Tìm hiểu về múa dân gian, dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang

Thứ năm, ngày 03-03-2022, 11:45| 1.346 lượt xem

* Lê Cường

Giữ gìn vốn cổ. Ảnh của Hà Thế Đô

Tuyên Quang, mảnh đất cội nguồn cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng; Thủ đô Kháng chiến, với 22 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết gắn bó bên nhau, có bản sắc văn hóa đậm đà, phong phú, đa dạng. Hình thành và phát triển lâu đời. Một kho tàng văn hóa dân gian, trong đó có múa các dân tộc chưa được các nhà chuyên trách nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, đúc kết thành hệ thống, rồi phân loại và tổng hợp thành các thể loại động tác, ngôn ngữ như: Múa, âm nhạc, trang phục, đạo cụ và các làn điệu hát Then, hát Cọi, Hát giao duyên, để biên đạo trở thành những tác phẩm có giá trị chân thiện mỹ, biểu diễn phục vụ công chúng nhưng chưa được nghiên cứu nhiều.

Hiện nay nhiều nghệ nhân nắm giữ vốn văn hóa của các dân tộc mình, tuổi đã cao và một số đã qua đời, con cháu họ không theo nghề của ông cha, nên đã bị mai một và mất dần đi vốn văn hóa di sản quý báu mà bao đời nay ông cha ta đã gìn giữ. Nên việc khai thác, sưu tầm vốn văn hóa dân gian, dân tộc, tuyển lựa đưa vào xây dựng các chương trình, tiết mục múa của các dân tộc thiểu số, biểu diễn phục vụ nhân dân là một việc làm cần thiết trong việc bảo tồn và phát huy sáng tạo ngôn ngữ múa của các dân tộc giữ một vai trò hết sức quan trọng và có giá trị trong đời sống xã hội.

Các tác phẩm của các dân tộc được tuyển lựa đưa vào chương trình, tiết mục biểu diễn phục vụ công chúng qua sự trình diễn của diễn viên, thể hiện hình tượng nghệ thuật, phản ánh cuộc sống, nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức lối sống, nâng cao dân trí, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng lâu nay các nhà biên đạo khai thác chưa triệt để được những vốn tiềm năng múa dân gian của các dân tộc mà cha ông ta đã để lại, nên chưa có các tiết mục múa xuất sắc ngang tầm với nghệ thuật quốc gia, đó là những điều trăn trở với các nhà biên đạo múa hiện nay.

Nhiều năm qua, các tiết mục được sưu tầm và khai thác từ chất liệu dân gian các dân tộc thiểu số, được nâng cao đưa vào tiết mục để tham gia các kỳ hội diễn khu vực và toàn quốc, đã dành được nhiều Huy chương Vàng; Huy chương Bạc.

Để có được những tác phẩm có giải cao như tác phẩm: Nguồn cội, Ngẫu hứng truyền non, Nhịp điệu tang sành,… người biên đạo phải tích cực đi thực tế điền dã ở cơ sở, ghi chép

nội dung, học từng động tác, ăn ở cùng với đồng bào dân tộc thiểu số và phải hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về phong tục tập quán, nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng. Từ đó người biên đạo xây dựng hình thành ý tưởng kịch bản múa, phân câu, phân đoạn, rồi bước tiếp theo người biên đạo phải làm việc với nhạc sỹ, trao đổi ý tưởng, chủ đề để nhạc sỹ tiến hành viết âm nhạc cho múa. Sau đó người biên đạo bắt đầu làm việc với diễn viên, phân tích nội dung tác phẩm, bởi vì nghệ thuật múa là thể loại trừu tượng, phải thông qua ngôn ngữ động tác bằng cơ thể, cử chỉ, hành động, hơi thở, biểu đạt những điều mà người biên đạo muốn thể hiện. Với tất cả tâm huyết, công sức, thời gian, tác phẩm múa ra đời, ví dụ như: Tác phẩm múa Nguồn cội; Ngẫu hứng truyền non; Nhịp điệu tang sành; Gọi mùa về… là những tác phẩm được khai thác sưu tầm, nâng cao từ vốn cổ của các dân tộc thiểu số Tuyên Quang mà người biên đạo đã dày công hun đúc, trở thành những tác phẩm đóng góp rất lớn cho kho tàng di sản văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số nói chung và thiểu số Tuyên Quang nói riêng.

