Cao Xuân Thái nỗi đau trên hành trình chữ

Thứ ba, ngày 08-02-2022, 14:58| 1.051 lượt xem

Cùng ở một thành phố, ông Cao Xuân Thái ngụ tại số 212, đường Quang Trung. Tôi ở 187, đường Trần Phú. Hai nhà tuy ở hai đường, nhưng lại chỉ cách nhau con phố nhỏ, một đoạn tầm “con dao quăng”. Thành thử giữa tôi với ông, “bữa thì ông tới, bữa tôi sang”.

Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, Cao Xuân Thái đã công bố trên văn đàn, cũng là để khoe với đời rằng lão có sáu tập thơ. Tập mới nhất do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý tư năm 2014. Tập thơ mang tên “Thương lắm những ngày xa”. Nghe cái tên tập thơ, người đa cảm đã thấy như có cái gì cay cay nơi sống mũi, giống như sự bùi ngùi, bịn rịn! Cái sự sắp sửa thành... ngày xưa.

*

Cao Xuân Thái là người đa tài. Ngoài thơ, ông còn viết ký. Không phải thỉnh thoảng buồn, ông viết cái ký chơi đâu, mà ông cho in tới ba tập ký liền, tập nào cũng đầy đặn, đoan trang. Nơi cổng trời, Nhà Xuất bản VHDT ấn hành năm 2008. Tập này, ông viết về Hà Giang, nơi cực Bắc của Tổ quốc. Tổ quốc cao lên từ Lũng Cú. Do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2014. Tập này, ông cũng viết về Hà Giang.

Thế mới biết, nhà thơ có duyên với vùng cao - Vùng cao nguyên Đá. Cũng phải thôi, hơn một nửa đời văn, ông sống và viết ở đây, với cương vị nhà thơ Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang. Một rẻo Mê Kông là tập ký thứ ba, cũng do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2014. Tập này, ông viết về Ninh Bình quê hương ông. Viết về đất nước Lào anh em. Viết về Vương quốc Thái Lan, nơi ông sinh ra và sống ở đây mười hai năm thời niên thiếu. Tập ký này, ông viết rất công phu, tác phẩm đã nhận giải thưởng quốc tế năm 2015.

Điều đó chứng tỏ rằng, là nhà thơ, nhưng Cao Xuân Thái viết ký khá điêu luyện. Sáu tập thơ và ba tập ký trên, tôi đọc kỹ cả. Nhiều đoạn rất sống động, rất hay. Chỗ nào thích, tiện bút đỏ, tôi đánh dấu be bét. Đấy là cách tôi thể hiện cái sự khoái khi thưởng văn chương của bạn bè. Vì sách, ông đã tặng tôi rồi. Tôi hoàn toàn có quyền sở hữu, muốn làm gì thì làm.

*

Nhưng, dù gì thì gì. Đọc đi, đọc lại. Xét đi, xét lại. Tôi thấy, Cao Xuân Thái vẫn là nhà thơ. Tôi muốn nói rằng, bài viết này, tôi chỉ nói đến thơ - Thơ Cao Xuân Thái. Nói đến thơ Cao Xuân Thái, tôi bỗng nhớ đến một nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Kiên Thọ ở đại học Sư phạm Thái Nguyên: “Nhiều khi trong sáng tác, nhà thơ như một kẻ rối trí, hay một gã mộng du bị cảm xúc chế ngự, dẫn dắt trong miên man những cảnh, những tình. Người mộng du ấy là kẻ gặp may, vì đấy là dấu hiệu của thiên bẩm thi sĩ đích thực”.

Quả có vậy. Qua cao nguyên đá Đồng Văn, nhà thơ thấy:

Dây bí trên nương lúc lửu

Cây ngô vẹo lưng bồng con.

        (Sao tôi thương về nơi ấy)

Đứng dưới chân thác Nàng Tiên, ngắm cảnh, ngắm tình, nhà thơ cũng thả hồn tưởng tượng thành ra.

Em khỏa thân tắm mát

Mạch nguồn từ ngàn xưa

Có ai đâu mà ngại

Hương rừng thơm ngẩn ngơ.

         (Thác Nàng Tiên)

Nhà thơ Cao Xuân Thái gọi tiên là em. Em tiên, tôi đọc mà hãi. Hãi quá.

Có lần nhà thơ đi công tác cùng cô gái người Lô Lô, trên đường rừng vắng hoe, vắng hoét thì:

Em xòe ô đi trước

Vừng mặt trời bí mật của riêng anh.

