Đảng cộng sản Việt Nam những dấu ấn lịch sử ngời sáng

Thứ sáu, ngày 04-02-2022, 14:35| 833 lượt xem

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022) và chào mừng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Ảnh minh họa / dangcongsan.vn

Năm 1911, người  thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu sang Pháp tìm đường cứu nước. Tự kiếm sống, học tập, nghiên cứu, hoạt động, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Pháp.

Ngày mùng 3 tháng 2 năm 1930, hơn 10 năm sau, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cách mạng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Thành quả sau 15 năm  Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Quá trình 15 năm, có hai hội nghị Trung ương quan trọng:

Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, tháng 5 năm 1941. Với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, Bác Hồ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí  Kiên… một số đại biểu của Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị đặt lên trên hết và trước hết nhiệm vụ giải phóng dân tộc; quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, bầu Ban Thường vụ Trung ương gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Dựa vào tinh thần Nghị quyết Trung ương, đồng chí Trường Chinh viết “Chính sách mới của Đảng”, in và phổ biến, lưu hành trong toàn Đảng và Mặt trận Việt Minh vào cuối năm 1941, mở đường cho cao trào cách mạng Tháng Tám 1945.

Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng tại Tân Trào tỉnh Tuyên Quang, tháng 8 năm 1945. Dự hội nghị có hơn 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam và các chiến khu. Hội nghị thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh; chỉ định Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; nghị quyết về Đại hội Quốc dân để bầu ra một chính quyền lâm thời nắm quyền điều hành đất nước; quyết định  phát động và lãnh đạo

toàn dân tổng khởi nghĩa để giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai trước khi quân Anh, Tưởng vào Đông Dương để tước vũ khí quân đội Nhật và trước khi quân Pháp đưa lực lượng trở lại xâm lược nước ta. Hội nghị bầu bổ sung 4 ủy viên Trung ương, trong đó có đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chỉ có một kỳ đại hội:

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2 năm 1951, họp ở xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), tỉnh Tuyên Quang. Đại hội thông qua Chính cương điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, tập hợp  tất cả các phần tử tiên tiến trong công nông, trí thức vào Đảng; quyết định Đảng ra hoạt động công khai. Định ra đường lối lãnh đạo toàn dân đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Chiến dịch Điện Biên phủ kết thúc thắng lợi, ngày 20 tháng 7 năm 1954, ký Hiệp đình Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Đại hội III năm 1960 định ra đường lối xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.                                                                  

Đại hội IV năm 1976 đề ra đường lối khôi phục phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Từ đây, đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng tiến hành 5 năm một lần. Mỗi kỳ Đại hội định ra phương hướng mục tiêu giải pháp cho 5 năm tiếp theo. Đồng thời mỗi kỳ đại hội đều đề cao nhiệm vụ xây dựng Đảng, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, sức chiến đấu ngày càng được nâng cao, đảm nhận xuất sắc vai trò lãnh đạo  cách mạng Việt Nam.

Đại hội VI năm 1986, là đại hội thực hiện đường lối đổi mới, xóa quan liêu bao cấp, chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Đại hội XIII năm 2021, hoàn chỉnh đường lối đổi mới, tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, định ra tầm nhìn đến năm 2030, kỷ niệm một 100 năm thành lập Đảng, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam là nước phát triển thu nhập cao.

Những dấu ấn ngời sáng của Đảng, cũng là của dân tộc Việt Nam thời hiện đại.  

Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang ra đời ngày 20 tháng 3 năm 1940. Trải 82 năm, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đóng góp xứng đáng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và  sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. 

Bước sang năm 2022, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tiếp tục lãnh đạo quân dân toàn tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, với quyết tâm cao, đổi mới mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau, tỉnh ta, đất nước ta sẽ sớm vượt qua đại dịch vững bước tiến lên trong mùa xuân mới và mãi mãi những xuân sau.

Phù Ninh

Tin tức khác