Sông Lô - dòng chảy văn hóa

Thứ ba, ngày 14-12-2021, 14:47| 1.345 lượt xem

 Tuyên Quang, vùng đất đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Nhưng Tuyên Quang chính thức có định danh với danh nghĩa là một tỉnh trực thuộc triều đình nhà Nguyễn bắt đầu từ năm 1831. Thấm thoát đi qua 190 năm với biết bao nhiêu thăng trầm thời gian và đời người.

Vào những năm đầu của thập kỷ 1960 (thế kỷ XX), từ Thái Lan về quê được hơn một năm, theo tiếng gọi của Nhà nước, gia đình tôi đã xung phong lên Tuyên Quang khai hoang phát triển kinh tế xã hội miền núi.

Tôi gặp sông Lô lần đầu tiên vào cuối chiều mùa hạ 1961, khi bố con tôi qua bến phà Nông Tiến,  tìm vào nghỉ nhờ nhà người bác họ ở Tân Đảo mới về vài năm trước. Sáng hôm sau tạm biệt bác, ba bố con tôi qua phà Nông Tiến, nhằm Quốc lộ II lầm lũi bách bộ ngược Hàm Yên.

31 km đường đất, từ thị xã lên Tràng Dương, sau này đổi tên thành xã Thái Sơn, quê hương của đồng bào Tày, Dao, Cao Lan… Sao mà nó dài, rã rời đến vậy. Đêm ở vùng đất mới thật lạ, sương trắng phủ kín rừng già, ngọn gió từ phía núi Cham Chu thổi về trập trùng không ngớt. Trong giấc ngủ tôi hình dung như là có tiếng chó hoang sủa trăng, tiếng thú sột soạt đi ăn đêm, tiếng gặm gốc nứa cột cột của mấy con dúi, tiếng tắc kè kêu lẻ, tiếng chim “bắt cô trói cột” vọng lại từ xa nghe như tiếng người. Hồi ấy còn có cả lợn lòi, hổ báo, nên chúng tôi thường đốt lửa rất khuya để chúng sợ không dám mò tới quấy phá.

Sau này khi về thị xã định cư tôi mới nhìn ngắm kỹ con sông này. Trừ mấy trận lũ lụt lớn, nước ngập lên cả mái nhà, tài sản mất hết, và từ khi thủy điện Na Hang hoàn thành, dòng sông Lô trở nên hiền hòa, thơ mộng, âm thầm bồi lắng phù sa cho ruộng vườn tươi tốt và những vùng làng trù phú, hoa thơm, trái ngọt quanh năm.

Chiều chiều bên gốc di lăng cổ thụ, tôi mỏi mắt ngắm nhìn không chán làn mây trắng bay ngang Cổng trời núi Dùm làng Dao, tiếng chuông chùa Thiền viện Trúc lâm Chính pháp ngân nga theo gió vọng về, bỗng trong lòng trào lên bao cảm xúc mới lạ. Thấp thoáng vài bóng con thuyền ngược thượng nguồn đánh bắt tôm cá. Sông Lô trước đây cá, tôm nhiều vô kể, nào là cá lăng, cá chiên, cá chép, cá bống, dầm xanh anh vũ… Loại cá quý mang ra chợ Tam Cờ bán rất có giá.

Mấy ai hiểu rõ tầng tầng phù sa cổ của dòng sông Lô, gạn lọc, bồi lắng mà nên bờ xôi, ruộng mật. Người Pháp quả là khôn ngoan, họ đã chọn đất Nông Tiến xây dựng Trường Canh Nông đầu tiên của Việt Nam, tuyển sinh toàn Đông Dương, nhằm đào tạo ra lớp cán bộ Nông nghiệp cốt cán để phát triển vùng đất thành vùng quê giàu có, rồi nhân rộng ra toàn cõi… Họ thể nghiệm đủ các loại cây trồng: tằm dâu, cà phê, mía đường, chăn nuôi đại gia súc. Kháng chiến nổ ra, người Pháp rút đi và ngôi trường Canh Nông chỉ còn lại trong ký ức.

