đối với Người và để tiếp thêm sức mạnh, vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước đi trên con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Tuyên Quang, Khu căn cứ cách mạng Tân Trào gồm 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương), Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (huyện Yên Sơn) với tổng diện tích tự nhiên hơn 561 km2. Trên mảnh đất này, có trên 36 nghìn 5 trăm nhân khẩu thuộc nhiều dân tộc anh em: Tày, Nùng, Dao, Kinh, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ… cùng chung sống. Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nhân dân cần cù, chất phác và giàu lòng yêu nước, trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của dân tộc Việt Nam.               

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, mà dường như mỗi bản làng, rừng cây và cả mỗi ngọn gió của vùng đất chiến khu cách mạng này vẫn còn lưu lại hơi ấm và hình ảnh của Ông Ké hiền từ với đôi mắt sáng mà cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác chỉ với mong muốn là làm sao cho nước nhà được độc lập; ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Pắc Bó tỉnh Cao Bằng về Tân Trào tỉnh Tuyên Quang, “Một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài và bảo toàn lực lượng của ta”, “Tiến khả dĩ công, thoái khả giữ thủ” và có chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên của cả nước, để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Sau 18 ngày đêm trèo đèo, lội suối, ngày 21 tháng 5, Bác đã về đến Tân Trào và đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên của Người khi về đến Thủ đô Khu giải phóng. Sau đó, vào làng Kim Long ở tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự (Chủ nhiệm Việt Minh của làng Kim Long). Được ít ngày sau, để bảo đảm an toàn, bí mật, Bác chuyển từ nhà ông Nguyễn Tiến Sự lên ở và làm việc tại một căn lán nhỏ nằm ở sườn núi Nà Nưa.

Tháng 8 năm 1945, đình Hồng Thái là nơi đón tiếp các vị đại biểu về dự Đại hội toàn quốc của Đảng và các vị đại biểu về dự Quốc dân Đại hội.

Tại căn lán Nà Nưa đơn sơ này, trong chúng ta đều trào dâng niềm xúc động, cảm phục trước nhân cách cao quý của Bác Hồ, người Cha già của dân tộc, Người đã sống hòa lẫn trong cuộc sống của xã hội, đồng cam, cộng khổ với mọi người. Sự bình đẳng này càng khẳng định tầm vóc của một Nhà văn hóa lớn.                                    

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thời kỳ tiền khởi nghĩa, mọi văn bản, chỉ thị chỉ đạo Tổng khởi nghĩa đều được khởi thảo tại căn lán Nà Nưa, đại bản doanh của cách mạng. Vì thế, lán Nà Nưa được ví như một Phủ Chủ tịch bằng tre nứa giữa rừng sâu Việt Bắc. Cũng từ căn lán đơn sơ này đã ra đời nhiều chủ trương, quyết định liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành được độc lập”.

Trước tình hình thế giới và trong nước ngày càng thuận lợi, ngày 13 tháng 8 năm 1945, tại căn lán nhỏ làm tạm giữa rừng Nà Nưa, với không khí hết sức khẩn trương, gần 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam và các chiến khu đã dự Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi phân tích các điều kiện khách quan và chủ quan, Hội nghị kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội tốt cho ta giành chính quyền, độc lập đã đến…” Hội nghị đã quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. 23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến. Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng. Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh của các bạn. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta…” Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy đấu tranh giành quyền Độc lập -Tự do.

Sáng ngày 16 tháng 8 năm 1945, trong không khí khẩn trương và hào hùng của cách mạng, Quốc dân Đại hội, một hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào đối với Đảng, với Mặt trận Việt Minh, thể hiện sự đoàn kết của toàn dân trong giờ phút quyết định của đất nước đã khai mạc tại đình Tân Trào. Dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, đại biểu Việt kiều ở Thái Lan và Lào, đại biểu của các đảng phái chính trị trong mặt trận Việt Minh, đại diện các tổ chức quần chúng, các dân tộc thiểu số, các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam và nước ngoài. Đại hội đã quyết định Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, lãnh đạo cả nước đứng lên giành chính quyền về tay Nhân dân và thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định Quốc kỳ, Quốc ca, mở ra một trang mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam.

Tại đình Tân Trào, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: “Giờ phút quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn còn thấy như vang vọng lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Người, thúc giục cả dân tộc vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ của đế quốc, thực dân, phong kiến.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, trước sự chứng kiến của Nhân dân các dân tộc Tân Trào và các đại biểu dự Quốc dân Đại hội, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Quân lệnh số 1. Ngay sau đó, Quân giải phóng đã hành quân qua Thái Nguyên, tiến về giải phóng Hà Nội. Đây là lễ xuất quân công khai đầu tiên của Quân giải phóng Việt Nam.  

Từ trung tâm căn cứ địa Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong toàn quốc. Ngay sau khi lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi, ngày 17 tháng 8, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân và là tỉnh được giải phóng sớm nhất trong cả nước.  

Cách mạng Tháng 8 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng 8, Nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỷ. Cách mạng Tháng 8 giành thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ suy sụp của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần vào quá trình giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên thế giới.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với niềm vui đất nước độc lập, Nhân dân cả nước phấn khởi bước vào cuộc sống mới. Nhưng hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân cả nước đã nhất tề đứng lên đánh Pháp cứu nước.

