Người phụ nữ nhân hậu

Thứ ba, ngày 08-02-2022, 14:37| 1.110 lượt xem

Minh họa An Bình

Về dự Đại hội Chữ thập đỏ thành phố Tuyên Quang vào một sớm đầu tháng Bảy, cơn mưa rào đêm hôm trước đã làm dịu đi cái oi nóng của mùa hè.

Trong không khí long trọng của Đại hội, những ánh mắt nụ cười rạng ngời trên từng khuôn mặt của những cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ các xã, phường trong thành phố, tạo thành một ngôi nhà chung ấm áp, của những người làm công tác từ thiện, nhân đạo.

Qua từng bước của Đại hội, đến phần thảo luận mọi người im lặng theo dõi, tôi cũng vậy. Bài tham luận nào cũng hay, đều có cách làm của riêng mình, góp phần vào thắng lợi thực hiện kế hoạch đã đề ra trong nhiệm kỳ vừa qua. Đặc biệt để lại trong tôi ấn tượng lớn nhất khi theo dõi một tham luận về nội dung hiến máu nhân dạo và hiến xác sau khi chết cho ngành Y học, của một phụ nữ tại thôn 8, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang. Chị đã 39 lần hiến máu nhân đạo và đăng ký hiến xác cho Y học tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Người phụ nữ đó dong dỏng cao, khuôn mặt đẹp, nụ cười luôn thường trực trên môi. Tôi thầm nghĩ đúng là “Chè Thái gái Tuyên” có khác, chị có cái tên đẹp như người vậy - Lưu Thị Hoài Thu. Qua những việc làm, những kết quả chị đã tham luận trước Đại hội, làm cho tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tôi quyết gặp chị để tìm hiểu thêm về người phụ nữ đặc biệt này.

Như đã hẹn, mới hơn 8 giờ sáng tôi đã có mặt tại thôn 8, xã Lưỡng Vượng và cũng không khó khăn gì khi tìm tới nhà chị. Ra đón tôi với nụ cười rạng ngời và câu nói: - Em tưởng anh nói đùa, thế mà đến thật à?.

Tôi đế vào: Ai chứ được quen biết một người đẹp và giỏi như em thì đùa thế nào được.

- Đẹp gì, giỏi gì đâu anh, em cũng bình thường như bao người khác thôi.

Ngôi nhà đơn sơ, phía trong ngổn ngang những hình nộm đang làm, như đoán được ý nghĩ của tôi, Thu nói:

- Nhà em tuềnh toàng lắm, em làm thêm hàng mã mọi người đặt, nên cứ bày hết cả ra nhà, anh thông cảm nhé. Rồi Thu rót nước mời tôi:

- Em ở có một mình, chẳng có chè cháo gì đâu, anh uống tạm cốc nước vối.

Tôi buột miệng: Thế ông xã và các cháu đâu?.

- Em và ông xã nhà em đã ly hôn từ khi chúng em còn trong quân ngũ. Sau đó em xin ra quân, chỉ có mỗi cô con gái, cháu nó đã xây dựng gia đình và ở xa, thi thoảng cháu mới về. Tuy ly hôn vì không hợp nhau nhưng cả hai đều ở vậy, không đi bước nữa.

- Ở một mình thế này chắc buồn lắm nhỉ, tôi hỏi:

- Hôm nay mới vắng đấy anh ạ. Mọi người đều đi gặt hết, chứ mọi khi vui lắm, chị em tập trung tới đây cùng làm hàng mã, tăng thu nhập, tối nào cũng vậy đến để chuyện trò, vui văn nghệ nữa.

- Anh phải thông cảm cho em nhé, chiều nay có khách lấy hàng mã rồi, anh cứ ngồi uống nước nói chuyện, em phải làm để kịp cho khách lấy hàng. Làm cái nghề này phải thật khéo tay, chỉ cần sơ ý một chút là hỏng.

- Không sao đâu, em cứ làm đi cho kịp.

Chuyện trò loanh quanh một hồi, tôi mới lựa hỏi vào việc chính:

- Hôm qua trong Đại hội nghe bài tham luận của em, thực sự anh và mọi người rất cảm động và khâm phục về sự cống hiến của em cho phong trào Chữ thập đỏ đấy.

- Thực sự em cũng ngại lắm, các anh ở Chữ thập đỏ tỉnh và thành phố động viên mãi, em nghĩ những việc mình làm xuất phát từ cái tâm, chứ em cũng không mưu cầu cái gì cả, nhưng các anh ấy nói: - Việc mình làm là tốt rồi, nhưng để tuyên truyền và lan tỏa sâu rộng hơn, cũng rất cần tới tham luận của em. Thế là em mới nhận đấy.

- Trong tham luận của em, anh thấy em đã hiến máu tới 39 lần, thật là một con số ấn tượng. Anh tính sơ sơ, mỗi lần hiến máu là 2,5 đơn vị, như vậy cho tới nay em đã hiến gần chục lít máu rồi còn gì?.