Có lần tôi sang Ma Ly Pho - Châu Văn Sơn ( Vân Nam - Trung Quốc) dự Lễ hội Hoa tam thất và giao lưu Văn hóa do bạn mời, ngắm nhìn cảnh sắc núi non, tôi bắt gặp một thác nước lớn ở giữa cánh rừng phía tây, cách Châu Văn Sơn 20 km, đó chính là đầu nguồn của dòng sông Lô, bên bạn gọi là Bàn Long Giang, một số tài liệu cũ, còn gọi là “Dòng sông Thanh Thủy”, sông chảy vào Việt Nam ở đầu xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, điểm cuối là ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ), có chiều dài trên 274 km, là một trong những con sông lớn nhất ở phía Bắc nước ta: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Đáy. 

Các triều đại phong kiến của Trung Quốc xa xưa với tham vọng bá quyền không có điểm dừng, do vậy vào cuối đời nhà Trần, họ sai người sang vẽ hình sông Lô và núi Tản Viên, rồi mang về thờ trong đền thờ Sông Núi ở phương Bắc. Có ý xem Việt Nam là một quận huyện của họ… Quả là ý nghĩ hoang đường không chấp nhận được. Câu chuyện xa rồi chẳng mấy ai còn nhớ nữa… Và chỉ biết chiều nay, tôi đang thả bộ cùng em trên triền cát trắng sông Lô, những con sóng dập dờn vỗ vào bờ mê mải, trên một gò đất cao, hoa cải nở vàng rực, để dòng sông càng trở nên quyến rũ và chính lúc này thi phẩm sông Lô của tôi đã ra đời, bài thơ được giới thiệu trên Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, sau đó Nhạc sỹ Đinh Tiến Bình lấy làm lời cho một ca khúc… Bài thơ có đoạn: Hoa di lăng sau bão/Lại thơm đằm bến/Thương người đi lẻ bóng/Buồn một bờ sông mưa/Em hát mãi Trường ca/ Áo chàm xanh Việt Bắc/Sóng Bình Ca, Khe Lau/ Nhấn chìm bao xác giặc…

Không hiểu sao tôi lại ấn tượng về bài thơ, do phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Mạnh Tiến sưu tầm. Ông từng giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, ông viết lý luận, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Văn học Nghệ thuật Trung ương, ông đã sưu tầm và giới thiệu bài thơ và có thể khẳng định ngay, đó là “Bản đồ” du lịch cổ bằng thơ đầu tiên ở Tuyên Quang, rất độc đáo. Do khuôn khổ của bài viết, tôi không trích dẫn hết, chỉ chọn ra mấy câu tiêu biểu: Tam Cờ mới mở sào ra/Bên kia có miếu vua bà anh linh/Hùng Sơn, Soi Sính chạy dài/Ngọn sào sáng tỏ đấng trai anh hùng/Sông Gâm nửa đục, nửa trong/ Sông Cả mái hữu có gành Ba Vua…

Làm một thống kê, tạm tính từ Thác Cái về hạ du, đã có vô số những địa danh nổi tiếng: Hang Mang, Hang Đồng, ngòi Lù, soi Trinh, Cham Chu, Xuân Vân, Hòn Lau (nơi hợp lưu của sông Gâm và sông Lô ở địa phận Xuân Vân…), rồi soi Sính, soi Hồng Lương (Hòn Đụn), ghềnh Quýt, ghềnh Trì, Vật Đầu Thượng, Pha Lô, Bến Đất, soi Châu, Viên Châu, Vật Cổ ngựa, Bình Ca, Đĩa, Phan Lương, Then… Chỉ cần bằng ấy địa danh, sông Lô đã rất nổi tiếng, nó còn là biểu tượng của đất Việt ta nữa… Dòng sông của thi ca và dòng chảy văn hóa bất tận. Đáng kể nhất là chiến dịch Thu Đông 1947 với những chiến thắng vang dội: Trận địa địa lôi cây số 7,  Cầu Cả, Khe Lau, bến Bình Ca… đã làm nhụt ý chí đội quân viễn chinh, tinh nhuệ của thực dân Pháp, trong công cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ, và để rồi “Trường ca sông Lô” bất hủ của Văn Cao, người Tuyên còn hát mãi như một niềm tự hào: Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u/Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói Thu/Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/ Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa…