        (Tâm tình trên đường)

Đọc hai câu thơ trên, tôi rất thích, nhưng sợ, không dám bình một lời nào, vì hình ảnh quá... đẹp. Sao trên rừng lại có hình ảnh đẹp đến thế? Hãy lặng ngắt mà ngắm. Nín thở mà ngắm. Nhắm tịt mắt vào, thả hồn đến tận nơi mà ngắm. Không nên bình gì cả. Bình vào, ngại có khi ngòi bút của tôi vụng về, sẽ làm méo mó câu thơ hay của thi sĩ. Hãy cứ để cái hình ảnh phía trước đó như một vừng mặt trời lừng lững, lung linh, mà bí mật ngắm một mình thôi. Bình làm gì?

Có lần, nhà thơ lang thang đến Đà Lạt. Thành phố cao nguyên này, tôi cũng đã đến vài lần rồi. Thơ mộng lắm. Và lãng mạn lắm. Ở đây có làng Cù Lần, có hồ Than Thở, có đồi thông Hai Mộ, có hòn

Lang Biang ghi dấu một mối tình thật đẹp, nhưng cũng thật buồn. Buồn đến bã bời cơ bắp, bã bời cõi lòng. Đà Lạt là thành phố hoa. Và hoa ở đây lại cũng rất đẹp. Có thể nói, hoa Đà Lạt đẹp nhất thế giới. Nhưng tiếc một nỗi, đến một nơi tình thế, đẹp thế, mà tôi lại không biết làm thơ. Cao Xuân Thái thì:

My Mô Da vàng ngõ vắng

Tiếng dương cầm như giọt trăng tan.

                 (Đà Lạt)

Tuyệt hay.

Trong ngõ vắng, vàng rộm một màu My Mô Da. Tiếng đàn khẽ tan như giọt trăng dưới đồi thông vi vút gió ngàn. Thưởng cảnh ấy khoái lắm, sướng đời lắm. Câu thơ như khắc họa, như mô tả một cảnh chứa chan tình. Trong không gian thơ mộng ấy, thi sĩ đi chợ Âm Phủ cùng em thì không còn gì thú hơn:

Ngọn đèn hắt sáng vào đêm

Tôi đi chợ Âm Phủ cùng em

Giữa náo nhiệt phố phường.

Trong một đời, chắc ai cũng đã hơn một lần hò hẹn. Mà đã hơn một lần hò hẹn, thì lỡ hẹn có khi. Cái ấy là sự thường. Còn nhớ một lần, lâu rồi, tôi hẹn một em dưới gốc nhội trên bờ hồ Ngòi Là. Đợi mãi, em không đến. Chiều buông. Muỗi rừng lại nhiều. Buồn đời, tôi về đắp chăn, ngủ quách, thế thôi, có gì đâu?

Nhưng nhà thơ thì:

Âm thầm biết em không đến

Anh bồn chồn nhặt bóng hoàng hôn.

Đặng, ngắm áng mây chiều mà:

Kìa mây trắng cuối trời ai biết tuổi

Đời vì nhau xin hóa đá một lần.

 (Trước mùa Thu)

Chỉ xin được cùng em hóa đá một lần thôi, không dám xin hai lần. Hãi quá.

Đời thơ lang thang, thi sĩ Cao Xuân Thái cũng đến chợ tình Khau Vai. Những tưởng đã là chợ, thì ắt phải có cái sự mua đi, bán lại. Có cái sự cò kè bớt một thêm hai. Nhưng những người đến chợ này, không ai có ý định mua bán gì cả. Người ta đến đây để tìm tình. Tìm lại tình cũ - Những mối tình ông Tơ, bà Nguyệt xe ẩu, xe vội, xe thiếu cẩn thận nên không thành. Những mối tình éo le. Mà chính những mối tình éo le, tình dở dang mới là những mối tình đẹp. Đẹp, nhưng buồn, khiến người ta nhớ dai, muốn đến đây tìm lại. Cũng có người đến đây để thiết kế  tình mới, mới tinh. Cho đỡ cô đơn. Cho đỡ hưu quạnh. Cho đỡ sầu đời!

Thi sĩ Cao Xuân Thái đến Khau Vai để mà:

Tôi đi vớt vát cho mình chút duyên.

Cái sự mà nhà thơ có ý đồ đến để mà vớt vát này, có thể là cái sự tình cũ. Tình cũ có hẹn. Vì có hẹn nên mới có cái sự phải đợi:

Đợi em từ sớm qua trưa

Hoàng hôn không khéo cũng vừa trắng tay

Tôi trộm nghĩ, nếu tình cũ, thì như thế nghĩa rằng tình đã bạc. Mà giả dụ, đây là tình mới, thì cái sự tình này cũng nhạt nhòa, hời hợt lắm. Thi sĩ đợi em từ sớm đến tận qua trưa. Đợi tràn sang chiều, hoàng hôn buông, mà vẫn chả thấy em đâu. Trước tình hình này, tôi cho rằng, không phải đoán già đoán non, không khéo hay có khéo gì nữa. Mà thi sĩ sẽ trắng tay là cái chắc. Như thế, hỏi có sầu đời không? Sầu đời thì thi sĩ đi uống rượu, nhắm với thắng cố để giải sầu:

Mình tôi, bát tỉnh, bát say

Đã sương gió lắm đắng cay kiếp người.