Thu cười hì hì: Em chưa tính bao giờ, hôm nay anh nói em mới nhớ ra, còn đáng nể gì đâu anh, nếu ai cũng thấu hiểu hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, trực tiếp góp phần chia sẻ những rủi ro, đồng cảm với những số phận, hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo do tai nạn, hoặc bệnh tật xảy đến và đồng thời cũng là truyền thống, đạo lý của dân tộc, thì nhiều người cũng sẽ làm được, rồi Thu kể:

- Từ khi em làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ tại thôn 8 này, lúc đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ lắm, nhưng được chị Chủ tịch Chữ thập đỏ xã động viên, lại được đi dự các lớp tập huấn do Hội Chữ thập đỏ thành phố và tỉnh mở, dần dần em cũng vỡ vạc ra nhiều. Lúc đó trong thôn em còn nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn. Em cùng mọi người tổ chức vận động xây dựng quỹ Hội, tuyên truyền kết nạp hội viên mới, trao tặng quà trong các dịp phát động. Ngoài nguồn lực thực hiện 4 tại chỗ ra, chúng em còn mở rộng liên hệ với các xã, phường bạn trong thành phố, mọi người cũng đều nhiệt tình ủng hộ, cho nên phong trào ở thôn em phát triển mạnh, người dân rất tin tưởng. Còn việc hiến máu nhân đạo, thực sự khi được tiếp xúc với những người cần được truyền máu mà thiếu, em cũng suy nghĩ nhiều, được dự các lớp tập huấn về hiến máu tình nguyện, em càng hiểu hơn, em về tuyên truyền tới từng hội viên về sự cần thiết của việc hiến máu, nhưng với vai trò người đứng đầu, mình phải làm gương trước, đã thế là năm 2004 lần đầu tiên em đăng ký hiến máu anh ạ.

Tôi cắt ngang lời:

- Lần đầu tiên hiến máu cảm giác của em thế nào?.

- Em không sợ, cứ nghĩ mọi người hiến được thì mình cũng hiến được, nhưng lại lo vì khi khám lâm sàng để hiến máu, sợ mình không đủ tiêu chuẩn. Nhưng cũng may, mọi thứ đều trôi chảy cả, em rất thích thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Nghĩ thấy đúng quá, mình cho đi thì cơ thể mình lại tái tạo ra máu, mình cho máu sẽ góp phần cứu sống một mạng người. Kể từ lần đó, cứ mỗi khi có chiến dịch “Những giọt máu hồng” hoặc “Hành trình đỏ” em lại động viên mọi người và cùng đi hiến máu. Cho tới khi 55 tuổi là độ tuổi không được hiến máu nữa em mới thôi. Em dừng lại ở con số 39 lần hiến máu anh ạ.

Tôi hỏi khéo: - Thế em ngừng hiến máu mấy năm rồi?.

- Hai năm anh ạ.

- Ở cái tuổi 57 của em, ai tin được nhỉ, anh thấy em vẫn còn trẻ và nhanh nhẹn lắm.

- Anh chỉ được khéo nịnh, em cũng già rồi. À mà cũng đúng nhiều người nói với em như vậy, hay do mình sống vô tư, lại hay hiến máu thì như vậy cũng làm mình trẻ lại anh nhỉ?. Chẳng bù cho mấy bà bạn cùng tuổi với em, nhiều bà cũng thấy lụ khụ lắm rồi. Mà anh biết không, chỉ trong mấy năm qua, em cũng đã động viên được hơn 200 người cùng đi hiến máu rồi đấy.

Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên:

- Ái chà, phục em rồi đấy, chắc hẳn mọi người không ai làm được những việc em đã làm, các cấp hội có động viên kịp thời không em?.

- Có chứ anh, em đã nhận được Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiều Bằng khen, nhiều Giấy khen của các cấp chính quyền, của các cấp Hội. Nhưng đáng nhớ nhất có hai lần vào năm 2016 và năm 2020 em được Hội Chữ thập đỏ tỉnh chọn đi dự Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc, do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu Quốc gia tổ chức hàng năm tại Hà Nội, vui lắm anh ạ. Dường như ai cũng chung một suy nghĩ, một hành động, càng thôi thúc mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chính vì những chuyến đi đó, em học tập thêm được nhiều cách làm hay. Năm 2020 sau khi đi dự về, em bàn với mọi người nội, ngoại trong gia đình và dòng họ thành lập “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện”, mọi người ủng hộ lắm, cho tới nay đã có 46 hội viên trong dòng họ tham gia.

Tôi hỏi:

- Từ khi thành lập, mọi người đã hiến máu nhiều chưa?.

