Nghệ sĩ Ưu tú Lâm Nho Hát bằng trái tim người lính

Thứ tư, ngày 20-07-2022, 08:18| 1.212 lượt xem

Gặp gỡ Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lâm Nho vào một ngày hè tháng 6. Nhà ông ở con ngõ nhỏ tại phường Minh Xuân bên cạnh dòng sông Lô hiền hòa. Bước vào nhà tôi không chỉ bất ngờ ở sự giản dị trong căn nhà nhỏ bé của ông mà tôi còn bị cuốn vào sự đôn hậu, nhiệt tình của một người nghệ sĩ. Ông là một trong những nghệ sĩ vẫn giữ được sự giản dị chân chất, bất ngờ hơn dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn giữ được giọng hát tròn đầy và giàu cảm xúc.

 

NSƯT Lâm Nho xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tuổi thơ gắn liền với mảnh đất Tuyên Quang nơi có dòng sông Lô hiền hòa, những con người thật thà đôn hậu. Sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật khi còn nhỏ và được cha mẹ ủng hộ, luôn khích lệ ông tham gia vào nhiều hoạt động văn nghệ của địa phương. Có lẽ cũng từ đó nghệ thuật bén rễ trong con người của ông. Bước lên tuổi trưởng thành, chàng trai Lâm Nho mang theo niềm đam mê của mình rời khỏi vòng tay cha mẹ đi học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Đây là cánh cửa mới mở ra với chàng trai xứ Tuyên, là bước ngoặt trong cuộc đời ông. Chính tại ngôi trường này, ông được truyền thụ kiến thức quý báu về dòng nhạc trữ tình, cách mạng. Từ đó ông cảm thấy yêu thích âm nhạc nhiều hơn và mong muốn được gắn bó với dòng nhạc đặc trưng đầy tính nghệ thuật này.

Vốn có chất giọng tròn đầy, sâu lắng, dạt dào cảm xúc dường như trời phú cho ông để hát những bài hát trữ tình mang âm hưởng dân ca truyền thống, cách mạng. Ra trường nghệ sĩ Lâm Nho công tác tại Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang với mong muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật tỉnh nhà.

Tôi được nghe ông kể về quãng thời gian dài khi ông vào chiến trường miền Nam khi đó cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào thời khắc ấy, người nghệ sĩ thấy hơn lúc nào hết là phải đem tiếng hát của mình đi phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Đi theo tiếng gọi con tim, tạm biệt gia đình hơn mười người nghệ sĩ trong đoàn nghệ thuật vào chiến trường phục vụ cán bộ chiến sĩ, đồng bào. Ông tâm sự: Hành trang của mỗi người chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo với một ít lương thực dọc đường. Những chuyến đi biểu diễn của đoàn có thể nói “không hẹn ngày về” bởi tình hình chiến sự lúc bấy giờ rất khốc liệt. Những buổi biểu diễn mọi người trong đoàn ngủ trong rừng, trong hầm, có khi đói mệt nhưng khuôn mặt mọi người luôn rạng rỡ. Tôi hỏi ông: Trong hoàn cảnh bom rơi đạn lạc ấy ông có sợ không? Ông mỉm cười: Có chứ! Nhưng tinh thần lúc đó dâng lên cao, trong đầu chỉ nghĩ còn hơi thở thì tôi vẫn sẽ vẫn cất cao tiếng hát của mình để tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng thông qua tiếng hát của mình góp phần thổi bùng lên “ngọn lửa” cách mạng trong lòng những chiến sĩ, đồng bào đang chiến đấu vì màu cờ, sắc áo của dân tộc.

Vào trong chiến trường nguy hiểm lúc nào cũng thường trực, có thể nói là nơi “rừng thiêng nước độc”, thường xuyên bị vắt và côn trùng cắn, những cuộc hành quân xuyên đêm, tiếng bom đạn gào thét suốt ngày, nỗi ám ảnh sau những trận sốt rét nhưng nỗi sợ lớn hơn cả đó chính là trải qua “cuộc chiến sinh tử” giữa sự sống và cái chết của những người đồng đội của mình. Người nghệ sĩ trong chiến trường sân khấu biểu diễn của họ chỉ cần là một khu đất nhỏ, bằng phẳng là có thể múa hát. Ông kể: Có những buổi diễn làm tôi nhớ mãi, hôm ấy cả đoàn đang diễn thì nghe tin bộ đội của ta chiến đấu trở về bị thương rất nặng có người cụt tay, cụt chân cả đoàn đến tận nơi động viên, khích lệ thương binh. Có hôm đang biểu diễn thì thấy từ xa có đoàn lính trở về nhưng một phần những chiến sỹ ấy đã anh dũng hy sinh. Nói đến đây ông xúc động: Mới hôm qua còn tay bắt mặt mừng, hát cùng nhau, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, vậy mà hôm sau những người chiến sĩ ấy đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường khốc liệt này.

