Dư âm từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Thứ sáu, ngày 24-12-2021, 14:45| 861 lượt xem

Các văn nghệ sỹ và nhà báo dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Trong những ngày cuối tháng 11 năm 2021, giới văn nghệ sỹ và những người làm công tác văn hóa thực sự hân hoan chào đón một sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lĩnh vực này. Đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Nhiều vấn đề về văn hóa, văn học nghệ thuật  được đưa ra bàn thảo tại đây.

Hội nghị không chỉ đánh giá toàn diện những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa, văn học,

nghệ thuật mà Đảng ta còn nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về văn hóa đã đạt được thành tựu, còn tồn tại khó khăn, yếu kém gì? Từ đó rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn về văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến, Đảng đã mở ra một số hội nghị quan trọng nhằm xây dựng và hoàn thiện đường lối văn hóa kháng chiến, trong đó có Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948, tại Phú Thọ. Đây cũng là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Ở Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng về vấn đề văn hóa, văn học nghệ thuật trong bối cảnh và xu thế của thời đại. Bài phát biểu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã mang lại nhiều niềm hân hoan, phấn khởi cho những người làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong nước nói chung và của tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Tổng Bí thư cho rằng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái”.

Nhớ lại cách đây 75 năm về trước, tức là năm 1946, ngày miền Bắc vừa giành được độc lập, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến dự với hội nghị này. Tại đây, người nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người cũng nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Đảng cũng đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa không chỉ trong Nghị quyết mà còn được cụ thể hóa trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, phải mất 75 năm, kể từ ngày diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, giờ đây chúng ta mới có được một Hội nghị văn hóa mang tầm vóc và ý nghĩa thời đại, khi coi “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đó là sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam, nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển văn hóa, nhất là sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được duy trì, phát triển. Những người làm công tác văn hóa, đội ngũ văn nghệ sỹ vẫn luôn đồng hành cùng đất nước, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, đủ sức cổ vũ cả dân tộc làm nên kỳ tích mới.

Nhìn từ thực tế cho thấy, đất nước trải qua hàng nghìn năm tồn tại, phát triển, dân tộc Việt đã hun đúc nên một tinh thần yêu nước nồng nàn, đấu tranh chống ngoại xâm, đến văn hóa làng xã, xây dựng những chuẩn mực đạo đức, các giá trị truyền thống tốt đẹp của các tộc người trong xã hội. Sau này, người ta cũng hay nói đến văn hóa công sở, văn hóa của Đảng… Đó là nền văn hóa nội sinh, biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình tiếp biến, chủ động khắc phục những tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình hội nhập.

Tuy vậy, văn hóa hay văn học, nghệ thuật cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức mới. Hiện nay, bên cạnh những thiết chế văn hóa được định hình trong quá trình sáng tạo của cộng đồng dân tộc thì văn hóa ngoại lai đang thâm nhập vào đời sống xã hội, nhất là đối với giới trẻ.

Điều đó phá vỡ cấu trúc của văn hóa truyền thống, khiến việc tiếp biến văn hóa đang đi theo một lối thực dụng, thậm chí là phản văn hóa. Không chỉ đối với những người làm văn hóa mà giới văn nghệ sỹ cũng bị cuốn theo các trào lưu này. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì chúng ta chưa tạo ra được những tác phẩm đỉnh cao, mang tầm thời đại.

“Văn nghệ sỹ phải sáng tác thế nào để giáo dục, bồi đắp tâm hồn con người chứ không phải chỉ chạy theo giải trí, thị trường. Xưa kháng chiến khó khăn là vậy nhưng chúng ta có bao tác phẩm hay, nghệ sỹ nổi tiếng khiến cả triệu trái tim rung động. Bây giờ nhìn thấy có ai, tác phẩm lớn nào không. Bảo tàng thì cho thuê mặt bằng làm kinh tế mất cả giá trị bản sắc văn hóa đi...". Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhận rõ thành tựu và cả sự biến đổi của văn hóa trong một thế giới phẳng như hiện nay là yêu cầu cấp bách cũng như lâu dài. Do đó, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đề ra những giải pháp cụ thể. Trong đó là “Ưu tiên phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt…; tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước”...

Bên cạnh đó, Đảng cũng tâp trung triển khai giải pháp nhằm “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sỹ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích hoạt động sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sỹ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sỹ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ”...

 Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được đánh giá là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành văn hóa. Sau Hội nghị này, những người làm công tác văn hóa và đội ngũ văn nghệ sỹ ở Việt Nam nói chung và của tỉnh Tuyên Quang nói riêng có quyền hy vọng về những bước phát triển mới, phù hợp với xu thế vận động của xã hội, của nước ta và thế giới. Bởi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

 

Tân Trào

Tin tức khác