Thành phố Tuyên Quang hoài niệm và hy vọng

Thứ sáu, ngày 14-01-2022, 14:37| 990 lượt xem

Cầu Tình Húc về đêm. Ảnh của Việt Trường

Trước thềm năm mới, tôi bày tỏ đôi điều ngẫm ngợi về thành phố Tuyên Quang, nơi mình đã sống hơn nửa thế kỷ. Khi tham gia viết Lịch sử Đảng bộ thị xã - ngày chưa lên thành phố - tìm tài liệu thấy Quyết định Tái lập thị xã Tuyên Quang, nhưng quyết định Thành lập thì không. May thay, Tuyên Quang thời tiền khởi nghĩa - do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành có đoạn: “Tôi được cử vào Ban Chấp hành và được phân công làm Bí thư Thị bộ Việt Minh thị xã. Ông Nhuận ở Xí nghiệp khai thác kẽm được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã. Ông Phạm Quang Hòa là Phó Chủ tịch, tôi là ủy viên Ủy ban phụ trách công tác văn hóa xã hội”. (Tác giả bài viết là ông Hà Huy Hợi, năm 1947 làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Tuyên Quang). Hồi ký, chưa hẳn chính xác trăm phần, song qua đây biết được, Thị xã Tuyên Quang thành lập sau cách mạng Tháng Tám.

Mùa đông năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhằm ngăn bước tấn công của thực dân Pháp, người dân thành Tuyên tự tay phá dỡ nhà cửa, đào hầm hố, chặt đổ cổ thụ để ngáng đường, rồi bồng trẻ, dắt già đi tản cư, để lại sau lưng phố Tuyên “vườn không nhà trống”. Ấy là thời điểm thị xã Tuyên Quang giải thể. Sau chiến thắng Việt Bắc, dân phố hồi cư là lúc tái lập thị xã.

Xưa toàn bộ thành phố nằm trong địa bàn huyện Yên Sơn. Xa hơn là đất huyện Phúc Yên, tức huyện Hàm Yên.

Cuối thời nhà Trần, lộ Tuyên Quang đã là đơn vị hành chính trực thuộc triều đình. Chưa tìm được tài liệu nói lỵ sở trấn Tuyên Quang ở đâu. Mãi đến thời nhà Lê, mới thấy Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục:

“Giữa niên hiệu Bảo Thái (niên hiệu vua Lê Dụ Tông, từ năm 1720 - 1729) đặt nhà trạm: Từ xã Thúc Thủy là lỵ sở trấn Tuyên Quang trở lên đến khe Tham Thổ thuộc các xã Tụ Long, Phấn Vũ, châu Vị Xuyên đường đi gồm 40 ngày: Bắt đầu từ bản trấn ra đi, về phía bên trái qua hai xã Bình Trù, Thúc Sơn, phường Quảng Bố, sang đò sở tuần ti ngã ba, qua cầu bốn khe, đến xã Trung Môn, một ngày đóng lại”.

Thúc Thủy ngày nay là một thôn thuộc xã An Khang. Cầu bốn khe là cầu nào, chưa xác định được. Thúc Thủy và Trung Môn đều ở hữu ngạn mà phải sang đò? phải chăng là đò qua ngòi Chả?

 Nhà Lê không đặt lỵ sở ở thị xã, bởi nơi này có Thành nhà Mạc. Có lẽ sang đến thời nhà Nguyễn lỵ sở tỉnh Tuyên Quang mới chuyển đến thị xã. 

Về địa danh chợ Tam Cờ. Sách sử chép là Tam Kỳ. Trong nhiều chữ kỳ đồng âm, khác nghĩa, có một chữ kỳ (tự dạng gồm bộ sơn bên trái, bộ chi bên phải), nghĩa là ngã rẽ, lối rẽ. Xét về địa thế thì Tam Kỳ nên hiểu theo nghĩa này, tức nơi có ba lối rẽ, chứ không phải có cờ của ba quốc gia, như có người hiểu nhầm. Sử chép: Năm  Quý Hợi (1743)  chúa Trịnh Doanh sai miễn thuế tuần ty cho

các lộ, trong đó có “Tam Kỳ ở Tuyên Quang”.

