Sơn Dương trở mình

Thứ ba, ngày 08-02-2022, 10:09| 1.116 lượt xem

Minh họa An Bình

Những trận mưa áp thấp xối xả, một ngày một đêm chưa tạnh, càng về sáng càng nặng hạt. Thanh gạt nước hối hả trước đầu xe. Xe quay đầu đi về lối cầu An Hòa vẫn không tránh khỏi mưa lũ tràn lên mặt cầu Đa Năng. Mấy xe ô tô gầm thấp đỗ lại dò đường. Từ thị trấn lên, sông Phó đáy đục ngầu, nước tràn bờ, chảy cuồn cuộn. Nước trên rừng đổ về tràn qua những cây cầu bắc qua khe suối, đổ xuống những thửa ruộng cây lúa vừa tròn khóm. Bỗng nhớ trận lũ ống, lũ quét hồi đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, Sơn Dương bị lũ ống quét qua trôi cửa trôi nhà, trôi cả hoa màu, lợn gà.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Sơn Dương đã đón đợi ở đầu đập Nà Nưa, cùng đội ô lên lán. Nhìn đoàn người đội trời mưa lên lán dâng hương, lại nhớ ngày 3/9/1969, nghe tin Bác Hồ đi xa, cả nước đã có những ngày “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Mái đình làng Kim Long, còn có tên Đình Quốc dân đại hội, nơi đã bầu ra vị Chủ tịch đầu tiên của nước

Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cũng là nơi, lần đầu tiên Bác công bố với toàn thế giới, tên Người là Hồ Chí Minh (ngày 17/8/1945). Ngôi đình trầm mặc dưới hàng cây cổ thụ. Đoàn dâng hương đội ô về đến sân đình, bỗng trời ngớt mưa, hửng sáng. Nhìn cánh đồng làng Kim Long nước chảy tràn bờ, mắt tôi thấp thoáng bóng Ông Ké áo chàm lom khom ra be bờ giữ nước.

Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng mới được xây dựng trên khuôn viên quảng trường gần đình Quốc dân đại hội. Sự khang trang, trầm mặc, tôn nghiêm của công trình tương xứng lòng thành kính, biết ơn của đồng bào trên quê hương cách mạng tưởng nhớ công đức của các vị tiền bối cách mạng đã cống hiến cho quê hương Tuyên Quang nói riêng, cho đồng bào cả nước nói chung. Đứng dưới chân linh tượng đồng của mười bốn vị tiền bối cách mạng, sau hồi chuông thỉnh, trời bỗng lại quang, mây tạnh. Khói hương trầm phảng phất. Ai nấy rưng rưng nhìn lên ánh mắt của các vị tiền bối đang trìu mến nhìn mọi người. Trước mắt tôi hiện ra đoàn quân khởi nghĩa đêm 10/3 năm Ất Dậu. Ngày ấy, khi bà con vùng An toàn khu (ATK) nghe tiếng súng lớn nổ ì ùng từ dưới xuôi vọng lên, sáng mồng 10/3/1945, một cuộc họp bất thường của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, dưới sự chủ trì của đồng chí Song Hào, người vừa vượt ngục từ nhà tù Chợ Chu trở về, họp bí mật trong một khu rừng làng Khuôn Kiện, đã nhận định: Nhật, Pháp bắt đầu bắn nhau; thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến; trong khi chờ chỉ thị của Xứ ủy, cần nhanh chóng, mạnh dạn hành động. Phân khu ủy chọn Thanh La làm nơi chỉ đạo điểm cho cuộc khởi nghĩa. Ngay đêm 10/3, một lực lượng cách mạng mỏng manh, do đồng chí Tạ Xuân Thu chỉ huy, kéo vào làng Thanh La “tước thử vũ khí” bọn kỳ hào, hương dõng. Bị bất ngờ, bọn tổng lý, kỳ hào, hương dõng làng Thanh La vô cùng hoảng loạn, đem nộp hết giấy tờ, triện đồng, súng đạn cho quân khởi nghĩa.