- Nhiều chứ anh, dòng họ nhà em lập riêng một trang nhóm trên Zalo, em mới xem, như vậy đã có 38 người hiến máu tới 4 lần. Còn mọi người từ 1 đến 2 lần, nhiều lần nhất là cháu Hoài Anh con chị gái em, đã hiến máu 7 lần rồi. Em vui lắm, mặc dù bây giờ em đã hết độ tuổi được hiến máu, nhưng đã có bao nhiêu người tiếp tục hiến máu giúp đời.

Tôi nhận ra một nét thoáng buồn phảng phất trên gương mặt xinh đẹp của Hoài Thu, nhưng rồi nó tan biến cũng rất nhanh. Hai bàn tay khéo léo dán những mảnh giấy vào hình nộm. Căn phòng mát rượi, không gian lặng im, nếu nghe tinh mới thấy tiếng chạy của máy điều hòa nhiệt độ. Tôi nghĩ tìm hiểu về công tác hiến máu tình nguyện đã đủ. Tôi lại khéo gợi chuyện:

- Thật ra anh cũng có nghe qua sách báo, qua phương tiện thông tin đại chúng về việc hiến xác, hiến mô sau khi qua đời, nhưng mức độ hiểu còn hạn chế lắm, thấy em là người duy nhất đến thời điểm này của Tuyên Quang, lại là phụ nữ đăng ký hiến xác cho Y học sau khi chết. Khi đi đến quyết định đó em cảm thấy thế nào?.

Thu trầm ngâm:

- Khó khăn lắm anh ạ. Quan niệm chung của dân ta, khi chết phải được nguyên vẹn mồ yên, mả đẹp, để ngày giỗ, ngày Tết con cháu còn có chỗ để thắp hương, nhưng em cứ nghĩ khi chết đi hồn lìa khỏi xác, cái xác lúc đó cũng chỉ là vô tri, vô giác. Nhưng trên cuộc đời này còn có bao nhiêu người đang rất cần những bộ phận cơ thể để dành giật sự sống. Từ giác mạc, thận hay tụy đều đã cứu được bao nhiêu người, còn đâu là phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Nếu mình cho đi nghĩa là mình vẫn còn sống, vẫn tồn tại trên cõi đời này. Còn hỏa thiêu như bây giờ hoặc nằm dưới ba tấc đất thì cát bụi cũng lại trở về với cát bụi thôi. Em nhiều đêm không ngủ, suy nghĩ miên man, rồi em quyết định về Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, làm thủ tục đăng ký hiến xác cho Y học sau khi qua đời.

Tôi hỏi: - Mọi người trong gia đình em có ủng hộ không?.

- Lúc đầu mọi người không ai ủng hộ em cả, em phải thuyết phục, vận động mãi anh ạ. Rồi dần dần mọi người cũng hiểu ra và cho em quyền lựa chọn quyết định, Thu cười: - Bây giờ hồn là của em, nhưng thân xác em đã của Y học rồi đấy anh ạ.

Nghe tới đó tôi thốt lên: Trời, em làm những việc mà anh không thể tưởng tượng được. Hình như có gì đó thúc giục em.

Thu cười: - Có gì đâu anh, đơn giản là mình sống làm sao mang chữ tâm, cứ giúp gì được cho mọi người thì làm thôi, rồi Thu hạ giọng:

- Bây giờ từ cán bộ đảng viên đến nhân dân đều đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mọi người cứ đăng ký đâu đâu ấy, nghe viển vông lắm, còn em chỉ nghĩ đơn giản là làm tốt những nhiệm vụ có liên quan tới mình. Anh biết không Bác Hồ là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đầu tiên đấy. Em tâm nguyện câu nói Bác dạy: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết, mà góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân và làm mọi việc có thể làm được, để giảm bớt đau thương cho họ”. Thế đấy, mặc dù bây giờ em không còn làm Chi hội trưởng Chữ thập đỏ nữa và không còn được hiến máu. Nhưng em vẫn tiếp tục làm công tác từ thiện nhân đạo, bây giờ em đang là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ thành phố.

Cuộc gặp nào rồi cũng đến lúc chia tay, nhưng trong tôi hình dáng của một người phụ nữ gần lục tuần vẫn trẻ đẹp, nhanh nhẹn, mặc dù có nỗi buồn riêng, hàng ngày vẫn phải mưu sinh cuộc sống, nhưng lại có một suy nghĩ và việc làm phi thường đến như vậy. Phải chăng trong tâm khảm Thu hiển hiện một tấm lòng rất nhân hậu và tôi tin tưởng rằng những suy nghĩ và hành động đó của Hoài Thu đã và sẽ là con sóng lan tỏa tới mọi người ở mọi miền để cùng chung tay, góp sức với cộng đồng xã hội, chia sẻ những rủi ro, đồng cảm với những số phận thiệt thòi, góp phần cho một tương lai tươi sáng hơn.

Bút Ký Đinh Minh Sơn

Tin tức khác