Năm Giáp Thìn (1884), triều đình định lệ thu thuế quan tân (thuế cửa ải và bến đò) thì tỉnh Tuyên Quang có một sở quan tân, lệ nộp nửa bạc nửa tiền. Cửa Tam Kỳ và Chi nhánh Phù Hiên: Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) tiền thuế 24.220 quan… Cho thấy, từ lâu chợ Tam Kỳ là nơi buôn bán

sầm uất.

Nhìn bao quát về địa thế thì thành phố là một bồn địa, nằm phía hữu ngạn sông Lô. Nhiều gò đồi, dải đất cao xen giữa lòng bồn địa - nơi ban đầu người dân tụ cư lập làng, họp chợ.

Bao quanh bồn địa rộng lớn là những dải đồi thấp rồi đến những dãy núi cao như bức thành hai lớp. Phía Tây, núi Là sừng sững. “Chiều chiều mây phủ núi Là. Em ơi sớm liệu kẻo mà mắc mưa”. “Ông núi Là bà núi Nghiêm”. Núi Nghiêm che chắn phía Tây Nam thành phố. Có tài liệu nói, Lý Nam Đế, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa quét sạch quân nhà Lương xâm lược, lập nên nhà nước Vạn Xuân, được thờ tại một ngôi đền nơi chân núi. Những năm chống chiến tranh phá hoại, trận địa tên lửa đặt dưới chân núi Nghiêm, chặn đánh máy bay Mỹ từ Cò rạt, U Ta Pao trên đất Thái bay vào đánh phá Hà Nội. Núi Dùm bao bọc phía Đông thành phố. Địa danh này là khởi nguồn truyền thuyết về Trâu vàng, biểu thị tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của người dân sở tại. Ngày xuân năm Tân Tỵ - 1941- lá cờ búa liềm ngạo nghễ tung bay trên núi Dùm đem đến niềm tin tưởng cho bao người dân phố núi, báo hiệu bão táp cách mạng sẽ nổi, quét sạch chế độ thực dân phong kiến.

Cư dân đầu tiên của thành phố có thể là người Tày, người Dao. Những năm trước cách mạng còn thấy ở Ỷ La những nếp nhà sàn. Người Kinh cũng cư trú ở thành phố từ sớm.

Một nhóm dân cư từ Sơn Tây, Hà Đông; một nhóm dân cư từ làng Gốm, huyện Lập Thạch, Vĩnh Yên lập nghiệp ở làng Ỷ La. Dọc bờ sông Lô, ở xã Thái Long có mấy làng dân gốc huyện Phù Ninh. Hiện nay thành phố Tuyên Quang đa sắc tộc, đa văn hóa với những làng người Cao Lan, làng người Dao, làng người Tày, làng người Kinh…  

Chưa rõ danh tính viên tướng nào huy động dân phu đắp Thành nhà Mạc vào thế kỷ XVI? Cũng chưa biết bằng cách nào, động viên hay  thúc ép mà dân phu đào đất đắp thành nhanh đến mức để lại truyền thuyết thành đắp xong trong một đêm? Có còn ai là hậu duệ của những dân phu đã để lại cho hậu thế một công trình quân sự, làm chứng nhân nhiều biến cố lịch sử. Năm 1834, những trận chiến giữa quân khởi nghĩa của Nông Văn Vân với quân triều đình do Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ chỉ huy. Không lâu sau là trận chiến giữa quân triều đình và quân Hoàng Sùng Anh dẫn đến sự việc phải đưa tượng Mẫu đền Hạ lánh vào làng Ỷ La. Để rồi khi chiến sự yên ắng, mới dựng lập đền Ỷ La. Năm 1884 diễn ra cuộc vây hãm quân Pháp tám tháng của quân Lưu Vĩnh Phúc và người dân yêu nước xứ Tuyên. Tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng, tự vệ, nhân dân bao vây tấn công quân Nhật bằng chính trị và vũ trang liền trong bốn ngày. Một tiểu đoàn quân Nhật với đầy đủ vũ khí đóng trong thành buộc phải đầu hàng. Đại diện Ủy ban Khởi nghĩa, ông Tạ Xuân Thu - sau là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên - vào thành tiếp nhận quân Nhật đầu hàng. Đến nay, phố xá thành Tuyên chưa thấy tên ông.

Tiếc nuối biết bao lớp rêu phong trải thời gian hơn bốn trăm năm mới làm nên, là ký ức, kỷ niệm của bao thế hệ đã bị xóa đi trong khoảng khắc.