Để kháng chiến lâu dài, vấn đề cơ bản đối với ta phải bảo tồn và phát triển lực lượng kháng chiến, phải xây dựng được nền kinh tế có khả năng tự cấp, tự túc. Do đó, điều đặc biệt quan trọng là phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn. Những khu căn cứ này không chỉ có vị trí, địa hình thuận lợi mà phải có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Căn cứ địa là chỗ đứng chân của cách mạng, đồng thời là chỗ dựa để xây dựng lực lượng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh cách mạng, trên ý nghĩa đó, nó cũng là hậu phương của chiến tranh cách mạng”. Với những yếu tố “Địa lợi”, “Nhân hòa” có vị trí, địa hình thuận lợi, nền kinh tế có thể tự cung, tự cấp, là nơi có phong trào quần chúng nhân dân vững mạnh, chỗ đứng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến, chỗ dựa vững chắc để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang. Vì vậy, một lần nữa Tân Trào lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn là căn cứ địa chủ yếu của cả nước, là Trung tâm Thủ đô Kháng chiến.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, Khu căn cứ cách mạng Tân Trào, Tuyên Quang lại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ chọn là Thủ đô Kháng chiến. Suốt 9 năm trường kỳ, gian khổ, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây trở thành niềm tin và chỗ dựa tinh thần của Nhân dân cả nước.

Ở đâu u ám quân thù

Nhìn lên Việt Bắc, Cụ Hồ sáng soi

Ở đâu đau đớn giống nòi,

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền

Mười lăm năm ấy, ai quên

Quê hương cách mạng, dựng lên cộng hòa…

Từ ngày ấy, Tân Trào trở thành một địa danh thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, nơi lưu giữ những hiện vật vô giá về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một giai đoạn lịch sử hào hùng trên con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam. Tân Trào là trường học lớn giáo dục truyền thống cách mạng của bao thế hệ người Việt.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã ở và làm việc nhiều nơi ở Tân Trào, trong đó, lán Lũng Tẩu từ tháng 12 năm 1948 đến tháng 4 năm 1949, lán Khấu Lấu - Vực Hồ từ tháng 4 năm 1949 đến tháng 9 năm 1950 và lán Hang Bòng từ tháng 5 năm 1951 đến cuối năm 1952, cùng ở lán Hang Bòng với Bác còn có đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng. Đầu tháng 1 năm 1950, từ Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và thiết lập ngoại giao với hai nước Trung Quốc và Liên Xô. Tháng 4 năm 1950, khi về nước, Người tiếp tục ở và làm việc tại Tân Trào. Tháng 9 năm 1950, Người rời Tân Trào trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới. Trong giai đoạn này, quân và dân ta đang tổng phản công trên khắp các chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nhiều quyết định đem lại thắng lợi cho cuộc kháng chiến, thay đổi cục diện chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Người, toàn dân, toàn quân càng thêm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, tích cực thi đua sản xuất, thi đua giết giặc lập công. Tại đây, Người đã tiếp tục xây dựng và củng cố nền ngoại giao, đưa vị thế chính trị của Việt Nam lên tầm cao mới. Nhiều nước đã biết đến cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam và sẵn sàng ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Người còn quyết định nhiều vấn đề quan trọng về công tác tài chính, tiền tệ nhằm đưa đồng tiền Việt Nam có giá trị ngang hàng với các đồng tiền khác, để tạo sức mạnh cho nền kinh tế kháng chiến. Ngày 6 tháng 5 năm 1951, Người ký Sắc lệnh số 15/SL về việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngày 25 tháng 5 năm 1951, Người ký Sắc lệnh số 92/SL quy định việc phát hành các loại giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Trong thời gian ở Tân Trào, Người đã viết bài báo “Dân Vận” nổi tiếng và bài thơ “Đi thuyền trên Sông Đáy”.

Dòng sông lặng ngắt như tờ,

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.

Bốn bề phong cảnh vắng teo,

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan

Lòng riêng riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.

Thuyền về trời đã rạng đông,

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.                 

Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhân dân các dân tộc Khu căn cứ địa cách mạng Tân Trào đã đoàn kết, kề vai sát cánh, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, tham gia ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Đồng bào đã phát huy lòng yêu nước, vượt bao khó khăn gian khổ, tích cực phòng gian, bảo mật, bảo vệ an toàn Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

“Uống nước, nhớ nguồn”, hiện nay, trên Khu căn cứ cách mạng Tân Trào đã mọc lên nhiều công trình văn hóa do các ngành, các đoàn thể của Trung ương đầu tư xây dựng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự hy sinh to lớn, giúp đỡ đùm bọc, chở che, bảo vệ  của người dân vùng chiến khu cách mạng. Những công trình văn hóa này đã góp phần làm cho Khu căn cứ cách mạng Tân Trào ngày một đẹp hơn và có ý nghĩa sâu sắc hơn.

Tân Trào, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đặt bản doanh để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, là một mốc son chói lọi mãi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Những bài học Tân Trào cũng như những bài học của Cách mạng Tháng Tám có giá trị vĩnh hằng, đang tiếp tục soi sáng hành trình tiến đến tương lai xán lạn của thế kỷ hôm nay và mai sau.

Là Thủ đô Khu Giải phóng, Trung tâm Thủ đô Kháng chiến, Khu căn cứ cách mạng Tân Trào trở thành một bảo tàng lớn nơi lưu giữ những di tích lịch sử, những kỷ vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Có lẽ, lịch sử luôn là một kho báu tri thức, lấy không bao giờ hết, dùng không bao giờ cạn. Nếu ta biết mở cửa kho báu, phủi bụi thời gian, gìn giữ và khai thác hợp lý, bảo vệ, gìn giữ và khai thác một trong những kho báu quý giá ấy của dân tộc sẽ là động lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân ngày một ấm no hơn, hạnh phúc hơn.

 

Thu Hiền

Tin tức khác