(Lỗi hẹn chợ tình)

Nhưng tôi thì tôi đồ rằng, thi sĩ viết thế cho đời nó thơ, đời nó mộng. Chứ Cao Xuân Thái gần trọn đời thơ, mình một xe con. Xe công, đi đâu có tài chở đi. Đến đâu cũng cơm bưng nước rót, sao mà sương gió? Giả tỉ có sương gió, thì sương gió cũng còn ngoài cửa kính kia mà. Sương gió trong tâm hồn thi sĩ chăng? Sao mà đắng cay? Đắng cay nỗi gì? Nếu có, thì cũng chỉ là hưu hưu nỗi buồn thi sĩ. Mà đã là thi sĩ thì có thằng nào vui bao giờ đâu?

*

Bên cạnh mảng thơ, có thể tạm gọi là thơ tình, cái sự tình em và tôi. Cao Xuân Thái viết nhiều bài thế sự. Nghĩa là việc đời. Một tâm trạng, viết chơi chơi vậy thôi, mà sao nghe mênh mang buồn! Buồn ở cái sự, làm việc đấy mà không ra làm việc đấy. Bảo chơi đấy, mà cũng không hẳn ra chơi đấy. Tình cảnh thế, người nhân cách không thể không buồn:

 Sáng đến cơ quan

Vui tàn câu chuyện

Đã hết nửa ngày.

Chiều đến cơ quan

Chuyện trời chuyện bể

Chuyện mình chuyện người

Lại xong một chiều.

(Một ngày và một đời)

Còn gì tâm trạng hơn, khi một mình bên ly rượu mà lặng lẽ suy ngẫm sự đời:

Căn phòng bốn phía lặng thinh

Đèn một ngọn

Rượu một bình

Với ta

Tay nâng ngất ngưởng cũng khà

Mình đây với bóng

Hóa ra hai mình.

Chén cay đắng

Chén nhân tình

Buồn vui

Mình với lòng mình đêm nay.

(Uống rượu một mình)

Ôi, nghe sao mà cô đơn! Nghe sao mà hiu quạnh! Tâm sự với cái bóng của mình! Buồn muốn khóc. Dĩ nhiên, đã là thi sĩ thì lúc nào mà chẳng buồn? Cái buồn thi sĩ  mà. Không buồn thì lấy gì đẩy được thơ ra? Nhưng hình như Cao Xuân Thái có một tý buồn thật. Đọc thơ ông, cái sự buồn như khẽ muốn lây sang tôi:

Mắt buồn giấu sau cặp kính

Chén rượu chiều đông lai rai

Mái tóc muối tiêu đã nửa

Áo còn lấm bụi đường dài.

Nhìn thấy cái già của mình rồi, người thơ sờ túi xem có gì:

Gia tài mấy trang sách mỏng

Lặng lẽ chẳng thích ồn ào

Cứ đọc, cứ đi, cứ viết

Mơ màng cùng với trăng sao.

Và. Bỗng một chiều. Chắc là chiều đông. Nhà thơ ngồi một mình mà:

Nghe gió mưa xao xác

Bồi hồi biết mùa đi

Lá rơi bên thềm vắng

Lại lo ngày phân ly.

Cao Xuân Thái lo đấy. Nhưng tôi nghĩ, đây cũng lại chỉ là cái lo thi sĩ, lo hão. Nhà thơ bảo lo. Nhưng hình như, ông cũng lại chẳng lo gì sất. Nhà thơ chỉ ngẫm thôi:

Ngẫm ván cờ nhân thế

Nhạt suông mấy cuộc tình.

(Tự khúc)

Nghe sao mà buồn. Buồn như kiến dứt. Tâm trạng, thì ai mà chả tâm trạng. Cái trạng thái buồn vui của một tâm hồn thì ai mà chả có lúc. Nhưng khi một mình ngồi đọc, thấy trạng thái tâm hồn của thi sĩ, tôi không thể không... tâm trạng:

Tôi ngắm nhìn tổ chim bé nhỏ

Bền chắc trong gió mưa

Bình yên trong bão giông

Lại nghĩ về ngôi nhà mình

Xây cất cầu kỳ xi măng cốt thép

Đã chắc gì bình yên.

(Tổ ấm)

Hình như, đã một lần, tôi đọc thấy nhà thơ lớn Xuân Diệu viết: Cơm áo không đùa với khách thơ. Cao Xuân Thái làm thơ, ông cũng đắn đo, tính toán. Dĩ nhiên sự đắn đo, tính toán của ông không đến nỗi đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Nhưng rõ ràng thi sĩ có nghĩ đến tiền nhuận bút:

Giá cả thì tăng, nhuận bút thơ lại ít

Chuyện cơm áo...