Nếu đi vào ngõ ngách phường Tân Hà sẽ thấy nhiều hồ nước xanh thẳm, là dấu vết những hầm lò khai thác than. Nhiều vụ sập hầm gây ra cái chết thảm thương của không ít thợ mỏ:

“ ...tất cả sáu cái xác đều đen thui như than trương nứt chín nhừ ra cả, không còn lấy một mảnh râu tóc, không còn lấy một manh áo quần nào nữa, chân tay thì co quắp lại…”. (Lầm than - Lan Khai). 

Nhắc đến “sự tích” những hồ nước ấy để hiểu thêm sự ra đời của Chi bộ Mỏ Than cũng như những tấm gương bất khuất của đảng viên và quần chúng trung kiên.

Ngày 19 tháng 12 năm 1942, địch bất ngờ bao vây cơ sở soi Hồng Lương và soi Sính (hai bãi soi giữa dòng Lô) bắt đi 11 quần chúng cách mạng. Ở soi Hồng Lương, gia đình Cả Nhân có 4 người thì 3 người bị bắt là Đào Văn Nhân (Cả Nhân), Đào Thị Hỷ, em gái Cả Nhân và Cao Văn Đương là chồng Đào Thị Hỷ. Chúng đem những người bị bắt về nhà tù Tuyên Quang lấy cung, rồi đưa về trại giam Phú Thọ. Sau cuộc bắt bớ ở soi Hồng Lương, thực dân Pháp tiếp tục tung mật thám lùng sục khắp nơi, chúng bắt thêm 6 người nữa, cả thảy hai đợt là 17 người. Trong tù, dù bị địch tra tấn hết sức tàn bạo song không một ai khai báo nửa lời. Do liên tiếp bị tra tấn dã man nên đã có 10 người chết. Chỉ còn một người mang đầy thương tích sống sót trở về là anh Cao Văn Đương.

Những tấm gương hy sinh vì cách mạng, nhưng trên tấm bia ghi danh liệt sỹ phường Ỷ La không thấy có tên.

Ăm ắp hoài niệm dồn dập hiện về  sao có thể kể hết. Nhắc nhớ quá khứ là để hướng tới tương lai với niềm tin và hành động. “Mở đường, mở đường và mở đường” - Câu nói của một nhà kinh tế học. Thành phố đã có Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, sắp tới là đường nối thành phố với thị trấn Yên Sơn và cao tốc nối với đường Lào Cai - Hà Nội. Trước đây, cầu Nông Tiến “chín năm bắc một cây cầu” thì nay cầu Tình Húc hoàn thành trong hơn một năm. Hiện thành phố đã có năm cây cầu qua sông Lô: Nông Tiến, Tân Hà, An Hòa, Bình Ca, Tình Húc.

Nhắc đến sông Lô là nhắc đến con đường thủy huyết mạch một thời và những trận chiến  oai hùng. Chuyển hàng, chở khách, nhất là khách du lịch, rẻ chi phí bảo trì dòng chảy thấp, giảm ô nhiễm… Nhiều lợi thế chưa được khai thác.

Đường sắt và đường hàng không lúc này chưa thể nói tới. Tiếc là sân bay dã chiến ở cây số 5 đã không còn dấu vết. Máy bay của Bác Hồ đã hai lần hạ cánh xuống sân bay nền đất này.

Nhìn cầu Tình Húc vừa thông tuyến, ông Nguyễn Xuân Túc, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Tuyên Quang kể, ông đậu bằng kỹ sư vô tuyến điện ở Hung-ga-ri. Hai thành phố bên sông Đa-nuýp, một bên là Bu-đa một bên là Pét tạo nên Thủ đô của họ. Hy vọng thành phố Tuyên Quang cũng sẽ được xây dựng hai bờ sông, sánh với Bu-đa, Pét.

Hy vọng ấy chắc cũng là của mọi người dân thành phố Tuyên Quang, mọi người dân Tuyên Quang.

Cá nhân tôi, thêm một hy vọng: Năm Nhâm Dần hè phố không còn là nơi bày hàng và trương biển quảng cáo, để người già trẻ nhỏ có thể thong dong tản bộ.

 

Mạc Ninh

Tin tức khác