Trong cuộc chiến tranh ác liệt, những người nghệ sĩ được người dân và các chiến sĩ đón tiếp chu đáo, ngủ ở hầm an toàn. Trong ký ức nghệ sĩ Lâm Nho: Tôi không quên được những ngày biểu diễn ở trong rừng, ánh sáng le lói qua chiếc đèn măng xông, không đàn, không sáo, tất cả đều hát “chay”, các anh chiến sĩ đều thích thú, hát theo những bài hát trữ tình, cách mạng: “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Mỗi bước ta đi”… Nhìn thấy những tình cảm mà những người chiến sĩ đã dành cho đoàn nghệ thuật, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, quên đi những mệt nhọc sau những gian nan, nguy hiểm luôn cận kề”.

Giữa bom rơi đạn nổ, người chết như ngả rạ, giữa chiến trường ngổn ngang nhưng nghệ sĩ Lâm Nho cùng anh chị em trong đoàn nghệ thuật vẫn cất cao tiếng hát. Hát say sưa với tình yêu dành cho những đồng đội với niềm tin tất thắng. Tự bảo nhau phải thật đoàn kết, thương yêu nhau. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng đối với ông nó dường như “nhẹ nhàng” sau những ca khúc là tinh thần lạc quan, niềm tin vào sự sống. Trong tinh thần ấy âm nhạc như là máu, lời hát là lửa từ trái tim nên nó nóng bỏng và đầy rung cảm. Với nghệ sĩ Lâm Nho, tiếng hát là một vũ khí, tiếng hát đó tròn đầy, nội lực và đầy truyền cảm lại vừa mềm mỏng để lan tỏa tình yêu, là nguồn động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ cho người lính. Tôi hỏi nghệ sĩ Lâm Nho: Trong thời gian xa nhà có khi nào ông nhớ quê hương, nhớ gia đình của mình? Giọng ông trầm xuống: Trong những ngày sống giữa bạt ngàn núi rừng hoang vu, hẻo lánh xa quê, xa gia đình để làm nhiệm vụ cách mạng, đôi khi tôi cũng cảm thấy trống trải, nhớ nhà. Những lúc ấy tôi chỉ có thể gửi những nhớ thương của mình vào trong những bức thư tay. Tôi đi vào chiến trường miền Nam khi con tôi mới tròn 1 tháng tuổi, thương vợ, thương con lắm! Vợ tôi cũng là người làm nghệ thuật, là diễn viên múa, hồi đó bà ấy cũng muốn cùng tôi vào chiến trường phục vụ chiến sĩ nhưng thương con còn quá nhỏ. Sau này con lớn hơn hai vợ chồng tôi gửi con sang nhà ông bà, rồi cùng tham gia hoạt động nghệ thuật, đồng hành cùng nhau biểu diễn tại chiến trường. Những năm tháng chiến đấu cùng quân và dân ở chiến trường, người NSƯT Lâm Nho càng thấm thía tinh thần yêu nước và yêu những giá trị văn hóa dân tộc của người nghệ sĩ. Cha ông ta từng nói “Tiếng hát át tiếng bom” quả không sai, ở nơi bom rơi đạn lạc ấy tiếng hát của những ca khúc cách mạng, trữ tình của người nghệ sĩ như liều thuốc tinh thần chữa lành những vết thương.

NSƯT Lâm Nho là ca sĩ từng xông pha có mặt trên chiến trường đầy mưa bom bão đạn, được tôi luyện trong môi trường cách mạng cho dù trước mặt có đầy những thử thách, chông gai, có thể phải hy sinh tại chiến trường, ông vẫn luôn lạc quan cất cao tiếng hát, vượt qua những những cung đường nguy hiểm, vượt qua mưa bom bão đạn, những cơn sốt rét, tiếng hát ấy vượt lên tất cả. Đó là những ký ức, kỷ niệm một thời mà ông đã sống, đã cống hiến hết mình cho dân tộc bằng tất cả niềm đam mê sự nghiệp ca hát. Chiến tranh đã đi qua nhưng những ngày tháng đó vẫn in đậm trong trái tim người chiến sĩ - Nghệ sĩ Lâm Nho, người đã một thời gắn bó với con đường cách mạng.

 

Điền Phương Thảo

Tin tức khác