 Đối với múa dân gian các dân tộc, mỗi dân tộc thiểu số có những điệu múa khác nhau, mang đặc trưng riêng, hầu hết các điệu múa dân gian dân tộc được hình thành và phát triển. Từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp thì nghệ thuật múa được sử dụng vào mục đích khác nhau, đồng thời cũng nảy sinh những lý luận khác nhau về nguồn gốc, điều kiện môi trường hình thành đặc trưng, thể loại nghệ thuật múa còn ra đời từ tập tục lễ hội, nghi lễ thờ cúng của các dân tộc thiểu số.

Đối với múa dân gian các dân tộc thiểu số ở tỉnh Tuyên Quang, dân tộc Dao có múa Cấp sắc, múa bắt ba ba, múa trống, múa tết nhẩy, múa mùa màng. Tất cả các điệu múa này đều có ý nghĩa về nội dung cầu cho con người có sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc gạo đầy bồ, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Dân tộc Cao Lan có múa xúc tép; Múa tang sành; Múa cờ; Múa chim gâu, là những điệu múa sinh hoạt, được tổ chức vào mùa xuân, diễn tả không khí vui tươi, hăng say lao động sản xuất, chuẩn bị cho một vụ mùa tốt tươi.

Dân tộc Tày có múa Suông trầu; Múa bát (xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa); Múa giã cốm "Kén Loỏng" (huyện Na Hang). Ăn mừng sắp đến một vụ mùa thu hoạch…

Dân tộc Mông có múa khèn Mèo; Múa gậy tiền; Múa ô; Múa đánh cù; Múa xuống chợ, diễn tả không khí vui tươi phấn khởi mỗi dịp xuân về, ngày hội trai làng gái bản có dịp gặp nhau trong những buổi chợ xuân.

Dân tộc Pà Thẻn (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) có điệu múa Nhảy lửa; Múa dệt vải… được diễn ra trong các dịp lễ hội, Tết… Là điệu múa phô trương sức mạnh phi thường dẻo dai, lòng can đảm của các chàng trai Pà Thẻn, Nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của con người Pà Thẻn dám đương đầu với khó khăn thách thức, xua đuổi những điều không may mắn đến với bản làng.

Những điệu múa dân gian các dân tộc thiểu số Tuyên Quang, mỗi điệu múa đều có ý nghĩa nhân văn mang tính giáo dục, thể hiện ngôn ngữ bản sắc đặc trưng riêng biệt. Thêm vào đó là những bàn tay khéo léo của người biên đạo đã đầu tư công sức, trí tuệ để nâng tầm giá trị nghệ thuật thêm phần đặc sắc.

Trong tình hình hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII nêu rõ: "Trong điều kiện kinh tế thị trường, giao lưu quốc tế phải đặc biệt quan tâm, gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc...". Khai thác và phát triển sắc thái và giá trị văn hóa nghệ thuật của các dân tộc trên đất nước. Tạo ra sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra: "Tăng cường công tác sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong tỉnh, xây dựng chương trình phong phú, phản ánh về quê hương và con người, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Để múa dân gian các dân tộc, được gìn giữ và phát triển không ngừng, đòi hỏi người biên đạo phải phát huy hơn nữa về tính sáng tạo nghệ thuật, để có nhiều tác phẩm về đề tài múa dân gian các dân tộc thiểu số mang tính bản sắc truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu được, phục vụ nhân dân các dân tộc trong thời kỳ phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng, ngày một giàu đẹp phát triển cùng cả nước đi lên trên con đường đổi mới.

L.C

Tin tức khác