Tin thắng lợi báo về, sáng sớm 11/3/1945, sân đình làng Thanh La nổ ra một cuộc Mít tinh biểu dương lực lượng, mừng chiến quả. Lá cờ đỏ sao vàng được huy động may trong đêm khởi nghĩa tung bay trước sân Đình. Khẩu hiệu, biểu ngữ do bà con cấp tốc dựng ngay trong đêm giương cao rực rỡ. Sáng 11/3, lớp lớp thanh niên, phụ nữ, già, trẻ, gái trai mang theo súng ống, gậy gộc, mã tấu kéo về sân đình làng Thanh La ghi tên, gia nhập đoàn quân khởi nghĩa, theo Việt Minh đi cướp chính quyền. Đoàn quân khởi nghĩa làng Thanh La hừng hực khí thế, vừa kéo ra Hồng Thái lại gặp đoàn quân khởi nghĩa từ làng Kim Long cũng rầm rập xuống đường. Hai đoàn hòa làm một, theo chỉ đạo của Phân khu ủy ra cướp chính quyền làng Phượng Liễn. Chính quyền Phượng Liễn tiếp tục về tay nhân dân. Thừa thắng, Phân khu ủy nhanh chóng chỉ đạo chớp thời cơ, kéo quân ra hạ đồn Đăng Châu, cướp chính quyền châu lỵ Sơn Dương. Đêm 12/3, đồn Đăng Châu bị siết chặt vòng vây. Sáng ngày 13/3, quân lính đồn Đăng Châu run sợ kéo cờ trắng đầu hàng.

Giải phóng châu lỵ Sơn Dương, lực lượng cách mạng giải phóng cả vùng thượng huyện. Phát huy chiến quả, ngày 22/3, quân khởi nghĩa kéo qua Núi Hồng, bao vây đánh chiếm nhà tù Chợ Chu, giải phóng cho các chiến sĩ cách mạng đang bị cầm tù, tăng cường lực lượng lãnh đạo khởi nghĩa. Một đội quân khác kéo về hạ huyện giải phóng đồn Kim Xuyên, đánh chiếm đồn điền Roay-đơ-ba, phá kho thóc Kim Xuyên chia cho dân cứu đói. Sơn Dương trở thành châu tự do. Ngay sau đó, Cụ Hồ cùng đoàn thể cách mạng từ Pắc Bó, Cao Bằng năm tiến về Tân Trào lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Tân Trào trở thành Thủ đô Khu Giải phóng.

Tranh thủ ít phút gặp mặt, tôi nhận được một số thông tin từ đồng chí nữ Bí thư Huyện ủy. Nhớ xưa Sơn Dương, nhờ thế mạnh núi rừng, nên một thời chọn phát triển kinh tế lâm nghiệp làm mũi nhọn. Nhưng qua bao nhiêu thế hệ, kinh tế xã hội như dừng chân tại chỗ. Đời sống xã hội chưa được cải thiện bao nhiêu. Từ ngày có Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhận thức những mặt tích cực của cơ chế thị trường, Sơn Dương chủ trương rời núi, bám thị trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thị trường nông sản được quan tâm; tận dụng mọi cơ hội để mở rộng phát triển thị trường du lịch; tranh thủ mọi thời cơ thu hút đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa công nghiệp, bám sát thị trường trong và ngoài nước.

Sơn Dương đã gặt hái được một số kết quả bước đầu, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt bình quân 10,14%; về văn hóa xã hội, giáo dục đứng tốp đầu cấp huyện; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng xếp thứ nhì; khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, với diện tích gần trăm héc-ta, thu hút gần hai chục dự án, tạo việc làm mới cho hơn ba ngàn lao động trẻ. Huyện đang nỗ lực tranh thủ nguồn lực đầu tư xây dựng Làng Văn hóa du lịch, nâng cấp cảnh quan môi trường Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Nhớ lại những năm 2018, 2019, nghe tin mấy xã vùng Nam Sơn Dương có hàng ngàn lao động đi làm ở các công ty, rồi xuất khẩu lao động đi nước ngoài, tôi kéo mấy nhà báo văn nghệ xuống xem xét, có thật? Trao đổi với chàng trai tân Chủ tịch xã Thiện Kế Nguyễn Văn Lợi, lại càng ngạc nhiên hơn:

- Báo cáo các bác! Thiện Kế có bốn dân tộc anh em: Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu và một số hộ đồng bào Kinh từ dưới xuôi tản cư lên từ thời Pháp thuộc. Trước năm 2016, đời sống của bà con một nắng hai sương, ngày hai bữa cơm đèn, sao vẫn cứ bảy hộ dân có hơn một hộ nghèo; phần ba số thôn thuộc Vùng 135; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt (8 - 9) triệu đồng/năm.

- Thế sang năm nay...? - Nhà báo, nhà thơ Ngọc Hiệp tỏ vẻ sốt ruột.

- Năm nay khác xa rồi, bác ạ! Tôi vừa tạm tính, tăng ba trăm năm mươi phần trăm. - Ông Phó Chủ tịch Trương Minh Đăng phụ trách kế hoạch vừa nói vừa cười.

- Hơn cả “Thiên lý mã” của Triều Tiên hồi xưa đấy! - Tôi ngạc nhiên.

- Chúng cháu sinh sau, chưa nghe “Thiên lý mã” bao giờ, mà cứ làm theo chủ trương, nghị quyết của Đảng thôi, bác ạ! - Đồng chí Bí thư Đảng ủy vừa cười, vừa lên tiếng: “Cũng là ba khâu đột phá, đi đôi đổi mới cơ cấu kinh tế thôi ạ!”.

Tân Chủ tịch Nguyễn Văn Lợi giải thích:

- Đầu tiên, xã cũng phải huy động mọi nguồn lực để mở đường giao thông nông thôn đón các thương lái vào tận xóm bản. Rồi làm kênh mương nội đồng để chủ động phát triển sản xuất nông nghiệp. Đi đôi đó, xã Thiện Kế triệt để cải cách hành chính, tạo niềm tin cho nhân dân. Còn cái thứ ba, chắc còn ít người làm, ấy là, xã tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực, tất cả lực lượng lao động của xã.

Đồng chí Bí thư đặt chén nước xuống bàn, vui vẻ bổ sung:

- Nhờ chủ trương của huyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế đấy, tạm thời không lấy kinh tế lâm nghiệp làm hàng đầu, mà lấy thị trường làm trung tâm cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, các bác ạ. Đơn giản thế, mà bây giờ mới nhận ra đấy. Chả trách ngày trước, nhà thơ Tố Hữu ở tuổi 75, làm Phó Thủ tướng mới rút ra câu: “Làm ăn hai chữ, à ra thế...”!

Anh Minh Đăng lần lượt nhìn vào mắt khách giải thích thêm:

- Để đón đầu các công ty nước ngoài chắc chắn sẽ đến Sơn Dương, bởi vùng này có con đường Quốc lộ 2C đi tắt về Thủ đô, lại là nơi có thị trường lao động chưa có ai khai thác. Theo chủ trương của Đảng ủy, xã giao cho Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch, liên hệ với các công ty nước ngoài giúp đào tạo lực lượng lao động trẻ, cho họ tiếp xúc với kỷ luật lao động công nghiệp sản xuất theo dây chuyền và rèn luyện tay nghề, để lực lượng lao động này hòa nhập được thị trường lao động. Còn Hội Nông dân, Hội Phụ nữ liên hệ Ban Khuyến nông huyện về tập huấn, cầm tay chỉ việc cho lực lượng lao động nông nghiệp ở nhà biết kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng nông sản hàng hóa; biết bám thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Giờ ở đâu tranh thủ được nguồn thu từ lao động đi làm trong các công ty liên doanh, công ty nước ngoài, thu nhập bình quân đầu người của xã nâng lên đáng kể. Nhờ đó, các chỉ tiêu Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, như mở đường bê - tông nông thôn, bê - tông hóa kênh mương nội đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa xã hội đều hoàn thành vượt mức kế hoạch cả, các bác ạ.