Từ dòng sông thơ mộng này, nhà Văn hóa Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Tuyên Quang đây cũng giống như đất nước Venezuela của Nam Mỹ, nhiệm vụ chủ yếu của nó là sản sinh ra những người đẹp làm rạng rỡ thế giới…”.

Tôi trở lại Tuyên khi thành phố được Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II, tiện đường ngược Na Hang khám phá ruộng bậc thang Hồng Thái và lướt sóng trên lòng hồ thủy điện, thưởng thức trái lê ăn đủ năm mùi… Điểm nhấn của thành phố lúc này là cây cầu Tình Húc - cây cầu cứng, dây văng hiện đại, to đẹp vào loại nhất nhì khu vực phía Bắc, hệ thống đèn laze nhiều màu sắc, lung linh khi mỗi đêm về. Công viên cây xanh được đầu tư xứng tầm, với đường dạo bộ rộng rãi, ghế đá, cây bóng mát, thảm hoa. Khu thương mại Việt - Mỹ, Trung tâm tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế đã đưa vào khai thác, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã khởi động và nhiều công trình bề thế khác nữa…

Đêm nay chúng tôi thả bộ trên cây cầu Nông Tiến, vịn tay vào lan can thành cầu mát rượi, vừa trò chuyện vừa ngắm nhìn làng chài đỏ lửa trong đêm, mặt nước sông loang loáng bởi những vụn lửa hắt xuống. Ngọn gió đầu Thu từ thượng nguồn thổi về rười rượi. Chúng tôi im lặng, tận hưởng sự hào phóng của thiên nhiên, rồi phóng tầm mắt về phía hạ du, cây cầu Tình Húc dòng người, xe qua lại tấp nập, ánh đèn pha tạo thành những dòng ánh sáng rực rỡ tựa hồ áng cầu vồng bảy sắc, huyền diệu óng ánh hiện ra sau mưa… Từ cây cầu này và những cây cầu khác bắc qua sông Lô, nó không chỉ thuận lợi cho việc giao thương đi lại của người dân, kết nối nhiều vùng miền của Tổ quốc mà còn nâng thành phố lên một tầm cao mới, dĩ nhiên là nó in hình xuống dòng nước trong mát, mà bao thế hệ người Tuyên Quang được hưởng lợi, rồi lớn lên đi khắp mọi miền Tổ quốc lao động, cống hiến, xứng danh là con người xứ Tuyên thuần hậu, còn phảng phất nét quý phái hiền thục trên những gương mặt thiếu nữ suốt từ Na Hang đến cuối Sơn Dương…

Sông Lô - dòng sông thời gian - dòng chảy văn hóa tuôn trào không ngừng nghỉ, khao khát vươn mình ra đại dương lớn, âm thầm bồi lắng ra xanh bờ bãi, tạo nên miền quê giàu trầm tích. Để rồi, tôi và em cùng bao người nâng trên tay thành quả 190 năm hình thành, phát triển vùng đất sáng xứ Tuyên. Về phong thủy, người xưa thường nói: Nơi nào có hình sông, thế núi tươi đẹp, con người sống thiện lương, cần cù lao động… chắc chắn nơi đó sẽ sinh ra hào kiệt và nhiều người đẹp cho quê hương, như xứ Tuyên là một minh chứng.

 

Cao Xuân Thái

Tin tức khác