Nước và những hệ lụy của nước

Thứ ba, ngày 19-07-2022, 08:38| 1.156 lượt xem

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra tuyến đê bị sạt lở tại huyện Sơn Dương. Ảnh của Việt Hòa

Sông Lô mùa nước lũ. Ảnh của Quang Hòa

 

Các cụ ta xưa thường nói: "Nhất thủy, nhì hỏa" để nói về sức hủy diệt khủng khiếp, khó lường mà nước và lửa gây ra với con người, đến môi trường. Nhưng nước và lửa cũng là khởi nguồn của sự sống, nếu con người không có những thứ này thì không có sự sống, gắn liền với nền văn minh nhân loại. Theo ngũ hành trong quan niệm phương Đông: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thì nước (thủy) là một trong 5 nguyên tố cấu tạo nên vũ trụ, chúng có tính tương sinh, tương khắc với nhau, nhưng không thể thiếu nhau.

Xem ra, nước là thứ quan trọng nhất, được xếp trên cả lửa. Các đợt hạn hán liên tiếp xảy ra, kéo dài đã khiến việc canh tác nông nghiệp của nông dân và cả sự sống tại nhiều nơi bị đe dọa nghiêm trọng. Ngay từ thời khởi nguyên loài người, tổ tiên chúng ta trong điều kiện sống hoang dã theo phương thức "săn baét, haùi löôïm" cung biết chọn các hang động gần nguồn nước để sinh tồn, phát triển.

Có nước là có sự sống. Nhưng nước cũng là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Chỉ tính riêng trong thời gian gần đây, nhất là trong tháng 5 vừa qua, việc mưa bão kéo dài tại Tuyên Quang cùng một số địa phương khác ở các tỉnh, thành miền Bắc khiến mực nước các sông dâng cao, gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại lớn đến tài sản, tính mạng con người. Cụ thể, trong các ngày, từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 5, rãnh áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh, kèm theo đó là vùng xoáy áp thấp phát triển tới 5.000 mm. Điều này cho thấy đây là năm có nhiều thiên tai bất thường xảy ra đối với môi trường sống của con người.  

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn kéo dài đã khiến trên 100 nhà ở, công trình của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở taluy, khoảng 1 nghìn 200 ha lúa, 2 nghìn 400 ha hoa màu của người dân bị ngập lụt; gần 600 con gia súc, gia cầm bị chết, nặng nề nhất là ở hai huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh đã có hai người chết, bốn người bị thương.

Như vậy, chỉ trong chưa đầy năm ngày mưa lũ, những thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn. Số liệu về hoa màu, gia súc, gia cầm và số người chết thì có thể thống kê được, song cái mất mát, đau thương trong tinh thần người dân trong vùng tâm lũ thì không thể thống kê hết được. Trong điều kiện này, chúng ta đã thấy sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các đơn vị chức năng, rồi các huyện, thành phố và của cả cộng đồng xã hội.

Giữa tâm lũ, khi nước chưa rút, đã thấy hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh trực tiếp xắn quần, lội bùn để xuống với dân. Ngay tại hiện trường nơi con lũ còn dùng dằng chưa rút, người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai đổ xuống thêm ấm lòng trước những món quà, sự hỗ trợ vật chất và cả sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Đó là sự quan tâm, chia sẻ đầy trách nhiệm trước nỗi mất mát, đau thương của người dân nơi vùng lũ đi qua.

Nỗi mất mát, đau thương về những thiệt hại về người và của thì chúng ta đã từng nhìn thấy, hoặc chí ít ra thì cũng đã từng nghe thấy. Song, nguyên nhân gây ra hiện tượng này, nhất là hiện tượng mang tính cực đoan xảy ra trong thời gian qua xuất phát từ đâu? Câu hỏi này được đặt ra và có biết bao câu trả lời khác nhau. Ở đây, người ta nói nhiều nhất, nói từ lâu rồi, đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Cụm từ "Hiệu ứng nhà kính" chưa khi nào được nhắc đến nhiều như vậy tại các diễn đàn chính thức và không chính thức nhiều như vậy trong những năm gần đây.

Việc biến đổi khí hậu không chỉ diễn ra ở Tuyên Quang, ở trong nước mà nó mang tính toàn cầu. Khí hậu nhiều nơi nóng lên, thời tiết trở nên thất thường hơn, khắc nghiệt hơn. Môi trường sống, môi trường sinh tồn của con người đang trực tiếp bị đe dọa. Nhiều nơi nguồn nước bị cạn kiệt. Có những nông dân than phiền rằng, cây ăn quả của họ liên tiếp bị mất mùa, không cho quả, bởi lúc cây ra hoa, kết trái thì mưa liên tiếp dội về. Lúc cần đến nước tưới tiêu thì các giếng, thậm chí cả ao, hồ cạn trơ đáy do không có mưa trong thời gian dài. Hiện tượng này diễn ra trong những năm gần đây được xem là khá khốc liệt, khó lường.

Những trận bão kinh hoàng từ biển Đông đổ về đất liền, năm nào cũng gây ra biết bao nhiêu hệ lụy, đặc biệt là các tỉnh ven biển miền Trung. Tuyên Quang là tỉnh nằm sâu trong đất liền, song việc ảnh hưởng của nó cũng hết sức phức tạp. Tuy không lớn so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, bởi chúng ta đã giữ được môi trường rừng, với độ che phủ của rừng lên tới trên 64%. Giữ được rừng là giữ được sự cân bằng sinh thái. Đó là nguyên nhân làm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão và cả sự biến đổi khí hậu gây nên.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm gì để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất do biến đổi khí hậu gây ra? Và, làm thế nào để nước chỉ là khởi nguồn của sự sống, chứ nước không phải là khởi nguồn của sự mất mát, thiệt hại và đau thương? Câu hỏi đặt ra thì dễ, còn giải quyết được nó quả thật là khó, nếu không có sự chung tay của cộng đồng  con người. Còn nhiều việc phải làm, trong đó ý thức con người là yếu tố quan trọng, có tính quyết định đến vấn đề này.

Nếu mỗi người nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường thì những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu sẽ hạn chế tiêu cực đi rất nhiều. Rừng sẽ nảy mầm những màu xanh hy vọng mới. Nước từ các dòng sông, dòng suối sẽ chảy hiền hòa hơn, không còn hung hăng nhấn chìm các bờ bãi, các khu dân cư, nơi con người đang sống, mỗi khi mưa bão bất chợt ùa về.

 

Tân Trào

Tin tức khác