Ai cũng gật gù, cùng nâng chén nước. Tôi tham gia thêm:

- Tôi tâm đắc nhất chuyện, có khi tại bệnh nghề nghiệp của tôi, hì hì! Ở đâu lực lượng lao động trẻ có công ăn việc làm, thì an ninh trật tự ở đó sẽ yên ổn.

Cuối chuyến du hương về nguồn, được sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo huyện, đoàn đến tham quan hai công ty nước ngoài đóng trên địa bàn. Đến Công ty sản xuất của ông chủ người Nhật, hãng Sony, cảm nhận đầu tiên cho thấy sự xởi lởi, lịch lãm, lối làm việc khoa học. Công ty sản xuất giày của ông chủ người Đài Loan cùng nằm bên Quốc lộ 2C, con đường áp-phan, thường được lái xe chọn đi tắt về Hà Nội. Điều cảm nhận sự khác biệt giữa các nhà máy, xí nghiệp, công sở của dân ta với các cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài là ở chỗ, quy hoạch gọn gàng, khang trang, môi trường sạch đẹp. Hai công ty ba năm gần đây đã thu hút trên ba ngàn lao động trẻ, chủ yếu là người địa phương (Sơn Dương). Giới thiệu với đoàn, cô gái người Việt, nhìn từ bộ bảo hộ lao động, biết cô là người quản lý một tổ, hay một công đoạn công nghệ trong công ty, đến phiên dịch cho ông chủ, Giám đốc người Đài Loan họ Lý. Cô gái xởi lởi miệng nói, răng cười. Chỉ mấy gạch đầu dòng trên trang giấy giới thiệu chừng ba phút, cô vẫn dành lời tốt lành nói về ông chủ: Thu nhập của người lao động được trả theo tháng, bình quân (5-7) triệu đồng/người. Sản lượng bình quân mỗi tháng, công ty xuất 180 ngàn sản phẩm các loại. Hàng được xuất sang châu Á, châu Âu, cả những thị trường khó tính như Đức và Pháp. Ngày lễ, ngày Tết cổ truyền Việt Nam, công nhân đều có phần quà. Gia đình người lao động gặp hoạn nạn rủi ro được ông thăm hỏi, trợ cấp khi thì túi gạo, khi tiền, người thì chăn ấm.

Đường về, ngồi gà gật trên xe, tôi bâng khuâng nhớ lại những trận lụt năm 1969, năm 1971, trận lũ ống lũ quét đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước trên sông Phó đáy. Rồi mới đây, mà năm nào cũng có, mưa áp thấp kéo dài hai ba ngày là gây úng lụt, quét cả hoa màu, cuốn trôi nhà cửa, gia súc của bà con các bản hai bên lưu vực. Rồi bỗng chập chờn những cỗ máy xúc, máy đào, tầu hút cát tấp nập về khơi sâu lòng sông. Những người thợ xây đá, đổ bê tông chống sạt lở hai bờ. Bỗng trống rong, cờ mở, rộn ràng hai bên bờ sông, bà con chiến khu xưa vẫy cờ hoa chào đón các vị tiền bối ngồi trên thuyền rồng dập dìu cờ phướn, theo sau là đoàn du thuyền chở du khách khắp năm châu xuôi ngược dòng sông Phó đáy, lên du lịch miền núi, vẫy chào đồng bào trên Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Khách lên du lịch đồi chè, thưởng thức các sản phẩm Ô-Cốp của Thủ đô xanh.

Xe về đến thành phố Tuyên Quang. Tôi giật mình mở mắt, thì ra mình đang mơ. Mà sao giấc mơ cứ ám ảnh mãi không thôi.

Đỗ Anh Mỹ

Tin tức khác