Không thể xem thường.

(Nhà thơ)

Đọc mà thương. Nhưng tôi trộm nghĩ, giời bắt ông làm thi sĩ, thì ông phải làm thi sĩ. Giả tỉ, không có nhuận bút, ông vẫn phải viết cơ mà. Tôi thách ông không viết đấy. Giời hành ông rồi, chạy đường nào? Ngày xưa, ai trả nhuận bút cho Hồ Xuân Hương? Ai trả nhuận bút cho Trần Tế Xương? Đến như cụ Khuyến, cụ Du, thơ lừng lững ra đấy. Thơ của các cụ hay đến mê ly, hay cho đến tận bây giờ. Thế mà, thử hỏi ngày ấy, ai trả nhuận bút cho các cụ? Nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Chính nhà văn chiến sĩ Nam Cao cũng đã viết trong Những chuyện không muốn viết rằng: “ Tôi cũng muốn, vừa có thể phụng sự nghệ thuật, lại vừa có thể kiếm tiền nuôi cả nhà”. Với ý nghĩa ấy, tôi nghĩ, Cao Xuân Thái phàn nàn thơ rẻ, cũng là phải nhẽ.

Là thi sĩ, Cao Xuân Thái rất cẩn thận trước khi gửi bản thảo tới Tòa soạn. Một lần tôi sang chơi, ông khoe, mới viết một bài, trong đó có câu:

Không in còn tiếng

In xong, không khéo kém đàng hoàng.

Nghe hay, tôi khen luôn. Câu thơ hay quá, bởi vì nó đúng quá. Chuyện này tôi dính rồi. Cách đây gần hai mươi năm, tôi có cho in một tác phẩm. Bây giờ mỗi lần dọn dẹp tủ sách, nhìn thấy cuốn ấy, tôi không khỏi đỏ mặt. Mà vất đi thì không đành. Tôi trộm nghĩ, trường hợp này, đúng là nỗi đau đời của văn giới.

Lại nói câu thơ của Cao Xuân Thái tôi đã khen ấy, khi ra sách, ông tặng, tôi đọc lại thấy như thế này:

Không in còn tiếng

In xong không khéo

Đôi khi in xong

Đọc lại

Thấy buồn.

(Chầm chậm thơ)

Tôi bèn hỏi ông, sao lại sửa thế? Ông lặng im, không nói gì. Đặng, ông châm điếu thuốc, hít một hơi thật dài, từ từ đưa mắt lên mái hiên, tìm con thạch sùng thổi khói. Tôi ngắm ông, lòng trộm nghĩ, cẩn thận với chữ nghĩa thế là cùng.

*

Một lần, Cao Xuân Thái qua Quy Nhơn, tới chơi đồi Thi Nhân, vào viếng mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng. Trước sóng biển dạt dào, ngẫm một đời thơ ngắn ngủi, mà tài ba, thi sĩ cảm mà rằng:

Thương một đời tài danh

Mệnh trời không thoát khỏi

Thơ khắc chìm trên bia

Đến giờ còn nhức nhối.

(Bên mộ Hàn Mặc Tử)

Ở tuổi ngoài bảy mươi, ông đổ bệnh. Bệnh to, phải vào viện. Vào viện để mổ. Mổ xong, vừa tỉnh, thi sĩ viết:

Khối u như con nhện ôm trứng cắt bỏ đi rồi

Những bóng áo trắng đặt tôi lên băng ca đưa về phòng bệnh

Tấm ga trải giường màu xanh nước biển

Thoang thoảng mùi ê-te.

Và:

Bỏ khối u là để sạch mình

Khi cuộc sống có quá nhiều ô nhiễm.

                          (Ở bệnh viện)

Đúng là cốt cách một thi sĩ.

Mà đã là thi sĩ thì lúc nào cũng vẫn là thi sĩ. Mổ xong, Cao Xuân Thái khỏe ra. Và thi sĩ để râu. Nuôi râu. Râu của thi sĩ không phải râu dê, mà là râu ba chòm. Hai chòm trên, mỗi bên vài sợi lơ thơ, dài và mềm quặp xuống hai bên mép. Chòm dưới loăn xoăn, lồm xồm phất phơ một cụm sợi bạc sợi đen, nom hay đáo để. Đi đâu gặp bạn bè, thi sĩ tháo khẩu trang, mỉm cười, có ý khoe bộ râu của mình. Thấy Cao Xuân Thái ngày một khỏe thêm, ngày một vượng lão. Vui. Chúc mừng thi sĩ - Người bạn cùng làng của tôi.

Nguyễn Đình Lãm

Tin tức khác